5 Nhân Tố Phát Triển Tư Duy Hiệu Quả là 5 thói quen được tóm lược một cách ngắn gọn và cụ thể. Từ việc tìm hiểu vấn đề thấu đáo, mắc sai lầm, đặt câu hỏi, đi theo dòng ý tưởng và cuối cùng là sự thay đổi. Để giúp bạn nắm rõ vấn đề hơn, hai tác giả của cuốn sách đã dựa trên ý tưởng về các yếu tố tự nhiên cấu thành nên thế giới theo quan niệm Hy Lạp cổ: đất, lửa, khí, nước và đặt ra yếu tố thứ 5 là yếu tố quan trọng nhất, tổng hợp tinh túy 4 yếu tố còn lại. Làm chủ được 5 nhân tố này cũng chính là lúc bạn làm chủ cuộc đời và sự nghiệp của mình.
5 Nhân Tố Phát Triển Tư Duy Hiệu Quả dạy bạn phát hiện những nhược điểm, củng cố ưu điểm và tạo ra lối tư duy mang đậm dấu ấn cá nhân. Bạn sẽ tự tìm ra cách giải quyết vấn đề qua các tình huống cụ thể, được phân tích một cách thấu đáo và thực hành bài tập phương pháp cuối mỗi chương. Cuốn sách giống như một giáo trình đại học mà bạn phải học theo cách của mình. Ở đó, bạn sẽ rút ra kinh nghiệm từ bài kiểm tra với kết quả 58% của Silas hay hiểu cách nghệ sĩ kèn Trumpet nổi tiếng thổi bài hát dành cho người mới tập chơi. Bạn sẽ học được rằng bước đầu tiên để đạt kết quả cao là tìm hiểu thấu đáo vấn đề và nắm chắc những chi tiết cơ bản nhất. Bạn cũng khám phá ra bí quyết của những người thành công trong lịch sử như Henry Ford, tổng thống Lincoln… và tự tin rằng mình hoàn toàn có thể.
Lược bỏ lý thuyết, tăng gấp đôi ví dụ, kết hợp giữa thực tiễn và tạo lập thực hành, cuốn sách 5 Nhân Tố Phát Triển Tư Duy Hiệu Quả xóa bỏ những rào cản tư duy của đa số chúng ta. Edward B. Burger và Micheal Starbird khuyên độc giả nên đọc lại cuốn sách ít nhất 3 lần, 1 lần để nắm các ý chính, 1 lần để làm bài tập và lần cuối cùng để biến những điều trong cuốn sách thành của chính mình.
Trích đoạn sách hay
CẢM HỨNG TỪ NHỮNG CÂU HỎI: TRỞ THÀNH TRIẾT GIA SOCRATES CỦA CHÍNH MÌNH
Cuộc sống không có câu hỏi là một cuộc sống vô nghĩa – Socrates
R
ất nhiều người trong chúng ta thường khó chịu với những câu hỏi. Chúng ta liên hệ việc hỏi đáp với sự thiếu hiểu biết, dốt nát hay tệ hơn là thái độ thách thức. Trong cuốn sách này, chúng tôi muốn giới thiệu một góc nhìn khác về vấn đề này. Đặt câu hỏi là một phương pháp rất hiệu quả giúp chúng ta tư duy và học hỏi. Không chỉ có vậy, bản thân hành động tự mình suy nghĩ tìm ra câu hỏi vốn đã mang lại nhiều lợi ích cho bạn.
Socrates trở thành một trong những triết gia vĩ đại nhất trong lịch sử loài người nhờ phương pháp tư duy nổi tiếng của mình. Ông thách thức học trò, bạn bè, thậm chí cả kẻ địch của mình bằng những câu hỏi rất nan giải để giúp họ có được những tri thức mới mẻ. Các bạn chắc chắn sẽ rất thành công nếu luôn (24/7) mang trong mình một vị triết gia Socrates. Việc này là hoàn toàn có thể, bởi các bạn có thể tự đặt ra câu hỏi cho chính những suy nghĩ và giả định trong tư duy của bản thân, từ đó khám phá thêm nhiều hiểu biết mới. Bạn hoàn toàn có thể trở thành một Socrates của chính mình.
Thế giới tri thức từ những câu nghi vấn . Mọi người thường chỉ chú trọng vào giá trị của việc trả lời câu hỏi. Chúng ta tin rằng mình chỉ học được từ những câu trả lời. Thực tế là việc đặt ra câu hỏi cũng có vai trò quan trọng tương đương, thậm chí là còn quan trọng hơn những câu trả lời. Những câu hỏi tốt giúp chúng ta xác định được cốt lõi của vấn đề cần giải quyết. Các bạn có nhớ câu chuyện của Mary ở chương 2 không? Mary đã thành công trong việc đưa ra câu trả lời rất sáng tạo cho bài toán vô cực nhờ hai nhân tố: sẵn sàng mắc sai lầm và liên tục tìm cách trả lời những câu hỏi cốt yếu của vấn đề – “Lời giải này đã đúng chưa?” và “Làm thế nào để hoàn thiện câu trả lời hơn nữa?”. Mary hoàn toàn có thể tự đặt ra 2 câu hỏi này cho bản thân mình khi giải quyết những vấn đề khác.
