Cuốn sách được chia làm hai phần chính, gồm những nguyên tắc hoạt động tâm lý và cách áp dụng các nguyên tác vào giải quyết các lĩnh vực trong đời sống.Các nguyên tắc này giúp chúng ta hiểu được hoạt động của tâm lý con người, dù đơn giản nhưng lại có ý nghĩa lớn lao, và vượt qua mọi rào cản về văn hóa, bao gồm:
Tư duy: Khả năng suy nghĩ của chúng ta tạo ra trải nghiệm tâm lý trong cuộc sống, và tư duy là một chức năng được điều khiển bởi ý thức con người.
Tâm trạng: Chúng ta hiểu rằng tư duy là một chức năng có ý thức, thay đổi từng phút từng ngày; những khác biệt đó gọi là tâm trạng.
Những thực tại tâm lý riêng biệt: Bởi mỗi người đều suy nghĩ theo một cách duy nhất, nên mỗi chúng ta đều sống trong một thực tại tâm lý riêng biệt với nhau.
Cảm xúc: Cảm xúc và tình cảm của chúng ta đóng vai trò như một cơ chế phản hồi sinh học bên trong, cho biết chúng ta đang như thế nào xét trên quan điểm tâm lý.
Thực tại: Thực tại là nơi chúng ta tìm thấy hạnh phúc và sự thanh thản trong tâm hồn.
Khi đã nắm vững được những nguyên tắc này, chúng ta sẽ ứng dụng chúng vào những vấn đề mấu chốt trong cuộc sống như: các mối quan hệ, stress, giải quyết các vấn đề, v.v…
Cuốn sách là một công cụ định hướng dẫn đường, đưa người đọc vượt qua những thử thách và đem lại niềm vui sống.
Trích đoạn sách hay
NGUYÊN TẮC THỰC TẠI RIÊNG BIỆT
Chúng ta không nhìn vào bản chất sự vật, mà nhìn chúng theo cách của chúng ta.
— Anaïs Nin
Nếu từng ra nước ngoài, bạn sẽ hiểu được sự khác biệt lớn lao giữa các nền văn hóa. Ngay cả những người chưa từng ra khỏi đất nước có lẽ cũng thấy được điều đó trên truyền hình, phim ảnh và sách báo. Nguyên tắc thực tại riêng biệt nói rằng sự khác biệt giữa các cá nhân cũng đáng kể như khác biệt giữa các nền văn hóa. Chúng ta không thể hy vọng mọi người ở các nền văn hóa khác nhau nhìn nhận hoặc làm những việc giống mình, và tương tự, nguyên tắc thực tại riêng biệt cho rằng sự khác biệt về hệ tư tưởng của các cá nhân cũng ngăn cản điều đó. Đây không phải là vấn đề chấp nhận sự khác biệt trong cư xử, mà chúng ta phải hiểu đó là hiện thực không thể thay đổi được.
Trong hai chương trước, chúng ta đã biết về hai cách hoạt động chính trong chức năng tâm lý của con người: bằng tư duy và bằng tâm trạng. Do mọi người đều hoạt động theo cách đó nên không thể có chuyện hai người khác nhau nhìn sự việc theo cách giống nhau hoàn toàn, dù họ có thuộc cùng một nền văn hóa hay không. Nguyên tắc này không có ngoại lệ. Mỗi hệ tư tưởng đều là duy nhất. Nó được hình thành thông qua tiến trình tư duy dựa trên các yếu tố đầu vào. Cha mẹ, tầng lớp xã hội, hiểu biết, ký ức, nhận thức có chọn lọc, hoàn cảnh, tâm trạng – rất nhiều yếu tố đóng vai trò quyết định hệ tư tưởng của mỗi cá nhân. Sự kết hợp là vô hạn, và không thể có chuyện hai người giống hệt nhau.
Hiểu được nguyên tắc này sẽ giảm thiểu được tranh cãi. Khi kỳ vọng nhìn mọi thứ một cách khác biệt, hiểu rằng mọi người sẽ hành động và phản ứng khác chúng ta trong cùng một hoàn cảnh, ta sẽ dễ cảm thông với họ hơn, cũng như với chính bản thân mình. Còn nếu trông mong điều ngược lại, xung đột là việc rất dễ xảy ra. Điều này đúng trên cả diện hẹp là mối quan hệ giữa hai người hay diện rộng như mối quan hệ giữa các quốc gia. Chúng ta có thể thấy ví dụ về nguyên tắc này ở mọi nơi. Chỉ cần không chú ý (suy nghĩ) quá nhiều vào kỳ vọng của bản thân, ta sẽ được tự do trải nghiệm những đặc điểm riêng biệt của mỗi người, đem lại cảm xúc thú vị cho bản thân và tối đa hóa tiềm năng phát triển các mối quan hệ với những người xung quanh.
