Việc đặt ra câu hỏi hay khó hơn chúng ta tưởng, bởi nó đòi hỏi bạn phải nhìn xuyên qua những câu trả lời dễ dàng và thay vào đó, chuyển trọng tâm sang những câu trả lời khó, những câu trả lời ma lanh, những câu trả lời bí ẩn, những câu trả lời đáng xấu hổ, đôi khi cả những câu trả lời đầy đau đớn nữa. Nhưng James E. Ryan cho rằng cả bạn và người nghe đều sẽ thu được nhiều điều hơn nếu bỏ công sức làm việc đó, và điều này đúng cho cả đời sống cá nhân lẫn sự nghiệp của bạn.

Việc đặt ra câu hỏi hay là yếu tố tối quan trọng đối với sự thành công trong gần như mọi sự nghiệp chúng ta có thể nghĩ ra. Chẳng hạn, những giáo viên giỏi sẽ rất thích những câu hỏi được đặt ra một cách khéo léo khiến kiến thức trở nên sống động và thắp lên một ngọn lửa tò mò. Đối với trẻ em thì không có món quà nào quý giá hơn sự tò mò. Những nhà lãnh đạo tài năng, thậm chí cả những nhà lãnh đạo vĩ đại, chấp nhận rằng họ không có tất cả các câu trả lời. Nhưng họ biết làm sao để đưa ra đúng câu hỏi – những câu hỏi buộc người khác cũng như chính bản thân họ phải vượt qua những câu trả lời cũ rích và nhàm chán, từ đó mở ra những cơ hội chưa hề xuất hiện trước khi câu hỏi được đưa ra.

Những nhà cải cách trong mọi lĩnh vực đều hiểu ý nghĩa trong câu nói của Jonas Salk, người tìm ra vắc-xin phòng chống bại liệt: “Điều mà mọi người coi là một khám phá, thực ra chính là việc khám phá ra câu hỏi đã đưa đến khám phá ấy.” Cần thời gian để tìm ra câu hỏi nhưng đó là khoảng thời gian xứng đáng. Einstein, một người rất tin tưởng vào tầm quan trọng của việc hỏi, có một câu nói nổi tiếng rằng, nếu ông có một tiếng đồng hồ để giải quyết một vấn đề, và cuộc đời ông phụ thuộc vào việc này, thì ông sẽ dành 55 phút đầu tiên để quyết định xem câu hỏi đúng là gì. Có thể bạn sẽ muốn dành thời gian cho câu trả lời nhiều hơn một chút so với Einstein, nhưng bạn hiểu ý tôi muốn nói chứ?

Tại sao bạn lại hỏi? Trong đời chỉ có năm câu hỏi thực sự thiết yếu. Đây là những câu hỏi bạn nên thường xuyên tự hỏi bản thân và những người khác. Nếu tạo được thói quen hỏi năm câu hỏi này, bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn. Năm câu hỏi cực-kì-quan-trọng được James Ryan trình bày trong Biết hỏi mới giỏi chính là:

1/ Wait, What? (Hả? Gì cơ?)

2/ I Wonder? – I wonder why? – I wonder if? (Không biết là… ?)

3/ Couldn’t we at least? (Chúng ta có thể ít nhất… ?)

4/ How can I help? (Tôi có thể giúp gì?)

5/ What truly matters [to me]? (Điều gì mới thực sự quan trọng?)

James Ryan, hiệu trưởng trường giáo dục sau đại học thuộc Đại học Harvard sẽ trình bày về nghệ thuật hỏi – và trả lời – những câu hỏi hay thông qua cuốn sách Biết hỏi mới là giỏi này. Ryan sẽ minh họa lý do tại sao những câu hỏi quan trọng này lại giúp góp nhặt sự hiểu biết, đánh thức trí tò mò, khởi tạo sự tiến bộ, củng cố các mối quan hệ, và hướng chúng ta đến những điều quan trọng ở đời. Đặc biệt, nhờ thường xuyên hỏi năm câu hỏi quan trọng này, chúng ta sẽ có thể trả lời câu hỏi quan trọng nhất: “Bạn có đạt được điều bạn muốn trong đời không?”

Trích đoạn sách hay

ĐIỀU GÌ MỚI THỰC SỰ QUAN TRỌNG?

Câu hỏi thiết yếu thứ năm, và cũng là câu hỏi thiết yếu cuối cùng, là, “Điều gì mới thực sự quan trọng?” Đây là câu hỏi rất hữu ích, có tác dụng định hướng cho bạn trong các cuộc họp cũng như trong các quyết định lớn của cuộc đời. Nó buộc bạn phải đi vào trọng tâm của vấn đề bạn gặp phải tại nơi làm việc hay trường học, cũng như đi vào trọng tâm của các niềm tin và mục tiêu trong cuộc đời. Nó là câu hỏi có thể giúp bạn tách điều thực sự quan trọng ra khỏi những điều nhỏ nhặt cũng như giúp bạn tìm ra hướng đi xuyên qua những điều vụn vặt để theo đuổi những điều thực sự có ý nghĩa.

Khi nhìn lại, đây là câu hỏi mà nhiều người trong chúng tôi đáng ra nên hỏi vào buổi sáng ngày Sam – đứa con trai thứ hai của chúng tôi – chào đời. Câu chuyện sau đây có tính chất cảnh báo, mặc dù rất may nó có một kết thúc tốt đẹp. Và tôi hứa, đây sẽ là câu chuyện cuối cùng về việc sinh con mà tôi kể trong cuốn sách này.