Luôn luôn tư duy và đặt ra câu hỏi là một thói quen rất tốt giúp bạn hiểu sâu, có trải nghiệm tốt hơn về những vấn đề xung quanh mình. Tự đặt ra những câu hỏi khó có thể giúp bạn kiểm tra lại các giả định, tránh định kiến, tìm ra những điểm thiếu chặt chẽ trong lập luận, xác định được sai sót và khám phá thêm những giải pháp khác cho vấn đề. Tóm lại, đặt câu hỏi giúp bạn hiểu vấn đề tốt hơn và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Tạo ra câu hỏi từ những câu trả lời
Trong bất kỳ tình huống hay hoàn cảnh nào, các bạn đều có thể tìm ra được những câu hỏi rất sâu sắc và có giá trị. Các bạn không nên chỉ đặt câu hỏi khi đang cần tìm ra câu trả lời. Kể cả khi bạn đã biết được câu trả lời, hãy tự hỏi mình: “Nếu tình huống này xảy ra thì sẽ như thế nào?” để quan sát và nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn một vấn đề. Nếu các bạn thấy trường học chẳng còn mang lại giá trị gì cho mình, câu hỏi “Nếu… thì sẽ như thế nào?” sẽ giúp bạn khám phá, học hỏi và thu được nhiều lợi ích hơn từ những kiến thức đã mình có sẵn. Câu hỏi “Nếu… thì…?” giúp các bạn sẵn sàng thách thức những hiểu biết hiện tại của mình, mở rộng tầm nhìn; từ đó có thêm được những góc nhìn mới với vấn đề. Thói quen đặt ra câu hỏi giúp các bạn nhận ra điểm thiếu sót của mình và tạo động lực để các bạn phát triển.
Giải mã nguyên nhân của một tai nạn thảm họa . Vào ngày 28 tháng 1 năm 1986, một tai nạn thảm khốc xảy ra với toàn bộ phi hành đoàn của tàu vũ trụ Challeng- er khi con tàu nổ tung trong quá trình phóng khỏi quỹ đạo Trái đất. Một Ủy ban được thành lập để điều tra nguyên nhân của thảm họa này. Ủy ban đặc biệt có sự góp mặt của nhà vật lý nổi tiếng Richard Feynman từ Viện nghiên cứu kỹ thuật California (Caltech). Một hiện tượng đáng chú ý mà Ủy ban này phát hiện trong quá trình điều tra là việc nhiệt độ không khí xuống thấp một cách bất thường vào đêm trước ngày phóng tàu. Dữ liệu từ những camera giám sát cho thấy ngay trước khi Challenger được phóng, 2 bộ cánh tạo lực đẩy cho tàu xuất hiện dấu hiệu bất cân xứng rất nhỏ. Phát hiện này hướng cuộc điều tra tập trung vào O-rings, những vòng cao su kết nối 2 bộ cánh này.
Thiết kế tàu vũ trụ là vấn đề hết sức phức tạp, có liên quan đến hóa học, vật lý và cả cơ khí tự động hóa. Nhưng Tiến sỹ Feynman đã đưa ra nhận định rất chính xác vào trọng tâm của vấn đề chỉ bằng một câu hỏi: “Tính đàn hồi của những vòng O-ring này như thế nào trong điều kiện nhiệt độ thấp?”. Ông đã tiến hành một thí nghiệm đơn giản trong buổi điều trần của Ủy ban đặc biệt được truyền hình trực tiếp. Ông lấy một chiếc vòng O-ring của NASA, vặn thừng và kẹp chặt lại bằng kẹp chữ C rồi nhúng vào nước đá trong vài giây. Khi ông nhấc O-ring ra khỏi cốc nước đá, gỡ kẹp ra, toàn bộ người dân trên khắp nước Mỹ đều thấy rõ ràng là chiếc vòng O-ring đã bị biến dạng, không thể trở về dạng tròn ban đầu nữa. Bí ẩn về thảm họa Challenger đã được giải mã.
Những nhà lãnh đạo thành công trong tất cả các lĩnh vực đều không ngại đặt ra những câu hỏi có vẻ như rất ngu ngốc, hay chính xác hơn là những câu hỏi rất giản đơn và cơ bản – cơ bản đến mức các bạn có thể thấy rất xấu hổ vì mình không biết. Đừng bao giờ giả bộ mình biết nhiều hơn những gì mình thực sự biết. Đây là một tâm lý rất khó rèn luyện nhưng lại rất hiệu quả cho sự phát triển cá nhân của mỗi người trong chúng ta. Các bạn không thể phát triển bằng những hiểu biết mơ hồ, không rõ ràng và đầy đủ. Khi các bạn không hiểu bất kỳ một điều gì, hãy nhanh chóng công nhận điểm yếu của mình và ngay lập tức hành động để cải thiện tình hình – hãy đặt câu hỏi.
Nếu các bạn quên mất ai là thống đốc bang, hay có bao nhiêu nguyên tử hydro trong một phân tử nước (H¬2O), hay tích của 7 nhân 8 là bao nhiêu, cứ thoải mái tự đặt ra những câu hỏi cơ bản cho chính mình hoặc lặng lẽ hỏi bạn bè. Dù cách này hay cách khác, các bạn luôn phải hành động, đừng nên trốn tránh thực tế. Thực tế là, khi đưa ra những câu hỏi rất cơ bản, mọi người thường hay cho rằng bạn có suy nghĩ rất sâu sắc và thông minh. Nhưng quan trọng hơn, khi đặt ra những câu hỏi, dù là cơ bản nhất, các bạn sẽ tự xây dựng cho mình một hiểu biết vững chắc, giúp bạn tiến rất xa trong tương lai. Cách tư duy này sẽ giúp bạn thành công hơn rất nhiều so với tâm lý coi như mình đã biết mọi thứ chúng ta thường áp dụng. Những giáo viên giỏi thường khuyến khích, động viên, thậm chí là bắt buộc sinh viên của mình phải đặt ra những câu hỏi như vậy. Những câu hỏi rất cơ bản như: “Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đặt 1 chiếc vòng O-ring được kẹp chặt vào cốc nước đá?” có thể làm thay đổi cả thế giới mà chúng ta đang sống.
