Trong cuộc sống, có quá nhiều thứ bạn muốn: công việc, gánh nặng,… bạn muốn ít đi, và ngược lại: những điều tốt đẹp, thời gian hưởng thụ, thư giãn,… bạn lại muốn nhiều lên. Vậy làm sao để những cái “muốn” của bạn trở thành hiện thực? Cuốn sách The one thing – Điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc cuộc đời mà Alpha Books mới xuất bản sẽ giúp độc giả có thể có cả hai thứ, ít và nhiều.
Bạn muốn ít. Bạn muốn ít sự sao nhãng. Bạn muốn ít sự lựa chọn. Hàng ngày, bạn phải trả lời cả đống email, tin nhắn qua điện thoại, tin nhắn trên internet khiến bạn sao nhãng và ức chế tâm lý nặng nề. Bạn luôn phải đáp ứng cùng lúc ít nhất hai vai trò. Khi đi làm, bạn phải là một nhân viên tốt, hoàn thành xuất sắc công việc, đồng thời khi tan sở về nhà, bạn phải trở thành người chồng/vợ, người cha/mẹ, người con tốt, hoàn thành nghĩa vụ với gia đình mình. Cái giá bạn phải trả là gì? Chất lượng công việc đi xuống, trễ deadline, lương thấp, không thăng tiến và ức chế nặng.
Bạn muốn nhiều. Bạn muốn tăng năng suất công việc của mình. Bạn muốn tăng thu nhập. Bạn muốn sống thoải mái hơn. Bạn muốn thỏa mãn hơn. Bạn muốn có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè.
Trong The one thing – Điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc cuộc đời, bạn sẽ học:
– Sống có trách nhiệm
– Thanh lọc phiền nhiễu
– Chống lại sự cám dỗ
– Đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn
– Xây dựng động lực hướng tới mục tiêu của bạn
– Phục hồi năng lượng
– Biến những gì quan trọng đối với bạn trở thành thói quen
Cuốn sách này đem lại những kết quả kinh ngạc trong mọi lĩnh vực của đời sống, công việc, cá nhân, gia đình, và tinh thần của mỗi người.
Thông tin tác giả:
Gary Keller là đồng sáng lập và chủ tịch Hội đồng Quản trị của Keller Williams Realty International, công ty kinh doanh nhượng quyền bất động sản lớn nhất nước Mỹ. Là Doanh nhân của Năm của Earnst & Young. Ông đã từng xuất bản 3 quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ liên quan đến bất động sản. Ngoài ra, Gary đã giúp vô số người nhận ra kết quả phi thường của việc chỉ tập trung vào Sứ mệnh của họ.
Jay Papasan là phó giám đốc xuất bản và tổng biên tập của Keller Williams Realty. Ông còn là đồng tác giả với Gary Keller trong nhiều cuốn sách bán chạy khác.
Trích đoạn sách hay
MỌI THỨ ĐỀU QUAN TRỌNG NHƯ NHAU
Sự công bằng là một lý tưởng đáng theo đuổi nhân danh công lý và nhân quyền. Tuy nhiên, trong thực tế, mọi thứ không bao giờ công bằng. Dù các nhà tổ chức có cố gắng phân minh ra sao – các cuộc thi vẫn không đạt được sự công bằng. Dù mọi người có tài năng đến đâu – hai người cũng không thể ngang tài ngang sức tuyệt đối.
Sự công bằng là lời dối trá.
Hiểu được điều này là cơ sở của mọi quyết định quan trọng.
Vậy, bạn quyết định bằng cách nào? Khi có quá nhiều việc để làm trong ngày, bạn quyết định việc phải làm đầu tiên bằng cách nào? Khi còn bé, chúng ta thường đợi đến hạn chót mới vội vàng hoàn thành nốt những việc cần phải làm. Đã đến giờ ăn sáng. Đã đến giờ đi học, đến giờ làm bài tập về nhà, đến giờ làm việc nhà, giờ tắm, giờ đi ngủ. Nhưng khi lớn hơn, chúng ta được đặt ra một khung thời gian nhất định. Con có thể ra ngoài chơi miễn là con làm xong bài tập về nhà trước bữa tối. Sau đó, khi trưởng thành hơn, chúng ta được quyền tự lựa chọn. Và khi cuộc sống của chúng ta được hình thành dựa trên các lựa chọn, chúng ta phải làm sao để lựa chọn đúng đắn?
Thật phức tạp khi càng lớn, lại càng có nhiều cớ để chúng ta tin rằng mọi chuyện “đơn giản phải được thực hiện”. Kỳ vọng quá nhiều, vượt quá năng lực và cam kết thái quá. Tràn lan, đại trà đã trở thành tình trạng chung.
