Bạn có thật sự khao khát gặt hái được những thành tích vượt trội trong cuộc sống? Bạn mong muốn trở thành người giao tiếp giỏi, nhà lãnh đạo uy tín, doanh nhân tỷ phú, học sinh xuất sắc, bậc kỳ tài hay người bán hàng luôn vượt chỉ tiêu?

Đó là những điều mà bạn sẽ làm được nếu đọc và áp dụng theo quyển sách này, bởi vì bạn sở hữu mọi tiềm năng trí tuệ cần thiết để đạt được bất cứ điều gì bạn muốn. Sở dĩ nhiều người không thành công trong cuộc sống vì họ không biết cách đánh thức và điều khiển sức mạnh tiềm ẩn ấy trong bản thân họ.

Trong quyển sách này, bạn sẽ học được cách chịu trách nhiệm về cuộc sống và thiết kế con đường đi đến thành công cho chính mình. Bạn sẽ học được cách mô phỏng những mô thức trong cách nghĩ cách làm đã giúp cho nhiều người trở nên thành công rực rỡ trên mọi phương diện, để đến lượt mình, bạn cũng có những thành công tương tự, hoặc hơn thế nữa.

Từ một học sinh kém vươn lên thành triệu phú trẻ nhất Singapore ở tuổi 26, tác giả Adam Khoo sẽ chia sẻ với bạn những phương pháp hiệu quả và thực tiễn mà anh đã áp dụng và thành công. Đó cũng là những phương pháp đã giúp hàng chục ngàn học sinh sinh viên, chuyên gia, chủ doanh nghiệp và nhân viên đạt được những mục tiêu về tài chính, có được các mối quan hệ tốt đẹp, sức khỏe tuyệt vời và sự phát triển cá nhân tột bậc.
Đọc quyển sách “Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh”, bạn sẽ nắm được nghệ thuật:

– Áp dụng Công thức thành công tuyệt đỉnh đã được chứng minh hiệu quả để đạt được bất cứ điều gì bạn mong muốn trong cuộc sống

– Xác định và loại bỏ những niềm tin hạn chế đang kìm hãm bạn

– Kích hoạt tiềm năng trí tuệ và khơi gợi niềm đam mê trong bạn

– Thiết kế vận mệnh và làm chủ cuộc sống như bạn hằng mong muốn

– Giành lại quyền kiểm soát mọi việc đang diễn ra trong đời bạn

– Loại bỏ những thói quen tiêu cực và hình thành những thói quen tích cực

– Chủ động điều khiển cảm xúc để đạt hiệu quả làm việc tối đa

– Có được trạng thái tự tin tuyệt đối và tràn đầy quyết tâm ngay tức thì

– Chuyển bại thành thắng.

Trích đoạn sách hay

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH BẬC THẦY VỀ GIAO TIẾP

Sức mạnh của việc giao tiếp là một trong những thứ quan trọng nhất mà loài người chúng ta có được. Trên thực tế, khả năng đạt được mục đích và thành công của bạn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng giao tiếp và tác động đến người khác của bạn.

Với tư cách là người bán hàng, khả năng giúp khách hàng hiểu về lợi ích sản phẩm hay dịch vụ của mình sẽ quyết định việc bạn có bán được sản phẩm hay dịch vụ đó hay không. Với tư cách là doanh nhân, khả năng khích lệ nhân viên, thu hút khách hàng mới và những nhà đầu tư cũng phụ thuộc vào khả năng giao tiếp của bạn. Với tư cách là người thầy hay bậc cha mẹ, bạn phải có khả năng thúc đẩy, động viên, thuyết phục, xây dựng mối quan hệ gắn bó và truyền đạt những hiểu biết của mình cho học trò hoặc con cái. Với tư cách là thành viên trong gia đình, khả năng giao tiếp quyết định các mối quan hệ của bạn với người thân… Và nếu tiếp tục liệt kê ra đây, tôi có thể đưa ra hàng chục ngàn tình huống khác nhau mà khả năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng.

Vậy bạn có muốn trở thành bậc thầy trong giao tiếp không? Một lần nữa, điều quan trọng nhất ở đây chính là bạn phải dám đứng ra chịu trách nhiệm về cách bạn tương tác với người khác, và cả những kết quả bạn có được từ cách thức giao tiếp của mình. Có như vậy, bạn mới có được sức mạnh tuyệt đối và có thể làm chủ trong mọi tình huống giao tiếp.

Mỗi khi giao tiếp với một ai đó, có phải bao giờ bạn cũng nhận được phản hồi như ý không? Khi bạn cố gắng động viên khích lệ tinh thần nhân viên hay đồng nghiệp, có phải bao giờ họ cũng đáp lại bạn một cách nhiệt tình không? Khi bạn trình bày ý tưởng cho một người nào đó, có phải bao giờ họ cũng chấp nhận ngay ý tưởng của bạn không? Có phải thông điệp bạn phát đi lúc nào cũng được người khác hiểu theo cách bạn mong muốn không? Rõ ràng, bạn cũng biết câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên là một tiếng “KHÔNG” dứt khoát lạnh lùng.