Vượt qua định kiến cá nhân . Các bạn có nhớ câu chuyện về màu sắc của bầu trời mà tôi đã đề cập ở chương trước không? Bóng tối là màu của trời. Câu chuyện làm nổi bật tầm ảnh hưởng của định kiến cá nhân lên cách nhìn nhận của chúng ta về thế giới xung quanh mình. Những cá nhân thành công luôn xác định và chủ động vượt qua những định kiến của bản thân trước khi đi vào giải quyết hay đưa ra nhận định về một vấn đề. Đặt ra những câu hỏi thách thức bản thân mình là phương pháp hữu hiệu giúp thực hiện thói quen này. Hãy tích cực đánh giá một vấn đề từ quan điểm đối lập và đặt ra những câu hỏi thách thức quan niệm ban đầu của bạn về vấn đề đó. Bạn phải tuyệt đối trung thực và khách quan để nhận ra những gì mình thực sự biết. Hãy luôn tự hỏi: “Mình đã thực sự hiểu vấn đề chưa?” và đừng chấp nhận những khẳng định thiếu cơ sở từ cái tôi của các bạn. Hãy thách thức mọi vấn đề và mọi người, kể cả giáo viên của các bạn. Đừng lo sợ, hãy tin vào chính mình! Bản thân các bạn là người biết rõ nhất mình còn chưa vững, còn thiếu hụt ở điểm nào. Đừng ngại đưa ra những câu hỏi cần phải được hỏi. Hãy dũng cảm hành động và thay đổi khi phát hiện ra điểm yếu của mình.
Đánh giá vấn đề từ những góc nhìn khác nhau . Hãy luyện tập thói quen đánh giá vấn đề từ đa dạng góc nhìn và quan điểm. Đặt câu hỏi theo nhiều cách khác nhau. Những góc nhìn mới sẽ giúp bạn có những hiểu biết và khám phá mới về vấn đề. Với những vấn đề toán học, các bạn có thể đánh giá bài toán theo khía cạnh số học, hình học, đại số hay liên hệ với thực tế đời sống. Với những vấn đề xã hội, các bạn có thể nhìn nhận từ góc độ của kinh tế học, từ cách nhìn nhận toàn cầu, từ quan điểm địa phương hay từ khía cạnh lịch sử. Ngoài ra, chúng ta còn có thể đánh giá vấn đề theo tiến trình phát triển của sự việc và đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn tới thay đổi; cách tác động của những nhân tố đó lên sự việc là như thế nào theo thời gian; và tác động của những nhân tố này lên diễn biến tương lai của sự việc. Hãy cố gắng kết nối ý tưởng có được từ những khía cạnh đa dạng này. Các bạn cũng nên xem xét áp dụng các kỹ năng, kiến thức có được trong một lĩnh vực lên những lĩnh vực khác trong đời sống, công việc và học tập của mình. Với quan sát của chúng tôi sau nhiều năm giảng dạy, những sinh viên áp dụng cách tư duy này xuất sắc hơn hẳn số đông, kể cả về thành tích học tập cũng như thành công trong công việc sau này. Chỉ với câu hỏi “như thế nào?”, mọi kỹ năng và kiến thức bạn nắm giữ có thể được kết nối và tương tác với nhau, đem lại sự phát triển vượt bậc cho tư duy của chính bạn.
Nếu bạn đang có kỳ thi sắp tới gần, hãy chuẩn bị bằng cách tự đặt ra đề thi cho mình. Trong khi ôn tập, hãy tự xây dựng ngân hàng đề thi của riêng bạn. Cách vài ngày sau khi đã ôn tập hết nội dung học, bắt đầu thử làm bộ đề thi giả định đó. Dự đoán trước câu hỏi thi là một cơ hội rất tốt để các bạn tự hỏi mình: “Những vấn đề chính của môn học này là gì? Mình đã hiểu thấu đáo tất cả các nội dung chính chưa?”. Ngoài học tập, bạn có thể áp dụng bài tập này trong những hoàn cảnh khác nhau, ví dụ như khi chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc hay một buổi thuyết trình. Trong những tình huống này, câu trả lời cho bài thi giả định của bạn sẽ là những thông tin hay kỹ năng cần được chuẩn bị trước. Bài tập tự xây dựng đề thi giả định này là một biện pháp chuẩn bị rất hiệu quả cho các phần hỏi đáp sau bài thuyết trình. Các bạn có hiểu nội dung bài nói của mình đủ sâu để xác định được những câu hỏi xoáy, đúng trọng tâm không? Không đặt ra được những câu hỏi đủ nghĩa có nghĩa là bạn chưa hiểu thật kỹ vấn đề mình sắp trình bày. Những câu hỏi sẽ giúp các bạn xác định được điểm yếu của mình, đồng thời giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề mình đang giải quyết. Hãy nhớ rằng, nếu bạn không tự đặt ra được câu hỏi, bạn cũng sẽ chưa sẵn sàng cho bài kiểm tra.