Khi Katie mang thai Sam, người ta thường xuyên bảo cô ấy rằng đứa con thứ hai này sẽ ra nhanh – tức là quá trình chuyển dạ sẽ rất ngắn. Đây là một tin tốt đối với Katie vì khi sinh Will, cậu con trai đầu tiên của chúng tôi, cô ấy đã phải chịu đau đớn trong thời gian dài. Khi Katie thức dậy vào bốn giờ sáng ngày 29 tháng Mười một năm 1998 vì đau bụng chuyển dạ, tôi biết chúng tôi cần di chuyển ngay lập tức. Người bạn đại học của Katie, một bác sĩ sản phụ khoa, tình cờ lại qua đêm ở nhà chúng tôi hôm đó và cô giục chúng tôi nên lái xe đến bệnh viện ngay. Tuy nhiên, là một người vô cùng trách nhiệm, Katie muốn trước khi đi phải cho lũ chó mèo và hai con ngựa của chúng tôi ăn. Cô còn quyết định sẽ đi tắm.

Khi cuối cùng chúng tôi cũng lên xe, những cơn co thắt của Katie đã trở nên tương đối nhanh và đau. Tôi lao đến bệnh viện, trên đường suýt đâm phải một con hươu. Khi đến nơi, Katie đã ở vào giai đoạn chuyển dạ hoạt kỳ. Chẳng hiểu sao, ngoài việc tôi đang rối trí và còn vì những lý do mà tôi không thể giải thích nổi, tôi lại lái xe vượt qua lối vào phòng cấp cứu để đến bãi gửi xe ngoài trời dành cho khách. Lúc đó vẫn còn rất sớm, cổng bãi gửi xe mở nhưng chẳng có nhân viên nào. Tôi nghĩ, Nếu mình đi cổng này thì họ sẽ không biết mình vào và nhiều khả năng tiền gửi xe sẽ rất đắt. Tôi biết, tôi biết: một hành động ngu ngốc.

Tôi lùi xe ra khỏi bãi và đi vào cổng khác, cũng đang mở. Nhưng lần này tôi quyết định “liều,” một phần là bởi Katie đang nói, với một giọng khá quả quyết, rằng cô ấy “SẼ SINH CON NGAY BÂY GIỜ!” Tôi cố gắng giải thích với cô ấy rằng thực ra không nên như vậy. Khi tôi đỗ xe và đến giúp, Katie nhắc lại ý định sinh Sam ngay lập tức rồi nói thêm rằng cô ấy nghĩ mình không đi được. Tôi đã nghĩ đến việc mở cửa sau chiếc xe Subaru của mình ra, cho cô ấy nằm ở đuôi xe rồi vừa để cửa sau mở vừa lái dần dần đến phòng cấp cứu lúc đó chỉ cách gần 500 mét nhưng đồng thời lại cũng thật xa.

Cuối cùng, tôi nửa bế nửa đỡ Katie đi xuống cầu thang, sau khi đỗ xe ở tầng hai của bãi, một vị trí đỗ rất “hữu ích.” Khi chúng tôi xuống đến bậc thang cuối cùng, Katie nói rằng cô cần nằm xuống nghỉ một lúc – trên vỉa hè đối diện phòng cấp cứu. Tôi “bình tĩnh” hét toáng lên và thật may có người trong bệnh viện đã nghe thấy rồi đưa chúng tôi vào trong. Katie được ngồi trên xe lăn dù không thoải mái lắm.

Đến thời điểm đó, Katie đã làm tất cả những gì có thể để ngăn Sam không chui ra ngoài, nhưng, dù là với lý do gì đi nữa, cô ấy cũng không thấy hữu ích khi tôi nói, “Chà, ít nhất thì thằng bé cũng không bị kẹt.” Khi chúng tôi vào phòng cấp cứu, một người quản lý chào chúng tôi và nói rằng chúng tôi cần phải thực hiện “phân loại bệnh nhân,” trong đó họ sẽ kiểm tra xem đó có phải là chuyển dạ giả hay không rồi mới đưa vào phòng hộ sinh. Chúng tôi bảo đảm, một cách khá cương quyết, rằng Katie không phải chuyển dạ giả và những tiếng la hét vì đau của cô ấy là thật. Nhưng người quản lý liên tục nhắc đi nhắc lại rằng “Ai cũng phải thực hiện phân loại bệnh nhân,” bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng hơi có tính đe dọa, khiến tôi nhớ đến y tá Ratched trong tác phẩm One Flew Over the Cuckoo’s Nest (Bay trên tổ chim cúc cu). Do không có thứ gì có thể dễ dàng đi qua y tá Ratched nên tôi nói chúng tôi sẽ thực hiện phân loại. Thật nhanh.

Ở đó, chúng tôi gặp một vị bác sĩ nội trú luôn sẵn sàng bị gọi đi bất kỳ lúc nào. Anh ta chào chúng tôi và không thể hiện một chút vội vã nào cho thấy đây là tình huống khẩn cấp. Sau khi cố gắng nói vài câu xã giao xen giữa các tiếng la hét vì đau của Katie, anh ta kiểm tra và thốt lên đầy ngạc nhiên, “A, tôi thấy loáng thoáng đầu đứa bé rồi này! Thật không thể tin được!” Anh ta dừng lại một chút để xem liệu chúng tôi kinh ngạc trước việc Katie thực sự sắp sinh không, rồi anh ta nói, “Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi nên đưa cô vào phòng hộ sinh.”

