“Cuộc sống con người luôn có nhiều khó khăn thử thách và nhiều đổi thay. Biển cả rộng lớn và bí ẩn luôn cho ta những bài học vô giá và không bao giờ cũ.”

Hành trình của chúng ta trong cuộc sống có rất nhiều điểm giống như việc lèo lái, định hướng một con thuyền trên biển cả sóng gió. Trong cuộc hành trình đó, mỗi người đều được quyền phán đoán và có những chọn lựa khác nhau, hoặc an phận đi theo con đường dễ dàng, hoặc dũng cảm dấn thân đi qua vùng bão tố. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi người đều có thể lựa chọn cuộc sống cho chính mình mà không phải phụ thuộc vào bất cứ điều gì và hoàn cảnh nào. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần có là đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng suốt để có thể thành công trên con đường của chính mình, hướng tới những ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống, tự lựa chọn hướng đi tương lai mà không phải phụ thuộc vào bất cứ ai, vào bất cứ điều gì và hoàn cảnh nào.

Và để giữ vững tay chèo, điều quan trọng nhất mà ta cần có là đưa ra những quyết định sáng suốt cũng như biết cách nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng sống, hướng tới những ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống. Đó chính là thông điệp mà First News muốn gởi đến các bạn đọc qua tập sách Biển cả và Giá trị Cuộc sống của tác giả Richard Bode.

Bằng tình yêu mãnh liệt và nguồn cảm hứng vô tận từ biển cả bao la, kết hợp với những trải nghiệm sâu sắc của thời trai trẻ, tác giả Richard Bode đã chuyển tải đến độc giả khắp thế giới những khát khao, những đam mê về một thế giới tự do bất tận giữa thiên nhiên và những bài học cuộc sống qua Biển cả và Giá trị Cuộc sống.

Với cậu bé nhân vật chính trong tác phẩm này, biển cả chính là cuộc sống của cậu – một cuộc sống với gió, nước, những chú nhạn biển, thủy triều và những đợt sóng không ngừng… Cuộc sống ấy là sự hòa hợp và hiện thân của những gì êm dịu, hứng khởi, của những bí ẩn thử thách cuộc đời đang chờ đợi cậu khám phá. Cũng có lúc cậu cảm thấy sợ hãi trước sức mạnh của đại dương nhưng ước mơ trở thành một thủy thủ thực thụ đã thôi thúc cậu dấn thân, mạo hiểm ra khơi để thỏa mãn khát vọng, để tiếp nhận những bài học vô giá từ trải nghiệm bản thân. Và cậu cũng hiểu rằng những cơn bão tố, những đợt sóng thần, những tảng băng trôi mặc dù rất to lớn so với sự nhỏ bé, yếu ớt của con người, nhưng con người đều vượt qua tất cả những sức mạnh đó bằng trí thông minh và lòng dũng cảm.

Qua từng trang sách của Biển cả và Giá trị Cuộc sống, chúng ta sẽ tìm thấy những bài học bổ ích về cuộc sống, về cách nuôi dưỡng ước mơ, cũng như lựa chọn hướng đi cho tương lai. Những bài học từ Biển cả và những giá trị cuộc sống còn giúp ta hiểu được rằng cuộc sống là một hành trình không có điểm dừng chân cuối cùng, việc làm cách nào để có thể hướng đến đích còn quan trọng hơn là việc khi nào về đích, cảm nhận và sống với những hạnh phúc bình dị trong cuộc đời còn quan trọng hơn nhiều so với tham vọng sở hữu những tài sản vật chất to lớn.

Hãy đọc và cùng tác giả khám phá biển cả với những giá trị vô giá của cuộc sống ẩn chứa trong lòng đại dương bao la và tìm hướng đi thích hợp để lèo lái con thuyền cuộc đời của chính mình đến bến bờ thành công và hạnh phúc.

