“Bạn của tôi – bây giờ là cộng sự – Jorge Paulo và đội của ông là một trong những doanh nhân giỏi nhất trên thế giới. Ông là một người tuyệt vời và câu chuyện của ông sẽ là nguồn cảm hứng cho mọi người, cũng như với cả tôi” – Warren Buffett.

Một cách chưa từng có, Jorge Paulo Lemann, Marcel Telles và Beto Sicupira đã mua được Anheuser-Busch, Burger King và Heinz – 3 thương hiệu tượng trưng cho đất nước Mỹ. Barack Obama thậm chí từng tuyên bố rằng sẽ là một “nỗi ô nhục” nếu Anheuser-Busch bị một công ty nước ngoài mua lại.

Sau thương vụ đình đám này, công ty sáp nhập đã trở thành 1 trong 4 tập đoàn tiêu dùng lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau những gã khổng lồ như: Proter & Gamble, Coca – Cola và Nestle.

Chỉ trong 40 năm, bộ ba người Brazil này đã xây dựng để chế lớn nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản Brazil.

Với phương pháp quản trị họ theo đuổi: luôn luôn và trên hết – đầu tư vào con người, dựa trên nền tảng trọng dụng nhân tài, đơn giản mọi việc và liên tục cắt giảm chi phí.

Họ theo đuổi một nền văn hóa hiệu quả đến mức tàn nhẫn – nơi mà không còn chỗ cho kết quả tầm thường. Mặt khác, những người vượt qua và đạt kết quả tuyệt vời sẽ có cơ hội để trở thành đối tác của công ty và làm nên tài sản khổng lồ.

Không Có Giấc Mơ Nào Là Quá Lớn sẽ cho chúng ta thấy một bức chân dung chi tiết đằng sau hậu trường về sự trỗi dậy của 3 doanh nhân người Brazil này. Bắt đầu từ sự ra đời của Banco Garantia từ những năm 1970 cho đến nay.

Trích đoạn sách hay

NHỮNG “KẺ XÂM LƯỢC” ANHEUSER-BUSCH

Cuối tháng 5 năm 2008, chiếc điện thoại BlackBerry của vị doanh nhân Brazil Jorge Paulo Lemann reo liên hồi khi ông đang chu du trên sa mạc Gobi. Ông đang nghỉ mát ở châu Á cùng vợ ông, Susanna, và một vài người bạn – cựu tổng thống Brazil Fernando Henrique Cardoso và phu nhân, bà Ruth. Họ đang háo hức chiêm ngưỡng một trong những sa mạc lớn nhất trên thế giới, nằm ở phía Nam Trung Quốc và phía Bắc Mông Cổ, với những rặng núi lởm chởm, những đồng bằng trải sỏi và những cồn cát không ngừng di chuyển. Nhiệt độ vô cùng khắc nghiệt, trên 40 độ vào mùa hè và hạ xuống -40 độ vào mùa đông. Mặc dù Lemann không sao nhãng lịch trình du lịch nhưng chiếc điện thoại di động luôn theo sát bên ông. Đây là một tình huống khẩn cấp. Vài tháng trước, ông cùng cộng sự, Marcel Hermann Telles và Carlos Alberto Sicupira, những cổ đông nắm quyền kiểm soát và thành viên hội đồng quản trị của công ty bia InBev hợp tác Bỉ-Brazil (chủ sở hữu của Ambev), đã lên kế hoạch thâu tóm Anheuser-Busch (AB), nhà sản xuất thương hiệu bia bán chạy nhất thế giới, Budweiser.