Một lát sau, chúng tôi đã ở phòng hộ sinh cùng vị bác sĩ nội trú và một cô y tá, người rõ ràng có nhiều kinh nghiệm hơn vị bác sĩ nội trú kia. Katie đã sẵn sàng sinh từ mười phút trước, tức là lúc này cô thực sự đã sẵn sàng. Nhưng mặt khác, vị bác sĩ nội trú rõ ràng là chưa sẵn sàng. Anh ta nhìn cô y tá và bắt đầu liệt kê một loạt những thứ anh ta có thể cần để hộ sinh. “Tôi cần kính bảo hộ,” anh ta nói, và cô y tá nhìn anh ta đầy hoài nghi. “Tôi cần bao giày,” tức là những cái màu xanh da trời hoặc xa lá cây dùng để bọc giày và “Tôi cần một ít nước. Để uống.” Đến lúc này, cô ý tá nhếch lông mày lên nhìn sang tôi, khiến tôi phải nhẹ nhàng lên tiếng với bác sĩ rằng, “Thưa bác sĩ, tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên tập trung vào đây thì hơn. Katie sắp vỡ ra rồi.”

May là cô ý tá đã nối tiếp chủ đề này và nhắc nhở, một cách tôn trọng, rằng bác sĩ chính đang ở ngay phòng bên. “Tôi nghĩ chúng ta nên hỏi ý kiến bác sĩ chính,” vị bác sĩ nội trú liền nói. Bác sĩ chính xuất hiện ngay lập tức. Ông đi thẳng đến chỗ Katie, kiểm tra cô thật nhanh, và nói, “Được rồi, cô đã sẵn sàng sinh đứa bé này chưa nào?” Katie trả lời đại loại như “Vâng, tôi sẵn sàng rồi” nhưng theo kiểu mặn mà hơn. Khoảng năm phút sau, Sam chào đời.

Khi nhìn lại, ai cũng có thể chỉ ra được rất nhiều lỗi sai mà những người liên quan mắc phải và ít nhất một vài trong số đó có thể tránh được nếu hỏi, “Điều gì mới thực sự quan trọng?” Điều quan trọng duy nhất đối với Katie và Sam là mẹ tròn con vuông. Song tất cả những người liên quan đều lãng phí khoảng thời gian quý báu cho những điều nhỏ nhặt. Cho ngựa ăn và đi tắm là những điều nên làm trong ngày bình thường chứ không phải khi sắp sinh. Không muốn trả quá nhiều tiền gửi xe ư? Đây là một mục tiêu hoàn toàn tốt trong những ngày bình thường – và là kim chỉ nam của bố tôi trong cuộc sống – nhưng có lẽ nó không quá quan trọng khi vợ bạn đang lâm bồn. Làm theo thủ tục cũng không quan trọng bằng việc bảo đảm mẹ tròn con vuông. Tương tự như thế, việc nhớ đeo bao giày trước khi hộ sinh là tốt nhưng trong tình huống khẩn cấp thì có lẽ cũng không cần thiết.

Câu chuyện về việc sinh nở Sam đầy chông gai đã chỉ ra rằng chúng ta rất dễ quên mất điều gì mới thực sự quan trọng. Có thể chúng ta bị bám quá chặt vào các thói quen, thông lệ nên không còn tập trung vào điều thực sự quan trọng nữa. Có thể chúng ta thiếu tự tin vào khả năng của mình nên chỉ tập trung vào các chi tiết vụn vặt chứ không dám đối mặt với công việc đầy khó khăn và thách thức đang ở trước mặt chúng ta. Có thể chúng ta đang bị bức xúc quá mức nên dễ dàng bị xao lãng, khó tập trung. Trong những tình huống như vậy, sẽ thật hữu ích nếu bạn tự hỏi điều gì mới thực sự quan trọng. Làm vậy sẽ giúp bạn tách ra khỏi các thói quen, thông lệ, dồn can đảm để đối mặt với công việc khó khăn, và lấy lại đủ bình tĩnh để xác định điều gì mới thực sự quan trọng. Thật may là câu chuyện của Sam kết thúc tốt đẹp, và cuối cùng nó trở thành một câu chuyện vui, mặc dù tôi cũng phải thừa nhận rằng mất một thời gian thì Katie (và bố mẹ cô) mới thấy những hành động ngu ngốc của chúng tôi – được rồi, những hành động ngu ngốc của tôi – là buồn cười. Trong một khoảng thời gian ngắn sau khi Sam ra đời, chúng tôi đã nói chuyện nhiều lần và trong các cuộc nói chuyện đó, tôi hay bảo cô ấy, “Em có công nhận là việc anh chỉ quan tâm đến tiền gửi xe ít nhất cũng có chút buồn cười không? Em công nhận không?”

Việc hỏi bản thân và những người khác điều gì mới thực sự quan trọng rất hữu ích tại công sở cũng như tại trường học. Nó giúp bạn loại ra những chi tiết nhỏ nhặt, vụn vặt, không liên quan và tập trung vào những nhiệm vụ thực sự quan trọng cần phải được hoàn thành. Hãy nhớ lại cô y tá đã nhắc nhở về việc gọi bác sĩ chính, hay vị bác sĩ chính chỉ cần hai phút để nhận định chính xác tình hình. Cả cô y tá và vị bác sĩ rõ ràng đều đã tự hỏi “Điều gì mới thực sự là quan trọng?” khi xem xét tình hình trước mắt.