Trích đoạn sách hay

THOÁT KHỎI XIỀNG XÍCH

“Tự do là gì? Hãy nói về con thuyền lướt đi nhẹ nhàng trên mặt nước. Chúng ta tự hỏi: Con thuyền dập dềnh trên biển tự do như thế nào? Khi hỏi như vậy, nghĩa là chúng ta muốn biết: Nó theo gió như thế nào? Nó tuân theo hơi thở vĩ đại của bầu trời đang căng đầy trong những cánh buồm ra sao? Ném mình vào đầu sóng ngọn gió, hãy xem con thuyền do dự và phân vân như thế nào, từng thớ gỗ lung lay và cả bộ khung rung lắc ra sao? Ngay cả khi nó đang tung hoành giữa vòng xiềng xích của biển cả? Con thuyền chỉ thực sự tự do khi bạn không điều khiển nó nữa và bạn sẽ nhận ra một lần nữa nó lại trở về vòng cương tỏa của những thế lực mà nó cần tuân theo và không thể khuất phục nổi.”

Tôi đã hiểu được ý nghĩa thâm thúy trong từng câu chữ trên của Woodrow Wilson, tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ, trước cả khi tôi đọc được nó trên tờ lịch với những câu danh ngôn đáng nhớ do một cửa hàng phần mềm gửi tặng. Tôi thực sự biết ơn người chủ cửa hàng ấy, vì món quà của ông đã giúp tôi hồi tưởng lại nỗi sợ hãi khủng khiếp mà mình đã trải qua khi lần đầu tiên bị ngọn gió “kìm kẹp”. Tôi đã bước xuống con thuyền, giương buồm lên và nhổ neo, hoàn toàn không nghĩ đến những bất trắc có thể xảy ra. Một cách thật tự tin, tôi giong thuyền đi vào vùng nước rộng lớn, nơi những làn gió nhẹ mùa hè mơn man thổi.

Con kênh rộng không tới 45 mét, dài gần 1,6 km và có hình mũi tên thẳng tắp, thỉnh thoảng có những đập chắn nước nhỏ. Vì gió thổi thẳng hướng trên trục Bắc- Nam, nên tôi phải đổi đường chạy hơn một nửa chiều dài của con kênh để có thể giong ra vịnh. Tôi làm tất cả những việc ấy với một sự khéo léo đáng kể. Và sau mỗi lần đổi đường chạy nhằm tránh khỏi sự va chạm vào các đập hay những con tàu đang neo, hoặc một loạt cầu tàu đan xen dày đặt nhô ra ngoài thẳng góc với đất liền, thì khả năng lái thuyền của tôi lại tiến bộ rõ rệt.

Nhưng những cơn gió mạnh ngoài vịnh bỗng trở nên nguy hiểm một khi đã lọt vào bên trong kênh. Chúng ẩn náu sau những ngôi nhà rộng, mang kiến trúc thời Nữ hoàng Victoria (thế kỷ XIX) xếp hàng dài bên bờ biển, thỉnh thoảng quét qua những cổng vòm cửa trước theo những hướng không xác định, và lần khác lại thổi ở cửa sau, khiến người ta không bao giờ đoán trước được.

Thế là con kênh trở thành cửa tử với những con sóng thất thường và những rào cản bất di bất dịch. Nó thực sự là một thách thức đối với một thủy thủ lão luyện và là một thảm họa chực chờ đổ ập xuống đầu một kẻ tay mơ trong nghề đi biển như tôi bất cứ lúc nào.

Tôi bắt đầu chạy dọc con kênh theo hình chữ chi và để ý thấy rằng hình như với những con đường ngoằn ngoèo thế này, tôi có thể tiến gần đến vịnh nhanh chóng hơn. Trong đầu tôi bây giờ chỉ tồn tại duy nhất một ý nghĩ rằng tôi cần phải tiến lên hết mức có thể trong mỗi lần đổi đường chạy. Tôi đã không nhận ra rằng trong suốt những ngày đầu, khi tôi và con thuyền bắt đầu hiểu tính nết của nhau, nếu tôi muốn giữ được quyền điều khiển, tôi cần phải để thuyền di chuyển, di chuyển bằng mọi giá, để hướng về phía cơn gió đang đổi chiều. Thực tế là, chạy thuyền từ kênh ra vịnh còn dễ hơn nhiều so với việc đưa thuyền từ vịnh trở về kênh.

