Chúng ta luôn luôn đặt ra cho bản thân câu hỏi rằng, làm thế nào để sống một cuộc sống như chúng ta mơ ước? Mà quên mất một thực tế rằng dù đau đáu về một cuộc sống như thế nhưng chúng ta vẫn đang quẩn quanh với những lịch trình hàng ngày, những việc làm nhàm chán đến mức gần như làm tê liệt ý chí vùng vẫy thoát ra khỏi nó. Chúng ta muốn sống khác nhưng vẫn dành quá nhiều thời gian xem tivi mỗi ngày, sa đà vào những bữa tiệc vui chơi quên ngày tháng, vẫn chấp nhận gắn bó với công việc mà mình không yêu thích, v.v… Vâng, để có một cuộc sống như mơ ước, việc bạn chỉ khao khát, thèm muốn và làm một vài hành động đơn lẻ thôi không đủ, bởi để sống khác cần đến sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố.
Hãy sống cuộc đời như bạn muốn, cuốn sách của tác giả Pam Grout sẽ hướng dẫn bạn cách thay đổi thái độ, nắm bắt ý tưởng, và phát triển năng lực tiềm ẩn của bản thân để đạt đến tiềm năng thành công. Bằng cách nghĩ lớn, mơ lớn và đặt ra các câu hỏi lớn, mỗi người chúng ta chắc chắn sẽ tạo sự khác biệt trong cuộc sống của bản thân và những người xung quanh.
Hãy sống cuộc đời như bạn muốn sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin đầy đủ và hoàn chỉnh từ những nguyên tắc để sống vĩ đại, những ví dụ điển hình về những con người sống vĩ đại rất gần gũi với chúng ta, từ những cô bé cậu bé tật nguyền, người tù binh trên chiến trường Việt Nam hay Mozart và Picasso. Mỗi chương sách đều dành những câu hỏi và bài tập thực tế để độc giả có thể thực hành áp dụng nó vào chính cuộc sống của mỗi người!
Trích đoạn sách hay
Tạo sự khác biệt: Quan điểm về sự cam kết
TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ NHÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CHO DÙ CHÚNG TA CÓ NHẬN RA HAY KHÔNG.
—Julia Butterfly Hill
Bạo lực học đường đã tăng 41% trong vòng 5 năm qua. Mỗi ngày có 4.000 người chết vì đói – tương đương với việc cứ 15 phút lại có một máy bay phản lực bị tai nạn. Cứ 24 giờ lại có 3 loài biến mất khỏi cuộc sống. 13 triệu trẻ em châu Phi bị mất cha mẹ vì bệnh AIDS.
Đến lúc bạn đọc xong chương này thì một người ở Mỹ sẽ tự kết liễu đời mình và tương tự, một khu rừng nhiệt đới rộng bằng 200 tòa nhà trong thành phố sẽ bị đốt cháy và phá hủy.
Vậy tại sao chúng ta lại ngồi đây? Tôi thì viết. Bạn thì đọc cuốn sách này. Chúng ta phải hành động.
Nhưng, nhưng… tôi có thể làm gì đây? Ngày nào tôi cũng đọc thấy những việc như thế này trên báo chí. Đêm nào tôi cũng nghe thấy trên bản tin. Chẳng có gì mới cả.
Điều mới ở đây là không có lý do nào mà những thảm kịch trên nên xảy ra cả. Điều mang tính cách mạng ở đây là chúng ta – tôi và bạn – có khả năng giải quyết những vấn đề này. Và điều đáng kinh ngạc hơn là chúng ta có thể ngồi đây mà nhìn mọi thứ xảy ra. Có phải là vì chúng ta nghĩ mình không thể làm gì? Hay vì chúng ta tin rằng đó là việc của người khác? Nếu mỗi chúng ta chọn một lý do, tin vào sức mạnh tạo sự thay đổi của mình thì chúng ta có thể xóa bỏ mọi thảm kịch này và mọi vấn đề trên thế giới trong vòng một năm.
Chẳng hạn, với nạn đói trên thế giới. Balbir Mathur, một doanh nhân tại Wichita, Kansas đã tìm thấy một cái cây đơn giản có lá bổ dưỡng đến mức nó gần như một liều thuốc ma thuật. Lá của cây chùm ngây (tên của loại cây đó) chứa lượng vitamin C cao gấp bảy lần một quả cam, lượng kali cao gấp ba lần một quả chuối và lượng vitamin A cao gấp bốn lần một củ cà rốt. Một cái cây gần như có thể xóa bỏ nạn đó tại một làng nhỏ ở một nước đang phát triển.
Không những thế, hạt giống có thể làm sạch nước, vỏ và rễ cây cũng có thể ăn được và cây có thể phát triển dễ dàng và nhanh chóng trên đất nghèo dinh dưỡng. Kể từ năm 1984, Mathur đã trồng 30 triệu cây chùm ngây trên các nước nghèo khắp thế giới. Mathur nói: “Phép lạ vẫn có thể xảy ra bởi con người tạo ra phép lạ.”