Hoặc hãy thử xem ví dụ về thủ trưởng cũ của tôi, thẩm phán trưởng Rehnquist, một người luôn luôn rất tập trung. Như đã nói ở chương đầu tiên, sau khi tốt nghiệp trường Luật, tôi làm thư ký cho thẩm phán trưởng Rehnquist trong một năm. Một phần công việc của tôi, cùng với hai thư ký khác, là giúp ông (chúng tôi thường gọi là “ngài Trưởng”) chuẩn bị cho các phiên tranh tụng. Chúng tôi phải đọc rất nhiều bản toát yếu do luật sư của các bên trong vụ kiện chuẩn bị, cũng như tất cả các bản toát yếu khác do amicus curiae, hay “những người bạn của tòa án,” chuẩn bị. Thông thường, đây là những nhóm vận động có thể cung cấp thêm các thông tin chuyên môn hoặc các góc nhìn về những vấn đề liên quan. Tóm lại, trong mỗi vụ kiện sẽ có hàng trăm trang tài liệu viết tay, và các thư ký cùng thẩm phán phải xem tất cả để chuẩn bị cho một phiên tranh tụng kéo dài một giờ.

Phần lớn các thẩm phán khác bảo thư ký chuẩn bị “bản ghi nhớ trên băng ghế,” trong đó tóm tắt các dữ kiện và lịch sử quy trình của vụ kiện, cũng như các lập luận được đưa ra trong các bản toát yếu. Kết thúc bản ghi nhớ luôn là một phân tích về lẽ phải trái của vụ kiện cũng như một vài phần để đề xuất câu hỏi. Chúng tôi gọi nó là “bản ghi nhớ trên băng ghế” vì các thẩm phán mang bản ghi nhớ đến “băng ghế” họ ngồi khi diễn ra phiên tranh tụng. Chắc bạn cũng đoán được rằng, các bản ghi nhớ đều khá dài và cần rất nhiều thời gian công sức để chuẩn bị.

Ngài Trưởng không bắt chúng tôi viết “bản ghi nhớ trên băng ghế” và đây là một trong nhiều khía cạnh hay ho, độc đáo khi làm thư ký cho ông. Thay vào đó, ông chuẩn bị cho phiên tranh tụng bằng cách đi dạo vòng quanh khu nhà cùng viên thư ký chịu trách nhiệm về vụ kiện. Cách tiếp cận này chỉ có một điều gây căng thẳng duy nhất là không biết chính xác thời gian. (Với tôi thì còn có một nguy cơ rất thật khác là có thể tôi sẽ như một thằng ngốc trước mặt vị thẩm phán trưởng của nước Mỹ.) Chúng tôi biết rằng trước một ngày nào đó, chúng tôi phải sẵn sàng nói chuyện với ngài Trưởng về vụ kiện nhưng không biết chính xác là ngày nào và sau ngày đó, điện thoại sẽ reo để mời chúng tôi đi dạo với ông.

Chúng tôi đi vòng quanh khu nhà của Tòa án Tối cao, một tòa nhà lớn, được trang trí cầu kỳ, nằm ngay phía sau Tòa Quốc hội Mỹ. Những cuộc đi dạo kiểu như vậy cho thấy phần lớn các thẩm phán của Tòa án Tối cao vô danh đến thế nào, kể cả ngài Trưởng. Chỉ có một lần có người nhận ra ông, đó là Linda Greenhouse, một nhà báo của tờ New York Times chuyên viết bài về Tòa án Tối cao. Trong mỗi cuộc đi dạo, chúng tôi sẽ đi ngang qua các du khách đến thăm Tòa án Tối cao, và họ không bao giờ nhận ra ngài Trưởng. Tôi nhớ một lần, khi chúng tôi phải chen qua một đám đông hỗn loạn các em học sinh cấp hai, ngài Trưởng đã bảo với cô giáo của chúng rằng nên cho học sinh của mình đứng gọn lại để không chắn lối đi trên vỉa hè. Cô ta đáp trả bằng một cái nhìn thể hiện, một cách khá rõ ràng, rằng ông lo chuyện của mình đi, ông già. Tôi cười và nghĩ: Giá mà cô ta biết thì tốt!

Trong các cuộc đi dạo đó, thường kéo dài khoảng hai mươi phút, chúng tôi sẽ thảo luận về vụ kiện và phiên tranh tụng sắp tới. Ngài Trưởng bắt đầu bằng việc hỏi quan điểm của chúng tôi về lẽ phải trái của vụ kiện, sau đó ông đưa ra các câu hỏi. Các câu hỏi sẽ đi thẳng vào trọng tâm của vụ kiện. Chúng tôi không mất thời gian vào các chi tiết mang tính thủ tục hay bất kỳ khía cạnh nào khác của vụ kiện mà không tác động gì đến kết quả. Hoàn toàn chỉ có trọng tâm, cắt bỏ mọi thứ rườm rà. Không phải lúc nào tôi và ngài Trưởng cũng nhất trí về câu trả lời cho các câu hỏi vì chúng tôi nhìn thế giới khá khác nhau. Tôi nhớ ông từng hỏi tôi, một câu hỏi có rất nhiều chữ, “Hả, gì cơ? Anh tin thế thật sao? Anh không đùa đấy chứ?” Nhưng quả thật, các câu hỏi của ông luôn rất chính xác; chúng giống như những câu hỏi mà thẩm phán Stevens thường hỏi trong phiên tranh tụng.

Tôi phải thừa nhận rằng ngài Trưởng rất xuất sắc trong việc tìm ra những câu hỏi và vấn đề then chốt giữa một rừng thông tin. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao ông là một luật sư vô cùng thành công và được chọn làm thẩm phán trong Tòa án Tối cao. Ông còn rất giàu kinh nghiệm, không giống như vị bác sĩ nội trú bị quá tải mà chúng tôi gặp khi Sam chào đời. Tính đến thời điểm tôi làm thư ký cho ông, ngài Trưởng đã ở Tòa án Tối cao được hai thập kỷ, vì vậy, ông có rất nhiều cơ hội để mài giũa kỹ năng của mình. Tài năng và kinh nghiệm chính là hai yếu tố giúp ông nhanh chóng xác định điều gì là quan trọng nhất trong các vụ kiện có sự tham gia của ông.