Cố gắng thay đổi người khác là việc làm vô ích
Về cơ bản, khúc mắc trong các mối quan hệ đến theo hai cách. Hoặc cho rằng những người khác cũng nhìn nhận sự việc theo cách của mình, nên chúng ta không thể hiểu và thấy khó chịu vì phản ứng của họ, hoặc chúng ta tin rằng mọi người nên nhìn sự việc theo cách của mình, bởi chúng ta đang nhìn nhận sự việc đúng như thực tế diễn ra. Khi hiểu được nguyên tắc thực tại riêng biệt, chúng ta sẽ tránh xa được các nguyên nhân tiềm tàng phá hoại các mối quan hệ. Mọi người chẳng những không nên, mà thực tế còn không thể nhìn sự việc theo cách của bạn. Bản chất của các hệ tư tưởng riêng biệt khiến ta không thể nhìn mọi việc theo cách của người khác – hoặc người khác nhìn sự việc theo cách giống hệt ta. Hiểu biết mới mẻ này giúp chúng ta tránh được sai lầm và vui vẻ chấp nhận sự khác biệt. Nói được câu “khác biệt là gia vị của cuộc sống” là một chuyện, nhưng hiểu được và tin vào nó lại là chuyện khác. Để có được niềm tin này, bạn không nên cố ép mình suy nghĩ theo hướng đó, mà trên phương diện tâm lý, bạn cần hiểu rằng sự khác biệt giữa mọi người và giữa cách họ nhìn cuộc sống đem lại cảm xúc trọn vẹn.
Khi đã hiểu về những thực tại riêng biệt thì chẳng lý gì bạn phải cảm thấy bị xúc phạm bởi những việc người khác nói hay làm. Con người dành cả đời để chứng minh rằng cách nhìn cuộc sống của họ mới hợp lý, thực tế và đúng đắn. Khía cạnh tự đánh giá này của hệ tư tưởng sẽ chỉ ra vô số ví dụ để chứng minh nó đúng. Khi hiểu được điều này, bạn sẽ thấy thật vô ích khi cố thay đổi người khác, hoặc tranh cãi với họ. Nếu tranh cãi, người kia nhất định sẽ cho là họ đúng và thậm chí còn dùng những luận điểm của bạn để chứng minh cho ý kiến của họ, như trong ví dụ dưới đây.
Hãy xem trường hợp của một cặp vợ chồng cưới nhau đã được 20 năm. Người chồng cho rằng nhìn chung bản chất của con người là thích chỉ trích, chê bai, trong khi người vợ lại cho rằng con người thường khen ngợi nhau mỗi khi có thể. Họ tranh cãi về điểm này suốt nhiều năm, người chồng đưa ra vô số ví dụ về việc mọi người hay chỉ trích và công kích như thế nào. Người vợ cũng đưa ra nhiều ví dụ không kém để chứng minh quan điểm của mình. Cả hai đều không hiểu được tại sao người kia lại mù mắt trước “thực tế” như vậy. Cho đến một ngày, trong lúc dùng bữa ở một nhà hàng, hai vợ chồng nghe thấy hai bồi bàn nói với nhau. “Cậu có nhìn thấy chiếc mũ trên đầu người phụ nữ ngồi ở bàn 2 không? Chao ôi!” Người vợ lập tức quay sang nói với chồng: “Anh thấy chưa? Lại một ví dụ nữa về việc con người hay khen ngợi nhau. Thật là tử tế! Phải làm thế nào anh mới tin rằng con người luôn tìm cơ hội để khen ngợi nhau đây?” Người chồng nhìn vợ một cách ngạc nhiên và nói: “Khen ngợi ư, em đang nói gì vậy? Anh ta đang cười nhạo chiếc mũ của người phụ nữ tội nghiệp kia thì có!”
Sự hiểu lầm thú vị này chỉ được làm sáng tỏ khi chúng ta hiểu được động lực của điều đang thực sự diễn ra. Tất cả những gì bạn cần làm là chấp nhận nó như một điều mặc nhiên, rằng mỗi chúng ta nhìn cuộc sống theo một hiện thực riêng biệt, một cách hiểu riêng biệt, và một khung tham chiếu riêng biệt của chính mình. Chẳng ai trong chúng ta hoài nghi hiện thực của chính mình, bởi đối với chúng ta nó dường như luôn luôn đúng. Dù nhìn vào đâu, ta cũng thấy được những ví dụ không ngừng chứng tỏ tính xác đáng trong luận điểm của bản thân.