Trong cuộc sống, nghề đi biển cũng tương tự như những nghề khác, nếu bạn có được đà để tiến lên thì thật đáng quý. Bởi nó là nguồn lực thứ hai giữ cho chúng ta vững bước thêm một quãng đường nữa, sau khi nguồn lực thứ nhất – nguồn năng lượng của gió – mất đi. Trong thể thao cũng vậy, không phải ngẫu nhiên mà các vận động viên luôn ý thức được rằng: “quan trọng nhất là ở bước lấy đà”. Câu nói hàm ý rằng họ cần phải vượt qua khả năng vốn có của bản thân để có thể giành lấy chiến thắng bằng những nguồn lực được tích lũy từ trước. Và nếu xem xét vấn đề này theo chiều ngược lại thì nó cũng đúng. Theo cái đà vốn có, người thắng cuộc có xu hướng tiếp tục thắng, còn kẻ thua lại tiếp tục bại trận, bởi nguyên lý tự nhiên của quán tính cũng giống như con dao hai mặt. Nó được phát biểu rằng, một cơ thể đang vận động có xu hướng tiếp tục vận động, còn một cơ thể đang trong trạng thái tĩnh có xu hướng tiếp tục duy trì trạng thái cũ.

Để có thể lướt băng băng trên biển cả, thuyền phải phụ thuộc khá nhiều vào sức gió trong việc làm căng những cánh buồm. Khi chúng ta giong thuyền trên biển, nếu mũi thuyền đủ sức xé toạc cơn gió là nó đã vượt qua nguy hiểm. “Ném mình vào đầu sóng ngọn gió, hãy xem con thuyền do dự và phân vân như thế nào, từng thớ gỗ lung lay và cả bộ khung rung lắc ra sao?”. Gió thoát ra khỏi cánh buồm đang cuồn cuộn, làm nó xẹp lại và bay phần phật trên không. Nếu con thuyền có đủ lực, nó sẽ tiếp tục rẽ sóng cho đến khi gió thổi phồng cánh buồm một lần nữa ở mặt buồm bên kia.

Khi thực sự thoát ra khỏi vùng “xiềng xích”, hẳn cảm giác vui sướng, hân hoan sẽ ngập tràn trong tâm hồn người thủy thủ, cũng giống như cái cảm giác của người nô lệ khi được giải phóng khỏi những gông cùm. Con thuyền theo sát và cất cánh cùng cơn gió, và người lái thuyền, dường như rất muốn gào to lên, rằng tâm hồn anh ta đang căng tràn niềm hạnh phúc, bởi anh ta biết rằng mình đã giành lại được quyền kiểm soát cuộc sống và số phận của mình. Nhưng nếu anh ta mất động lực, hoặc giả như chúng ta cố gắng xoay chuyển sự việc mà không có sự chuẩn bị từ trước, chúng ta sẽ mất đi những nhân tố cần thiết cho sự sống của mình, ví dụ sự tự do để có thể hành động theo ý muốn. Đó là điều đã xảy ra với tôi khi tôi cho thuyền đi theo hình zíc-zắc về phía vịnh.

Khi cho thuyền đi được nửa đoạn đường ra khỏi kênh, tôi đã mắc phải một sai lầm tai hại. Một cơn gió lách qua hai ngôi nhà và trong giây lát, nó đã đổi chiều 90O. Thay vì thích nghi với điều đó, tôi tiếp tục cắt ngang con nước vẫn một góc như cũ, và nỗ lực tiến lên phía trước càng nhanh càng tốt. Tôi không hề chú ý gì đến những cánh buồm xẹp lép không có gió, làm con thuyền của tôi loạng choạng, mất phương hướng mặc dù tôi đã cố hết sức lái theo chiều gió. Tôi đưa thuyền đến gần bờ vịnh hết mức có thể và sau đó, đẩy cần lái về phía cánh buồm chính, cố gắng để xoay chuyển tình thế và thẳng hướng sang bờ biển đối diện. Nhưng tôi lại thiếu đà để mũi thuyền có thể cắt mặt cơn gió, và lập tức, tôi đã ở “giữa vòng xiềng xích của biển cả”.