Song tư duy của ông cũng rất quan trọng. Cách ngài Trưởng ứng xử với cuộc đời mình chẳng khác gì cách ông ứng xử với các vụ kiện. Trong mọi mặt của cuộc đời, ông đều xác định rõ ràng điều gì mới thực sự quan trọng. Ngài Trưởng không thích lãng phí thời gian. Nhiều năm sau khi làm thư ký cho ông, tôi tình cờ đọc được một đoạn trong một cuốn sách của Tim Geithner, Bộ trưởng ngân khố dưới thời Tổng thống Obama. Đoạn này khiến tôi liên tưởng đến ngài Trưởng. Chẳng có gì ngạc nhiên khi bộ trưởng Geithner phải tham gia rất nhiều buổi họp, một số là thật và diễn ra để tạo một bước tiến nào đó, còn một số chỉ để cho người khác xem. Ông tạo một thói quen là khi bước chân vào các buổi họp do những người khác tổ chức, ông sẽ hỏi, “Đây là họp thật hay họp giả?” Sau này, Geithner đã tự phạt mình vì đã thiếu kiên nhẫn, nhưng tôi thấy câu hỏi của ông vừa hài hước vừa chuẩn xác. Rõ ràng, điều quan trọng với Geithner là hoàn thành công việc chứ không phải làm cho người khác xem. Ngài Trưởng cũng có cùng suy nghĩ đó.

Tôi tin rằng, ngài Trưởng là người ghét lãng phí thời gian vì ông có một danh sách các sở thích và mối quan tâm gần như vô tận – bao gồm địa lý, lịch sử, opera của Gilbert và Sullivan, bơi lội, khí tượng học, giải bóng bầu dục đại học, quần vợt, hội họa, và viết lách. Dù cho công việc của ông là một trong những công việc quan trọng và khắt khe nhất thế giới, ông vẫn dành thời gian cho các sở thích này cũng như gắn bó mật thiết với gia đình mình. Ông luôn coi các nghĩa vụ ở văn phòng là một khía cạnh trong cuộc sống của mình – đúng hơn là một khía cạnh rất quan trọng, nhưng chỉ là một khía cạnh mà thôi. Vì có quá nhiều việc ông muốn làm nên ông biết không được để lãng phí bất kỳ phút giây nào.

Tôi nghĩ về cách ứng xử với cuộc đời của ngài Trưởng khi tôi tham dự một buổi nói chuyện của Randy Pausch tại Đại học Virginia vào năm 2008. Có thể bạn còn nhớ, giáo sư Pausch là một nhà khoa học máy tính tại Carnegie Mello, và vào năm 2007, ông biết mình bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Ngay sau khi được chẩn đoán, ông đã thực hiện một bài giảng tại Carnegie Mellon có tên gọi là “Bài giảng cuối cùng: Thực sự đạt được những giấc mơ thời thơ ấu.” Sau đó, ông viết một cuốn sách mở rộng thêm bài giảng này và nó đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất. Buổi nói chuyện của ông ở Đại học Virginia là về cuốn sách này.

Tôi tham dự với kỳ vọng rằng mình sẽ được nghe một bài giảng đầy tính triết lý về ý nghĩa của cuộc sống từ một người đang phải đương đầu trực tiếp với cái chết. Nhưng thay vào đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi bài giảng mang đậm tính thực tế, nói về những cách để tiết kiệm thời gian tại công sở. Ý tưởng nền tảng của giáo sư Pausch là bạn nên làm việc hiệu quả hết mức có thể ở công sở để khi rời khỏi đó, bạn có thể làm tất cả những việc khác cũng quan trọng không kém, như dành thời gian cho gia đình và bạn bè hay theo đuổi những sở thích và đam mê khác. Ông không thể biết được những thứ đó là gì và ông cũng không bảo khán giả phải coi trọng điều gì. Thay vào đó, ông đề xuất một cách tiếp cận trong đó phải vô cùng thận trọng với câu hỏi điều gì mới thực sự quan trọng. Bạn phải liên tục tự hỏi câu hỏi này để tìm ra các chiến lược có tính thực tế có thể giúp bạn sống cuộc sống của mình theo đúng các câu trả lời cho câu hỏi đó. Mặc dù ban đầu tôi cảm thấy thất vọng về bài giảng của ông nhưng tôi đã nhận ra giá trị trong lời khuyên này, từ đó càng thêm trân trọng tấm gương của ngài Trưởng.

Bạn không cần phải là thẩm phán trưởng của nước Mỹ mới có thể hỏi điều gì mới thực sự quan trọng hay có được những điều hữu ích từ câu trả lời của nó. Hãy lấy bố tôi làm ví dụ. Ông chưa bao giờ làm thẩm phán trưởng nhưng ông đã tìm ra điều thực sự quan trọng đối với mình, đó là gia đình ông.

Gần như mọi việc ông làm trong cuộc đời đều xuất phát từ nguyên tắc nền tảng này. Ông làm nghề của mình để nuôi sống gia đình, chứ không phải vì ông thích nghề đó. (Tôi vẫn còn nhớ ông đã lắc đầu trước sự ngây thơ của tôi khi tôi nói hy vọng kiếm được một nghề mà mình yêu thích. Ông nói, “Chẳng phải tự nhiên công việc được gọi là công việc đâu con.”) Khi không đi làm, ông dành thời gian lao động xung quanh nhà, tham dự các sự kiện của các con, và dạy tôi các kỹ năng sửa chữa nhà cửa mà tôi còn thiếu – như cách lắp ổ điện mới, một bài học mà ông đã từ bỏ sau khi tôi liên tục làm mình bị giật.

