“Tôi phải làm một cái gì đó để cuộc sống trở nên thú vị, hơn là ngồi chờ chết.”

Donald Trump từng phát biểu như vậy, và rõ ràng, ông đã chứng minh cho cả thế giới thấy mình không hề nói suông. Kể từ khi mới là một tay chơi mới nổi trong giới bất động sản cuối thập niên 70, cho đến bây giờ – sở hữu vị trí quyền lực nhất hành tinh – Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã liên tục “trình diễn” một màn li kì, kịch tính bậc nhất, với đủ các chiêu trò lọc lõi, và thú vị là, lại chưa hề kết thúc.

Ngay từ khi Trump bắt đầu triển khai dự án đầu tiên của mình vào những năm 30 tuổi, phóng viên điều tra Wayne Barrett đã để mắt đến người đàn ông giàu tham vọng này. Trump luôn tự nhận mình là một người kinh doanh thông minh, nhưng thực tế phức tạp hơn thế gấp nhiều lần. Barrett đã khám phá ra cách Trump vươn lên trở thành ông trùm bất động sản nhờ khai thác đủ các mối quan hệ với ngân hàng và giới chính trị, thậm chí cả mafia. Khi đã quyết, Trump không ngần ngại thao túng và lừa đảo, tận dụng cả những ràng buộc về tình cảm và kinh doanh với những người vợ để đạt được mục đích. Dưới ngòi bút của Barrett, chân dung Donald Trump hiện lên sinh động, chân thật như đang đối thoại trực diện với bạn.

Donald Trump là nhân vật của thời đại. Chính dư luận và công chúng đã góp phần thêu dệt, tạo dựng nên những đồn đoán gay cấn xoay quanh ông, đến nỗi không ai có thể nắm bắt được đâu là thật, đâu là giả. Rốt cuộc, Donald Trump đang suy tính những gì? Hãy thử suy luận cùng Barrett, trong cuốn sách đặc biệt kỹ lưỡng, công phu mang tên: “Donald Trump – Màn trình diễn vĩ đại”.

Trích đoạn sách hay

CÁI GIÁ CỦA SỰ ĐÊ TIỆN

Cowperwood đã tham gia vào một sự nghiệp tuyệt vời trước công chúng… một lực lượng hùng mạnh, có tiếng tăm nhưng lại mang bản chất xảo quyệt độc ác. Nếu là một kẻ theo trường phái thủ đoạn thì đó thực sự là một lực hút tự nhiên. Những công dân có vẻ thận trọng khác thì nhìn qua đôi mắt mê muội luôn kiếm tìm những “sự thật không thật” lại rất dễ dàng tha thứ hoặc bỏ qua những vụ giết người tồi tệ đang có xu hướng gia tăng ngày càng nhiều.

– Theodore Dreiser, The Titan

V

iệc thực hiện dự án Hyatt được coi như một phép thử tuyệt vời cho tầm hiểu biết về chính trị và tài chính của Donald Trump. Lần đầu tiên, ông ta nhận thấy mình phải phụ trách một doanh nghiệp với nhiều sách nhiễu đến vậy: một dự án xây dựng lớn nhất từ trước đến nay tại New York.

Về lý thuyết thì Donald điều hành dự án, nhưng thực tế thì ông ta là một ông chủ không có đến cả một văn phòng. Sau khi bắt đầu dự án không lâu tại Commodore vào mùa hè năm 1978, tổ chức Trump, theo tên gọi lúc đó, chuyển văn phòng đến bên cạnh tòa nhà Palmieri ở 466 Đại lộ Lexington. Hai nhân viên duy nhất là Louise Sunshine và Philip Wolfe, quản lý xây dựng, được Trump thuê để quản lý dự án Hyatt. Wolfe sau đó chuyển lên tầng trên cùng của tòa Commodore, nơi ông thường ngồi một mình cả ngày với cái áo khoác pác-ca cũ trong cái văn phòng tạm lồng lộng gió lạnh mùa đông và núi đồ nội thất mẫu. Jeff Walker, bạn cũ của Trump từ Học viện Quân đội New York, gia nhập nhóm với Wolfe. Sunshine thì chỉ làm việc từ nhà.

Donald làm việc trên chính chiếc xe của ông ta, một chiếc Caddy màu bạc với biển số DJT thuê từ một trong số các công ty của Fred Trump, trên xe có lắp điện thoại và lái xe là một tay cựu cảnh sát có vũ khí. Khi dự án Commodore khởi động, mỗi sáng ông lại đi đến văn phòng của Fred tại Đại lộ Z, sau đó quay trở lại Manhattan vào buổi chiều. Nhưng khi dự án hai năm rưỡi này bị kéo dài, và ông ta cũng bắt tay vào những dự án mới khác như Trump Tower, Donald đến Brooklyn ít hơn. Đến cuối năm 1979, ông ta hầu như không bao giờ đến đó.

Vào những ngày đầu của dự án Commodore, Donald, Ivana, và cậu bé mới chào đời Donald Jr. vẫn sống trong căn hộ nhỏ, hiện đại của họ tại tháp Olympic Tower với một phòng khách, một phòng bếp kiêm phòng ăn và hai phòng ngủ. Donald đã sử dụng căn hộ rộng 1.800 bộ vuông trong tòa nhà mẫu tại góc đường 51 và Đại lộ Năm do Aristotle Onassis sở hữu làm địa chỉ kinh doanh cho Tổ chức Trump, tên công ty mà Donald đã thông qua và Fred không bao giờ sử dụng. Donald thường xuyên tổ chức các cuộc họp tại căn hộ này – ví dụ như một cuộc họp với các giám đốc điều hành của Hyatt đến từ Los Angeles vào năm 1978. Ivana thường xuất hiện tại các cuộc gặp mặt này và cũng bắt đầu thăm công trường xây dựng cách đó vài dãy nhà.

Vài tháng sau khi dự án khách sạn bắt đầu triển khai, đôi vợ chồng này chuyển tới một căn hộ trị giá 3.000 đô la mỗi tháng ở tầng trên cùng của một tòa nhà mới cho thuê tại số 800 Đại lộ Năm, chỉ cách 10 dãy nhà từ Tháp Olympic. Căn hộ tám phòng này tượng trưng cho cuộc sống đầy biến động của họ – với một phòng khách có tầm nhìn rộng ra công viên, những tấm gương, những tác phẩm điêu khắc trên tường bằng cờ-rôm, quầy bar, ghế sofa nhung màu be và hai bàn ăn trải da cừu hồ cứng trên mặt đá cẩm thạch. Trump có một bộ sưu tập các con thú thủy tinh của Steuben được trưng bày trên kệ kính giăng những chuỗi đèn trắng lấp lánh đặt ở tiền sảnh.

Ivana đã thuê một chuyên gia trang trí nội thất tên là Barbara Greene đến từ công ty GKR Associates để cùng thiết kế căn hộ với bà. Sau khi hoàn thành, Donald thực sự bị ấn tượng với thẩm mỹ và tài trang trí của vợ mình. Đến giai đoạn chỉnh trang dự án Commodore, ông đã bảo vợ và Greene cùng giám sát khâu nội thất cho khách sạn. Vì rất hài lòng với căn hộ của mình và cũng không có một văn phòng đúng nghĩa nên ông ta bắt đầu tổ chức các cuộc họp kinh doanh và các cuộc phỏng vấn tại chính nhà mình, giống như ông đã từng làm trước đây tại tháp Olympic. Ivana mô tả các phiên làm việc tại nhà mình thực sự “quyến rũ và rạng rỡ”. Sau đó, gia đình Trump cũng thuê một ngôi nhà mùa hè ở Wainscott, ở Hamptons và một nhà gỗ trượt tuyết ở Aspen. Ivana ăn vận theo phong cách Hollywood mà một nhà văn đã gọi, “với mái tóc giả và những bộ váy satin”, chăm chỉ đến thẩm mỹ viện vài lần một tuần. Theo gợi ý của Ivana, Donald cũng sẽ lựa chiếc cà vạt phù hợp với màu váy của vợ mỗi lần cặp đôi đi dự tiệc.

Donald chi trả cho mức sống ngày càng cao này của gia đình mình bằng hàng triệu đô la tiền hoa hồng và tiền phí mà ông ta bắt đầu thu được từ năm 1979 và 1980 từ trung tâm hội nghị tại Penn Central cho tới tới khoản phí môi giới triệu đô lùm xùm từ phi vụ mua bán mảnh đất xây dựng tháp Trump.

Dấu hiệu điển hình nhất cho tình trạng tài chính bỗng nhiên tăng vọt của ông ta là khi tiền thuế phải đóng của ông ta từ 42.386 đô la vào năm 1977 đột nhiên xuống 0 đô la vào năm 1978 và 1979. Ông ta thoát được trách nhiệm đóng thuế vào năm 1979 cho thu nhập ít nhất 3,4 triệu đô la của mình bằng cách đưa ra một gói các khoản thanh toán lãi suất và tổn thất bất động sản được sắp xếp cẩn trọng. Xem xét kê khai thuế của Donald, ông ta đã là triệu phú vào năm 1979 với thu nhập từ tổ chức Trump.

Ivana và Donald hiếm khi tới thăm công trường Commodore cùng nhau mà thường đến riêng lẻ, tự kiểm tra một cách gắt gao và có thể quát vào mặt bất kỳ ai mà họ gặp. Donald muốn mọi bề mặt phải thật sáng bóng, lộng lẫy mà không quan tâm lắm đến những chi tiết nhỏ nhưng quan trọng. Do Fred ngừng hoạt động khi Donald gia nhập công ty vào năm 1968, nên Hyatt là kinh nghiệm đầu tiên của Donald trong nghề xây dựng. Ông ta đủ thông minh để giao nó cho HRH. Ông ta thường xuyên lui tới công trường trong giai đoạn mới bắt đầu khởi công và chuẩn bị kết thúc dự án, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, ông ít khi lui tới vì biết nó đang trong đà chạy nhịp nhàng.

Điều này dẫn đến một số vấn đề liên quan đến sắp xếp hậu cần, khi Donald phải ký vào tất cả các tờ séc cho dự án dưới một hệ thống kiểm soát chi phí đặc biệt được thành lập bởi Manufacturers Hanover, công ty cho vay bất động sản của dự án. Tất cả các tờ séc được phát hành riêng lẻ bởi một tư vấn giám sát thanh toán độc lập, thay vì do ngân hàng phát hành một chi phiếu lớn cho một khoảng thời gian cố định trong quá trình thực hiện dự án. Theo cách này, ngân hàng và Donald cùng quản lý các khoản chi phí xây dựng. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, tư vấn – một ông kế toán già – gần như phải tìm Donald hằng ngày để xin chữ ký. Thường thì ông ta sẽ gọi tới điện thoại trên xe của Donald hoặc gọi tới văn phòng ở Brooklyn, nơi mà cô thư ký thi thoảng nắm được lịch của Donald. Ông biết rõ rằng mặc dù chẳng ăn gì cả nhưng Donald ngày nào cũng phải ghé qua quán ‘’21’’, địa điểm ăn trưa ưa thích của những tay môi giới quyền lực. Đối với Donald và luật sư của ông ta là Roy Cohn thì đó như một nghi thức khi viên tư vấn sẽ luôn xuất hiện với một tờ séc trên tay và xin chữ ký.