Gay go rồi! Trong phút chốc, tôi dường như không còn đủ sáng suốt để kiểm soát con thuyền của mình nữa. Tôi không biết nó đang tiến chậm chạp về phía trước, lệch sang bên phải khỏi đường chạy, hay trôi về sau. Tôi có cảm giác là nó đang làm cả ba việc ấy cùng lúc. Tôi kéo cần lái một cách liều lĩnh, nhưng con thuyền không tuân theo sự điều khiển của bánh lái, đúng theo nguyên tắc một con thuyền không có gió thì không thể kiểm soát được. Con thuyền chịu sự tác động rung lắc của cơn gió. Bị tù túng, nó tung mình vươn ra, đón lấy một chút “mảng” gió ở nơi này, một vài “mảng” gió ở nơi khác, cũng có thể nó đã bỏ lỡ những “mảng” gió nhỏ trong không khí trước khi cả cơn gió có thể cuồn cuộn làm căng buồm, và giúp cho người lái thuyền có thể tiếp tục điều khiển con thuyền.

Tôi hoàn toàn bất lực khi nhìn thấy thân con thuyền màu xanh lộng lẫy của mình đập mạnh vào một cái cọc buộc thuyền và cánh buồm bị mắc vào một nhánh gỗ nằm ngang, khiến cho nó bị đâm thủng một lỗ. Một đám đông những người hiếu kỳ – những người tỏ vẻ ta đây là những thủy thủ dạn dày kinh nghiệm – xúm xít ở cuối đầu cầu gần đó chỉ trỏ và cho tôi mấy lời khuyên.

“Nhả gió ra khỏi cánh buồm hình tam giác!”, một người nói.

“Đẩy cần lái theo cách khác đi!”, một người khác chỉ dẫn.

“Hạ buồm xuống!”, một người nóng tính nào đó gào lên.

Nhưng mặc kệ, tôi trèo ra ngoài mui và dùng cái cột neo thuyền như điểm tựa, chầm chậm bơi thuyền vòng quanh, như thế cánh buồm có thể ăn gió, sau đó chống sào đẩy thuyền ra càng xa càng tốt. Đây thực sự không phải là một buổi diễn tập dễ chịu, nhưng dù gì nó cũng có hiệu quả. Trở lại khoang thuyền, tôi xoay buồm đúng hướng gió và trong khoảnh khắc, con thuyền đã “tuân theo hơi thở vĩ đại của bầu trời”, lại một lần nữa gió căng đầy trong cánh buồm. Tôi quay thuyền về phía trước ngang qua con kênh một cách cẩn thận để không bị mất phương hướng, và sau một vài phút, tôi đã có thể ung dung giong thuyền trong cơn gió mạnh đang tràn qua vịnh.

“Mỗi lần đổi đường chạy là một lần thay đổi”, thuyền trưởng cảnh báo tôi trong những bài học lái thuyền đầu tiên, như thể ông đoán biết trước rằng một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ bị rơi vào “vòng xiềng xích”. “Mỗi lần cậu đổi chiều”, ông nói thêm, “sẽ có những khoảnh khắc thật đáng sợ khi con thuyền đi xuyên qua tâm cơn gió”.

Nhưng tôi đã bỏ qua lời cảnh báo của ông, một phần do sự ngốc nghếch của mình, và giờ đây tôi đã thực sự thấm thía điều đó từ một người thầy vĩ đại nhất trong tất cả những người thầy: kinh nghiệm. Để đổi được hướng là một kỹ năng khó khăn nhất, và chúng ta thường thất bại. Nếu chúng ta cứ cố gắng thử làm theo cách không đúng, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành “tù nhân” của cơn gió.