Vậy điều gì xảy ra khi bạn không có được phản hồi hay lời đáp mà bạn mong muốn? Một lần nữa, bạn có hai lựa chọn!

Bạn có thể chọn việc đổ lỗi cho người tiếp nhận là không có khả năng lĩnh hội, vô lý, không biết điều, bảo thủ, ngu dốt,… Nhưng bạn biết không, với sự lựa chọn như vậy, bạn chọn cách chịu thua vì không thể làm gì được nữa (lỗi là do người kia cơ mà). Và như thế, bạn đã đóng sập cánh cửa trước mũi bạn.

Định nghĩa cũ về giao tiếp thành công cho rằng: khi hai người giao tiếp với nhau, cả hai sẽ chia đều trách nhiệm, tức là mỗi phía chịu 50% trách nhiệm cho sự thành công của việc giao tiếp đó.

Nói cách khác, khi A nói chuyện với B và cố “chào bán” cho B một ý tưởng, A có thể làm hết sức mình trong giao tiếp nhưng 50% thành công trong giao tiếp của A lại phụ thuộc vào B. Nếu B thuộc loại khép kín, bảo thủ và không muốn nghe, A có nói gì chăng nữa thì cuộc nói chuyện ấy cũng thất bại.

Thật không may, những người suy nghĩ theo lối cũ ấy không bao giờ giao tiếp hiệu quả. Vì sao vậy? Đó là vì bằng cách chấp nhận lý thuyết ấy, họ bao giờ cũng bị hạn chế trong giao tiếp, và bị lệ thuộc một phần vào đối tượng giao tiếp. Trong đa số trường hợp, họ sẽ không đạt được 100% kết quả mong muốn.

Điều này có xảy ra với bạn không? Bạn cổ vũ nhân viên hoặc đồng sự của mình làm việc hăng hái hơn, nhưng lời nói của bạn cứ như đàn gảy tai trâu, thế là bạn đành bỏ cuộc. Bạn cố thúc ép con mình chăm chỉ học hành, nhưng hễ bạn “hở ra một chút” là đâu nó lại hoàn đó, thế là bạn chịu thua. Bạn làm tất cả để chào bán sản phẩm của mình cho một nhóm khách hàng tiềm năng, thế nhưng chẳng ai chịu móc hầu bao ra mua, thế là bạn tặc lưỡi “Chắc họ không quan tâm đến loại sản phẩm này”.

CHỊU TRÁCH NHIỆM 100% VỀ THÀNH CÔNG TRONG GIAO TIẾP

Một nghiên cứu về những người giao tiếp bậc thầy, có ảnh hưởng lớn và lôi cuốn cho thấy, sở dĩ họ làm được như thế là vì họ đứng ra chịu trách nhiệm 100% cho thành công hay thất bại trong việc giao tiếp của mình.

Nếu A truyền đạt một ý tưởng nào đó cho B mà B không đáp lại bằng những phản ứng tích cực, A sẽ không đổ lỗi cho B. A chịu trách nhiệm và chấp nhận rằng cách thức truyền đạt của mình không hiệu quả. Bằng cách nghĩ như thế, A có thể thay đổi cách truyền đạt cho đến khi A có được phản hồi mong muốn từ B.

Những người giao tiếp giỏi hết lòng tin tưởng rằng, ý nghĩa thông điệp của họ chính là phản hồi mà họ nhận được, bất kể ý định ban đầu của họ khi gởi thông điệp đi là như thế nào.

Ví dụ, nếu họ muốn nói lên sự thành thật của mình, nhưng phía tiếp nhận lại cảm thấy họ không thành thật, thì họ sẽ lãnh trách nhiệm: có thể thông điệp của họ chưa được chân thành cho lắm, dẫu cho họ rất thành thật; có thể do giọng nói hay ngôn ngữ cơ thể của họ làm cho họ nhìn có vẻ không thật lòng. Chính vì thế, họ sẽ thay đổi cách thức giao tiếp cho đến khi họ có được sự đáp lại mong muốn, trong ví dụ này, tức là cho đến khi phía bên kia cảm nhận được sự chân thành của họ.

Ý nghĩa thật sự trong thông điệp của bạn chính là phản hồi mà bạn nhận được! Hãy luôn điều chỉnh cách thức giao tiếp của mình cho đến khi bạn có được phản hồi mong muốn!

Bạn cần hiểu rằng, mỗi người khác nhau nhận thức về cuộc sống khác nhau, và mỗi người đều có một bộ lọc thông tin riêng bên trong não của mình. Khi bạn kể chuyện cười, sẽ có một số người cười cùng với bạn, trong khi đó cũng sẽ có những người khác không cười vì họ không thấy có gì buồn cười hết. Đó không phải là do nhóm thứ hai không có khiếu hài hước, mà chỉ vì họ quan niệm về tính hài hước khác với nhóm thứ nhất thôi. Là người giao tiếp giỏi, có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm trong giao tiếp và có ý thức thay đổi cách truyền đạt của bạn (ở đây là cách kể chuyện cười) cho đến khi làm cho tất cả mọi người cùng cười được mới thôi. Vì thế, chịu trách nhiệm và linh hoạt chính là chìa khóa để trở thành người giao tiếp hiệu quả.

Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here