Ivana thường xuyên lui tới công trường khi phần cấu trúc bên trong và mặt ngoài của tòa nhà đã cơ bản hoàn thành. Cô ta kiểm tra từng cen-ti-mét những phiến đá cẩm thạch paradiso, từng cột trụ bọc đồng, xoắn ốc hay vỏ bọc dây điện. Mỗi khi có Barbara Greene là tư vấn thiết kế nội thất đi cùng, Ivana thường đưa ra những đề xuất yêu cầu chỉnh sửa. Nếu phía giám sát xây dựng nói rằng đề xuất của cô ta quá đắt đỏ, Ivana sẽ chỉ nhún vai và bảo ‘’không phải lo’’ đến tiền của cô.

Donald đã thông báo với nhân viên tại công trường rằng ông ta muốn cô tham gia vào công việc, vì vậy họ nghe cô, và nếu có thể, sẽ làm theo chỉ dẫn của cô. Mặc dù hiện diện ở công trường gần như hằng ngày nhưng cô ta không bao giờ nhớ nổi tên một người. Cô ta có thể nói chuyện với bất kỳ người nào đó mà chẳng cần biết họ là ai, kể cả những giám sát cấp cao của Donald, chỉ cần họ nói cái mà cô ta muốn. Loại bỏ những vấn đề về giao tiếp xã hội, Ivana lại được Der Scutt, kiến trúc sư thiết kế khách sạn Hyatt, đánh giá cao và cảm ơn những đóng góp của cô trong thiết kế nội thất. Trong một buổi phỏng vấn diễn ra vài năm sau dự án kiến trúc cuối cùng cho Trump, khi ông vừa tán thưởng vừa chỉ trích Donald thì ông lại không tiếc lời tán thưởng Ivana là đã “có công trong việc đưa ra rất nhiều thay đổi cho Hyatt mà nếu không có những thay đổi đó thì thực sự sẽ là bất lợi cho công trình.” Scutt nói rằng Ivana đã đảo ngược quyết định của những nhà thiết kế nội thất mà ông gọi là “những kẻ báng bổ thần thánh’’ và “đủ tinh tế để hỗ trợ chúng tôi làm kiến trúc”. Ông nói rằng “thiết kế của khách sạn Hyatt được cải thiện rất nhiều nhờ có những đóng góp của Ivana.’’

Do cha là một kỹ sư điện ở Prague và Vienna, Ivana lớn lên với những bản thiết kế và luôn nghĩ rằng cô có thể đọc được. Cô sẽ xuất hiện ở công trường với giày cao gót, tay cầm bản vẽ và lịch thi công, sẵn sàng làm phật lòng các công nhân và kiến trúc sư hoặc yêu cầu những thay đổi phức tạp bằng giọng bướng bỉnh. Dưới chiếc mũ cứng rộng vành, Ivana luôn ăn vận như lên sân khấu. Cứ cách vài ngày, cô ta lặp lại trang phục đã mặc nên nhiều khi nhân viên ở công trường còn có thể tự tin mà đoán rằng Ivana sẽ đến với bộ đồ kẻ caro đen trắng.

Mặc dù không bao giờ thảo luận về chuyện con cái với nhân viên của mình, cả hai đều nhắc đến thỏa thuận tiền hôn nhân trong những buổi nói chuyện tại văn phòng Tổ chức Trump. Ivana thì luôn nói rằng “họ đã bắt tôi ký’’. Lời phàn nàn của Ivana, kể cả ở nhà và ở văn phòng, đều luôn thống nhất đến mức Donald sợ rằng cô ta sẽ rời bỏ ông. Luật sư Cohn đã soạn lại thỏa thuận vào tháng Bảy năm 1979, trong đó lợi ích của cô ta được tăng lên đáng kể, với khoản hỗ trợ nuôi con tối thiểu 30.000 đô la dành cho Donald Jr. Nhắc đến “tình yêu vĩ đại’’ gắn kết hai trái tim với nhau, bản thỏa thuận mới đảm bảo cho Ivana được hưởng một khoản 100.000 đô la một năm cho đến cuối cuộc đời nếu Donald chết, cùng với quyền được sống miễn phí tại căn hộ mà đôi vợ chồng đang ở hiện tại. Điều này khác hẳn so với điều khoản thanh toán một lần duy nhất nêu trong bản thỏa thuận cũ. Theo thỏa thuận mới, các khoản thanh toán cho cô ta sẽ không phải dựa vào một thang đối chiếu nữa mà phụ thuộc vào số năm hôn nhân hạnh phúc mà cô ta trao cho Donald. Số tiền trợ cấp cũng tăng từ ngưỡng 75.000 đô la một năm trong 10 năm đầu lên đến 100.000 đô la một năm kể từ năm thứ 10, cùng với việc sở hữu căn hộ. Những đảm bảo này thay thế hoàn toàn những sắp đặt có điều kiện được quy định trước đây, theo đó, cô ta sẽ phải chung sống với chồng trong ít nhất ba thập kỷ để có thể được hưởng khoản trợ cấp 90.000 đô la một năm.

Hơn thế nữa, ngôn ngữ bổ sung vào bản thỏa thuận mới thừa nhận rằng Ivana đã “làm việc chung với Donald kể từ cuộc hôn nhân của họ” được toát lên rất rõ ràng, cho thấy Ivana đã suy tính rất cẩn trọng từ trước để đưa yêu cầu bồi thường vào nhằm đảm bảo rằng Donald sẽ phải đồng ý với yêu cầu đó. Đến năm 1980, chứng chỉ tiền gửi của cô ta đã tăng lên 145.000 đô la, bao gồm thu nhập 100.000 đô la theo thỏa thuận hôn nhân lần thứ nhất (cô ta sẽ cần dùng đến khoản tiền dự phòng này để đảm bảo cho cuộc sống của mình khi nguy cơ tan vỡ dường như không thể tránh khỏi một vài năm sau).

Ngoài những chuyến viếng thăm của Ivana và Donald tới công trường Commodore, Fred Trump cũng thường xuyên ghé qua. Thân thiện và không quá ồn ào, ông giúp giải quyết một số vấn đề về điện tại công trường như hệ thống ăng-ten cho TV. Ông biết một chút về xây dựng nhưng chưa bao giờ làm và cũng không biết gì về khách sạn. Thế nhưng, rõ ràng là ông lại rất thoải mái khi ra công trường. Trong một cuộc họp quan trọng, ông hỏi nhân viên tại công trường xem Ivana đang làm gì, và cô ta sau đó đã tra hỏi chính những nhân viên này tại sao họ lại nói với Fred.

Mãi đến cuối dự án, Donald mới tìm được một văn phòng mới cho tổ chức của mình và Fred lại một lần nữa tham gia cùng. Vào mùa hè năm 1980, tập đoàn Xây dựng Trump Village đã cho Donald thuê lại văn phòng rộng hơn 25.000 bộ vuông tại tầng hai của Tòa nhà Crown trên đại lộ 5 và đường 56, chỉ cách căn hộ penhouse của Donald ở số 800 đại lộ 5 có bốn dãy nhà và đối diện là địa điểm của tòa Trump Tower mà ông ta vừa mua.

Tận dụng các nhà thầu từ dự án Hyatt, Donald đã thiết kế một không gian làm việc hiện đại, thoáng và trang nhã, vừa chia sẻ văn phòng với Sunshine, vừa có một không gian đủ cho nhân viên quản lý giấy tờ, tài liệu. Với thảm trải đỏ và những bức tường mạ vàng, chiếc bàn làm việc mới màu đỏ tía làm từ gỗ Ý của Donald trở thành trung tâm của cả văn phòng. Tập đoàn Trump Village đã chi trả toàn bộ các chi phí về kiến trúc, pháp lý và tiền thuê tại tòa nhà Crown, cũng như cho Donald vay 4,6 triệu đô la trong năm 1980, trong đó có ít nhất một triệu là khoản vay không lãi suất cho các mục đích sử dụng vốn lưu động. Mặc dù đẩy con trai mình lên vị trí trung tâm đắc địa mà mọi người dân New York đều muốn, Fred Trump, ở độ tuổi 77, lại tỏ ra khá hài lòng khi ở trong căn hộ trên đại lộ Z, nép mình trong văn phòng hình hộp của ông bộ sưu tập xì gà Ấn Độ và những mẩu báo cắt gấp.

Việc phá dỡ và cải tạo khách sạn Commodore thực sự phức tạp, ví dụ, đòi hỏi phải khoan hơn 9.000 lỗ từ mặt ngoài của lớp gạch cũ tới phần kết cấu thép phía sau nó nhằm bảo vệ bức tường bằng nhôm và kính bọc bên ngoài lớp gạch. Đường tàu chạy phía dưới tòa nhà qua một đường hầm để dẫn vào Ga trung tâm Grand Central đã làm việc đặt các đường ống dẫn nước nóng trở nên phức tạp hơn do không có một tầng hầm thật sự. Việc thiếu tầng hầm khiến HRH phải sắp xếp đường ống và toàn bộ các việc đi kèm từ trên xuống dưới, làm cho nó thực sự trở thành một cơn ác mộng.

Những chi tiết phức tạp ngoài dự kiến này làm chi phí bị đội lên và chậm tiến độ thi công. Mặc dù sau này, Donald luôn được phía Hyatt coi là một người luôn theo đúng ngân sách, đúng tiến độ, thì riêng dự án này lại một sự thất vọng trên cả hai phương diện. Jay Pritzker, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1990, nói rằng “tổng chi phí cho dự án là 120 triệu đô la, cao hơn 50 triệu đô la so với dự kiến ban đầu”. Pritzker luôn nghĩ rằng dự toán của Donald là “quá lạc quan” và nói rằng “Donald và tôi đã luôn bất đồng quan điểm về ngân sách cho dự án này”.

Pritzker nói tiếp: “Việc chi phí bị đội lên xảy ra thường xuyên’’, cụ thể như những chi phí không lường trước được của bức tường kính. Một trong những lý do khiến việc ước tính chi phí xây dựng bị thấp so với thực tế là do loại trừ khỏi hợp đồng với HRH một danh sách dài các hạng mục, cho phép Trump thuê một nhà thầu tổng chỉ với khoảng 38 triệu đô la. Những nhà điều hành xây dựng tham gia cùng Hyatt cho biết trước đó có một hợp đồng với HRH trị giá 56 triệu đô la với một danh sách ngắn hơn các khoản phụ thu đã bị từ chối.

Trump đã chi một nửa phần chi phí đội lên cho Hyatt bằng khoản tín dụng mà ngân hàng cũ của Fred là Chase Manhattan đã cấp cho ông vào tháng 5 năm 1980, khi mà khoản vay của Hanover Manufacturers gần như đã bị lãng quên. Khoản nợ khoảng 28.500.000 đô la của Trump với ngân hàng Chase được chỉ định chi cụ thể cho dự án Hyatt, làm tổng nợ mà ông ta đã vay từ các công ty của Fred lên đến gần một triệu đô la. Khoản vay này khiến cho chi phí đội lên của dự án còn vượt xa con số trong ký ức của Pritzker, lên đến gần 60 triệu đô la và gần gấp đôi ngân sách ban đầu của Trump. Mặc dù ầm ĩ bên ngoài, Donald đã âm thầm đẩy chi phí cuối cùng lên 130 triệu đô la trong một bản kê khai xin khấu trừ thuế doanh nghiệp năm 1981, trừ đi 10 triệu đô la tiền mua mảnh đất.