Các ngân hàng, luật sư và một nhóm nhỏ những nhà quản lý của InBev đã âm thầm làm việc trong dự án Amsterdam, mật danh của kế hoạch. Vụ thâu tóm sẽ biến công ty do InBev và AB sáp nhập thành một trong bốn tập đoàn tiêu dùng lớn nhất thế giới, xếp sau những người khổng lồ như Procter & Gamble, Coca-Cola và Nestlé. Việc thâu tóm một biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ không chỉ là thỏa thuận lớn nhất mà bộ ba cariocas, như dân Rio de Janeiro vẫn thường gọi, từng đạt được mà nó còn biến họ trở thành những thương gia Brazil quyền lực nhất, với tầm ảnh hưởng rộng khắp toàn cầu.

Mọi việc đều trong tầm kiểm soát cho đến khi bí mật của họ bị tiết lộ cho cả thế giới vào lúc 2 giờ 29 phút chiều ngày 23 tháng 5 trên trang blog Alphaville của tờ Financial Times, khi nó đăng tải một bài viết cho rằng InBev đang chuẩn bị một đề nghị trị giá 46 tỷ đô-la để mua lại hãng bia lâu đời này. Bài viết đăng tải chi tiết mô hình tài chính để mua lại công ty, danh tính những người tham gia cơ cấu vụ giao dịch, và thời điểm tiếp cận đầu tiên với August Busch IV, CEO của AB đồng thời là một thành viên của gia tộc đã từng đặt tên cho công ty. Thậm chí khi Lemann đang “lạc lối” giữa sa mạc lớn nhất châu Á, ông cũng chẳng thể phớt lờ việc rò rỉ thông tin vốn có thể tổn hại đến toàn bộ kế hoạch.

“Suốt chuyến đi đến Trung Quốc, ông ấy luôn điềm tĩnh và giải quyết mọi vấn đề qua điện thoại di động một cách rất khách quan,” Cardoso nói. Vị cựu tổng thống kể rằng ông đã trở thành bạn với Lemann sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống. Đây là lần đầu tiên họ cùng đi du lịch.

Vừa tham gia vào những chuyến cưỡi lạc đà, vừa phải chèo lái thương vụ tham vọng nhất trong đời, Lemann đã chủ động tránh phụ thuộc vào việc chỉ giao dịch qua thư điện tử. Đó là bức thư từ Busch IV, lúc bấy giờ đang rất hoảng loạn khi đọc trên mạng Internet rằng ông đang mạo hiểm đánh mất công ty do gia đình gầy dựng và viết thư yêu cầu Lemann giải thích ngọn ngành. Lemann cần tìm cách để trao đổi với Busch IV rằng quả thực InBev có ý định nắm quyền kiểm soát công ty, một cuộc trò chuyện mà ông biết sẽ khó lòng suôn sẻ. Tốt nhất là nên chờ đợi hơn là nói trước điều gì. Động thái thâu tóm Anheuser-Busch của bộ ba người Brazil có thể khiến giới phân tích, đầu tư và báo chí ngạc nhiên, nhưng đó là bước đi mà Lemann, Telles và Sicupira đã ấp ủ từ năm 1989 khi mua quyền kiểm soát hãng bia tại Rio. Vào thời điểm đó, họ không biết gì về ngành bia. Tài sản của họ được hình thành từ một ngân hàng đầu tư tên là Garantia, được Lemann thành lập vào năm 1971. Ngân hàng này đã làm nên lịch sử nhờ thông qua chế độ nhân tài (tưởng thưởng và đề bạt nhân viên hoàn toàn dựa trên thành tích mà không quan tâm đến những yếu tố như thâm niên tại công ty) và quan hệ cộng sự (tạo cơ hội cho những người có thành tích xuất sắc được trở thành cộng sự trong công ty), những khái niệm chưa từng có ở Brazil trước đây. Telles và Sicupira, thường gọi là Beto, đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu ở Rio và là tấm gương điển hình của phương cách này. Lemann đã tuyển dụng cả hai người trong những năm đầu của Garantia, và họ đã leo lên những nấc thang danh vọng cho đến khi trở thành cộng sự đắc lực của ông.