Đó là khi cuộc chiến tìm kiếm hành trình đúng đắn diễn ra quyết liệt. Thiếu công thức ra quyết định rõ ràng, chúng ta rơi vào trạng thái phản ứng và sa đà trở lại những cách thức ra quyết định quen thuộc và dễ dãi. Kết quả là, chúng ta tùy tiện chọn những cách tiếp cận làm xói mòn thành công của chính mình. Việc gấp rút thực hiện những công việc cần làm trong ngày biến chúng ta thành một nhân vật đang hoảng sợ trong một bộ phim kinh dị − luống cuống chạy lên cầu thang thay vì chạy ra cửa. Quyết định sáng suốt nhất được thay thế bằng bất kỳ quyết định nào, và những gì cần được tiến hành chỉ đơn giản trở thành một chiếc bẫy.
Ở tình trạng cấp bách và quan trọng, mọi thứ dường như công bằng. Chúng ta trở nên chủ động và bận rộn, nhưng điều đó không thực sự đưa chúng ta đến gần thành công hơn. Hành động thường không liên quan đến hiệu suất, và sự bận rộn hiếm khi ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả công việc.
Như Henry David Thoreau từng nói, “bận rộn thôi không đủ, cần mẫn cũng vậy. Vấn đề là, chúng ta bận vì việc gì?” Thà làm một việc có ý nghĩa còn hơn làm trăm việc vô nghĩa. Không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau, và thành công không phải là phần thưởng dành cho kẻ làm nhiều nhất. Tuy nhiên, đó lại là những gì diễn ra hàng ngày.
CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ LÀM
Danh sách những việc cần làm là thành tố chính của khả năng thành công và quản lý thời gian. Với mong muốn của bản thân và ước muốn của người khác dồn dập ập đến chúng ta từ tứ phía, chúng ta vội vàng ghi chúng vào các mảnh giấy nhỏ một cách rõ ràng hoặc liệt kê chúng một cách có thứ tự vào các tập giấy in. Các nhà hoạch định thời gian dành thời gian quý giá cho các danh sách công việc hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Nhiều ứng dụng điện thoại di động, và các chương trình phần mềm mã hóa chúng ngay vào bảng chọn. Có vẻ như chúng ta được khuyến khích tạo ra một danh sách việc cần làm – và cho dù những danh sách đó là vô giá, nhưng chúng cũng có những hạn chế.
Dù việc cần làm được coi như những mục đích tốt đẹp nhất của chúng ta, nhưng chúng cũng áp chế chúng ta với những việc không quan trọng, tầm thường mà chúng ta cảm thấy bắt buộc phải hoàn thành – bởi chúng nằm trong danh sách những việc cần làm. Đó là lý do hầu hết chúng ta đều thích hoặc không thích danh sách những việc phải làm. Nếu được phép, chúng sẽ tự tạo ra các ưu tiên giống như cách hòm thư bức chế lịch trình hàng ngày cho chúng ta. Phần lớn những hộp thư đều tràn ngập những e-mail không quan trọng “giả dạng các ưu tiên”. Giải quyết công việc theo trình tự thời gian thư nhận được chẳng khác nào chiếc bánh xe cót két cần được tra dầu. Thủ tướng Úc, Bob Hawke, đã ghi nhận một cách đúng đắn, “Những điều quan trọng nhất không phải là những gì được rao giảng nhiều nhất.”
Những người thành công thường hành động khác biệt. Họ có con mắt rất tinh tường. Họ cân nhắc đủ kỹ lưỡng để xác định những gì quan trọng và sau đó cho phép chúng chi phối thời gian của họ. Những người thành công thường hoàn thành các công việc mà người khác dự định làm nhưng lại trì hoãn có thể là vô thời hạn và ngược lại, họ có thể trì hoãn hoặc không làm những gì người khác làm. Sự khác biệt không nằm ở dự định mà ở cách làm. Những người thành công luôn xuất phát với một ý thức rõ ràng về các ưu tiên.
Trong tình trạng nguyên bản, như một bản kiểm kê đơn giản, một danh sách những việc cần làm có thể dễ dàng khiến bạn lạc đường. Một danh sách những việc cần làm chỉ đơn giản là những việc bạn nghĩ mình cần phải thực hiện; việc đầu tiên trong danh sách chỉ là điều đầu tiên bạn nghĩ đến. Các danh sách những việc cần làm vốn đã thiếu định hướng thành công. Trong thực tế, hầu hết các danh sách những việc cần làm chỉ là “danh sách sống sót” – giúp bạn sống qua ngày, nhưng không tạo nên những bước đệm để giúp bạn dần tạo dựng cuộc sống thành công. Chúng ta dành rất nhiều thời gian để thực hiện các mục trong danh sách những việc cần làm nhưng đến cuối ngày chúng lại chẳng hề mang lại thành công. Thay vì một danh sách những việc cần làm, bạn cần một “danh sách thành công” – với mục đích tạo ra những kết quả đột phá.