Lễ khai trương của Hyatt diễn ra vào tháng 9 năm 1980, muộn một tháng rưỡi so với kế hoạch. Trước đó Trump dự kiến sẽ hoàn thành công trình vào “mùa đông năm 1980” nhưng rồi ông ta thay đổi lịch trình khi biết Hội nghị Dân chủ Quốc gia sẽ mở màn tại New York từ 11 tháng 8. Cam kết rằng dự án sẽ chắc chắn hoàn thành vào thời điểm đó, tuy nhiên sự chậm trễ trong thi công khiến ông ta mất đi một cơ hội hiếm có để giới thiệu Hyatt trong một sự kiện được phát sóng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.

Khi khách sạn mở cửa, hàng ngàn khách, dẫn đầu là Thống đốc và Roy Cohn lộng lẫy đã tham dự bữa tiệc gala, với thịt bê phi lê và nấm đặt trên khăn trải bàn vàng óng trong phòng Grand Ballroom. Trong lúc gấp rút hoàn thành khu tầng lửng để phục vụ khánh thành, Ivana đã yêu cầu thợ điện sửa lại việc đi dây của những tầng trên. Cô ta cũng tác động để thay đổi việc sắp xếp cây xanh trong phòng Garden Room, khiến cho quán cà phê này nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút của khách sạn.

Thật ra, việc thi công khách sạn Hyatt vẫn chưa thực sự hoàn thành vào thời điểm khánh thành. Một nhà hàng khác của khách sạn là Trumpet chỉ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm đó. Các phòng khách sạn tại một vài tầng đã được mở bán, số còn lại được mở vào mùa xuân năm 1981. Đại diện của Hyatt rất lo lắng về sự chậm trễ này, họ đã thuê một nhà tư vấn đến hiện trường để điều tra về báo cáo của ông ta sau đó kết luận rằng việc thi công thực sự có thể hoàn thành trước đó sáu tháng.

Có một tác dụng phụ mang tính nghịch lý trong việc giá thi công của khách sạn Hyatt bị đội lên: Bằng cách giấu chi phí thực sự của dự án, Trump có thể đã tiết kiệm được một khoản kha khá khi sử dụng giá ấn định từ đầu của vật liệu xây dựng. Trump đã được miễn thuế doanh thu đối với tất cả các vật liệu sử dụng cho Hyatt, nhưng ông ta phải thu từ nhà thầu khoản tiết kiệm từ thuế và đưa vào một quỹ ủy thác. Quỹ này, được thành lập theo thỏa thuận giữa Donald với UDC, sẽ được sử dụng để tài trợ cho một loạt các hoạt động cải tiến cho Ga trung tâm Grand Central ở bên cạnh. Rõ ràng là, về lý thuyết thì giá thành của dự án càng cao thì đóng góp vào quỹ ủy thác sẽ phải càng lớn. Tuy nhiên, đóng góp của Trump lại khiêm tốn một cách ngạc nhiên.

Trong bản ghi nhớ cuối cùng của ông về dự án vào cuối năm 1977, Michael Bailkin, nhà tư vấn của thành phố, đã ước tính mức thuế dự kiến tiết kiệm được của Trump và mức đóng góp dự kiến vào quỹ ủy thác của Trump là khoảng 2,25 triệu đô la. Cho đến cuối tháng 12 năm 1979, khi dự án đã xây dựng được một năm rưỡi, các quan chức nhà nước vẫn dự kiến rằng dự án sẽ tiết kiệm được 1,5 triệu đô la. Vào thời điểm đó John Simpson, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Giao thông Thành phố (MTA), điều hành hệ thống nhà ga, và do đó là người hưởng lợi cuối cùng của kế hoạch quỹ ủy thác, đã viết thư cho Trump thông báo rằng cơ quan của ông đã có kế hoạch sử dụng nguồn tiền từ quỹ ủy thác để làm vốn đối ứng địa phương, trong một nỗ lực để đảm bảo điều kiện trợ cấp của liên bang cho thậm chí những cải tiến lớn hơn ở nhà ga.

Điều MTA không biết đến là UDC cũng đã nhận được tin xấu rằng Trump chỉ “xác nhận được khoảng 600.000 đô la tiền tiết kiệm từ thuế doanh thu”, do đó sẽ chỉ có khoảng 800.000 đô la trong khoản đóng góp cho quỹ ủy thác. Bản ghi nhớ của UDC kết luận rằng “khoản tiền này ít hơn hẳn so với dự kiến và khó có thể đủ cho dự án cải tạo” đã được lên kế hoạch, cụ thể là việc làm sạch mặt tiền của nhà ga. Bản ghi nhớ đã xác nhận lại tính chính xác của các khoản kê khai của Trump và kết luận một cách ngờ vực rằng năm hoạt động cải tiến khác được liệt kê trong bản hợp đồng có thể được thực hiện.

Thực tế là chi phí xây dựng tại khách sạn tăng nhanh như nấm sau mưa. Khoản chi phí đội lên được coi do giá của nguyên vật liệu, tuy nhiên khoản 900.000 đô la thu được cuối cùng vẫn ít hơn rất nhiều so phải số tiền mà Trump đáng lẽ ra phải trả. Kahan có thể nói sau đó rằng ông không biết về bất kỳ khoản đội giá nào từ dự án Hyattt, và thừa nhận rằng cơ quan của ông chỉ đơn giản là không giám sát chi phí xây dựng thực.

Trong lúc đó, Trump, lại đang thổi phồng việc đóng góp vào quỹ ủy thác của mình trên các phương tiện truyền thông. Với cái tít “Ga trung tâm sẽ trở lại đẹp như xưa”, ông đã được trích dẫn trong bài báo trên tờ New York Post là hứa hẹn sẽ phục hồi lại quang cảnh ban đầu của ga với kế hoạch khổng lồ trị giá 3 triệu đô la Mỹ – gấp ba lần so với đóng góp thực sự của ông. “Nó sẽ rực rỡ và lấp lánh”, ông ta dự đoán, bổ sung rằng ông sẽ lắp đặt một hệ thống đèn chiếu sáng nửa triệu đô la ở phía trước nhà ga. Việc dọn dẹp bên ngoài ga cũng được thực hiện với một sự phô trương như vậy, nổi bật với những tấm pa nô in tên của Trump được treo trên nóc của nhà ga. Chính sự phô trương này đã khiến thành phố và Cơ quan quản lý giao thông (MTA) phải trấn an những lo ngại của công chúng rằng Trump đã có thể mua cả nhà ga này. “Đó là thực sự là chuyến đi tối thượng cho bản thân?” Ông ta tự hào tuyên bố.

Donald tự trả cho mình một khoản 137.000 đô la trong tổng số tiền 830.000 đô la để cải tạo nhà ga mà ông ta nói là trả cho chi phí giám sát và một số phí khác. Trong các cuộc họp với quan chức thành phố, ông đều im lặng thừa nhận rằng quỹ ủy thác đã trao cho ông một khoản tiền đáng kể. Mặc dù thỏa thuận trong hợp đồng thuê đất và quỹ ủy thác đã buộc Trump phải “chi tổng số tiền bằng đúng số tiền tiết kiệm từ thuế doanh thu, được xác định bởi một kế toán viên độc lập có chứng nhận”, không hề có một bản sao kê nào từ kiểm toán về Trump (CPA) được lưu tại UDC.

Theo yêu cầu của các quan chức chính quyền của Koch năm 1982, Trưởng ban quản lý tài chính của thành phố, Jay Goldin đã tiến hành kiểm toán các khoản thanh toán của Hyatt theo hợp đồng cho thuê. Sau hơn một năm rưỡi kiểm toán, kết luận đưa ra rằng các hoạt động cải tạo Ga trung tâm “đã bị trì hoãn vì thiếu sót trong công tác báo cáo và thu tiền tiết kiệm thuế doanh thu”. Tuy nhiên những phát hiện từ báo cáo kiểm toán lại khá mơ hồ, không đưa ra được một con số cụ thể cần điều tra hoặc xác định được bên phạm lỗi. Báo cáo kiểm toán cũng bỏ qua những bản sao kê không được lưu tại CPA, và cũng bỏ qua những khoản chi phí bị đội giá khủng khiếp. Trump rất lo lắng đến cuộc điều tra nên đã đích thân gọi cho một nhân viên kiểm toán viên, Frank Cannistra, để đảm bảo rằng kết quả kiểm toán sẽ không làm tổn hại đến việc kinh doanh của ông.

Goldin, người vẫn luôn đói tin tức, đã không công bố thông cáo báo chí về việc hoàn thành cuộc kiểm toán và cũng không gửi một bản sao của nó cho MTA, cơ quan công quyền duy nhất có vốn góp trong khoản tiền hàng triệu đô chưa được thanh toán đó. Các nhân viên cấp thấp của UDC được nhận một bản sao của báo cáo. Mặc dù báo cáo yêu cầu UDC phải kiểm tra sổ sách của một số nhà thầu phụ mà khoản thanh toán của họ được coi là “đáng ngờ”, những khuyến nghị trong bản báo cáo lại không được chuyển đến tai những lãnh đạo cao cấp trong UDC. Văn phòng của Goldin không bao giờ kiểm tra xem liệu UDC có kiểm toán các nhà thầu phụ hay không. Donald, tất nhiên, là một người đóng góp cho Goldin, đã đóng góp nhiều hơn cho quỹ vài năm sau khi cuộc kiểm toán này kết thúc.

Tám năm sau khi khoản thanh toán được cho là đã được thực hiện, MTA vẫn viết tới UDC để hỏi. Một nhân viên của Koch kết luận trong một biên bản ghi nhớ năm 1988 rằng những vấn đề xung quanh số tiền thuế tiết kiệm và các hoạt động cải tạo ga của Trump vẫn “chưa được giải quyết cho đến tận ngày nay”. Ví dụ điển hình giải thích số tiền bị thiếu kia đi đâu được nêu ra trong một lá thư viết năm 1981 bởi một trong những nhà thầu phụ của Hyatt, Tập đoàn Flour City Architectural Metals, tuyên bố họ không phải chịu thuế doanh thu cho khoản hợp đồng trị giá 7 triệu đô la. Chủ tịch công ty giải thích điều này trong một bức thư gửi UDC bằng cách tiết lộ rằng tổng thầu của Trump nói với ông khi ông đang chuẩn bị hồ sơ thầu rằng không cần thuế doanh thu vào dự toán vì Hyatt là “một dự án được hưởng miễn thuế”. Điều này đã khiến công ty của ông trúng thầu với giá thầu thấp hơn. Khi nhà thầu được yêu cầu trả lại khoản tiền thuế tiết kiệm để nộp vào quỹ ủy thác, ông ta nói rằng ông ta đã khấu trừ ngay trong giá thầu và sẽ không trả lại tiền. Trump sau đó đã sử dụng Roy Cohn để kiện nhà thầu phụ này, buộc họ phải trả khoản tiền tương đương với khoản tiết kiệm thuế doanh thu. Các nhà thầu khác cũng ở trong tình trạng tương tự, nên họ cũng đẩy cho Trump những nhà thầu phụ rẻ hơn.