Sicupira rời công việc điều hành thường nhật ở ngân hàng vào đầu thập niên 1980 để quản lý Lojas Americanas, một chuỗi bán lẻ mà Garantia vừa mua lại. Trước đó chưa từng có một ngân hàng đầu tư Brazil nào nắm quyền quản lý sau khi mua lại một công ty. Về sau Telles tiếp tục đi theo con đường tương tự và rời thị trường tài chính để tiếp nhận những thử thách trong việc biến một hãng bia non kém thành một công ty với tiêu chuẩn quốc tế. Brahma, do Telles thâu tóm, chỉ bằng một phần nhỏ so với quy mô của Anheuser-Busch vốn là nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới thời bấy giờ. “Tôi thường đùa với mọi người rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ mua lại Anheuser-Busch… Tôi cười trừ để mọi người không nghĩ rằng tôi bị điên… Mặc dù đó là một ước mơ nhưng bạn vẫn có cơ hội đạt được nếu tiến lên theo tiếng nói con tim,” Telles từng nói.

Việc đấu thầu AB là một chặng đường dài. Những bước đi quan trọng của họ bao gồm việc mua lại hãng bia São Paulo Antarctica để tạo nên Ambev vào năm 1999 và thỏa thuận với InBev Bỉ vào năm 2004. Năm 2008, gần hai thập kỷ sau khi mua Brahma, Lehmann, Telles và Sicupira cuối cùng đã sẵn sàng thâu tóm gã khổng lồ Anheuser-Busch và không một vụ rò rỉ thông tin nào có thể ngăn cản họ tiến về phía trước.

Sự im lặng từ những người gần như sẽ kết liễu mình đã khiến Busch IV, thường được gọi là “Đệ Tứ”, hoảng hốt. Ông cũng như nhóm của ông tự hỏi liệu những người Brazil này có dám cả gan nuốt chửng một biểu tưởng của nước Mỹ hay không. Tuy nhiên, dù sở hữu bề dày lịch sử và quy mô khổng lồ, Anheuser-Busch đã mất đi ánh hào quang ngày nào. Công ty này được thành lập bởi một nhóm những người nhập cư Đức vào năm 1852 ở St. Louis bên bờ sông Mississippi với tên gốc là Bavarian Brewery. Tám năm sau, nó được Eberhard Anheuser, một thương nhân địa phương phất lên nhờ xưởng làm xà phòng, mua lại. Hãng bia bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của người con rể, Adolphus Busch, người đã trình làng thương hiệu bia Budweiser vào năm 1876. Sau đó, ông mua lại 50% cổ phần của cha vợ và đổi tên công ty thành Anheuser-Busch. Từ đó nó tiếp tục là một công ty gia đình với quyền kiểm soát được truyền từ đời này sang đời khác.

Quả thực mỗi thành viên gia đình đươc giới thiệu vào hãng bia từ thuở còn nằm nôi. Theo truyền thống, những người đàn ông thừa kế của gia tộc đều được uống năm giọt bia Budweiser trong vòng vài giờ sau khi chào đời.

Công thức này đã có hiệu quả qua hàng thập kỷ. Đến cuối thế kỷ trước, AB chiếm lĩnh 60% thị phần Mỹ và có doanh thu cao nhất trong ngành. Tuy nhiên, như vẫn thường xảy ra với những tập đoàn lớn, theo sau đỉnh cao là sự suy tàn. Công ty tập trung kinh doanh ở thị trường Mỹ và bỏ phí cơ hội vươn ra quốc tế trong khi những đối thủ của nó, như InBev, đang mở rộng khắp thế giới. Doanh thu của AB ảm đạm. Tệ hơn nữa, những người thừa kế và quản lý vẫn tiếp tục cuộc sống mà họ đã quen thuộc, thỏa chí tiêu hoang, như nhà báo Mỹ Julie MacIntosh đề cập trong cuốn sách của bà Dethroning the King – The Hostile Takeover of Anheuser-Busch (Tạm dịch: Truất ngôi vua – Sự tiếp quản Anheuser-Busch đầy ác ý). Nhà Busch và hội đồng quản trị công ty sở hữu một hạm đội máy bay luôn sẵn sàng phục vụ – “Air Bud” – với sáu chuyên cơ và hai máy bay trực thăng, tuyển dụng 20 phi công. Những người không thể ngồi vào máy bay công ty, được phép bay với ghế hạng nhất. Họ luôn lưu trú tại khách sạn năm sao, như Pierre ở New York, và hóa đơn cho những bữa ăn kinh doanh bình thường lên đến 1.000 đô-la.