Một phương thức thúc đẩy tư duy hiệu quả…
Dạy để học
Xem xét một vấn đề bạn đang cố gắng tìm hiểu. Xây dựng một danh sách những câu hỏi cơ bản về vấn đề ấy, bao gồm những câu hỏi về nguyên nhân, nhân tố thúc đẩy, ví dụ, tổng quan và chi tiết của vấn đề đó. Danh sách này sẽ giúp các bạn đưa ra được những giải thích thật toàn diện và đầy đủ về vấn đề nghiên cứu. Dựa vào những câu hỏi và câu trả lời đó, hãy chuẩn bị bài giảng nhỏ và trình bày trước một nhóm người, có thể là bạn bè, gia đình hay thậm chí là giáo viên của bạn. Đặt cho họ những câu hỏi để tự đánh giá mức độ hiểu biết và cách truyền đạt thông tin của chính bạn.
Ví dụ minh họa: Hãy đặt câu hỏi cho Mark
Mark là một giáo viên dạy toán trung học rất thành công. Khi được hỏi anh thực sự hiểu tích phân từ lúc nào, Mark trả lời: “Khi tôi dạy chủ đề này lần đầu tiên. Cách tốt nhất để học bất kỳ điều gì là qua việc trực tiếp giảng dạy những vấn đề đó. Khi dạy bất kỳ chủ đề nào, tôi luôn tự đặt ra hàng loạt những câu hỏi cơ bản cho mình: Tại sao phải học về vấn đề này? Những ví dụ minh họa đơn giản cho vấn đề này là gì? Tôi nên tập trung khai thác khía cạnh nào của chủ đề? Bản chất của vấn đề là như thế nào? Bức tranh tổng thể của vấn đề là gì? Các chi tiết được kết nối với nhau như thế nào? Những chi tiết nào là quan trọng? Những câu hỏi này giúp tôi hiểu sâu hơn về điểm cốt lõi nhất của vấn đề, chỉ rõ những mảng kiến thức tôi đã hiểu rõ và những mảng nào còn cần phải bổ sung”.
…Trở thành triết gia Socrates của chính mình
Trong tập phim “Fatigues” của serie phim truyền hình nổi tiếng Seinfeld, Geogre, nhân vật chính của serie phải làm việc với các nhà lãnh đạo của tổ chức Yankees về vấn đề quản trị rủi ro. Nhưng anh lại không thể cầm được quyển sách quản trị rủi ro lên để đọc. Sau những nỗ lực hài hước, Geogre tranh thủ được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình và vô tư của một nhân viên trẻ tuổi tên là Abby. Abby luôn ngưỡng mộ và coi Geogre là hình tượng để mình học tập. Cô rất vui mừng khi được Geogre đồng ý hướng dẫn. Geogre nói rằng anh ta cũng từng có thời còn rất thiếu kinh nghiệm như Abby bây giờ, hoàn toàn không biết gì về quản trị rủi ro cả. Khi Abby thừa nhận cô không biết gì về chủ đề này, Geogre lừa Abby đọc toàn bộ cuốn sách và nói lại cho anh ta nội dung của vấn đề quản trị rủi ro. Vào cuối tập phim, các bạn hãy đoán xem ai là người hiểu hơn về quản trị rủi ro?
Cách học thông thường có thực sự giúp bạn chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới không? Trong phần lớn các khóa học toán, cơ hội duy nhất để sinh viên trực tiếp ứng dụng và tập luyện các kiến thức được học là qua những bài tập về nhà. Sinh viên thường hoàn thành các bài toán này trong môi trường làm việc rất thoải mái và nhẹ nhàng. Các bạn từ từ hoàn thành bài tập trong những buổi tối nằm dài ở nhà, tai nghe iPod, tay nhắn tin cho bạn bè.
Nhưng bài kiểm tra cuối kỳ diễn ra như thế nào? Trong vài tiếng đồng hồ tại phòng thi nghiêm ngặt, các sinh viên phải ngồi tại chỗ trong không khí căng thẳng để hoàn thành bài thi. Mặc dù cách thức giảng dạy này rất phổ biến và được áp dụng rộng rãi, chúng tôi, những tác giả của cuốn sách này, hết sức nghi ngờ về giá trị thực sự mà mô hình mang lại. Câu hỏi của chúng tôi là: “Chúng ta hướng dẫn sinh viên cách làm bài dưới áp lực thời gian vào lúc nào trong cách giảng dạy truyền thống?”. Câu trả lời là không ở giai đoạn nào cả. Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều sinh viên lại sợ toán như vậy.
Để giúp sinh viên chuẩn bị hiệu quả cho những bài thi cuối kỳ, các giảng viên nên cho sinh viên của mình tập luyện làm bài trong một điều kiện tương tự với không khí của bài thi cuối kỳ. Ví dụ, các bạn có thể tổ chức các buổi làm bài tập trực tiếp trên lớp với nhiều câu hỏi nhỏ, giới hạn thời gian 60 giây cho 1 câu và liên tục ép các sinh viên phải hoàn thành bài nhanh chóng. Những bài tập khắc nghiệt này sẽ giúp sinh viên làm quen với áp lực thi cử, làm bài tập trung hơn, ít bị phân tán, phân tích đề bài nhanh hơn và đưa ra lời giải với độ chính xác cao hơn. Đến thời điểm làm bài thi cuối kỳ, các em sẽ không bị choáng ngợp với áp lực thời gian trong khi thi. Đối với sinh viên, hãy liên tục thách thức bản thân mình hoàn thành bài tập về nhà nhanh nhất có thể. Hãy tự hỏi: Mình có thể giải quyết bài toán này nhanh đến đâu? Mình có thể làm được bao nhiêu phần trăm bài trong vòng 30 phút, chưa cần xét đến độ chính xác của câu trả lời? Các bạn đang luyện tập để chuẩn bị cho kỳ thi lớn cuối kỳ nên đừng lo lắng gì cả. Hơn nữa, các bạn luôn có thể xem xét và điều chỉnh những câu trả lời sai sau đó. Mỗi khi chuẩn bị cho bất kỳ vấn đề gì, bạn hãy tự đặt ra câu hỏi: “Hàng ngày, mình có thể làm gì để chuẩn bị thật tốt cho thời điểm chính thức giải quyết vấn đề trong tương lai?”.