Nhưng, nhưng… tôi không gây ra các vấn đề. Tại sao tôi phải làm gì?
Cũng giống như giáo viên lớp hai cũ của tôi từng nói: Không quan trọng ai mở nắp lọ keo, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng nếu chúng ta không đậy nắp lại.
Nhưng, nhưng… không phải chính phủ hay các dịch vụ xã hội nên làm gì đó sao?
Chính phủ và các dịch vụ xã hội không thể giải quyết mọi vấn đề của chúng ta. Làm sao họ có chịu trách nhiệm hết những thiệt hại được tích lũy do hàng triệu cá nhân gây ra?
Đó là tin xấu.
Tin tốt là chúng ta có thể. Chúng ta. Tôi và bạn. Một người thật sự có sức mạnh để tạo ra sự khác biệt. Nếu vẫn cần cải cách chăm sóc y tế, cải tiến giáo dục và cần làm những thứ khác trở nên tốt đẹp hơn thì chúng ta vẫn có việc phải làm.
Nhưng, nhưng… Tôi không phải kiểu người làm việc trong bếp nấu súp.
Ai nói bạn phải làm việc trong bếp nấu súp? Cathy Runyan-Svacina tạo ra sự khác biệt với đá cẩm thạch. Đúng vậy, đá cẩm thạch. Cô nổi tiếng tại quê hương Kansas của mình với tên gọi “người phụ nữ đá cẩm thạch” và cô sử dụng bộ sưu tập hàng triệu loại đá cẩm thạch, bộ sưu tập lớn nhất thế giới, của mình để lan truyền tình yêu thương. Cô không chỉ viết một cuốn sách có tên Knuckles Down! với 35 trò chơi với đá cẩm thạch mà còn phát triển chương trình “Shoot Marbles, Not Drugs” (tạm dịch: Sử dụng đá cẩm thạch, không dùng ma túy) mà cô giới thiệu tại các trường học trên khắp thế giới và tạo ra “Kindness Marble” (tạm dịch: Đá cẩm thạch nhân ái) được phân phối khắp thế giới.
Sau khi con gái của cô (1 trong 5 đứa con của Cathy) bị gãy cổ trong tai nạn ô tô thì Cathy và con gái đã làm hàng trăm Đá cẩm thạch nhân ái với nhiều màu sắc khác nhau, không viên nào giống viên nào và đóng gói chúng với tên gọi “Truyền thuyết về đá cẩm thạch nhân ái.” Theo truyền thuyết, người nào có Đá cẩm thạch nhân ái phải khởi đầu ngày mới với viên đá cẩm thạch ở túi bên trái. Mỗi khi làm được một việc tốt thì người đó có thể chuyển viên đá sang túi bên phải. Và theo Cathy thì không ai nên đi ngủ mà không có viên đá ở túi bên phải.
Mặc dù bộ sưu tập đá cẩm thạch – cho dù là bộ sưu tập lớn nhất thế giới – không phải là một việc lớn nhưng Cathy học được rằng “nhờ những việc nhỏ và đơn giản mà những điều vĩ đại có thể xảy ra.”
Nhưng nhưng… tôi không có tiền.
Maizie DeVore, một người phụ nữ 82 tuổi đã lên chức bà ở Eskridge, Kansas, người sống lâu hơn cả hai người chồng và 1 trong 4 đứa con của mình, cũng không có tiền. Nhưng điều đó không khiến bà ngừng nghĩ ra ý tưởng lớn về việc xây hồ bơi công cộng cho trẻ em tại thị trấn chỉ có 500 người.
Trong vòng 30 năm, bà quyết tâm thu nhặt lon nhôm và kim loại phế liệu, đan khăn phủ giường và làm mứt từ quả dâu dại, bà bán tất cả những thứ đó để lấy tiền làm quỹ xây hồ bơi. Hai ngày một tuần, bà đi lùng thùng rác và đi khắp các con đường của thị trấn đề tìm lon vứt đi. Khi bà làm diễn viên quần chúng trong bộ phim Sarah, Cao lớn và Chất phác của Hallmark Hall of Fame với sự tham gia của Glenn Close, DeVore –đáp lại quảng cáo tìm phụ nữ nông thôn có gương mặt bị phong hóa trên báo địa phương – thậm chí còn thuyết phục Close quyên góp 2.000 đô-la.
Cuối cùng vào tháng Bảy năm 2001, ước mơ xây hồ bơi cho trẻ em địa phương của DeVore cũng thành hiện thực. Hồ bơi với kích thước 12 x 22m được mở ngay đối diện ngôi nhà của bà, và bà đã mặc bộ đồ bơi mua năm 40 tuổi, là người đầu tiên khai trương hồ.