Anheuser-Busch tựa như một bà mẹ lẩm cẩm cho phép những đứa con được nuông chiều của mình mua bất cứ thứ gì chúng thích, bao gồm cả những món “đồ chơi” khác thường như Busch Gardens và công viên giải trí Sea World ở Florida. Thật khó để nhận biết điểm tương đồng giữa một hãng bia với tàu lượn cao tốc và những chú cá heo được huấn luyện, nhưng dường như những ông chủ của AB không thấy có bất kỳ vấn đề nào.

Những vụ thâu tóm hư ảo như thế này sẽ chẳng bao giờ có thể xảy ra tại InBev, nơi mà sự hoang phí được xem như tội ác. Các quản lý đều bay ở hạng ghế phổ thông ở khách sạn ba sao, đôi khi còn phải ghép chung phòng. Những bữa ăn tại khách sạn luôn thanh đạm, với một lon bia giải khát, không hơn không kém. Hai thế giới đối lập này cứ như sắp va vào nhau.

Những nhà quản lý của InBev luôn ý thức được những khác biệt này. Cuối năm 2006, họ đã đạt được thỏa thuận cho phép Anheuser-Busch trở thành nhà nhập khẩu chính thức của InBev ở Mỹ. Thỏa thuận mở đường cho người Mỹ tiếp cận với những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Stella Artois và Beck’s vốn đã có thể giúp công ty thoát khỏi cơn ngủ say. Với InBev, thỏa thuận này còn ưu việt hơn, giúp họ có một đối tác thương mại ở Mỹ và quan sát được hoạt động của thị trường này ở cự ly gần. Busch IV, tay chơi một thời, người vừa tiếp quản công ty và hiếm khi xuất hiện tại văn phòng chính, không hề nhận ra mối nguy đang treo lơ lửng và mở cửa cho CEO của InBev, Carlos Brito.

Brito sinh năm 1960 và theo học MBA tại Stanford, nhờ vào học bổng của Lemann. Ông là một trong bốn nhân viên của Garantia chuyển sang công tác tại Brahma sau khi ngân hàng này mua lại hãng bia. Trong 10 năm quen biết Lemann và những cộng sự khác, Brito đã lĩnh hội những ý tưởng của bộ ba và trở thành hiện thân của nền văn hóa mà họ luôn răn giảng, ông là một người mang dấu ấn tuyệt đối với việc cắt giảm chi phí và hết lòng ủng hộ chế độ đãi ngộ nhân tài. Ông tránh xa các cuộc phỏng vấn và ánh đèn sân khấu, sống một cuộc sống êm ả với vợ và bốn người con. Ông khá đối lập với Busch IV và cũng chính lý do này đã khiến ông tận dụng mọi cơ hội mà Busch mang đến sau thỏa thuận phân phối. Brito cho rằng sự phô trương và những khoản đầu tư là vô nghĩa. Ông cũng phân tích những mối quan hệ quyền lực. Chẳng hạn, mặc dù gia đình Busch vẫn đứng tên công ty, nhưng gia tộc này chỉ chiếm 4% cổ phiếu AB, một con số bé nhỏ so với nhà đầu tư thiên tài Warren Buffett. Tất cả những điều này sẽ là thông tin thiết yếu để hình thành một chiến lược nhằm thôn tính nhà sản xuất Budweiser, một thương hiệu mang tính biểu tượng mạnh mẽ đối với người Mỹ đến nỗi Brito từng mô tả nó là “nước Mỹ trong một chiếc chai.”