Thực tại riêng biệt là thực tế cuộc sống
Chìa khóa để bằng lòng và cảm nhận được vẻ đẹp trong những thực tại riêng biệt là phải thấy được tính vô hại của nó. Ta thấy những gì ta đang thấy dựa trên trạng thái và niềm tin (hệ tư tưởng) của mình. Đầu óc bạn sẽ phân tích một chuỗi các tình huống dựa trên những gì nó đã biết hoặc tin là thật. Do hệ thống kiến thức và chuỗi sự kiện trong quá khứ của bạn là độc nhất vô nhị, nên cách bạn phân tích các tình huống cũng biến đổi theo đó. Đầu óc bạn giống như một hệ thống máy tính phức tạp, và tương tự một chiếc máy tính, việc phân tích dữ liệu cũng dựa trên thông số đầu vào trước đó. Với chúng ta cũng vậy. Đầu óc ta xử lý các thông tin hiện tại hoàn toàn dựa trên những kiến thức tích lũy được trong quá khứ. Đơn giản là không có cách nào để tránh được thực tại riêng biệt, và nếu không hiểu và chấp nhận thực tế này của cuộc sống, chúng ta sẽ nản lòng hoặc thậm chí có thể hủy hoại cả cuộc sống của mình. Còn nếu hiểu biết, kiến thức đó có thể là ngọn nguồn cho trí tuệ, niềm vui và khiếu hài hước.
Hiểu về thực tại riêng biệt không có nghĩa là bạn phải bỏ đi những quan điểm hay niềm tin sâu sắc nhất của mình. Niềm tin và quan điểm tự bản thân chúng là trung lập. Chúng là khía cạnh thú vị, mạnh mẽ và phong phú của cuộc sống. Nhân tố quan trọng để có được hạnh phúc, tinh thần khỏe mạnh và sự hài lòng với bản thân chính là mối quan hệ của bạn với những niềm tin và quan điểm này. Bạn có tin rằng cách bạn nhìn cuộc sống chỉ phản ánh một thực tế chính xác và duy nhất? Hay bạn hiểu rằng niềm tin và cách hiểu cuộc sống của bạn lúc này được tạo nên từ hệ tư tưởng của chính bạn, và nếu thông tin chứa đựng trong hệ tư tưởng đó khác đi, những kết luận của bạn cũng sẽ khác đi? Tốt nhất bạn không nên gắn mác đúng hay sai cho những ý tưởng hay niềm tin nhất định, mà hãy hiểu cách hình thành ý tưởng và việc mỗi người nhìn cuộc sống theo một cách khác nhau là điều không thể tránh khỏi. Khi hiểu được nguyên tắc thực tại riêng biệt, chúng ta có thể tiếp tục giữ được bất cứ niềm tin hay quan điểm nào của bản thân – chỉ khác một điều là niềm tin của riêng ta và việc mọi người phản đối chúng chẳng khiến ta phải thù địch hay bị tổn thương.
Giảm phòng thủ và mở rộng trái tim
Không nghi ngờ gì kiến thức về thực tại riêng biệt đưa chúng ta gần hơn với những người ta quen biết và yêu quý. Nó giúp ta hiểu mọi người, khiến ta trở nên thú vị và dễ gần hơn. Khi chúng ta thực sự hiểu rằng nhận thức của ta về cuộc sống hình thành từ hệ tư tưởng của bản thân và không nhất thiết phải đại diện cho hiện thực, chúng ta sẽ thu hút được mọi người xung quanh.
Và lý do là tất cả chúng ta đều có một đặc quyền trời cho là tự đánh giá những niềm tin của mình. Nhưng hệ tư tưởng (của chúng ta cũng như của người khác) không thích bị đe dọa hay can thiệp. Khi bạn tiếp cận một người, đừng cố thay đổi niềm tin của họ, mà với niềm hứng thú thực sự và tôn trọng quan điểm của họ về cuộc sống, thì sự phòng thủ sẽ giảm đi, và trái tim mỗi người sẽ cởi mở hơn. Những người hết lòng chấp nhận thực tế về thực tại riêng biệt sẽ có được những mối quan hệ vừa ý hơn cả mong đợi. Thông thường, bạn sẽ phát triển các mối quan hệ với những người mà bạn nghĩ mình sẽ không thể nào thích nổi. Thay vì thất vọng và tức giận trước sự khác biệt giữa bạn và ai đó, bạn bắt đầu nhìn nhận về người đó và cả bản thân theo một cách hoàn toàn mới mẻ và trong sáng. Kết quả là cả hai đều có thái độ mềm mỏng hơn, hiểu nhau hơn, với cảm xúc tích cực, dễ chịu hơn.