Ngoài các vấn đề về thuế, đa số các nhà thầu phụ trong dự án Hyatt đều nằm trong danh sách cần theo dõi của những nhà thực thi pháp luật. Nhà thầu bê tông, North Berry, và bên cung ứng, Transit-Mix, được nêu tên trong một số vụ kiện tại tòa là thành viên của một số tập đoàn buôn bán đang lũng đoạn thị trường. Một công ty chuyên về phá dỡ có trụ sở tại Pennsylvania tên là Cleveland Wrecking, có hợp đồng với Donald, cũng nằm trong danh sách của FBI khi là một thành viên bí mật trong gia đình mafia nổi tiếng Scarfo đang thống trị thành phố Atlantic và Philadelphia. Công ty Wachtel Plumbing thì liên quan đến một phi vụ tống tiền tập thể tại thành phố Atlantic vào thời điểm công ty này đang chạy dự án cho Hyatt. Báo cáo từ một vụ nghe trộm thủ lĩnh của một hiệp hội nghề mộc, ông Teddy Maritas, do FBI thực hiện có trích dẫn rằng, việc trao hợp đồng làm tường thạch cao của khách sạn Commodore cho Circel Industries là một ví dụ điển hình cho thấy sự hiện diện của các nhóm mafia đang chiếm lĩnh các hoạt động kinh doanh. Maritas thản nhiên nói rằng “Anh nghĩ là những hợp đồng này là từ trên trời rơi xuống à?”

Tại New York thời điểm đó, thực sự rất khó để thi công một công trình mà không vướng vào bê bối gì, tuy nhiên nhóm của Hyatt đã vượt quá giới hạn thường thấy – quầy thông tin ở sảnh khách sạn được Ancorp, một bên điều hành đại diện của Cohn, thuê lại. Ancorp đã từng có hai nhân viên bị kết tội hối lộ giám đốc tập đoàn bất động sản Amtrak sau khi một đoạn phim ghi lại cảnh này bị rò rỉ. Cohn thu hút được Trump khi tên của ông ta được đưa ra là một trong ba doanh nhân để tham khảo trong một đề xuất thuê với thành phố và được mô tả là một “đối tác đảm bảo” đang hỗ trợ công ty trong một báo cáo của Dun& Bradstreet. Khi công ty đang ở đỉnh cao, kiểm soát hàng trăm quầy thông tin ở các ga tàu điện ngầm và tàu điện, khách sạn Hyatt là khách sạn duy nhất, là thước đo của sự thiếu biết ơn của Donald đối với vị luật sư đặc biệt.

Trên thực tế, vào thời điểm Cohn đang hoan hỉ đi từ bàn này tới bàn khác trong buổi tiệc gala khai trương khách sạn Hyatt vào mùa thu năm 1980, ông ta gần như đã trở thành một phần bất biến trong cuộc đời của Donald cũng giống như Fred. Trump liên tục gọi ông là “người bạn thân nhất của mình” – ngay cả trong các cuộc trò chuyện với các phóng viên. Ông ta dẫn nhiều chương trình trong bữa tiệc hơn một trăm khách mừng sinh nhật của Trump tại “Le Club”, và Donald cũng là nhân vật nổi bật thường xuyên xuất hiện trong nhiều bữa tiệc sinh nhật tổ chức tại Studio 54 của Cohn, cũng như các bữa tiệc nhỏ khác tại nhà của ông ở Greenwich, Connecticut. Khi phóng viên Marie Brenner từ tạp chí New York tổ chức một cuộc phỏng vấn ăn trưa với Trump vào năm đó, Donald đến quán “21” cùng với Stanley Friedman, và cả hai đã dành phần lớn thời gian để nói những câu chuyện về Cohn. “Roy có thể chỉnh được bất kỳ ai trong thành phố này”, Friedman, đối tác tư vấn luật của Donald, hào hứng nói. Donald thì nói rằng “Ông ta là một luật sư tồi tệ, nhưng là một thiên tài”. Những lời khen ngợi chính cũng là sự hoài nghi mà Cohn đã tạo ra cho hai người bảo hộ mệt mỏi của ông ta.

Tuy nhiên, việc xây dựng khách sạn Hyatt không chỉ có vấn đề với những nhà thầu phụ không đứng đắn, với những kẻ điều hành quầy thông tin gian lận, với gạch ngói và đá cẩm thạch. Nhiều hành động bất lương tưởng đã được bịt kín của Trump trở thành vết nhơ cho dự án, trong đó phải kể đến việc xử lý những người thuê không gian thương mại ở tầng trệt của tòa Commodore.

Theo luật thì UDC có thể kiện và tịch thu phần đất của những người thuê cũ ở khách sạn Commodore, kể cả những người đáng kính. Nếu quyết định sử dụng quyền này, UDC sẽ trả một khoản phí cho tòa án để tòa thực hiện thu lãi suất cho thuê các cửa hàng và sau đó đẩy tất cả những chủ thuê cũ ra đường. Theo thỏa thuận với Trump, ông ta sẽ bồi hoàn lại cho UDC tất cả các chi phí liên quan đến việc tịch thu, bao gồm cả những chi phí mang tính không chính thống. Trong khi các quan chức của UDC rõ ràng đã từ chối ký vào một thỏa thuận năm 1977 nhằm ràng buộc họ thực thi quyền tịch thu khi được Trump yêu cầu, một năm sau đó họ lại cho phép ông ta sử dụng quyền đó để đe dọa những người thuê. Một Charles Goldstein hung hãn và một Richard Kahan thụ động chính là những người chịu trách nhiệm cho điều này. Khi nhìn thấy Trump bắt tay các quan chức liên bang trước mặt những doanh nhân hợp pháp, ít ra thì Kahan đã phản ứng lại bằng cách yêu cầu ông ta tới gặp tại trụ sở của UDC và cố gắng kiểm soát ông ta một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, cuối cùng thì chỉ có tòa án mới có thể ngăn cản nổi ông ta.

Lý do để bào chữa cho việc tịch thu một vài trong số hàng chục cửa hàng là vì nhiều cửa hàng có mức độ thẩm mỹ tương đối thấp sẽ không phù hợp với thiết kế của khách sạn mới. Nhưng Trump đã nói rõ với Kahan vào cuối năm 1977 rằng “ngay cả khi vẫn giữ những gian hàng đó, thì việc vận hành những cửa hàng tầm thường đó cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và sự thành công của một Hyatt mới”. Vài tháng sau đó, UDC đã hỗ trợ Trump khi ông ta gặp mặt những doanh nghiệp thuê mặt bằng tại khách sạn, trong đó có cả Strawberry là một cửa hiệu thời trang lớn và thành công nằm ở góc phố Lexington và phố 42. Strawberry nhận được thông báo thu hồi ngay cả khi cửa hàng này được Trump nêu lên là cửa hàng kiểu mẫu mà ông ta muốn giữ lại trong cuộc họp tại UDC với các doanh nghiệp thuê mặt bằng vào năm 1976.

Sau cuộc họp đầu tiên đó, Alan Ades là chủ của Strawberry đã cố gắng trong hơn một năm để sắp xếp một cuộc họp khác với Trump. Tháng 12 năm 1977, Ades và đối tác của ông cuối cùng cũng có hẹn được Trump dành một ngày với họ tại văn phòng ở đại lộ Z. Ades đã bị đánh bại ngay trong lần gặp đầu tiên và những lần gặp tiếp theo, bởi sự phong thái và sự quyến rũ của Trump, khả năng làm dịu đi những căng thẳng và đe dọa bằng một nụ cười thân thiện.

Tuy nhiên, Ades cho rằng phần lớn những điều mà Trump nói đều là giả dối, đặc biệt khi ông ta bình phẩm rằng Ivana mua giày ở một cửa hàng chỉ dành cho tầng lớp trung lưu trong khách sạn của mình.

Cuối cùng, Ades và Trump bắt tay và ký một bản thỏa thuận bằng văn bản mà họ đã cùng nhau soạn ra trong đó cho phép Strawberry tiếp tục hoạt động trên lô đang thuê phải trả thêm 50% giá cho cùng một mặt bằng. Dù sao thì Ades cũng thở phào nhẹ nhõm. Cửa hàng tại Commodore của ông với 35 nhân viên là đầu tàu của một chuỗi các cửa hàng nhỏ nhưng đang trên đà phát triển với tổng số 300 nhân viên.

Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua nhưng Ades vẫn không nhận được hợp đồng thuê chính thức mà Trump phải chuẩn bị theo thỏa thuận đã ký kết. Vào tháng Tư, Trump gửi cho ông thông báo hủy hợp đồng trong vòng 60 ngày. Mặc dù còn thêm 40 ngày nữa trước khi Trump chính thức chấm dứt thỏa thuận với thành phố và sở hữu khách sạn, ông ta đã bắt đầu đuổi khách hàng thuê tốt nhất của mình khi còn chưa có quyền sở hữu nó. Có một điều khoản trong bản thỏa thuận với Trump yêu cầu Ades phải tạm thời hủy bỏ hợp đồng trong vòng 60 ngày ra thông báo, nhưng chỉ khi sự tồn tại của cửa hàng đã làm chậm tiến độ xây dựng. Việc xây dựng chỉ bắt đầu vào tháng Sáu. Và, điều quan trọng nhất là Ades dự kiến sẽ nhận hợp đồng thuê cửa hàng trước khi ông phải đóng cửa nên ông rất tự tin rằng mình sẽ có thể mở cửa trở lại khi các hoạt động xây dựng cho phép.

Ades từ chối dời đi và nỗ lực yêu cầu một cuộc họp khác với Trump. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1978, ông và đối tác của mình lại lái xe tới Đại lộ Z. Lần này Trump đã mở màn cuộc họp với thái độ mà Ades gọi là “như một quả bom”. Donald tuyên bố “Tôi đã thay đổi ý định” và từ chối thực hiện thỏa thuận vào tháng Mười hai, giải thích rằng việc Ades không chuyển đi trong hạn 60 ngày thông báo đã làm bản thỏa thuận mất hiệu lực. Ades nói rằng ông vẫn còn sáu ngày theo như thông báo di dời, và hứa rằng ông sẽ chuyển đi vào ngày hôm sau. Trump bảo ông ở lại và trả tiền thuê cửa hàng cho đến khi chính thức thu hồi. “Tôi sẽ yêu cầu UDC thu hồi cửa hàng của ông,” ông ta nói một cách rõ ràng, và còn nói thêm rằng ông ta có thể thương lượng một hợp đồng cho thuê mới cho phép Strawberry quay trở lại sau khi khách sạn hoàn thành.

Vài ngày sau đó, Trump đã thực hiện cái mà ông ta muốn từ Ades. Ông ta yêu cầu trả trước 100.000 đô la, gần bằng tiền thuê một năm theo hợp đồng hiện tại, một khoản tiền mà Ades coi là “tiền chuộc”. Trump cũng muốn tăng thêm 100.000 đô la một năm so với số tiền đã đồng ý trước đây, khiến giá thuê tăng lên đến 150 phần trăm. Ades từ chối các điều khoản này, và ba ngày sau đó UDC đã đưa ra thông báo mua lại. Cơ quan này ra giá 25.000 đô la cho thời hạn thuê 21 năm còn lại của Strawberry, bao gồm cả giá trị của đồ đạc trong cửa hàng mà Ades ước tính lên tới 600.000 đô la. Ades phải trả lời thông báo này trong vòng bảy ngày, tuy nhiên trước thời hạn đó UDC đã gửi đơn yêu cầu thu hồi. Những hành động dồn dập như vậy là do có một đạo luật mới về việc thu hồi vừa được cơ quan lập pháp thông qua với những quy định chặt chẽ hơn đối với cơ quan thực hiện thu hồi. Đạo luật này có hiệu lực vào ngày mùng 1 tháng 7.