Nói về tiền. nhà hoạt động xã hội vĩ lớn Buckminster Fuller từng nói rằng nếu tiền bạc trên thế giới được chia đều cho mọi người thì mỗi chúng ta sẽ có 1,3 triệu đô-la.
Nhưng, nhưng… tôi không có thời gian.
Tôi không phủ nhận là phần lớn chúng ta cam kết quá nhiều, quá căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng tôi phải đặt ra câu hỏi sau:
Tại sao?
Bạn có thật sự cần đi làm móng hàng tuần không? Các tập phim sitcom Seinfeld có thật sự quan trọng với hạnh phúc của bạn thế không? Gandhi từng nói rằng nếu ông có một ngày bận rộn thì ông chỉ cần thêm việc thiền vào danh sách cần làm. Nếu không ông sẽ không bao giờ hoàn thành mọi việc.
Để có thời gian, bạn chỉ cần dành thời gian mơ mộng. Hãy mang tới phép thuật cho bản thân mình. Khi tâm hồn bạn tràn đầy sự bí ẩm và niềm đam mê thì bạn sẽ không thể không tìm ra thời gian.
Nhưng, nhưng… tôi quá trẻ, quá già, quá …….(Điền vào chỗ trống)
Nkosi Johnson mới chỉ 7 tuổi. Cậu bé bị AIDS giai đoạn cuối và chỉ nặng chưa tới 14kg. Nhưng hàng ngày cậu bé vẫn nói về tầm quan trọng của tình yêu và sự chấp nhận. Cậu mở cửa một nơi nương tựa tại Johannesburg, Nam Phi cho những đứa trẻ bị mất cha mẹ do bệnh AIDS.
Doris Haddock đã 90 tuổi khi đi bộ từ Los Angesles đến Washington, D.C để cổ vũ cho phong trào cải cách tài chính. Bất chấp tình trạng mất nước, tuyết, băng, bệnh viêm khớp và bệnh phổi, hàng ngày bà đi bộ khoảng 16km cho đến khi đặt chân lên thềm Điện Capitol và thuyết phục các thành viên trong Quốc hội ngừng nhận tiền từ các nhóm lợi ích đặc biệt. Bà nói: “Chúng ta có trách nhiệm chăm sóc lẫn nhau và chúng ta lập ra chính phủ vì lý do này. Nếu chúng ta mất quyền kiểm soát của chính phủ thì chúng ta mất khả năng chăm sóc lẫn nhau.”
Số năm không quan trọng, ngoại trừ đối với pho mát.
Nhưng, nhưng… tôi chỉ có một.
Tất cả những người sống cuộc đời như bản thân mong muốn trong cuốn sách này cũng chỉ có một mình. Một người có thể tạo ra sự thay đổi lớn. Chúng ta không bao giờ được quên sự thật đó. Marian Wright Edelman nói: “Khi cố nghĩ cách tạo ra sự khác biệt lớn, chúng ta không được bỏ qua nhiều sự khác biệt nhỏ hàng ngày mà chúng ta có thể tạo ra và qua thời gian chúng sẽ gộp lại và tạo thành sự khác biệt lớn.”
Những người sống cuộc đời như bản thân mong muốn
JULIA BUTTERFLY HILL
Không chịu rời khỏi tổ chim rộng 55 mét để cứu cây 1.000 tuổi
ĐỪNG BAO GIỜ ĐÁNH GIÁ THẤP SỨC MẠNH HÀNH ĐỘNG CỦA MỘT NGƯỜI.
—Julia Butterfly Hill
Julia Butterfly Hill chỉ 23 tuổi khi cô quyết định sống cuộc đời như bản thân mong muốn. Ban đầu đó không phải là lựa chọn có ý thức. Cô vừa gặp tai nạn ô tô khủng khiếp, xương sọ của cô đập vào tay lái và khiến cô khó đi lại, trò chuyện cũng như làm nhiều việc mà phần lớn chúng ta cho là đương nhiên. Cuối cùng khi cũng làm được những việc đó bình thường, cô nhận ra đã đến lúc thoát ra khỏi cuộc sống cũ của cô ở Arkansas. Cô quyết định tìm kiếm sự giác ngộ ở vùng Viễn Đông. Trước khi đến đó, cô gặp một nhóm người ôm cây tại California, đó là cách cô gọi họ khi còn ở Arkansas. Khi đi lang thang trên bờ biển đã mất ở California, cô bắt đầu cảm thấy sự đồng cảm với những cây gỗ đỏ khổng lồ. Cô cảm thấy xúc động trước vẻ đẹp và sức mạnh của chúng. Cô bắt đầu nghe thấy một giọng nói gợi ý rằng thay vì đi Ấn Độ, số phận của cô nằm đâu đó giữa khu rừng già này.