* * *

Trong khi Lemann vẫn giữ im lặng, Busch IV quyết tâm hành động. Ông triệu tập một cuộc họp giữa hội đồng quản trị và người của ngân hàng Goldman Sachs, những cố vấn lâu năm của ông, vào ngày 29 tháng 5 – sáu ngày sau khi thông tin bị rò rỉ trên trang blog FT. Cuộc họp này cũng bao gồm các luật sư đến từ Skaden, Arps, Slate, Meagher & Flow, AB cũng tạm thời thuê dùng Citibank. Ngài Đệ Tứ muốn biết liệu InBev có thể vay được khoản tiền 46 tỷ đô-la vào thời điểm thị trường tài chính đang bộc lộ nhiều dấu hiệu rắc rối hay không. Chẳng hạn, Bear Sterns vừa được JP Morgan giải cứu trong tình trạng ngặt nghèo. Nhóm cũng cần biết nên ứng phó như thế nào nếu đề nghị thâu tóm được đưa ra.

Lúc này, Lemann đã trả lời thư điện tử của Busch, nhưng chỉ đề cập rằng họ sẽ khó liên lạc với ông trong vòng vài ngày vì ông đang du lịch ở sa mạc Gobi. Ông cũng nói thêm rằng việc gặp gỡ giữa hai bên là một chủ ý tốt.

Cuộc họp được sắp xếp vào ngày 2 tháng 6 ở Tampa, Florida. Lemann yêu cầu Busch tham dự mà không có bất kỳ cố vấn hay tư vấn nào tháp tùng. Lemann cũng sẽ tham dự một mình – ừ thì, cũng gần như một mình. Telles sẽ cùng góp mặt. Mặc dù Busch, một người thừa kế không nắm rõ công ty của mình, sẽ phải đối mặt với hai thương nhân và cựu chủ ngân hàng lão luyện, ông vẫn nóng vội chấp nhận đề xuất này.

Busch lo lắng, và muốn biết liệu họ có đưa ra mức giá nào hay không và sẽ là bao nhiêu. Mặc dù đang đứng trước một thỏa thuận lớn nhất trong đời, Lemann và Telles không hề bị áp lực chi phối, họ vẫn giữ nguyên vẻ điềm tĩnh và gương mặt lạnh như tiền mà họ đã tôi luyện được qua nhiều năm bôn ba chinh chiến trên thị trường tài chính. Họ chỉ nói rằng InBev có ý định mua lại AB, nhưng không bàn sâu vào chi tiết. Xét về khía cạnh nào đó, điều này trái ngược với nội dung cuộc họp trước đó một năm, khi Lemann đề nghị với Busch việc hai công ty sáp nhập trong một cuộc gặp không chính thức. Ông cho rằng vào thời điểm đó, nếu hợp nhất hai công ty sẽ trở nên bất khả chiến bại. Busch không chấp nhận thỏa thuận này – hoặc vờ như không hiểu.

InBev chính thức đưa ra đề nghị vào ngày 11 tháng 6, chỉ chín ngày sau cuộc họp Tampa. Brito gọi điện cho Busch từ Brussels và nói rằng ông sẽ lập tức gửi một đề xuất mua lại AB. InBev đưa ra mức giá 65 đô-la cho một cổ phiếu (cao hơn 18% so với giá cao nhất trên thị trường chứng khoán). Ông cũng đề nghị rằng văn phòng chính của công ty mới vẫn nằm ở St. Louis và nó sẽ được đổi tên thành AB InBev, nghĩa là vẫn giữ tên Mỹ. Những nhà quản lý InBev biết rằng mức giá rất quan trọng trong việc thuyết phục cổ đông AB, nhưng họ cũng phải đề cao những truyền thống của AB phòng trường hợp AB chống lại lời đề nghị. Tiếp đến dĩ nhiên là vấn đề quan điểm của công chúng. Giữ nguyên địa điểm trụ sở và để Anheuser-Busch đứng đầu tên công ty mới là những việc tinh tế cần làm, là những điều kiện tiên quyết trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào về biểu tượng địa vị.