Mô tả của Ades trong hồ sơ gửi lên tòa về thủ thuật đàm phán của Trump đã gây bất ngờ cho chiến hữu của Trump tại UDC. Và Ades không đơn độc. Tập hồ sơ pháp lý dày hơn khi có thêm những câu chuyện khá thú vị từ nhiều người thuê cửa hàng khác – Trump đã bịt kín cửa sổ của các cửa hàng dọc đường 42, cắt nguồn nước nóng cho một tiệm pizza và cũng rút lại hợp đồng thuê của một cửa hàng khác. Quan ngại với những báo cáo này, Kahan đã triệu tập Trump tới văn phòng của ông vào ngày 22 tháng 6, năm ngày trước khi Hugh Carey chính thức đưa ông lên chức chủ tịch.

Trump đi cùng với luật sư của mình là Arthur Emil, người sau đó làm đồng Chủ tịch Ủy ban Tài chính cho chiến dịch tái tranh cử của Carey. Khi Kahan tìm kiếm một lời giải thích cho hành động chống lại Strawberry thì Emil phản biện rằng công ty này đã không rời đi theo như “yêu cầu trong bản thỏa thuận”. Không ai đề cập đến tính vô lý của việc đưa ra thông báo 60 ngày trước khi thỏa thuận khách sạn chính thức chấm dứt.

Charles Goldstein sau đó đã đảo lại chiều của cuộc họp. Ông nói rằng Trump “đã sử dụng UDC” trong khi giao dịch với chủ thuê và cảnh báo ông cần “hạn chế những giao dịch bằng miệng với người cửa hàng” trong tương lai. Ông tư vấn rằng Emil nên “giám sát tất cả những giao dịch với người thuê cửa hàng” và Donald đồng ý. Goldstein sau đó cũng đề cập tới việc phải có thêm một nhóm luật sư chuyên về thu hồi để giúp UDC xử lý các vụ kiện tụng. Mọi người, bao gồm cả Kahan, đồng ý rằng “các vụ tranh tụng sẽ do Arthur Emil giám sát” – một nghịch lý, vì UDC đã đồng ý cho phép luật sư của Trump, một người không có vai trò gì trong cơ quan này, đứng ra giám sát một đội quân những luật sư của chính cơ quan này.

Goldstein thậm chí đã đi quá xa khi nói rằng “UDC sẽ theo phán quyết của Emil nếu đàm phán bổ sung với một cá nhân là không cần thiết”, mặc dù ông ta vẫn yêu cầu Emil phải gặp riêng chủ thuê cửa hàng ít nhất một lần. Vì lợi ích của một cá nhân, Goldstein đã trao quyền thi hành luật của bang cho một trong những người gây quỹ chính cho thống đốc, một hành động vô cùng bất thường.

Ades không biết ý định của Trump là dùng những lời lẽ đe dọa tịch thu để tăng tiền thuê nhà hay ông ta thực sự muốn đẩy cửa hàng của ông ra khỏi khách sạn. Mục đích của Trump dường như thay đổi theo thời gian tùy theo hoàn cảnh mà không liên quan đến các điều khoản trong các cuộc thảo luận của họ. Một trong những lý do cho sự mơ hồ của Donald là triển vọng chưa chắc chắn của quyết định cho phép mở các sòng bạc và casino tại New York. Donald đã nói chuyện công khai trong các cuộc họp với Ades rằng ông ta muốn sử dụng một phần của Strawberry để mở sòng bạc nếu hoạt động này được chính thức hợp pháp hóa. Ades biết rằng không gian của cửa hàng bao gồm một phòng khiêu vũ cũ rộng ở tầng trên bên cạnh sảnh khách sạn là không gian lý tưởng để mở casino.

Thật vậy, trước khi bắt đầu tu sửa khách sạn, Donald đã đưa một đội truyền hình địa phương đến khách sạn để thảo luận về việc ghi hình lại kế hoạch xây dựng casino của ông ta. Mặc dù Donald nói với Ades rằng ông ta đang gây áp lực cho các quan chức bang để chấp thuận việc hợp pháp hóa casino, mọi người đều biết rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, những động thái của ông ta với Ades chỉ ra rằng Trump vẫn muốn lựa chọn với Strawberry để mở.

Trong một cuộc tìm kiếm đồng minh để chống lại quyền lực của Trump với sự hỗ trợ mạnh mẽ của UDC phía sau, Ades đã viện tới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Kinh tế thành phố, là cha đẻ của dự án Commodore rất nhiều năm trước đây. Hank Gavan, cố vấn cho cơ quan này, đã thảo một biên bản ghi nhớ vào một ngày tháng Sáu khi ông gặp Ades và đối tác. Nếu những lời cáo buộc của họ là đúng, và Gavan tin như vậy, “thì gần như là không thể tin được rằng quyền lực của chính phủ lại có thể được dùng cho những mục đích như vậy”. Gavan cũng ngay lập tức viết cho UDC, nói rằng các cáo buộc của Strawberry là “rất đáng lo ngại” đến thành phố và yêu cầu UDC không được hành động chống lại cửa hàng trong khi thành phố tiến hành điều tra khiếu nại.

Gava đã yêu cầu cả Trump và Ades đến gặp để cả hai cùng phản biện về cùng một vấn đề. Sau khi nghe sự giải thích từ cả hai người, Gavan, một người đàn ông cao lớn và nghiêm nghị, đứng dậy và khoanh tay lại. Với cái nhìn chằm chằm về phía Trump, anh nói, “Điều này sẽ không xảy ra. Ông sẽ không thể làm thế”. Gavan viết trong một bản ghi nhớ tiếp theo rằng: “Tôi kết luận rằng câu chuyện được trình bày trước đây bởi Strawberry là chính xác, và rằng với mục đích thu được nhiều tiền hơn từ những cơ sở kinh doanh này, Trum đã tìm cách để không làm theo thỏa thuận như đã định trước đó”. Nhưng sau khi Gavan biết rằng Ades đã đưa vụ việc kiện ra tòa nhằm ngăn chặn việc đóng cửa cửa hàng, ông trở nên cảnh giác với việc phải dính líu vào những trường hợp đã được đưa ra tòa. Vì vậy, ông đột ngột ngừng can thiệp vào vụ tranh chấp này, thậm chí còn từ chối trả lại tin nhắn điện thoại của Ades.

Đến thời điểm này, vụ Strawberry đã được đưa lên hai tòa án. UDC đã đưa vụ kiện tịch thu này lên một thẩm phán thường xuyên giải quyết những vấn đề như vậy, Thẩm phán Tòa án tối cao Margaret Mangin. Daniel Levitt, luật sư đại diện cho Strawberry, một người trong nhóm luật sư của các chủ thuê cửa hàng đang đấu tranh chống lại yêu cầu tịch thu Commodore đã tham dự một cuộc họp với Mangin ngay sau khi UDC gửi thông báo. Theo như những gì Levitt lo lắng, Mangin đã chỉ ra rõ ràng rằng bà sẽ phê chuẩn quyết định thu hồi, có nghĩa là chỉ vài tuần nữa là đến hạn chót. Để tránh xa khỏi Mangin và giữ được vụ kiện của khách hàng mình, Levitt đã thảo một vụ kiện riêng, cho rằng hành động của UDC là vi phạm thỏa thuận giữa Strawberry với Trump. Đơn kiện của Levitt đã được giao cho Thẩm phán Tòa án tối cao Alvin Klein.

Mặc dù UDC là bị đơn trong vụ kiện trước thẩm phán Klein, Donald đã xuất hiện tại buổi điều trần cùng với Roy Cohn. Cặp đôi ngồi phía cuối phòng xử án với tư cách là khán giả. Trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau đó, Arthur Emil, người được coi là cố vấn cho Donald trong vụ tịch thu này đã rất khó để giải thích vai trò của anh ta kết thúc từ thời điểm nào và Roy đã bắt đầu tham gia từ bao giờ vào những vụ kiện nào. Vai trò tốt nhất mà Cohn có thể có là “cố vấn chung” cho Donald trong tất cả mọi vấn đề, “rất, rất thân cận với Donald” và rằng Trump đã rất cẩn thận đưa anh ta vào những trường hợp có bối cảnh đặc biệt.

Sự xuất hiện của Cohn trong phòng xử án của Klein, và những bức thư sau đó của Cohn gửi tới thẩm phán có một ý nghĩa chính trị rõ ràng. Klein là một thẩm phán của quận Bronx, người có 14 năm làm thư ký cho tổ chức Đảng Dân chủ của hạt Westchester cho tới khi ông chủ của quận Bronx lờ đi Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ và phát hiện ra rằng Klein không đủ năng lực và đưa ông ta xuống vị trí dự bị. Thời hạn 14 năm của Klein dự kiến sẽ hết hạn trong vòng hai năm tới. Đối tác của Cohn là ông Stanley Friedman, ông chủ mới của quận Bronx sẽ là người quyết định xem liệu Klein có được tiếp tục làm việc hay không.

Klein bác bỏ yêu cầu của Strawberry buộc UDC ngừng việc tịch thu, một quyết định mà Levitt đã tiên đoán từ trước. Điều mà Levitt không mong đợi là thẩm phán Klein cũng bác bỏ khiếu nại của Ades, làm đình trệ cả vụ án. Trước đó, không ai đề nghị bác bỏ đơn như vậy. Tuy nhiên, Cohn đã viết cho Klein một bức thư gợi ý rằng nếu ông ta từ chối yêu cầu xem xét hủy bỏ lệnh tịch thu mà Levitt đang nỗ lực, ông ta cũng nên bác bỏ luôn vụ kiện này.

Trong phiên tòa công khai, Levitt tức giận cho rằng quyết định kỳ lạ trên có liên quan đến quan hệ giữa thẩm phán và Cohn, người gần gũi với Klein đến mức Cohn đã từng mời thẩm phán đến dự tiệc cùng bàn của mình trong bữa tiệc tối thường niên của Đức Hồng Y. Levitt chỉ trích cách “quan tòa làm việc’’, lập luận rằng việc bác đơn những khoản đòi bồi thường thiệt hại hàng triệu đô la như thế này không thể được đưa ra một cách cẩu thả, và ‘’cũng không nên được làm như vậy kể cả khi Roy Cohn có thể được hưởng lợi từ miếng bánh đó”. Thẩm phán Klein sau đó đã đưa các bên liên quan quay trở lại cửa hàng mà ông ta đã chuẩn bị cướp đi và gợi ý sẽ rút lại việc bác đơn, việc mà sau đó ông ta vẫn làm. Cohn một lần nữa gửi thư cho quan tòa, tuy nhiên đến thời điểm đó thì vụ kiện của thẩm phán Klein đã hầu như không còn liên quan. Những động thái cần thiết được chuyển sang tiến trình thu hồi do Thẩm phán Mangin chịu trách nhiệm, người mà sau này mới phát hiện ra cũng có vấn đề với Cohn. Chỉ vài ngày trước buổi điều trần quan trọng liên quan đến các đơn khiếu kiện yêu cầu tịch thu của Trump do bà chủ trì, mục Chuyện phiếm trang sáu trên tờ Bưu điện New York đã có bài về lễ động thổ mới nhất của Cohn tại dinh thự Greenwich của ông ta, trong đó liệt kê tất cả những người tham dự quan trọng bao gồm cả Donald và Mangin.

