Với cuốn sách này, tác giả sẽ mang đến cho bạn một phương thức đột phá để làm mới cuộc sống, giúp bạn lấy lại cảm giác hứng khởi và làm việc đạt năng suất cao hơn, đồng thời cung cấp một loạt chiến lược mang tính thực tiễn cao nhằm giúp các tổ chức và những người ở cương vị lãnh đạo kiểm soát những đòi hỏi nảy sinh không ngừng trong thế giới ngày càng phức tạp này.
Có thể nói, “Luôn là cảm hứng” là một trong những cuốn sách hiếm hoi có sức thay đổi đáng kể cách chúng ta sống và làm việc.
Trích đoạn sách hay
NGỦ HAY LÀ CHẾT
Nếu năng lượng thể chất là nền tảng của mọi nguồn năng lượng thì giấc ngủ là nền tảng của năng lượng thể chất. Về mặt di truyền, cơ thể đã được lập trình là ngày thức và đêm ngủ. Khi tuân theo nhịp sinh học đó thì thể lực, trí lực, cảm xúc và tinh thần sẽ luôn ở trong trạng thái tốt nhất. Ví dụ, hormone gây ngủ melatonin hầu như không tồn tại trong cơ thể vào ban ngày, mà tiết ra nhiều nhất vào khoảng từ 11 giờ tối đến 3 giờ sáng. Tương tự, thân nhiệt xuống mức thấp nhất vào nửa đêm và lên mức cao nhất vào buổi sáng.
Việc thay đổi nhịp tuần hoàn, bất kể do làm việc thâu đêm, đi qua những múi giờ khác nhau, hay ngủ không đủ giấc, đều nguy hiểm đối với cơ thể. Hậu quả là chúng ta kiệt sức, khả năng nhận thức tê liệt, cảm xúc thất thường, làm việc kém hiệu quả và dễ nhiễm bệnh.
Chúng tôi cho rằng không một hành vi nào ảnh hưởng đến năng suất lao động bằng giấc ngủ. Trong một loạt thí nghiệm nổi tiếng, nhà nghiên cứu Alan Rechtschaffen và các đồng nghiệp của ông tại trường Đại học Chicago đã đẩy đàn chuột vào tình trạng khốn khổ vì không cho chúng ngủ trong nhiều ngày. Sau đó, chúng bắt đầu ăn lấy ăn để, có lẽ để bù đắp cho năng lượng mất đi do thiếu ngủ. Không tới một tuần, đàn chuột mất kiểm soát thân nhiệt, bắt đầu rụng lông và những vết thương không thể lành. Rồi chúng lần lượt chết trong vòng 17 đến 20 ngày. Nhà nghiên cứu về giấc ngủ William Dement lập luận rằng đối với sức khỏe của chúng ta, giấc ngủ còn quan trọng hơn chế độ ăn kiêng, thể dục và cả sự di truyền.
Kỷ lục không ngủ liên tục được ghi nhận cho đến nay là 19 ngày. Đối với người thắng cuộc, việc anh vượt qua các đối thủ hóa ra là điều vừa may vừa rủi: Anh ta bị nói nhịu, mắt kém, hay quên, giảm tập trung, hay bị chứng ảo giác và hoang tưởng. Tổ chức Ân xá Quốc tế coi việc tước đoạt giấc ngủ trong thời gian dài như thế là một loại nhục hình khi nó được sử dụng rộng rãi như một phương thức tra khảo tù nhân.
Tuy nhiên, điều đầu tiên mà nhiều người sẵn sàng hy sinh lại chính là giấc ngủ, bắt nguồn từ quan niệm sai lầm rằng thời gian đó sẽ đem lại năng suất cao hơn. Matthew Walker, Giám đốc phòng thí nghiệm nghiên cứu hệ thần kinh và giấc ngủ tại Đại học UC Berkeley, nói: “Mọi người cho rằng thức khuya sẽ làm được nhiều thứ hơn. Tôi nghĩ điều đó không đúng. Kỳ thực, nếu có một đêm ngon giấc, bạn sẽ thấy mình có thể làm được nhiều thứ hơn khi bạn thức thâu đêm”.
Vậy ta cần ngủ bao lâu? Hiệp hội Sức khỏe Quốc gia (NSF) đề nghị bảy đến chín tiếng mỗi ngày. Chuyên gia tâm lý và khoa học thần kinh Matthew Walker của Berkeley đúc kết: “Chỉ đơn thuần luyện tập thì không đủ, mà chính sự luyện tập kết hợp với một đêm ngon giấc mới là hoàn hảo”.
CHẬM CHẠP HƠN VÀ NGUY HIỂM HƠN
Nhiều bằng chứng cho thấy việc thiếu ngủ ảnh hưởng xấu đối với mọi phương diện của cuộc sống, khiến chúng ta làm việc kém hiệu quả và đặc biệt nguy hiểm khi lái xe. Thiếu ngủ làm giảm chất lượng sống và tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Nó cũng là tác nhân khiến chúng ta thiếu sáng tạo khi giải quyết vấn đề và kém nhạy bén trong việc phát huy ý tưởng mới.