Khi cô nghe nói Pacific Lumber lập kế hoạch biến toàn bộ khu rừng gỗ đỏ nghìn tuổi này thành sân sau của ai đó, cô quyết định hành động.
Ngày 10 tháng 12 năm 1997, ở tuổi mà phần lớn các cô gái khác sẽ khởi nghiệp hoặc lập gia đình hay thậm chí là làm mẹ thì cô đã hôn tạm biệt mặt đất và trèo 55 mét lên một cây gỗ đỏ khổng lồ. Đến khi trăng tròn, bằng cách sử dụng thiết bị leo trên đá mà cô chưa từng nhìn thấy trước đó chứ chưa nói là sử dụng, cô đã leo tương đương với 18 tầng nhà để tới một bục rộng 2x3m. Cô thề sẽ ở đó cho đến khi Công ty Pacific Lumber và tập đoàn mẹ của nó, Maxxum đồng ý tha cho cái cây được sống.
Cô ngồi một mình trên bục này trong suốt hai năm và tám ngày. Cô dùng một tảng bơ thực vật làm chỗ đi vệ sinh, dùng nến để lấy ánh sáng và dùng một bếp đơn sử dụng khí prôban để nấu ăn.
Bạn đồng hành duy nhất của cô là một nhóm nhỏ nhân viên hỗ trợ, cứ vài ngày họ lại đi bộ khoảng hai km trên địa hình gồ ghề, dùng ròng rọc gắn với một chiếc xô, họ cung cấp các thiết yếu phẩm cho cô và cho cô biết tin về sự giận dữ ngày càng lớn của tập đoàn.
Cô đã bất chấp gió mạnh 145km/h, cái lạnh tê người, cảnh sát với loa phát thanh và trên hết là lời đe dọa trục xuất từ Tập đoàn Maxxum hùng mạnh, họ dường như cho rằng dọn sạch các cây gỗ đỏ khổng lồ là quyền kinh tế của họ.
Những cái cây đã ở đây trước khi Christopher Columber ra đời thì sao chứ? Chỉ còn 3% trong số 8.000 m² rừng khổng lồ còn sống sót thì sao chứ? Vào ngày 1 tháng 1 năm 1998, việc phát quang đã gây ra vụ sạt lở đất làm phá hủy nhà ở của 7 gia đình thì sao? Họ vi phạm 250 điều trong Bộ luật Bảo vệ rừng California thì sao? Chile đã tuyên bố không cho phép chặt phá cây aclerce, giống loài cây gỗ đỏ của California, cho dù chúng mọc ở đâu? Chúng ta là người Mỹ và kiếm tiền là quyền cơ bản của chúng ta.
Nhưng Julia Butterfly Hill cũng là người Mỹ và cô có quyền theo đuổi trái tim mình, thực hiện hành động bất phục tùng dân sự nếu buộc phải thế.
Ban đầu việc phải sống một mình trên cái bục bé tí không được che chắn gì ngoài những tấm vải dầu có vẻ rất cô đơn và đáng sợ. Cô tự khiến mình bận rộn bằng cách làm thơ trên mặt sau của hộp đựng thức ăn, tập thể dục bằng cách leo trèo trên các cành cây. Cô tuyên bố cái cây mà cô đặt tên là Luna trở thành bạn thân của cô, trò chuyện với cô, hướng dẫn cô cách “uốn cong và rủ xuống”, và thậm chí là khóc lớn bằng nhựa cây khi nhìn các anh chị em của mình bị sát hại vì chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng.
Lời từ chối sống cuộc đời nhỏ bé của Hill đã trở thành bàn đạp cho người khác. Cô đã thu hút được nhiều người nổi tiếng như Woody Harrelson, Bonnie Raitt và Joan Baez, họ đã đi bộ hơn 3km đến rừng thăm cô. Cuối cùng cô trở thành người nổi tiếng theo cách của mình, nhận được các buổi phỏng vấn về điện thoại sử dụng năng lượng mặt trời từ Newsweek, CNN và nhiều tổ chức khác. Tạp chí George còn bình chọn cô là một trong 10 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất năm 1999 và Robert Duvall đã mua bản quyền phim cho cuốn sách của cô, Di sản của Luna.
Khi chúng ta quyết định sống cuộc đời như bản thân mong muốn, rất nhiều điều có thể xảy ra.
Từ hành động yêu thương của Hill – theo cách gọi của cô – cô đã cứu sống Luna. Cuối cùng, khi cô xuống đất vào ngày 17 tháng 12 năm 1999, Tập đoàn Maxxum đồng ý để Luna sống cùng hơn 11.000m² đất xung quanh cây. Để tiếp tục công việc của mình, Hill thành lập tổ chức có tên Vòng tròn cuộc sống nhằm thúc đẩy cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.
Nguồn: Internet