Mangin mở đầu cuộc điều trần với một bài phát biểu nhỏ về bài báo đó, nói rằng bà sẽ tự rút khỏi vụ này nếu có bất kỳ bị cáo nào nghĩ rằng việc bà xuất hiện trong bữa tiệc đó sẽ ảnh hưởng đến sự công tâm của bà. Levitt coi đó là một lời bào chữa suông, vì tất cả các luật sư khác là người đại diện pháp lý cho vụ tịch thu này đều phải gặp Mangin để giải quyết nhiều vấn đề, nên chắc chắn là sẽ không có ai phản đối. Khi không có người nào khác nêu ra câu hỏi, Levitt nói rằng ông “chấp nhận lời mời của bà” và yêu cầu bà rút ra khỏi vụ này. Sau đó, thư ký của Mangin gọi cho Levitt hỏi xem ông có nghiêm túc không, và khi Levitt nói ông nghiêm túc, bà ta đã phải rút khỏi vụ kiện. Với sự ra đi của Mangin, vụ kiện cuối cùng được chuyển tới Thẩm phán Martin Stecher, một thẩm phán không màng những ràng buộc chính trị và nổi tiếng với những quyết định thấu đáo.

Sau nhiều tháng tranh luận và giải quyết tranh chấp, Stecher đã xử Strawberry và các chủ thuê cửa hàng khác thắng kiện, chấm dứt việc hoàn toàn việc tịch thu các cửa hàng này. Stecher tự hỏi liệu Trump hay UDC có thực sự cần phải thu hồi lại Strawberry hay không. Vài ngày sau khi Stecher đưa ra quyết định, Cohn đã ký một điều khoản xử lý vụ Strawberry. Dreyer & Traub sau đó đã thương lượng một hợp đồng thuê mới với Ades, tuy nhiên việc thương lượng cũng mất vài tháng để đi đến thỏa thuận chung giữa hai bên. Trump đã không ký vào bản hợp đồng cho thuê này cho tới khi những nỗ lực vận động hành lang cho việc hợp pháp hóa casino không được cơ quan lập pháp Albany thông qua vào năm 1979. Với hợp đồng thuê ít nhất hai mươi mốt năm của mình, cửa hàng của Ades vẫn mở cửa tại khách sạn cho đến ngày nay.

Một giai đoạn khác trong quá trình xây dựng khách sạn Hyatt – một câu chuyện kịch tính của những gian dối và sai lầm trong tính toán đã vẽ lên cho ngài Thị trưởng Ed Koch một hình ảnh điển hình về Trump.

Cuộc chiến lần này liên quan đến quyền xây dựng trên hai khu đất mà Donald đã hứa trao cho thành phố. Khu thứ nhất, gây ra nhiều rắc rối nhất, là một khu đất chỉ rộng có 740 feet vuông (225 mét vuông) dành cho hệ thống tàu điện ngầm của thành phố. Diện tích này chỉ bằng 1.5% diện tích của toàn bộ khu vực bán lẻ của khách sạn Hyatt nhưng Cơ quan Quản lý Giao thông (MTA) lại rất cần để mở rộng lối đi và xây một tuyến thang máy nối Ga trung tâm Grand Central và khách sạn Hyatt. Vào thời điểm đó, hằng ngày có hơn 220.000 người phải di chuyển lên xuống cầu thang bộ vô cùng chật hẹp để đến một trong những ga tàu điện ngầm đông nhất thành phố. Khu thứ hai, rộng 3.600 feet vuông (1.098 mét vuông) dự kiến dùng để xây dựng một khu liên kết giữa tầng lửng của ga và tầng lửng ở khu vực bán lẻ của khách sạn. Việc kết nối hai tầng lửng riêng biệt với nhau và xây một lối ra mới sẽ giúp giảm tắc nghẽn ở ga – mục tiêu mà cả thành phố và Cơ quan Quản lý Giao thông đều muốn hoàn thành.

Chính quyền mới của ngài thị trưởng Koch thừa hưởng lại những lời hứa hẹn mơ hồ của Trump từ thời Thị trưởng Beame. Đến tháng 6 năm 1978, Trump đã cam kết thực hiện những thay đổi. Trump bắt đầu hội đàm với các quan chức cấp cao của MTA cũng như người đứng đầu văn phòng phát triển đô thị của thành phố là Ken Halpern. Là bạn của thị trưởng Koch, Halpern cũng là người lái xe riêng của ông trong chiến dịch tranh cử thị trưởng năm 1977. Sự tham gia của ông vào các vấn đề về quyền xây dựng đã giúp đưa vấn đề tưởng chừng rất mơ hồ này đến với người vẫn luôn thu hút sự chú ý của ngài thị trưởng.

Donald bắt đầu những cuộc thương lượng yêu cầu thỏa hiệp. Theo như một phần trong thỏa thuận đầu tư cải thiện các dịch vụ công cộng để được giảm thuế, Donald cam kết phải dùng tiền của chính bản thân mình để xây dựng thêm một cầu thang bộ riêng biệt dẫn tới tàu điện ngầm. Trong khi khu đất mà thành phố yêu cầu nằm ở phía tây của khách sạn, bên cạnh nhà ga thì khu vực cầu thang bộ mà Trump phải xây nằm ở hướng ngược lại, ở phía đông gần Đại lộ Lexington. Trump nói rằng ông sẽ trao khu đất phía tây cho thành phố và MTA để xây cầu thang nếu thành phố dỡ bỏ yêu cầu buộc ông xây cầu thang rộng 500 feet vuông (152 mét vuông) ở phía đông. Vào ngày 6 tháng 10, thị trưởng Ed Koch viết thư cho Trump để chính thức chấm dứt nghĩa vụ xây cầu thang của Trump và cảm ơn ông vì đã trao khu đất ở phía tây. Việc miễn trừ nghĩa vụ này đã giúp Trump tiết kiệm được chi phí xây dựng cầu thang ở phía đông và đổi lại là thành phố được quyền xây dựng ở phía tây bằng chính chi phí của thành phố.

Donald cũng cố gắng khai thác các lợi ích công cộng liên quan đến hai khu đất này để có thể tận dụng triệt để được một khoản cho thuê sinh lợi từ MTA. Khi đang đàm phán với MTA về việc thi công cầu thang và khu tầng lửng, ông ta cũng thương lượng rất chi tiết với MTA về một hợp đồng thuê 20 năm để vận hành Câu lạc bộ thể thao Vanderbilt cũ, một câu lạc bộ với hệ thống sân quần vợt nằm ở góc cuối phía tây của ga.

Trong suốt mùa hè và đầu mùa thu năm 1978, chuyên gia đàm phán chính của Donald trong những vấn đề này chính là Louise Sunshine, người đã giúp hồ sơ thầu của Donald được lựa chọn và các điều khoản được chấp nhận. Vào thời điểm đó, bà cũng đồng thời hỗ trợ điều hành ủy ban tài chính của chiến dịch vận động tái tranh cử của thống đốc. Những mâu thuẫn buộc Richard Ravitch của UDC phải đẩy Sunshine ra khỏi các cuộc thảo luận về khách sạn Commodore vào năm 1976 vẫn còn nguyên, những mâu thuẫn này bị thổi phồng lên khi hợp đồng cho thuê khu sân quần vợt được thông qua vào đúng thời điểm chiến dịch tái tranh cử của ông Carey do bà tài trợ đang diễn ra. Harold Fisher, trụ cột chính của Đảng Dân chủ Brooklyn và cũng là chủ tịch của MTA do Carey đưa lên, không hề lo lắng khi phải ra hầu tòa. Để củng cố vụ kiện của mình, Trump đã đưa Arthur Emil, người có liên hệ với Carey, để đại diện cho ông ta và người thứ hai là Bunny Lindenbaum, một người bạn lâu năm của Trump và cũng là bạn thân của Fisher (công ty luật gia đình của Fisher sẵn sàng đại diện cho quyền lợi của Trump trong các vấn đề nhiều năm qua). Ngoài tất cả những mưu đồ này, Trump còn thuê một người đàn ông mà giám đốc của MTA đã giới thiệu cho ông trong quá trình thương lượng hợp đồng cho thuê. Sau khi Donald giành được hợp đồng, người đàn ông này ngay lập tức được bổ nhiệm thành giám đốc quản lý khu phức hợp thể thao và sân tennis.

Trump giành được hợp đồng này mặc dù ông ta trả cho MTA thấp hơn Hamilton Richardson, tay chơi quần vợt hàng đầu của Mỹ những năm năm mươi và cũng là một nhà sản xuất âm thanh khá có tiềm lực tài chính. Thời hạn cho thuê 20 năm này dài hơn gấp bốn lần so với thời hạn tối thiểu năm năm được quy định cho hướng dẫn của MTA, và giá thuê cũng chỉ tăng ở mức ít hơn 1% một năm, trong khi các hướng dẫn đều khuyến nghị mức tăng dần tối thiểu 3% một năm. Tọa lạc ở trung tâm thành phố, ngay bên phải khách sạn mới của Donald, khu phức hợp tennis này thực sự là một mỏ vàng cho ông ta.

Hội đồng Bất động sản của MTA thông qua hợp đồng cho thuê này vào ngày 2 tháng 11 năm 1978, một ngày sau khi Trump cam kết bằng miệng với MTA sẽ trao quyền sử dụng hai khu đất trong thuộc quyền sở hữu của khách sạn. Sau đó, thành phố và nhân viên của MTA bắt đầu làm việc với các kiến trúc sư của Trump để thiết kế khu tầng lửng liên kết mới và trục đường cho người đi bộ ở phố 42. Tháng 1 năm 1979, hai bên đã có một thỏa thuận chung về mặt kỹ thuật, cùng thời gian mà Harold Fisher ký hợp đồng cho thuê sân tennis. Ngay sau đó, Ivana bắt đầu chỉ đạo một số nhà thầu phụ của Hyatt tới sân quần vợt để cải tạo lại khu vực này. Trump cũng lập tức hoàn thành hợp đồng thuê lại khu vực cầu thang rộng 500 feet vuông (152 mét vuông) ở phía đông khách sạn mà Thị trưởng Koch trước đó đã đồng ý để mở rộng khu vực thương mại của khách sạn. Trong khi Donald có thể đảm bảo được hợp đồng chắc chắn trong cả hai cuộc thương lượng trên thì ông ta lại chỉ đưa ra cam kết bằng miệng với thành phố và MTA cho những hạng mục mà thành phố yêu cầu.