Mất ngủ không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp, bởi nó gây ức chế khả năng nhận thức và ảnh hưởng tiêu cực đến tác phong làm việc, hai yếu tố kết hợp làm giảm khả năng phán đoán, nhất là khi gặp áp lực.
Hầu hết những thảm họa lớn nhất do con người gây ra trong vòng 50 năm qua đều xảy ra vào nửa đêm do thiếu ngủ, hoặc thậm chí do cả hai yếu tố trên. Thuyền phó lái con tàu Exxon Valdez va vào đá ngầm lúc nửa đêm ngày 24/3/1989, làm hơn 41 triệu lít dầu thô tràn ra biển. Ông ngủ không đến sáu tiếng trong vòng 48 tiếng trước đó. Các quan chức NASA điều hành tàu con thoi Challenger làm việc liên tục 24 giờ trước khi cho phóng tàu đi và hậu quả là con tàu đã nổ vào ngày 28/1/1986. Ngày 26/4 cùng năm, lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraina phát nổ vào 1 giờ 23 phút sáng, phát ra lượng phóng xạ khổng lồ.
Tất cả những điều trên không có gì đáng kinh ngạc cả. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh người làm việc ca đêm thường mắc sai sót, dễ bị thương, hay gặp những vấn đề về sức khỏe, và năng suất kém hơn người làm việc ca ngày. Nhịp sinh học của cơ thể rất mạnh, đến nỗi chúng ta không thể nào thích nghi hoàn toàn với giờ làm việc ban đêm và ngủ bù ban ngày. Việc đi qua nhiều múi giờ khác nhau, làm việc và ngủ trái với nhịp sinh học của cơ thể sẽ gây hại cho chính chúng ta, bởi chúng ta đã lờ đi chiếc đồng hồ sinh học cảnh báo hiểm nguy của mình.
GIẢI PHÁP ĐƠN GIẢN
Hầu như không ai lường hết những tác hại của việc ngủ quá ít, cũng như giá trị to lớn của việc ngủ đủ giấc, vậy nên trước tiên là phải nhận thức được vấn đề. Chỉ khi đó, chúng ta mới xem giấc ngủ là điều quan trọng hàng đầu.
Nếu đã không ngủ đủ giấc, chắc chắn bạn cần phải đi ngủ sớm, chứ đừng nấn ná thức thêm một đêm nữa. Để dễ ngủ, giải pháp đầu tiên là thư giãn, dù điều này ngày càng khó thực hiện vì áp lực của cuộc sống hàng ngày. Phương pháp thay thế thường thấy là uống thuốc ngủ. Bất cứ loại thuốc ngủ nào cũng không tốt cho cơ thể, thời gian tác dụng hạn chế, khiến chúng ta lờ đờ vào buổi sáng, và còn có khả năng bị lệ thuộc vào thuốc.
Cách tốt nhất để giấc ngủ đến tự nhiên là giữ im lặng ít nhất trong 30 đến 60 phút trước khi tắt đèn. Có nghĩa là khi gần đến giờ ngủ, bạn nên tránh những tác nhân kích thích như e-mail, Internet, truyện ly kỳ, tranh luận căng thẳng; thay vào đó, hãy thư giãn bằng cách uống một cốc sữa hay trà thảo dược, tắm, nghe nhạc, thậm chí đọc một quyển sách nhạt nhẽo, vô vị. Bởi vì cảm giác thoải mái rất quan trọng đối với giấc ngủ, nên việc loại bỏ những điều phiền muộn trước khi tắt đèn là vô cùng hữu ích. Bạn cũng có thể viết mọi thứ bạn lo lắng vào một quyển sổ hay tờ giấy. Đối với nhiều khách hàng của chúng tôi, phương pháp này đem đến hiệu quả không ngờ. Viết ra những gì khiến bạn trằn trọc giúp cho trí óc được thư giãn, không còn phải nghĩ ngợi nhiều. Bạn cũng có thể dùng cách này nếu tỉnh dậy lúc nửa đêm, khi chúng ta thường thao thức suy tính đủ chuyện và rất khó trở lại giấc ngủ.
Việc định ra thời gian ngủ cố định đặc biệt quan trọng, nếu không chúng ta sẽ có khuynh hướng ngủ theo thói quen hoặc thức cho tới khi thấy mệt. Sau khi tắt hết đèn, hãy hít thở sâu và co duỗi cơ bắp, bắt đầu từ ngón chân trở lên. Chúng ta ngủ ngon hơn trong môi trường tối và yên tĩnh. Một căn phòng mát mẻ khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống cũng giúp dễ ngủ. Nếu bạn nghi ngờ về điều này, hãy nhớ lại lần bạn phải cố ngủ vào một đêm hè oi bức xem.
Nguồn: Internet