Nguyên tắc thực tại riêng biệt có thể được trình bày trên một thể liên tục như sau:
Không khoan dung —— Khoan dung —— Thấu hiểu
Ở phía bên trái của cán cân là nơi hầu hết mọi người tin rằng các mối quan hệ phát sinh vấn đề, và chúng luôn luôn đúng. Khi chúng ta chuyển dần đến vị trí khoan dung, các vấn đề được đưa ra phân tích, nhưng hiếm khi được giải quyết. Tuy “khoan dung” rõ ràng tốt hơn “không khoan dung”, nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ trên nấc thang này nếu bạn muốn có những mối quan hệ vui vẻ và vừa ý. Khoan dung với mọi người và với cách nhìn cuộc sống của họ, thay vì chỉ đánh giá cao quan điểm của bản thân. Từ những hiểu biết về hệ tư tưởng và thực tại riêng biệt, bạn sẽ hiểu rằng ý kiến chủ quan của bạn về cuộc sống và cách sống không hề cao siêu hơn của bất cứ ai. Những thông tin trong hệ tư tưởng của bạn mang tính chủ quan chẳng khác gì của mọi người xung quanh. Ý tưởng, niềm tin và phản ứng trước cuộc sống là sản phẩm và chức năng của thông tin và các kích thích mà bạn tiếp nhận, và bất kỳ ai cũng vậy. Nếu bạn không hiểu điều này, sự khác biệt giữa mọi người có thể trở thành một mối thất vọng với bạn. Nếu bạn hiểu được thì những khác biệt đó tương tự như khác biệt giữa các cá nhân sẽ trở thành ngọn nguồn của mối quan tâm, cảm hứng, và sự phát triển.
Sự phát triển và thỏa hiệp trở nên hợp lý
Đặc biệt khi những điểm khác nhau dường như không thể dung hòa thì kiến thức về thực tại riêng biệt lại càng thiết thực. Khi chúng ta tiếp cận người khác với sự hiểu biết, cánh cửa cho sự phát triển sẽ rộng mở. Khi ta không coi quan điểm của người khác là sai lầm hoặc thấp kém nghĩa là ta tiếp nhận thông tin mới mà không dùng hệ tư tưởng cố hữu của mình để hoài nghi nó. Nếu không có sự hiểu biết này, hệ tư tưởng của chúng ta sẽ nắm quyền kiểm soát và ngăn cản chúng ta lắng nghe. Lắng nghe mà không phán xét, người đối diện sẽ cảm nhận được sự tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe của bạn với quan điểm của họ. Kết quả là hai bên hiểu nhau hơn và mềm mỏng với nhau hơn − một nhân tố cơ bản cho sự thỏa hiệp và hợp tác, mang lại những gì tốt đẹp nhất cho bản thân ta và người khác.
Hãy cùng trở lại với việc Stacey nhớ đến quyết định thuê người chăm sóc cô hồi nhỏ của cha mẹ. Nếu Stacey không hiểu về thực tại riêng biệt, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cô thấy buồn bực trước một quyết định như vậy. Xét cho cùng, Stacey có niềm tin hoàn toàn khác biệt về việc làm cha mẹ! Bởi vô cùng tin tưởng những suy nghĩ của mình nên cô thường nghiền ngẫm chúng, và việc đó càng khiến cô đau khổ hơn. Khi Stacey lần đầu tiên nhớ đến quyết định đó của cha mẹ, cô không hiểu và không nhận ra giá trị của thực tại riêng biệt. Cô không tài nào hiểu được tại sao cha mẹ mình có thể đưa ra quyết định như vậy. Hơn nữa, cô cũng cảm thấy bực mình với những quyết định và ý kiến không phù hợp với quan điểm của bản thân.
Hiểu được về thực tại riêng biệt, Stacey sẽ có thể nhớ lại mà không thấy bực tức hay đưa ra phán xét. Cô sẽ hiểu rằng cha mẹ mình làm vậy dựa trên những gì họ cho là đúng vào thời điểm đó – chứ chẳng có gì đặc biệt hết. Stacey khi đó không cho rằng phản ứng của mình là đúng còn của cha mẹ là sai, mà nhận ra chúng chỉ đơn giản là những quyết định khác nhau, dựa trên những hệ tư tưởng khác nhau. Mối quan hệ của Stacey với cha mẹ sẽ đầy tôn trọng và yêu thương, thay vì những hoài nghi và buộc tội.
Không hiểu nguyên tắc thực tại riêng biệt sẽ khiến bạn xung đột và thất vọng không ngừng. Giải pháp ở đây là phải hiểu biết đầy đủ về khái niệm này, và khiêm tốn thừa nhận bạn không thể “đi guốc trong bụng” người khác. Dù bạn có nhìn sự việc đơn giản đến mức nào, hay một tình huống có vẻ chân thực ra sao, thì người khác vẫn có thể nhìn nhận nó hoàn toàn khác biệt, và họ cũng chắc chắn về tính xác thực của nó chẳng kém gì bạn.
Nguồn: Internet