Kích thích trí tò mò của bạn qua những câu hỏi
Thói quen đặt câu hỏi . Nếu các bạn muốn học hỏi được nhiều hơn từ môi trường xung quanh, hãy tạo thói quen đặt câu hỏi trong mọi hoàn cảnh – trong bài giảng trên lớp, cuộc họp trong công ty, trong khi đang nghe nhạc, xem ti vi hay thưởng thức nghệ thuật. Những người có thói quen đặt câu hỏi thành công hơn rất nhiều so với những người không quan tâm gì đến những việc diễn ra xung quanh mình. Liên tục nghĩ và đưa ra những câu hỏi sẽ giúp các bạn hiểu sâu hơn về vấn đề đang giải quyết.
Dù các bạn là giáo viên hay các nhà quản lý, hãy luôn khuyến khích sinh viên và nhân viên của mình phát triển thói quen đặt câu hỏi. Trong buổi học, thay vì hỏi: “Có ai có câu hỏi gì không?”, hãy giả sử là những câu hỏi đang tồn tại, các bạn có thể yêu cầu sinh viên thảo luận theo cặp và mỗi nhóm đưa ra 2 câu hỏi. Sau đó ngẫu nhiên chọn sinh viên đứng lên phát biểu câu hỏi của họ. Hãy để người nghe chủ động tạo ra câu hỏi. Chủ động tạo câu hỏi là một thói quen quan trọng giúp kích thích trí tò mò và nâng cao khả năng học hỏi suốt đời của tất cả chúng ta.
Các bạn hãy tập thói quen nghĩ ra câu hỏi kể cả khi không được yêu cầu. Tất nhiên sẽ rất tốt nếu các bạn tự tin hỏi trực tiếp trong những buổi thuyết trình hay lớp học. Câu hỏi được đặt ra với người thuyết trình giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề, và cũng thể hiện sự quan tâm của bạn đối với vấn đề đang được thảo luận. Nhưng kể cả khi các bạn không đưa ra câu hỏi, chỉ việc phát triển câu hỏi trong đầu cũng đã mang lại rất nhiều giá trị to lớn rồi. Tự nghĩ ra bài thi thử trước các kỳ thi là một phương pháp chuẩn bị tốt, nhưng đừng đợi đến sát ngày mới bắt đầu chuẩn bị cho bài kiểm tra lớn sắp tới. Hãy đặt mình vào vị trí của những nhà phân tích và đưa ra những câu hỏi cho mọi sự vật, sự việc hay vấn đề bạn gặp hàng ngày. Hãy tự hỏi mình: “Mọi người sẽ đặt ra cho mình những câu hỏi như thế nào để đánh giá mức độ hiểu biết của mình về vấn đề này?”.
Phát triển tư duy phản biện . Tập thói quen đặt câu hỏi sẽ giúp bạn lắng nghe chủ động và hiệu quả hơn, nhờ vậy hiểu vấn đề tốt hơn. Hẳn các bạn đều biết chúng ta rất nhanh mất tập trung khi đang nghe giảng hay đọc sách. Tất cả giáo viên (và các bậc phụ huynh) đều biết con cái mình cực kỳ dễ mất tập trung khi ngồi trong lớp học.
Chính cách thức xử lý và tiếp nhận thông tin diễn ra trong đầu của bạn quyết định năng lực tiếp thu và học hỏi của mỗi người. Chỉ lắng nghe thôi thì chưa đủ. Bạn phải liên tục đặt câu hỏi đối với những gì được nghe nữa. Một khi các bạn tập luyện được thói quen tư duy này, bạn có thể tìm thấy hứng thú khi lắng nghe những chủ đề nhàm chán và phức tạp nhất. Các bạn sẽ thấy hứng thú với những gì mình hiểu về vấn đề chứ không phải những gì mình được nghe về vấn đề đó. Khi lắng nghe người khác, bạn hãy nhớ luôn sử dụng tư duy phản biện!
Vinh dự là người đặt câu hỏi chính thống . Trong mỗi buổi dạy, tôi (tác giả Burger) luôn lựa chọn ngẫu nhiên 2 sinh viên với trách nhiệm là “người được bổ nhiệm đặt câu hỏi”. Ở vị trí này, các sinh viên có trách nhiệm đặt ra ít nhất 1 câu hỏi trong từng buổi học. Sau một ngày nắm giữ vị trí “người được bổ nhiệm đặt câu hỏi” vào đầu kỳ học, Carrie, một trong những sinh viên của tôi tại trường đại học Baylor, đến gặp tôi tại văn phòng. Mở đầu câu chuyện, tôi nhẹ nhàng hỏi: “Em có thấy vinh dự khi trở thành một trong những người đặt câu hỏi của lớp không?”. Với một thái độ vô cùng nghiêm túc, Carrie thừa nhận rằng lúc đầu em đã rất lo lắng khi được giao phó trách nhiệm này. Nhưng rồi em đã có một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt trong buổi học đó so với những buổi học trước. Buổi học này cũng như những bao buổi học bình thường khác. Điểm khác biệt lớn nhất đối với Car- rie là khi được đặt ở vị trí người đặt câu hỏi, em phải tập trung và suy nghĩ về bài giảng sâu hơn rất nhiều. Em cảm thấy bài giảng sống động hơn, còn bản thân thì hiểu nội dung bài giảng rõ ràng và sâu sắc hơn rất nhiều. Carrie đã học được nhiều điều từ buổi học.