Các danh sách những việc cần làm thường rất dài, đưa bạn đến mọi hướng trong khi danh sách thành công lại khá ngắn nhưng lại vẽ cho bạn một hướng di cụ thể. Một là thư mục hỗn độn và một là hướng dẫn có tổ chức. Nếu một danh sách không nhằm mục đích tạo dựng thành công, nó chắc chắn sẽ không mang lại thành công cho bạn. Nếu danh sách những việc phải làm của bạn là một mớ “hổ lốn”, thì nó có thể đưa bạn đến khắp nơi nhưng đó lại không phải nơi bạn thực sự muốn đến.
Vậy, một người thành công biến danh sách việc cần làm thành danh sách thành công bằng cách nào? Với rất nhiều điều có thể làm, bạn xác định được điều gì quan trọng nhất tại một thời điểm bất kỳ hoặc theo cách bất kỳ ra sao?
Hãy làm theo chỉ dẫn của Juran.
JURAN BẺ MÃ KHÓA
Vào cuối những năm 1930, một nhóm nhà quản lý tại General Motors đã có một khám phá hấp dẫn mở ra bước đột phá tuyệt vời. Một đầu đọc thẻ của họ (thiết bị đầu vào cho dòng máy tính ban đầu) bắt đầu có dấu hiệu bị lỗi. Khi kiểm tra, họ khám phá ra một cách để mã hóa các thông điệp bí mật. Đây là một vụ lớn vào thời điểm đó. Từ khi những chiếc máy mã hóa Enigma tai tiếng của Đức lần đầu xuất hiện trong Thế chiến I, thì cả việc mã hóa và phá mã đều là vấn đề thuộc an ninh quốc gia và thậm chí đã dấy lên làn sóng tò mò trong công chúng. Ban quản lý của GM nhanh chóng bị thuyết phục rằng mật mã ngẫu nhiên của họ không thể bị bẻ gãy. Một tư vấn viên của Western Electric tỏ ra không đồng ý với điều đó. Anh ta đã lên tiếng thách thức bẻ mã, từ tối hôm trước và phá được khóa trước 3 giờ sáng ngày hôm sau. Anh ta tên là Joseph M. Juran.
Juran sau đó đã coi sự cố này là điểm khởi đầu cho quá trình bẻ một mã khóa lớn hơn và biến nó trở thành một trong những đóng góp lớn nhất của anh đối với khoa học và kinh doanh. Nhờ giải mã khóa thành công, anh đã được một nhà điều hành của GM mời đến xem xét lại nghiên cứu về bồi thường quản lý được dựa trên một công thức theo mô tả của nhà kinh tế Ý Vilfredo Pareto. Trong thế kỷ XIX, Pareto đã viết một mô hình toán học về phân bổ thu nhập không đồng đều tại Ý khẳng định 80% diện tích đất thuộc sở hữu của 20% dân số. Thực tế, theo Pareto, của cải thực sự tập trung theo cách có thể dự đoán được. Là người tiên phong về quản lý kiểm soát chất lượng, Juran nhận thấy rằng chỉ một số ít sai sót cũng tạo ra vô số sản phẩm lỗi. Sự mất cân bằng này không chỉ đúng với trải nghiệm của anh, mà anh còn cho rằng nó thậm chí có thể là một quy luật phổ quát và những gì Pareto quan sát được thậm chí còn nằm ngoài sức tưởng tượng của ông.
Khi viết cuốn sách chuyên đề Sổ tay kiểm soát chất lượng (Quality Control Handbook), Juran muốn đưa ra một cái tên ngắn gọn cho khái niệm “quan trọng thì ít mà tầm thường thì nhiều”. Một minh họa trong bản thảo của ông mang tên “nguyên tắc phân bổ không đồng đều của Pareto…” Khi người khác có thể gọi nó là Quy tắc của Juran, anh lại gọi nó là Nguyên tắc Pareto.
Nguyên tắc Pareto hóa ra giống như định luật hấp dẫn, nhưng hầu hết mọi người không nhìn thấy lực hấp dẫn của nó. Nó không chỉ đơn thuần là một lý thuyết – mà là sự chắc chắn có thể dự đoán, đã được chứng minh và là một trong những sự thật về hiệu suất lớn nhất từng được phát hiện. Richard Koch, trong cuốn sách của ông, Nguyên lý 80/20, đã nhận định: “Nguyên lý 80/20 khẳng định số ít nguyên nhân, yếu tố đầu vào hoặc nỗ lực thường dẫn đến phần lớn kết quả, thành quả hoặc phần thưởng”. Nói cách khác, trong thế giới của thành công, mọi thứ đều không công bằng. Số ít nguyên nhân tạo ra phần lớn kết quả. Chỉ cần đầu vào đúng đắn sẽ tạo ra phần lớn đầu ra. Nỗ lực có chọn lọc sẽ tạo ra đa phần phần thưởng xứng đáng.
Nguồn: Internet