Vài tháng sau đó, MTA đề xuất xin 11 triệu đô la từ ngân quỹ liên bang để thi công đường đi bộ và một số hạng mục khác nhằm nâng cấp Ga trung tâm. Trump được xem qua bản đề xuất và ông không có bất cứ phản đối nào. Không có khoản tiền nào được phân bổ để chi trả cho hai khu đất mà Trump đã đồng ý trao quyền xây dựng bởi vì cả thành phố và MTA đều tin rằng ông ta đồng ý cho miễn phí. Cả chính quyền thành phố và MTA đều hiểu rằng ngoài việc trao đổi khu vực cầu thang ở phía đông và phía tây của khách sạn, Donald cũng cam kết sẽ cho phép sử dụng không gian ở hai khu tầng lửng để làm lối đi lại.

Tháng 4 năm 1979, Donald bắt đầu thả quả bom đầu tiên vào cả thành phố và MTA bằng việc tiến tới một thỏa thuận ngoài lề với Modell’s, một chuỗi cửa hàng bán đồ thể thao có cửa hàng tọa lạc ở Commodore đã vài thập kỷ. Cửa hàng này chiếm một phần không gian đáng kể ở khu vực tầng lửng của khách sạn. Hợp đồng mới mà Trump dành cho Modell’s gây ra vấn đề nghiêm trọng vì cửa hàng này nằm ngay chính giữa khu tầng lửng được hứa trao cho thành phố. Donald đã phải chịu áp lực rất lớn để dàn xếp với Modell’s, chủ yếu là do chuyện quan hệ. Người thúc ông ta đằng sau là Bunny Lindenbaum, người thậm chí đã dồn Donald tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 70 của ông ta tại quán 21 do Fred tổ chức. Tại buổi tiệc hôm đó, luật sư của Modell’s là Jerry Tarnoff có tham gia, và anh này là chồng của cháu gái Bunny, đồng thời cũng là đối tác luật của Stanley Steingut.

“Tôi đang xây dựng một khách sạn cao cấp hạng nhất,” Trump nói với Tarnoff. “Tôi muốn các cửa hiệu chất lượng cao. Tôi sẽ gặp vấn đề nếu đẩy Modell’s ra ngoài bởi vì cửa hàng đã có lịch sử lâu đời ở New York. Tôi thực sự muốn dàn xếp vụ này, nhưng tôi không thể để người ta trưng bày quần lót trên những khung cửa sổ của khách sạn của tôi. Sau cuộc họp thương lượng mà Bunny dàn xếp, Donald cuối cùng cũng đã đồng ý để cho cửa hàng của Modell’s được ở lại chỉ khi ông được quyền quyết định những sản phẩm trưng bày tại cửa sổ cửa hàng. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp này của Donald đồng nghĩa với việc thành phố sẽ mất đi khu tầng lửng để xây hành lang mới.

Khi các quan chức thành phố đưa ra kế hoạch B cho phép Trump có thể tiếp tục giữ cửa hàng của Modell’s mà vẫn cung cấp được phần không gian cần thiết cho kế hoạch nâng cấp nhà ga, Trump đã trả lời rằng ông vừa ký một hợp đồng với một cửa hàng sách nằm trên lối đi mới này. Đúng như Ken Halpern lo lắng, Trump đã vi phạm lời hứa của ông ta rằng nếu không có sự chấp thuận của thành phố, ông ta không được có bất cứ một hợp đồng nào làm ảnh hưởng đến hai khoảng không gian đã định. Ông cũng hiểu rằng, những hợp đồng cho thuê mới của Donald khiến thành phố chỉ có hai lựa chọn – hoặc là từ bỏ khu tầng lửng trong kế hoạch cải tạo hoặc sử dụng quyền thu hồi của thành phố để lấy lại phần không gian đó từ Donald và những khách thuê mặt bằng của ông ta.

Trong khi ý định của UDC nhằm thu hồi toàn bộ các cửa hàng bán lẻ tại Commodore bao gồm cả cửa hàng Modell’s đã bị tạm thời dừng bởi tòa án, thành phố vẫn có thể làm điều tương tự để lấy lại không gian cần thiết cho dự án cải tạo của MTA. Tuy nhiên, nếu động thái đó là thật thì Trump sẽ được hưởng lợi đáng kể từ phần không gian ở cửa hàng của Modell’s cũng như có thêm không gian để thi công khu vực cầu thang của khách sạn.

Thành phố vẫn nỗ lực tìm ra một thỏa thuận phù hợp để làm hài lòng cả Trump và Modell’s và cũng để tránh một chiến dịch thu hồi tốn kém, tuy nhiên dù có thỏa thuận thế nào thì sẽ luôn có người phản đối. Mâu thuẫn này kéo dài trong suốt năm 1979, Trump cuối cùng đã nổi khùng lên với vị luật sư trẻ tại tòa Thị chính Thành phố, người được giao nhiệm vụ phân xử giữa Modell’s và Trump: “Anh không hiểu sao? Tôi muốn thoát khỏi Modell. Tôi không muốn thấy đám tất chống mồ hôi trong khách sạn của tôi, thậm chí là ở dưới tầng hầm. Tôi sẵn sàng từ bỏ không gian đó. Tại sao các anh không chủ động thu hồi nó đi?” Ông ta đã ngấm ngầm xây dựng một bản thỏa thuận với Tarnoff, đồng thời cảm thấy giải tỏa hơn sau cái chết đột ngột của Bunny.

Tin rằng yêu cầu thu hồi này từ Trump đã vi phạm thống nhất ban đầu giữa hai bên dẫn tới việc bãi bỏ trách nhiệm xây dựng khu cầu thang phía đông cho Trump được đưa ra một năm trước đây, ngài Thị trưởng Koch đã gửi một bản ghi nhớ vào tháng 10 năm 1979 cho các nhân viên chủ chốt, làm rõ rằng ông “kịch liệt phản đối việc chi trả cho công tác thu hồi tốn kém này chỉ vì lời từ chối của Trump”. Ngài thị trưởng nhấn mạnh rằng thành phố phải tìm ra cách để buộc Donald” phải tôn trọng những điều mà ông ta đã cam kết đối với quyền địa dịch ở hai khu vực nêu trên mà không phải trả bất kỳ chi phí gì”.

Tiếp theo đó, một cuộc tranh cãi nảy lửa cuối cùng tại Tòa thị chính đã xảy ra giữa Trump và Phó Thị trưởng Ronay Menschel. Sau cuộc họp, ông Menschel đã gửi tới Trump một lá thư tố cáo rằng ông ta “phá vỡ cam kết” và nhắc nhở ông ta rằng thành phố này “đã trao rất nhiều ưu đãi thuế cho khách sạn của ông ta” đã nhận được những lợi thế về thuế đáng kể cho dự án khách sạn nhưng không phải để “mang lại một tiêu chuẩn mới cho sự xa hoa để phục vụ một số ít người bảo trợ dự án đó”.

Trump gọi điện cho Menschel để phản biện lại thư tố cáo của bà, đặc biệt là quan điểm của bà khi nói rằng ngài thị trưởng rất “quan ngại rằng thành phố đã bị tổ chức của ông lừa dối” – và sau đó Thị trưởng Koch cũng đích thân trả lời Donald rằng ông ủng hộ quan điểm của Menschel. Thị trưởng Koch yêu cầu một cuộc gặp bất thường với Trump. Khi Trump trở lại Tòa Thị chính để tham dự cuộc họp về quyền địa dịch đối với khu vực thứ hai, một nhóm đại diện của UDC, MTA, luật sư và quan chức lập kế hoạch của thành phố đã có mặt tại Phòng họp Xanh, để thảo luận về số phận của vài trăm feet vuông tại khu vực bán lẻ. Trước khi tham gia vào cuộc họp toàn thể này, Trump được triệu vào văn phòng riêng của ngài thị trưởng cùng với hai trợ lý hàng đầu của ông.

“Donald, ông phải thực hiện điều đó”. Thị trưởng Koch nói.

Khi Trump tung ra một câu chuyện dài đầy nước mắt về những vấn đề của ông ta với Modell’s, ngài thị trưởng chỉ ngồi đó và im lặng lắng nghe. Sau đó ông nhắc lại. “Donald, ông phải làm”. Có một điều mà cả thị trưởng và hai trợ lý của ông ta sau đó đều nhấn mạnh rằng họ rõ ràng nghe thấy Donald tuyên bố rằng ông ta không được hưởng một xu nào từ cuộc tranh chấp. Ông ta thề rằng, “Tôi không có lợi gì từ vụ giao dịch này,” nhưng điều mà mọi người có thể thấy rõ ràng là ngược lại trong mỗi vụ thu hồi.

Nhiều tuần sau cuộc họp, Donald đã cố gắng để có dàn xếp mới với Modell’s cũng như làm việc với luật sư của ông ta để soạn thảo văn bản liên quan đến quyền địa dịch mới cho khu vực cầu thang. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã bốc hơi vào các cuộc họp và thư từ trao đổi. Thành phố cuối cùng đã quyết định tiến hành thu hồi quyền địa dịch ở cả hai khu vực, dựa vào những gì họ coi là cam kết của Trump để loại bỏ bất cứ trừng phạt nào có thể có. MTA chấp thuận việc quyết định thu hồi vào tháng 6 năm 1980 nhưng khi thông báo đến Trump, ông ta từ chối quyết định đó, đưa ra các lý do pháp lý được cho là vô nghĩa tại Tòa Thị chính. Trong con mắt của ngài thị trưởng, đây đã là lần thứ hai trong cuộc xung đột kéo dài hai năm mà Donald đã phá vỡ lời hứa với ông. Với sự khước từ của Trump, thành phố đã phải quay ngược lại quan điểm của Thị trưởng Koch: không chấp nhận trả cho Trump và do đó không thể tiến hành tiếp được. Vào mùa xuân năm 1981, một quan chức hàng đầu của MTA kết luận điều hiển nhiên đó trong một bản ghi nhớ nội bộ: “Trump không hề có mong muốn hợp tác với MTA để hoàn thành dự án này”.

Ngài thị trưởng quyết định đưa vấn đề về quyền địa dịch của khu cầu thang ra tòa. Chiến lược hai mũi tấn công được đưa ra, trong đó theo lý thuyết thì MTA sẽ tiến hành thu hồi Modell’s và bất kỳ khoản bồi thường nào cũng sẽ được chia đều cho cửa hàng và Donald nhằm giảm thiểu tối đa lợi ích mà Trump có thể thu được.1 Tuy nhiên, vụ kiện quyền địa dịch khu cầu thang này lại được thiết kế để tránh bất cứ chi trả nào cho Trump nếu vụ kiện được xử thắng. Điều này buộc Trump phải trao quyền địa dịch cho thành phố, hoặc phải xây khu cầu thang phía đông như ông ta đã hứa. Thực ra thì thành phố không thực sự muốn cầu thang bộ ở phía đông, do khu vực này gần lối vào ga tàu điện ngầm và đang quá tải nên việc mở rộng hệ thống thang cuốn như đã được lên kế hoạch sẽ quan trọng hơn là xây cầu thang bộ. Do Trump đã thuê không gian mà cầu thang phía đông sẽ đi qua, nên nếu vụ kiện được xử thắng cho thành phố thì sẽ là đòn bẩy để buộc Donald cuối cùng phải trao quyền địa dịch mong chờ lâu nay cho Ga trung tâm phía giáp khách sạn.