Vai trò “người đặt câu hỏi” đã giúp Carrie luyện tập một thói quen tư duy rất cần thiết của những sinh viên thành công. Từ sau ngày hôm đó, Carrie tích cực hơn trong việc đặt câu hỏi trên lớp, từ đó mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho quá trình học tập của em mà còn giúp cả lớp hiểu thêm về vấn đề. Carrie đã thay đổi được cách học và cách em tiếp nhận thông tin trong cuộc sống hàng ngày. Qua rèn luyện, các bạn hoàn toàn có thể xây dựng được tư duy phản biện trong mọi tình huống. Các bạn có thể học được cách lắng nghe có chọn lọc và chủ động đặt ra những câu hỏi để tìm ra điểm thiếu sót, tìm ra những giả định, những ý tưởng mở rộng hay những điểm còn chưa cụ thể, rõ ràng. Nếu các bạn sử dụng thành thục thói quen tư duy đặt câu hỏi này trong mọi hoàn cảnh, từ lớp học đến công việc, các bạn sẽ có được ít nhất 2 ích lợi to lớn. Thứ nhất, các bạn có thể hoàn thành công việc xuất sắc hơn và thứ hai, các bạn sẽ hiểu hơn về những gì đang diễn ra quanh mình.
Đâu là những câu hỏi thực sự có giá trị?
Nhiều người dành cả cuộc đời chỉ để theo đuổi những câu hỏi sai lầm. Họ chạy theo mục tiêu tiền bạc trong khi thực sự tất cả những gì họ muốn có, và cần có là hạnh phúc. Họ tìm mọi cách để có được địa vị xã hội, để nhận được sự tôn trọng từ những người xa lạ, từ số đông vô nghĩa. Vì vậy, trước khi nhắm mắt đi tìm câu trả lời, các bạn hãy luôn đứng lại và tự hỏi: “Câu hỏi thực sự ở đây là gì?”. Trong rất nhiều trường hợp, những câu hỏi bật ra ngay trong đầu bạn không phải là những câu hỏi có dẫn tới hành động giá trị nhất.
Những câu hỏi cá nhân kiểu như: “Làm thế nào để mình có được thành công?” hay “Làm thế nào để đạt điểm thi xuất sắc?” hay những câu hỏi nghiên cứu như: “Tại sao các học sinh người Mỹ gốc Phi thường không giỏi toán?” đều là các câu hỏi quan trọng, nhưng không phải là câu hỏi có giá trị. Những câu hỏi có giá trị là câu hỏi có thể giúp các bạn thay đổi tư duy, khám phá được những ý tưởng và giải pháp mới. Những câu hỏi này giúp bạn xác định được những định kiến ngầm cản trở tầm nhìn của bạn, từ đó khai phá những hướng suy nghĩ mới mẻ hơn để giải quyết vấn đề. Vậy những câu hỏi được đề cập ở trên sai ở điểm nào và chúng ta có thể khắc phục những sai sót đó bằng cách nào?
Câu hỏi “ Làm thể nào để có được thành công ?” là một câu hỏi rất mơ hồ và không thể trả lời được trước khi các bạn cân nhắc thật kỹ về định nghĩa của sự thành công. Việc đầu tiên các bạn cần làm là tự hỏi thành công có ý nghĩa như thế nào với bản thân bạn. Tiếp đó hãy đặt ra những câu hỏi để xây dựng lộ trình cho hành động của bản thân. Các bạn có coi thành công là kiếm được nhiều tiền không? Nếu câu trả lời là có, các bạn có đang dựa trên giả định nào không? Bạn coi những anh chàng Wall Street giàu có nhưng không hạnh phúc hay một họa sĩ nghèo, không nổi tiếng nhưng luôn sống với niềm đam mê của mình là hình tượng của thành công? Bạn phải tự định nghĩa thành công cho chính mình. Chỉ khi định nghĩa được thành công, bạn mới có thể đặt ra những câu hỏi đúng về việc làm thế nào để thành công. Đưa ra những câu hỏi hiệu quả sẽ giúp bạn xác định và phát triển được những giá trị, thói quen, kỹ năng cần thiết để làm nên sự khác biệt.
Những câu hỏi hiệu quả giúp bạn có được kế hoạch hành động cụ thể chứ không mơ hồ và chung chung.
“ Làm thế nào để đạt điểm thi xuất sắc? ” Nếu bạn đang là sinh viên, chắc chắn là mối quan tâm hàng đầu của bạn sẽ là làm sao để vượt qua các kỳ thi với điểm số tốt nhất. Nhưng việc chỉ quan tâm đến kỳ thi cuối cùng lại không phải là cách tốt nhất để nâng cao kết quả của bạn. Hãy tưởng tượng bạn sắp có một cuộc thi chống đẩy trong vài tháng sắp tới. Hoặc bạn có thể tập trung chuẩn bị tốt nhất cho ngày thi, nghĩ xem mình sẽ ăn gì cho tốt, mặc quần áo thế nào cho thoải mái nhưng vừa vặn và tìm cách khai thác được 110% sức mạnh của mình trong cuộc thi. Hoặc bạn có thể tập luyện đều đặn hàng ngày, mỗi ngày tăng dần số lần chống đẩy được thực hiện và dễ dàng vượt qua được thử thách trong ngày thi. “Làm thế nào để có kết quả thi cao nhất?” không phải là một câu hỏi tốt. Các bạn nên hỏi những câu hỏi hiệu quả hơn, ví dụ như: “Làm thế nào để mình hiểu bài trên lớp tốt hơn?”, “Liệu mình có thể giảng lại cho người khác về nội dung bài học được không?” “Mình có thể viết lại dàn ý chi tiết của khóa học này được không?”. Những câu hỏi này sẽ chỉ ra những phương pháp hành động hiệu quả nhất giúp bạn đạt được mục tiêu của mình – chủ động lắng nghe, đặt câu hỏi, học nhóm hoặc tốt nhất là giảng bài giúp bạn bè.