Chỉ có một cách duy nhất để thay đổi, đó là tập hợp lại những động lực trong hành trình mà chúng ta có. Khi còn trẻ, tôi chỉ áp dụng bài học ấy trong việc điều khiển con thuyền, nhưng theo thời gian tôi nhận thấy đó là một chân lý. Bởi nó đúng cho cả cuộc sống thường ngày trên đất liền cũng như cuộc sống lênh đênh nơi biển cả. Thành thực mà nói, tôi chẳng thấy thích thú gì với những lần đổi hướng mà mình đã trải qua. Trong ký ức tôi vẫn còn lưu giữ hai kỷ niệm đáng nhớ. Lúc còn nhỏ, tôi từng rất hối hận khi học ở một trường cao đẳng và sau đó, tôi đã không lấy gì làm thú vị với nghề mà mình đã chọn. Nhưng tôi buộc phải theo con đường ấy để thu lượm những gì cần thiết: nâng cao trình độ và kiếm sống nhờ vào cái nghề đã chọn. Tôi đã kiên trì đi trên con đường ấy cho đến khi có thể hoàn toàn thoát ra khỏi tâm của ngọn gió – khoảnh khắc nguy hiểm nhất trong cuộc đời. Nếu tôi nóng lòng từ bỏ một trong hai con đường ấy, rất có thể tôi đã bị ngã quỵ và ngay lập tức, gió sẽ nổi lên nhấn chìm cuộc đời tôi, và tôi cũng không thể tưởng tượng ra việc nó sẽ cuốn mình đi đến đâu nữa.

Tôi có biết một chàng trai trẻ tài năng, học chuyên ngành âm nhạc ở trường đại học chỉ vì muốn có một tấm bằng về âm nhạc chứ không phải vì anh ta muốn theo đuổi nghề nghiệp ấy. Nhưng anh ta đã có một quyết định thật sáng suốt là không đổi hướng ngay lúc đó. Anh ta cố gắng làm trong hai năm, chơi saxo cho một ban nhạc trên tàu du lịch, tiết kiệm từng đồng trong khi suy xét xem mình thực sự cần gì. Sau đó, anh ta quyết định học luật, và đến khi ấy, anh ta đã kiếm được đủ tiền để theo hết khóa học cho đến khi tốt nghiệp. Mặc dù không phải là một thủy thủ, nhưng ở một khía cạnh nào đó, anh ta cũng đã hiểu rằng, bằng mọi giá, mình cần phải tránh được những cạm bẫy bằng cách cố gắng nương theo chiều gió.

Đối nghịch với chàng trai trẻ ở trên là một chàng trai khác, người luôn tìm cách xoay xở cho cuộc sống của mình. Với hy vọng tìm được một công việc tốt, anh ta đã không ngần ngại nhảy việc. Anh ta biện hộ cho hành động của mình rằng muốn thử xem mình phù hợp với nghề gì, muốn biết chắc về công việc mà mình sẽ gắn bó trong suốt cuộc đời. Tôi hoàn toàn thông cảm với suy nghĩ ấy của anh, nhưng cũng đã hơn một lần, tôi nhắc nhở anh ta rằng cần phải biết nắm chắc cơ hội, đừng vội vàng quyết định một cách chủ quan. Nếu như anh ta không muốn mãi mãi bị “kìm kẹp” bởi những nhu cầu vật chất hằng ngày, bởi thời hạn trả tiền thuê nhà hoặc chồng hóa đơn cần thanh toán mỗi tháng… thì anh ta cần phải bình tâm xem xét lại cách thức “đổi hướng” không mấy hiệu quả của mình trong suốt thời gian qua.

Trong cuộc sống không có gì hãnh diện hơn là được quyền tự quyết định tương lai của mình. Như thế, chúng ta có thể tự chọn cho mình một hành trình trong cuộc sống, chứ không phải chịu sự áp đặt của một ai. Bởi có thể những thứ người khác coi trọng lại hoàn toàn vô nghĩa với chúng ta. Chúng ta cần đưa ra những quyết định để có thể tự tin đi trên con đường của chính mình, một con đường đúng đắn!

Biển Cả Và Giá Trị Cuộc Sống

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here