Bố tôi cũng dành nhiều thời gian chơi bóng chày với tôi ở sân sau. Vào mùa xuân và mùa hạ, hai bố con tôi sẽ chơi với nhau hàng giờ liền. Ông sẽ đánh hết quả này đến quả khác để tôi bắt và thỉnh thoảng cho tôi lời khuyên, trong đó có câu, “Được rồi, giờ con đưa cái răng đó cho bố và quay lại vị trí đi,” sau khi tôi phán đoán sai một cú đánh bóng thẳng. “Chỉ là một cái răng sữa thôi mà,” tôi nhớ sau đó ông đã nói như thế với người mẹ (đang hơi hoảng loạn) của tôi.

Khi tôi lớn lên, bố tôi trở nên nhạy cảm và ông sẽ lặng lẽ xúc động trong những dịp quan trọng như tốt nghiệp hay đám cưới. Khi tôi tốt nghiệp đại học, ông nói, mắt ầng ậng nước, rằng chắc tôi đã học được một điều gì đó khi bắt bóng ở sân sau nhà. Ông nửa đùa nửa thật nhưng đây là cách để ông buồn bã thừa nhận rằng bản thân ông không vào được đến đại học cũng như bày tỏ hy vọng rằng tuy vậy nhưng ông đã có thể giúp tôi làm được điều đó.

Câu chuyện bóng chày đã trở thành một câu chuyện đùa thường xuyên giữa hai bố con tôi. Ông kể câu chuyện đó khi tôi tốt nghiệp trường Luật cũng như bất cứ lúc nào tôi bắt đầu một công việc mới hoặc đạt được một cột mốc mới. Năm 1997, một năm trước khi bố mất, tôi nhận được một lời mời làm giảng viên Luật ở Đại học Virginia. Vào thời điểm đó, tôi và Katie mới sinh đứa con đầu lòng. Khi tôi gọi cho bố mẹ để báo với họ về lời mời của Đại học Virginia, bố tôi, như thường lệ, nói rằng chắc tôi đã học được nhiều điều khi chơi bóng chày với ông ở sân sau nhà. Tôi nghĩ về con trai của chúng tôi, Will. Thay vì chỉ cười trước câu nói của ông, như tôi vẫn thường làm, tôi nói với ông mà không biết rằng đây sẽ là lần cuối cùng, “Con thực sự đã học được rất nhiều, bố ạ. Con đã biết thế nào là một ông bố tốt rồi.” Tôi cố nói thêm nhưng ông đã nghẹn ngào và chuyển máy cho mẹ tôi.

Bố tôi không phải là người duy nhất quyết định rằng gia đình là điều thật sự quan trọng. Tôi nghĩ phần lớn những ai tự hỏi rằng điều gì mới thực sự quan trọng trong bản kế hoạch lớn của cuộc đời đều sẽ trả lời là gia đình, dù cho đối với họ, gia đình là gì đi nữa. Thực ra, câu hỏi cuối cùng trong năm câu hỏi thiết yếu này có chút khác biệt so với các câu hỏi còn lại vì câu trả lời tương đối dễ đoán, ít nhất là ở mức độ bề mặt. Tôi mạo muội đoán rằng gần như tất cả những ai hỏi câu hỏi này đều sẽ nói gia đình, bạn bè, công việc, và có thể cả sự tử tế nữa, là những thứ thực sự quan trọng đối với họ.

Tôi khá tự tin với điều này bởi tôi đã đọc rất nhiều bài viết tưởng niệm người quá cố. Những tạp chí chuyên ngành luật, mà tôi đọc đều đặn khi là giảng viên luật, thường xuyên đăng tải những bài viết ca ngợi sự nghiệp và cuộc đời của các đồng nghiệp vừa không may qua đời. Các tờ báo cũng đăng những bản cáo phó dài thông báo về sự ra đi của những người có danh tiếng trong xã hội. Sau vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới, tờ New York Times đã dành hàng trang viết để đưa những câu chuyện về những con người tử nạn trong ngày 11 tháng Chín ấy và tôi đọc hết tất cả. Trong một thời gian dài, tôi bị những bài viết tưởng niệm này thu hút. Trên thực tế, tôi thấy những câu chuyện đó hấp dẫn đến mức trong nhiều năm, tôi đã đề xuất với bất kỳ ai chịu lắng nghe rằng truyền hình cáp cần phải có một kênh riêng dành cho các đám tang. Nhưng tôi lạc đề mất rồi.

Điều tôi khám phá ra khi đọc các bài viết tưởng niệm là tất cả đều nói đến bốn khía cạnh cuộc sống được đề cập ở trên: gia đình, bạn bè, công việc và những hành động tử tế. Rõ ràng, bạn phải đọc các bài viết này với thái độ nửa tin nửa ngờ vì trong đó không có chỗ cho những lời phê bình khách quan.

Bên cạnh đó, nếu đọc kỹ, bạn có thể biết được khi nào người viết đang phải cố nghĩ ra một ví dụ cho một trong bốn khía cạnh trên. Nhưng người viết lúc nào cũng cố cho được, qua đó tôi nhận ra tầm quan trọng mang tính phổ quát của bốn khía cạnh cốt lõi này. Việc những người viết bài tưởng niệm luôn cố nói về những chủ đề này cho thấy họ tin đây là những chủ đề thực sự quan trọng – suy cho cùng, bạn sẽ không dành nhiều thời gian để nói về những khía cạnh mà bạn nghĩ là không quan trọng trong cuộc đời một người đã khuất.