Những câu hỏi tốt sẽ giúp các bạn hiểu hơn về vấn đề và định hướng những điểm trọng yếu các bạn cần tập trung để vượt qua thử thách.
“ Tại sao các học sinh Mỹ gốc Phi thường không giỏi toán? ” Các trường đại học, viện nghiên cứu đã dành ra hàng tỷ đô la và rất nhiều nguồn lực con người để đi tìm lời giải cho những câu hỏi như thế này. Nhưng đây là một câu hỏi không chính xác. Câu hỏi này khiến chúng ta mắc sai lầm khi tập trung vào nhân tố chủng tộc chứ không phải những nhân tố thực sự thúc đẩy kết quả học của bất kỳ sinh viên đến từ bất kỳ dân tộc nào. Những nhân tố thực sự có thể bao gồm phương pháp dạy, những tài liệu, phương tiện học tập, khối lượng sự giúp đỡ sinh viên được nhận, sự khuyến khích và động viên, thói quen và thái độ học tập, thời gian dành cho môn học, mức độ tự tin và chủ động trong khi nghe giảng và kết quả học tập trong quá khứ của sinh viên đó. Những câu hỏi liên quan đến các nhân tố này cũng như tác động của chúng lên thành công trong học tập của bất kỳ một sinh viên nào sẽ giúp chúng ta có định hướng đúng vào những điểm cần quan tâm. Những câu hỏi đúng chỉ ra cho chúng ta mọi khả năng thực tế có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của một học sinh; từ đó xây dựng được những giải pháp khả thi để giúp đỡ đúng nhóm đối tượng cần giúp đỡ – tất cả những học sinh yếu về toán chứ không phải là những học sinh người Mỹ gốc Phi.
Những câu hỏi hiệu quả giúp chỉ ra vấn đề thực sự.
Trong quá trình tìm ra những câu hỏi có giá trị, các bạn có thể thấy chúng ta thường gặp một trong hai vấn đề: hoặc bạn có câu hỏi đúng nhưng không biết câu trả lời, hoặc bạn không biết nên có câu hỏi gì.
Một phương thức thúc đẩy tư duy hiệu quả…
Nâng cao chất lượng câu hỏi của bạn
Đối với một sinh viên, câu hỏi “Làm thế nào để mình có điểm số cao hơn?” không phải là một câu hỏi hiệu quả giúp bạn đạt được mục tiêu. Những câu hỏi khác, ví dụ như: “Làm thế nào để mình có thể tư duy tốt hơn và hiểu vấn đề sâu hơn?” “Làm thế nào để mình diễn đạt ý tưởng mạch lạc hơn?” hay “Làm thế nào để kích thích được trí tò mò của mình?” có thể giúp ích cho bạn hơn rất nhiều. Bạn hãy thử đưa ra các câu hỏi cụ thể và có giá trị hơn cho những ví dụ dưới đây. Hãy xây dựng những câu hỏi để kiểm tra giả định, làm rõ vấn đề chính và giúp gợi ý bước hành động cụ thể.
– “Làm thế nào để mình quản lý thời gian tốt hơn?”
– “Làm thế nào để mình tìm được công việc phù hợp trong vài năm tới?”
– “Làm thế nào để mình thu hút được khách hàng tiềm năng này?”
– “Làm thế nào để mình khắc phục được những thói quen xấu?”
– “Làm thế nào để sinh viên của mình học tốt hơn?”
Hãy áp dụng bài tập này cho mọi câu hỏi các bạn sẽ gặp trong cuộc sống của mình. Hãy đặt câu hỏi cho chính câu hỏi của mình.
Ví dụ minh họa: Nên làm gì khi tắc đường
Mỗi khi bị mắc kẹt giữa dòng phương tiện chật cứng trên đường lúc tan tầm, các bạn thường hay thở dài: “Làm thế nào để giải quyết được vấn đề này?!?”.
Câu trả lời là rất rõ ràng: mở rộng đường hoặc xây thêm đường cao tốc. Nhưng trừ khi bạn trở thành Thủ tướng hay Bộ trưởng Bộ Giao thông, các bạn không thể biến giải pháp này thành hiện thực được. Đặt ra một câu hỏi như vậy chỉ làm cho các bạn căng thẳng hơn chứ không đem lại giá trị nào đáng kể. Hãy đặt ra những câu hỏi ví dụ như: “Với 45 phút tắc đường thế này, mình có thể tranh thủ thời gian làm được việc gì?”. Đây là một câu hỏi có giá trị. Các bạn có thể tranh thủ nghe các quyển sách audio, học tiếng Hy Lạp qua đài radio hay hỏi thăm bạn bè, người thân của mình từ xa qua Bluetooth.
…Trở thành triết gia Socrates
Những câu hỏi nên được đặt ra trong môi trường học thuật . Trong môi trường học thuật, trước khi giao bài tập cho sinh viên, các giảng viên cần tự hỏi: “Bài tập này sẽ giúp sinh viên của mình phát triển kỹ năng gì?” và sau đó là: “Những hoạt động này sẽ giúp sinh viên thu thập được bài học gì?”. Nếu các bạn đang ở vị trí sinh viên, hãy đặt ra những câu hỏi tương tự: “Bài tập này giúp mình phát triển kỹ năng gì?”, “Bài học lớn nhất mình học được từ nhiệm vụ này là gì?” “Mình đã hiểu được những bài học, ý tưởng đó chưa?”. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những người chủ động đặt ra những câu hỏi này thường thành công hơn những người không quan tâm đến các câu hỏi.