Brito gác máy. Trước khi ký thư, hai người đại diện của Lazard, cố vấn tài chính chủ lực của InBev, đã xin thời gian năm phút. Steven Golub, lúc bấy giờ đang ở tuổi 62 và là một chủ ngân hàng lão luyện, đã cảnh báo Brito về những biến động sắp đến. “Chuyến hành trình bắt đầu bằng bức thư này sẽ diễn ra trong một thời gian dài,” ông nói. “Sẽ có những ngày chúng ta chiếm thế thượng phong, và sẽ có những ngày chúng ta gục ngã. Đối thủ sẽ làm những điều chúng ta không ngờ tới, và một lúc nào đó, chúng ta phải điều chỉnh lại kế hoạch. Hãy chuẩn bị tinh thần.”

Mặc dù tự tin vào vụ thâu tóm, nhưng Brito chưa từng lãnh đạo một doanh nghiệp với quy mô lớn ngần ấy, ông im lặng lắng nghe lời khuyên của người chủ ngân hàng. Một đại diện khác của Lazard, Antonio Weiss, một người dân New York, nói với Brito rằng mình đã tham gia vào nhiều vụ sáp nhập và thâu tóm, và khi có vấn đề xảy ra, CEO là người đầu tiên bị tống ra khỏi cửa. “Nếu tôi và nhóm của tôi đã làm những việc đúng mà phía bên kia vẫn quyết định không bán, tôi nghĩ đó không phải là lỗi của mình,” Brito nói. “Dĩ nhiên, nếu tôi làm sai, đó lại là chuyện khác… Ở đây mọi người đều sẵn sàng đối mặt với rủi ro lớn hơn và theo đuổi những ước mơ vĩ đại, vì họ biết sẽ chẳng ai tử hình họ trên thập tự giá nếu có điều gì xấu xảy ra, miễn là họ bám chặt vào những điều mà tất cả chúng tôi đều đã đồng ý.”

Weiss không nói thêm gì nữa. Golub đã đúng khi cảnh báo Brito về những khó khăn trước mắt. Một cuộc chiến nảy lửa xảy ra nhằm vào quyền kiểm soát hãng bia Mỹ ngay khi Brito và Busch gác điện thoại. Bản đề xuất không chỉ trở thành vấn đề gây chia rẽ giữa cổ đông và quản lý ở cả hai phía đối lập, mà những trang web phản đối thương vụ này cũng nhanh chóng mọc lên như nấm, biến vụ việc thành một vấn đề chính trị mang tính quốc gia. Khi đó, ứng viên cho chức tổng thống, Barack Obama thậm chí còn tuyên bố rằng sẽ là một “nỗi ô nhục” nếu AB bị một công ty nước ngoài mua lại.

Phải có ai đó giải thích kế hoạch của những người Brazil này với người dân Mỹ, và người đó sẽ không phải là Lemann, Telles hay Sicupira, tất cả họ đều có ác cảm với chiến thuật “bẻ cong” sự thật (spin tactics). Gánh nặng đặt lên vai Brito, người vốn xa lạ với ánh đèn sân khấu, và không nổi danh bởi tài ngoại giao. Nhưng tình thế đủ nghiêm trọng để ông phải vượt qua sự e dè và hành động nhanh chóng để chuẩn bị cho trận pháo kích. Ông phải đưa ra tranh luận thuyết phục, và bằng mọi cách, tạo được sự đồng cảm cho kế hoạch. Trận chiến đầu tiên của ông diễn ra vào ngày 16 tháng 6 tại Washington trong cuộc họp với Claire McCaskill, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Missouri, và những thành viên khác của thượng viện.