Nhưng như vậy không có nghĩa là việc hỏi điều gì mới thực sự quan trọng không có tác dụng gì vì chúng ta đã biết trước câu trả lời. Bạn có thể có các tiêu chí khác. Quan trọng hơn, bên trong những tiêu chí lớn này, bạn vẫn phải tìm ra điều thực sự quan trọng đối với bạn. Nói cách khác, bạn cần tự mình quyết định trong các tiêu chí công việc, gia đình, bạn bè, và sự tử tế, điều gì mới thực sự là quan trọng. Và bạn cần quyết định làm sao để cân bằng những giá trị này khi chúng đang trong tình trạng căng thẳng hoặc xung đột với nhau, giống như một nhu cầu luôn tồn tại là cân bằng công việc và gia đình vậy.

Việc tự hỏi “Điều gì mới thực sự quan trọng?” trước khi có người viết bài tưởng niệm về bạn là một cách hay để xem xét cuộc đời mình, và bởi lý do đó, nó là một câu hỏi hay để hỏi vào mỗi dịp năm mới.

Nếu bạn, giống tôi, là người rất kém trong việc thực hiện các kế hoạch đề ra hằng năm của mình, thì việc dùng một câu hỏi thay thế cho một kế hoạch không phải là một chiến lược tồi. Mấu chốt là đừng chỉ đơn giản xác định các tiêu chí hay chủ đề quan trọng với mình mà hãy nghĩ xa hơn, xem điều gì đang tốt đẹp, điều gì có thể tốt đẹp hơn, và tại sao. Chẳng hạn, tôi cố gắng nghĩ xem làm thế nào có thể trở thành một người chồng tốt hơn, một người bố tốt hơn, một người bạn tốt hơn, và một người đồng nghiệp tốt hơn. Khi bố mẹ tôi vẫn còn sống, tôi cố gắng nghĩ xem làm thế nào có thể trở thành một người con tốt hơn. Tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình và vì thế đây là một trong những lý do tôi vẫn tiếp tục hỏi câu hỏi này.

Tôi sẽ kết lại với một ví dụ về mẹ tôi. Ví dụ này sẽ giúp minh họa tại sao việc coi gia đình là quan trọng là một xuất phát điểm tốt, nhưng nó không trả lời được đầy đủ câu hỏi điều gì mới thực sự quan trọng. Tôi biết rằng mẹ rất quan trọng với tôi nhưng phải mất một thời gian dài thì tôi mới nhận ra rằng điều thực sự quan trọng với mẹ – cũng có nghĩa là với mối quan hệ của chúng tôi – là sự tha thứ của tôi.

Khi tôi còn nhỏ cũng như khi đã trưởng thành, mẹ tôi là một người nghiện rượu nhưng bà đã cai được. Tôi nhận thức rõ câu nói “Một ngày nghiện rượu, cả đời nghiện rượu.” Nhưng tôi nói mẹ cai được vì sau khi bà ngừng uống, bà đã không bao giờ uống lại nữa. Tuy nhiên, để cai nghiện, bà đã phải vắng nhà.

Năm tôi lên bảy tuổi, bố tôi thuyết phục mẹ tôi đến ở tại một cơ sở phục hồi chức năng. Sau này, bà đặt cho nó một cái tên không được mỹ miều lắm là “trại say”. Bố tôi không đủ khả năng trả tiền phí, vì vậy, ông đã vay tiền người bác của mẹ, một người khá thành công. Bà vắng nhà khoảng sáu tháng và khi bà đi vắng, bố chăm sóc hai chị em tôi. Chuyện này xảy ra vào đầu những năm 1970, khi các ông bố vẫn chưa phải đóng một vai trò tích cực trong việc nuôi dạy con và gia đình tôi không đủ khả năng thuê một người giữ trẻ. Vì vậy, tình hình có hơi bất ổn.

Tôi chỉ còn lại một vài mảnh ký ức rời rạc về khoảng thời gian mẹ vắng nhà. Tôi nhớ hai chị em tôi phải thức dậy lúc năm rưỡi sáng để bố đưa đến gửi ở nhà một người hàng xóm trước khi đi học và bố có thể kịp giờ làm lúc sáu rưỡi. Tôi nhớ người hàng xóm đó có năm người con, sử dụng sữa bột cho món ngũ cốc buổi sáng và không cho chúng tôi xem ti-vi trước khi đi học. Cả hai điều sau đều khiến tôi khiếp hãi. Tôi nhớ mẹ đã viết cho tôi rất nhiều thư và các lá thứ đó thường rất sáng tạo. Có lúc chúng được viết trên mặt sau của những bức tranh mà bà vẽ, có lúc chúng được viết theo hình xoắn ốc trên một tờ giấy hình tròn. Tôi nhớ mình đã rất nhớ bà khi đang chơi một trận đấu bóng chày trong giải dành cho thiếu nhi. Tôi nhớ mình đã quan sát người hàng xóm đưa tôi đến trại hè khi người đó vừa chỉ vào tôi vừa giải thích rõ ràng với người quản lý về việc xảy ra với tôi và mẹ. Tôi nhớ khi đó mình đã khóc, lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong thời gian mẹ vắng nhà. Tôi nhớ mình phải đến nhà ông vào một ngày thứ Bảy khi bố đi thăm mẹ và tôi đã phản đối vì đó là ngày đầu tiên của mùa phim hoạt hình mùa thu, nhưng ông lại chẳng hề có ti-vi. Và tôi nhớ ngày mẹ về nhà, cũng như việc chúng tôi đã tổ chức một bữa tiệc chào đón bà.