Ví dụ, mỗi khi bạn có một bài luận nào đó, hãy coi nhiệm vụ này như một cơ hội tốt để nâng cao kỹ năng giao tiếp, truyền đạt ý tưởng của bạn. Đây là kỹ năng rất quan trọng giúp bạn thành công trong cả học tập và cuộc sống sau này. Còn các giáo viên thì nên xây dựng các bài tập hướng tới mục tiêu bền vững và có hệ thống như phát triển kỹ năng giao tiếp và tư duy hiệu quả. Qua những câu hỏi về mục tiêu của hành động, các bạn sẽ tránh được việc máy móc làm theo yêu cầu của công việc và có thể khai thác được nhiều lợi ích to lớn trong các bài tập này. Hãy luôn đặt câu hỏi cho những câu hỏi.
Một phương thức thúc đẩy tư duy hiệu quả…
Đặt ra những câu hỏi đúng
Cho dù bạn đang ở trong trường học, phòng họp hội đồng quản trị hay phòng khách nhà bạn, đặt ra những câu hỏi đúng đắn về các vấn đề trước khi đi vào giải quyết sẽ giúp bạn đạt được kết quả cao hơn nhiều. Hãy tự hỏi: “Mục tiêu cần hoàn thành ở đây là gì? Mình có thể học được gì sau khi xử lý vấn đề này?”. Hãy luôn ghi nhớ lợi ích của những câu hỏi. Thói quen tư duy này cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian khi đã gạt đi được những thông tin gây nhiễu luôn xuất hiện trong giai đoạn đầu của mọi dự án và xác định được vấn đề cốt lõi cần được giải quyết.
Ví dụ minh họa: Câu hỏi đúng về gấu
Đây là một truyện cười nổi tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ra những câu hỏi đúng: Khi đang đi bộ trong rừng, 2 người đàn ông bất chợt bị một con gấu rượt đuổi. Họ vừa chạy vừa hét lên:
Người thứ 1: Chúng ta sẽ không thể chạy thoát con gấu được rồi!
Người thứ 2: Tôi không cần phải chạy thoát con gấu, vấn đề chính ở đây là liệu tôi có thể chạy nhanh hơn anh được không?
Anh bạn thứ 2 đã đưa ra được câu hỏi cốt lõi.
…Trở thành triết gia Socrates của chính mình
Không có gì vô nghĩa hơn việc làm quá tốt những thứ lẽ ra không cần phải làm. – Peter Drucker
Nhiều giáo viên thường hiểu nhầm về vai trò của họ đối với việc học của sinh viên. Họ cho rằng nhiệm vụ của mình là cung cấp càng nhiều kiến thức theo cách dễ hiểu nhất cho học sinh càng tốt. Thực ra, mục tiêu chính của việc học phải là nhằm xây dựng và phát triển kỹ năng, phương pháp tư duy, thái độ sống để giúp các em có thể độc lập suy nghĩ và giải quyết vấn đề trong mọi tình huống của cuộc sống sau này. Vì vậy, nếu các anh đang đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để sinh viên của mình hiểu được vấn đề này?” thì hãy xin hãy xem lại câu hỏi.
Sinh viên khi đến trường thường được đào tạo với mục tiêu là đạt điểm cao và tốt nghiệp xuất sắc. Nhưng những thứ đó không phải là mục tiêu thực sự của việc học. Nếu không phải vì điểm số và bằng cấp, mục tiêu thực sự của việc học nên là gì? Mục tiêu của học hành lẽ ra phải chú trọng phát triển khả năng suy nghĩ, phân tích, truyền đạt ý tưởng và những năng lực tư duy khác. Nếu tất cả mọi người, từ giáo viên, sinh viên cho đến toàn xã hội hiểu được mục tiêu thực sự của giáo dục, chúng ta sẽ được chứng kiến một thay đổi hết sức tích cực trong lĩnh vực này.
Kết luận: bí quyết đặt câu hỏi và phát triển tư duy phản biện
Biết cách đặt ra những câu hỏi đúng đắn là một phương pháp tư duy cực kỳ hiệu quả giúp các bạn học và hiểu vấn đề sâu sắc hơn. Những câu hỏi sắc sảo có thể gợi mở nhiều ý tưởng sáng tạo. Đó là những câu hỏi giúp định hướng hành động và kích thích trí tò mò của các bạn. Câu hỏi đem lại cho chúng ta hơi thở mới của cảm hứng và gợi mở mới cho tư duy của chúng ta, vì vậy, chúng tôi muốn liên hệ nghệ thuật đặt câu hỏi này với nhân tố Khí.
Các bạn sẽ có được rất nhiều lợi ích khi tập luyện được thói quen đặt câu hỏi. Tư duy của các bạn sẽ linh hoạt và nhạy bén hơn nhờ biết cách lắng nghe và quan sát cuộc sống một cách chủ động, có chọn lọc. Các bạn sẽ cởi mở hơn với những ý tưởng mới, bởi các câu hỏi giúp bạn xác định cũng như đánh giá các định kiến cá nhân của mình. Và trên hết, các bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn vì bạn đã biết rõ câu hỏi chính cần được trả lời là gì. Hãy là vị triết gia Socrates cho chính bản thân mình!
Nguồn: Internet