“Tôi không biết việc McCaskill đã mời phóng viên,” Brito nhớ lại. “Tôi đã chuẩn bị tinh thần để nói chuyện với các thượng nghị sĩ, đột nhiên bà ấy mở cửa đi ra khỏi phòng. Một thành viên trong nhóm của chúng tôi, người đang ở bên ngoài, bước vào và nói cánh nhà báo đang đợi tôi. Chỉ có một lối ra duy nhất và tôi phải bước qua cánh cửa đó. Cứ như một cảnh trong phim: bạn mở cửa và mọi người cầm micrô ùa đến, hỏi bạn về các dự định của bạn; liệu bạn có mua lại công ty hay không, liệu bạn có sa thải công nhân hay không. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải nhấn mạnh rằng mục tiêu của chúng tôi là tạo dựng một công ty duy nhất sở hữu thế mạnh của cả hai bên. Chúng tôi muốn đưa Budweiser ra trường quốc tế và tạo điều kiện tốt hơn cho những con người tài năng nhất. Chúng tôi nói rằng chúng tôi đã đưa ra một số cam kết – không đóng cửa nhà máy, giữ tên công ty, duy trì văn phòng chính ở St. Louis. Ai có thể phản đối những điều này? Người ta có thể nói gì được nữa? Rằng hai công ty nên tách rời và tiếp tục làm ăn thất bại hơn là hợp nhất để phát triển thịnh vượng chăng?”

Trong khi InBev đang nỗ lực lấy lòng người dân Mỹ, Anheuser-Busch lại chuẩn bị chiến lược phòng thủ. Những nhà quản lý của AB không hề muốn giao công ty vào tay người Brazil. Họ biết điều gì đã xảy ra với hãng bia Interbrew của Bỉ, vốn cũng là một công ty gia đình trị lâu đời. Mặc dù chính Interbrew đã mua lại Ambev, nhưng văn hóa và phong cách quản lý Brazil lại thắng thế.

Ngài Đệ Tứ cần thuyết phục những nhà đầu tư rằng, mặc dù gần đây cổ phiếu AB đang tụt dốc thảm hại, việc bán công ty không phải là biện pháp tốt nhất để tăng trưởng trở lại. Với sự trợ giúp của những nhà quản lý, những cố vấn và một số thành viên trong hội đồng quản trị, ông đã đưa ra một kế hoạch cắt giảm chi phí. Đồng thời, ông cũng cố gắng hình thành một liên minh với công ty Mexico là Modelo để chứng minh rằng AB có thể mở rộng mà không cần từ bỏ quyền kiểm soát vào tay đối thủ. Chiến lược của ông khiến cho mối quan hệ vốn đã bất ổn với cha mình, August III, càng thêm tồi tệ. Trong khi ngài Đệ Tứ muốn chống lại việc thâu tóm bằng mọi giá, thì ngài Đệ Tam lại tin rằng việc bán InBev với giá hời sẽ tốt hơn là tạo ra một cục diện rối rắm.

“Nỗi lo lớn nhất của ngài Đệ Tam là giá cổ phiếu sẽ lao xuống đáy nếu họ từ chối lời đề nghị,” một người theo sát cuộc thương lượng cho biết. Dấu hiệu rõ ràng đầu tiên cho thấy thỏa thuận giữa các hãng bia đã làm dấy lên lo ngại của một số cổ đông xuất hiện khi Warren Buffett, cổ đông lớn thứ nhì với gần 5% cổ phiếu, bắt đầu bán chứng khoán ra thị trường với giá 60 đô-la/cổ phiếu – ít hơn 5 đô-la so với đề nghị của InBev.

“Theo tôi, một số người trong hội đồng quản trị đang cố thực hiện những hành vi rất phi thương mại nhằm ngăn cản những người mà họ gọi là ‘kẻ xâm lược’,” Buffett nói về sự kiện đó.

Không Có Giấc Mơ Nào Là Quá Lớn

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here