Kể từ ngày đó, mẹ tôi luôn tìm cách bù đắp lại khoảng thời gian đã mất. Tôi phải mất nhiều năm mới nhận ra được điều này. Cũng giống bố tôi, mẹ rất tận tụy với hai chị em tôi. Gia đình chúng tôi khá truyền thống. Mẹ tôi ở nhà làm nội trợ cho đến khi chị tôi đi học đại học. Sau đó, bà đi làm lại để giúp trang trải tiền học phí.

Mẹ tôi là một người phụ nữ vô cùng thông minh, tài năng, và luôn quan tâm đến mọi người. Bà biết làm mọi loại bánh. Những món tráng miệng của bà trở thành “huyền thoại” trong gia đình chúng tôi cũng như trong ký ức những người bạn của chúng tôi. Năm nào bà cũng tự may đồ Halloween cho chúng tôi; bà còn đan áo, khăn, găng tay và mũ len; bà biết đan móc; bà biết thêu tranh trên vải. Mỗi tuần bà còn đọc hai hoặc ba cuốn tiểu thuyết kỳ bí và bà có thể giải xong ô chữ trên tờ New York Times Chủ Nhật trong vòng một giờ. Bà lái xe đưa chúng tôi đến tất cả các buổi tập, buổi thi đấu và không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ buổi thi đấu nào của chúng tôi. Bà trở thành người mẹ thứ hai của những người bạn tôi và biết về cuộc sống của chúng không kém gì tôi. Thời gian hai chị em tôi theo học đại học và những chương trình cao hơn ở xa nhà, bà thường xuyên gửi “đồ tiếp tế” cho chúng tôi, đến thăm chúng tôi, thức thật muộn để chờ chúng tôi về nhà, và dậy thật sớm để tiễn chúng tôi đi. Sau đó, bà lại trở thành người bà tận tụy đối với các cháu của mình. Và như tôi đã nói, bà không bao giờ uống rượu lại nữa. Toàn bộ khoảng thời gian bà vắng nhà khi tôi bảy tuổi – và việc bà từng nghiện rượu – nhanh chóng phai nhạt trong tâm trí tôi, gần như đến mức biến mất hoàn toàn.

Nhưng mẹ tôi chưa bao giờ quên chuyện đó. Sau này tôi còn biết được, bà cũng không thể dễ dàng bỏ nó ra khỏi đầu. Ngày tôi và Katie kết hôn, khi sắp đến lúc đón khách, mẹ kéo tôi sang một bên. Tôi có thể thấy là bà đang căng thẳng nhưng tôi không hiểu tại sao. Bà bắt đầu nói về bài phát biểu của phù rể, rồi thì sẽ có rượu sâm-panh. Tôi không lắng nghe bà. Cuối cùng, tôi hỏi bà, với một chút mất kiên nhẫn, rằng rốt cuộc bà muốn nói gì. “Mẹ muốn hỏi là,” bà nói, “mẹ uống một ngụm sâm-panh sau màn phát biểu có được không?”

Tôi trả lời ngay, “Được chứ ạ. Thế hay lắm, mẹ ạ.” Tôi nói thêm, “Mẹ cần gì phải hỏi con. Mẹ cứ uống đi. Thật mà. Mẹ không phải nghĩ gì đâu. Thế mẹ nhé?” Tôi ôm bà nhưng tôi biết vẫn còn một vấn đề gì đó.

Bà lặng lẽ nói, “Ừ, cảm ơn con.” Tuy vậy, bà vẫn đứng yên.

Và rồi tôi nhận ra điều bà thực sự muốn hỏi, tôi bàng hoàng. Tôi nhìn lại bà và nói, “Mẹ, con tha thứ cho mẹ.” Tôi giải thích rằng tôi không nhớ mình đã bao giờ đổ lỗi cho mẹ hay chưa, nhưng nếu tôi từng như thế thì chắc chắn tôi cũng đã tha thứ cho bà từ rất lâu rồi. Tôi nói với bà rằng tôi xin lỗi vì bà vẫn chưa biết chuyện này. Và tôi cố gắng trấn an bà rằng mọi việc bà làm kể từ lúc đó nhiều hơn tất cả những gì mà một người con có thể mong đợi ở bố mẹ. Một vài giờ sau, chúng tôi cụng ly sau màn phát biểu, nhưng rõ ràng là sâm-panh không phải là thứ thực sự quan trọng.

Điều thực sự quan trọng là mẹ tôi biết tôi đã tha thứ cho bà. Tôi phải nói rằng việc tha thứ cho người bạn yêu thương – và cho họ biết rằng bạn tha thứ cho họ – là một điều thực sự quan trọng đối với bạn. Nhưng tôi không dám bảo đảm, vì điều gì mới thực sự quan trọng là tùy ở bạn. Tôi chỉ có thể đề nghị rằng bạn nên thường xuyên hỏi câu hỏi này – với người khác, chắc chắn rồi. Nhưng quan trọng hơn, bạn nên hỏi câu hỏi này với chính bạn, và bạn nên trả lời thật trung thực và dũng cảm. Nếu bạn làm được như vậy, không những câu hỏi này sẽ giúp bạn đi đến tận gốc của vấn đề mà nó còn giúp bạn đi đến trọng tâm của cuộc đời.

Biết Hỏi Mới Là Giỏi – 5 Câu Hỏi Đơn Giản Thay Đổi Cuộc Đời

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here