1 Modell’s và Donald cuối cùng cũng đi đến thỏa thuận cho một không gian phù hợp, tuy nhiên thỏa thuận này chỉ có hiệu lực chỉ sau năm 1985 và chỉ sau khi nhân vật hòa giải là Stanley Friedman, chủ của một chuỗi sản phẩm thể thao, thúc đẩy thỏa thuận giữa Trump và Bill Modell.

Vụ kiện của thành phố đã nhằm thẳng vào Trump, gọi ông ta là bị can, là “kẻ làm việc bất hợp pháp trong giao dịch”, người đã “gian lận” với thành phố và MTA “tin vào lời mà ông ta đã hứa nhưng lại không có ý định thực hiện. Việc trì hoãn của Trump đã làm MTA thiệt hại 600.000 đô la do giá thi công tăng. Thành phố nói rằng mục đích chính khi đưa vụ việc này ra tòa là nhằm buộc “Trump phải thực hiện lời hứa của mình”, một lập luận được viết bởi ngài Thị trưởng Koch.

Một lần nữa thì Roy Cohn lại đại diện cho Trump trước tòa, và vụ kiện được xử bởi một người bạn khác của Cohn, thẩm phán Tòa án tối cao Andrew Tyler, vị thẩm phán duy nhất tại tiểu bang bị kết án trọng tội. Tyler, người bị kết tội khai man về những cuộc gặp của ông ta với một số ông trùm quyền lực nhưng cuối cùng lại trắng án vì một số lý do kỹ thuật, khá gần gũi với đối tác của Cohn là Stanley Friedman tới mức mà có lời đồn rằng ông ta đã yêu cầu Friedman bí mật cung cấp cho ông ta danh tính của các ứng viên có lợi để gặp mặt. Không ngạc nhiên là Tyler đã xuôi theo mong muốn của Trump, dựa vào hai lá thư mà Cohn trao cho ông ta vào thời điểm cuối cùng của tiến trình tố tụng. Lúc này thì thành phố không có đủ thời gian để phản ứng lại. Việc lật ngược lại kháng cáo này làm tổn hại đến danh dự của Cohn, và hành vi của Tyler được coi là “không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên sự trì hoãn của Tyler trước khi chính thức ra phán quyết ban đầu và quá trình kháng cáo mất quá nhiều thời gian đã tác động đến sự ương ngạnh của Thị trưởng Ed Koch.

Thời điểm quyết định của Tyler bị bác bỏ là vào cuối năm 1982, và cuộc chiến tranh quyền địa dịch này đã bước sang năm thứ năm. Không ai sẵn sàng bắt đầu lại một vụ kiện mới từ tòa án cấp thấp hơn. Nếu xem xét khả năng kháng cáo của Trump, thì ngay cả khi chiến thắng, việc nối lại các vụ kiện tụng cũng có thể cản trở việc xây dựng đoạn cầu thang bộ thêm vài năm nữa. Thành phố đầu hàng, và MTA đã thu hồi khu cầu thang bộ phía tây, mặc dù biết rằng Donald sẽ nhận được một khoản lợi nhuận kha khá. Donald nhận được tiền bồi thường trị giá 575.846 đô la cho vụ thu hồi này. Tuyến cầu thang cho ga tàu điện ngầm cuối cùng cũng đã được mở rộng, đánh dấu 10 năm sau khi Trump lần đầu tiên hứa hẹn vào những năm bảy mươi. Trớ trêu thay, đối với người dân New York bình thường thì cầu thang mới dẫn đến ga tàu điện ngầm lại quan trọng hơn rất nhiều bản thân dự án Hyatt.

Một điều bất ngờ là, kết quả của một cuộc kiểm toán năm 1989 cho thấy Trump đã phù phép để chuyển số tiền bồi thường thu hồi này thành một khoản chi phí khách sạn, đất bị thu hồi nên làm giảm tổng thu nhập của khách sạn, đồng thời dùng đó làm lý do để giảm tiền thuế mà ông ta phải đóng cho thành phố. Phương pháp kế toán mà ông ta dùng – cố gắng khấu trừ khoản tiền bồi thường bằng cách viện lý do rằng khoảng không gian cho thuê bị mất dẫn đến thu nhập từ cho thuê mặt bằng giảm – đã không được chấp nhận. Trump đã ra tòa phản đối kết quả kiểm toán và từ chối tăng mức thanh toán cho thành phố. Việc tiếp tục kiện tụng, khiến cho cuộc chiến xoay quanh quyền địa dịch đã kéo dài đến thập kỷ thứ ba.

Khoản tiền bồi thường nửa triệu đô mà ông ta nhận được ví von như là một cú knock-out đối với ngài Thị trưởng Koch trong lần kiểm tra ý chí đầu tiên của họ. Nhưng cái mà Donald dường như không hiểu là người đàn ông trên bức tranh kia là một người đàn ông với quyền lực rất lớn. Là một trong những thị trưởng nổi tiếng nhất của thành phố, ngài Koch sẽ tại nhiệm cả chục năm và trở thành người tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử thành phố. Thậm chí Donald đã bày tỏ nghi ngờ về sự khôn ngoan khi phải đối mặt với ông trong một cuộc trò chuyện quanh co tại văn phòng của ông ta với một luật sư thành phố đã từng tham gia vào các cuộc đàm phán về quyền địa dịch là Phil Hess. Giữa những câu đàm thoại có tính chất tự do như “Tôi rất ngưỡng mộ năng lực đầu tư của anh, Phil, anh phải đến làm việc cho tôi” và “Anh có nghĩ rằng tôi nên đầu tư vào thành phố Atlantic?” Trump đột ngột hỏi: “Anh có nghĩ ngài Thị trưởng Koch thích tôi không? Tôi nghĩ là ông ta coi tôi là một gã tồi”.

Điều mà mọi người đều nói về Thị trưởng Koch là không ai từng thắng nổi một trận đấu không mong muốn với ông. Ông có xu hướng ủng hộ những người bình thường và thường hăm hở chuyển những tranh chấp mang tính trừu tượng nhất thành những mối thù hằn cá nhân. Về mặt phương pháp, ông thường cố định vào những trường hợp cụ thể, con người cụ thể mà ông cho rằng đã xúc phạm ông một cách cơ bản, và ông sẽ không bao giờ để cho họ cơ hội ghi bàn. Thậm chí đối với những cố vấn như Friedman, người đã hãnh diện gia nhập vào nhóm những người tương đối thân cận của ngài thị trưởng. Một cách khó hiểu, Trump công khai đi ngược lại những khôn ngoan thông thường nhất về cách làm việc với người đàn ông lập dị và không khoan dung một cách có chọn lọc này. Được kích động bởi sự kiêu ngạo đặc trưng Koch, Donald đang tự phá hỏng một cách có chủ ý mối quan hệ của mình với ngài thị trưởng.

Mối quan hệ của hai người thực tế được bắt đầu trên một nền tảng khá mờ nhạt, thậm chí từ trước khi ngài được bầu làm thị trưởng. Là một ứng cử viên thất thế đang rất cần hỗ trợ, Koch đã từng gọi Trump đến từ văn phòng của Bernie Rome là thủ quỹ của chiến dịch tranh cử và Donald đã rên rỉ nói: “Tôi mệt mỏi vì tất cả các anh cứ gọi tôi mãi rồi”. Vài tháng sau, Koch nói với Rome rằng ông “vẫn nghe thấy Trump hét vào tai tôi”. Khi Koch dành chiến thắng vòng bầu cử chọn ứng viên, Sandy Lindenbaum gọi điện thoại đến và nói với Rome rằng ông sẽ đóng góp 50.000 đô la tiền từ các khách hàng bất động sản của mình cho cuộc chạy đua nước rút của Koch, và nói rằng: “Tất cả những gì tôi muốn là được tiếp cận”. Mặc dù Rome nói với ông ta rằng sẽ không “làm ăn theo cách đó”, Lindenbaum vẫn chuyển 30.000 đô la. Vào đêm chiến thắng, Donald và Ivana cùng tham gia chúc mừng tại trụ sở làm việc của Koch như là những thành viên chính thức của nhóm vận động cho ngài thị trưởng.

Trước khi cuộc tranh chấp về quyền địa dịch trở nên căng thẳng, trong năm đầu tiên tại vị của Thị trưởng Koch, chính quyền mới của ông đã trao khách sạn Hyatt cho Trump, ông được toàn quyền ký kết hợp đồng, thực hiện các thỏa thuận đã hoàn tất thương lượng, và thậm chí thông qua một yêu cầu của Trump được gửi đến vào phút chót cho phép mở rộng bức tường kính mặt ngoài của khách sạn thêm 8 inch (hơn 20 cm) làm lấn vào vỉa hè đi bộ. Tương tự như vậy, mặc dù Thị trưởng Beame đã mở đường cho việc chỉ định sử dụng khu vực ở đường số 34 để xây trung tâm hội nghị, Thị trưởng Koch mới là người cho phép thực hiện. Khoản tiền 833.000 đô la mà Donald có cho vụ môi giới để thành phố mua lại khu vực phố 34th Street là giao dịch lớn nhất trong sự nghiệp của ông vào thời điểm đó – lý do đó đủ để thuyết phục một người có tầm nhìn xa không phụng sự chính quyền giúp kiếm ra tiền chỉ từ việc chọn địa điểm xây dựng. Donald biết quá rõ rằng đây sẽ không phải là món hàng lớn cuối cùng ông sẽ mang đến Tòa Thị chính của Koch.

Thật vậy, trong quá trình tranh luận về quyền địa dịch, Donald đã tìm kiếm sự chấp thuận từ phía thành phố về kế hoạch phân lô hàng triệu đô la và đơn xin giảm thuế cho dự án con đẻ của ông ta ở Đại lộ số 5, mà ban đầu gọi là Tháp Tiffany nhưng cuối cùng đổi tên thành Trump Tower. Ông cũng tích tụ được đất ở Đại lộ số 3 để xây Trump Plaza, một tổ hợp với nhiều yếu tố thỏa mãn các điều kiện ưu đãi thuế. Sẽ không phải là một thời điểm thông minh khi gây hấn với những nhà lãnh đạo cấp cao của một chính quyền tương đối thân thiện chỉ vì một khu bán lẻ bé xíu. Có nhiều người cho rằng, những phản ứng khác nhau của quan chức thành phố đối với các loại đơn xin miễn giảm cho Trump Tower và tòa Trump Plaza có liên quan đến thái độ của Tòa Thị chính về Trump sau những năm tháng đau thương xoay quanh cuộc xung đột về quyền địa dịch.

Sự sai lầm trong tính toán này của Trump sẽ sớm phải trả giá, do đơn xin giảm thuế cho Trump Tower và đơn xin thay đổi phân lô cho tòa Trump Plaza đã không được thông qua bởi chính quyền thành phố. Tuy nhiên, quan trọng hơn là trước khi Ed Koch trở thành Thị trưởng, đánh giá của ông về tính cách của Donald Trump thông qua cuộc chiến đấu đê tiện này sẽ tác động đến đánh giá chính sách cho kế hoạch phía tây của Donald. Chính điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Donald, khiến ông ta mất hàng trăm triệu đô la và đánh dấu giai đoạn đi xuống của ông ta.

Donald Trump – Màn Trình Diễn Vĩ Đại

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here