Một Nửa Của 13 Là 8 – Cuốn sách kỹ năng tư duy sẽ trả lời những câu hỏi cơ bản về việc ý tưởng sinh ra từ đâu, tại sao có người lại nghĩ được rất nhiều ý tưởng trong khi nhiều người khác không thể nghĩ được gì; và liệu có phải có những bí kíp bí truyền, độc nhất để có được tư duy sáng tạo không. Cuốn sách chứng minh rằng bất kỳ ai, bất kể tuổi tác hay màu da, bất kể làm công việc gì, đều có thể sáng tạo nhiều ý tưởng hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Chưa bao giờ trong lịch sử, ý tưởng lại có giá trị và cần thiết như bây giờ.

Trong cuộc sống, mọi công việc đều luôn cần những ý tưởng và sự sáng tạo. Một sự nghiệp thành công không thể nào thiếu bóng dáng của những ý tưởng đột phá sáng tạo. Ý tưởng mới cũng như những bánh xe của sự vận động. Không có ý tưởng, sự trì trệ sẽ thống trị. Hơn nữa, hệ thống máy tính thông minh đã làm thay bạn đa phần những công việc thường nhật, nhờ vậy, bạn được rảnh tay, và thực tế là bạn được yêu cầu làm công việc sáng tạo mà các hệ thống đó không thể làm. Mặt khác, thời đại của chúng ta tràn ngập thông tin đến mức nhiều khi ta cảm thấy bội thực. Thế giới luôn đòi hỏi những luồng ý tưởng mới để có thể vươn lên xứng với tầm cỡ và vận mệnh của mình. Bởi thế, thật hoài phí nếu bạn không biết cách sử dụng nguồn tài sản thông tin này để sáng tạo ra những ý tưởng như vậy.

Nhưng làm thế nào để sáng tạo? Bạn sẽ tìm được lời giải đáp trong cuốn sách Một nửa của 13 là 8. Cuốn sách tư duy của Jack Foster là một cuốn sách giúp bạn biết cách tư duy, tạo ra những ý tưởng để có được bước khởi đầu nhanh chóng và đạt được kết quả năng suất hơn trong công việc.

Một nửa của 13 là 8 được viết một cách gần gũi, sáng tạo và đầy sức thuyết phục, chính điều này đã thổi hồn cho một chủ đề tưởng như quen thuộc và khô cứng, khiến cuốn sách trở nên thú vị qua từng trang viết. Những bài học trong sách rất bổ ích bởi được viết nên bởi chính kinh nghiệm và suy ngẫm của tác giả, nên người đọc dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm và hào hứng khi đọc. Đây thực sự là một cuốn sách rèn luyện trí tuệ không nên bỏ qua cho những bạn trẻ luôn muốn gặt hái thành công trong cuộc sống.

Trích đoạn sách hay

Người lớn không chơi trong công viên, lũ trẻ thì có.

Người lớn thường làm theo những gì đã được làm trước đó.

Với trẻ con không bao giờ có sự lặp lại. Mỗi lần đối với chúng đều là lần đầu tiên. Vì thế khi tìm kiếm ý tưởng, chúng thấy một thế giới tươi mới nguyên sơ, một thế giới không có quy tắc, không có biên giới, rào cản, tường cao hay giới hạn, một thế giới đầy hứa hẹn và cơ hội bất tận.

Bạn có nhớ câu chuyện trong cuốn Zen and the Art of Motorcycle Maintenance (Tạm dịch: Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe gắn máy) của Robert Pirsig nói về cô gái không nghĩ được gì để viết về nước Mỹ trong bài luận dài 500 từ? Người thầy giáo yêu cầu viết về Bozeman, Montana, thị trấn nơi cô học thay vì viết về cả nước Mỹ. Cô cũng không viết được. Rồi ông cho viết về con phố chính ở Bozeman nhưng cô cũng chẳng viết được một từ.

Sau đó ông nói, “Thu hẹp phạm vi lại đến mặt tiền của một tòa nhà trên con phố này, Nhà hát Opera. Hãy bắt đầu từ viên gạch ở góc trên cao bên trái.”

Buổi học sau, cô gái nộp bài viết dài 5000 từ về mặt tiền Nhà hát Opera trên con phố chính của Bozeman.

“‘Tôi ngồi trong quán hamburger bên kia phố,’ cô nói, ‘và bắt đầu viết về viên gạch đầu tiên, rồi viên thứ hai và cứ thế tôi viết mãi.’”

Ban đầu cô ta bế tắc, Pirsig viết, “bởi cô tìm cách lặp lại những gì cô đã nghe kể… Cô không thể nghĩ ra cái gì để viết về Bozeman vì cô không nhớ nổi điều gì đáng để kể lại. Cô không hề biết rằng mình có thể nhận ra những điều mới mẻ đối với bản thân khi không bận tâm đến những gì đã từng được nói trước đây.”

Trẻ con không gặp phải sự bế tắc đó vì chúng không biết gì trước đó. Chúng chỉ biết hiện tại. Do vậy khi tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề, chúng tìm kiếm và thấy tận mắt lần đầu tiên. Lần nào cũng vậy.

Lũ trẻ phá vỡ quy tắc bởi chúng không biết đến sự tồn tại của quy tắc. Chúng làm những điều kỳ cục khiến cha mẹ lo âu. Chúng đứng và nhảy nhót trên thuyền. Chúng la hét trong nhà thờ, rồi thì nghịch diêm, và dùng nắm đấm để chơi dương cầm.

Chúng luôn nhìn thấy mối liên quan giữa những điều tưởng chừng chẳng dính dáng gì đến nhau. Chúng sơn cành cây màu cam, lá cỏ màu tím, và chúng treo xe cứu hỏa trên những đám mây.

Chúng chăm chú tìm tòi những điều giản dị như cọng cỏ, chiếc thìa, khuôn mặt và có giác quan kỳ lạ về những điều mà người lớn chúng ta thường coi nhẹ.

Chúng luôn hỏi, hỏi nữa, hỏi mãi.

“Trẻ con là những nhà khoa học bẩm sinh,” nhà thiên văn học Carl Sagan nói, “Trước hết, chúng đưa ra những câu hỏi khoa học sâu sắc: Tại sao mặt trăng lại tròn? Tại sao bầu trời màu xanh? Giấc mơ là gì? Tại sao con người có ngón chân? Sinh nhật của trái đất là ngày nào? Khi vào trung học phổ thông thì chúng hầu như chẳng còn có những câu hỏi như vậy nữa.”

“Trẻ em đến trường với những dấu hỏi và ra trường với những dấu chấm hết.” Nhà phê bình văn hóa Neil Postman tán thành.

Hãy biến mình thành dấu hỏi trở lại.

Bất kể bạn thấy gì, hãy tự hỏi mình tại sao lại như vậy. Nếu bạn chưa tìm được câu trả lời hợp lý thì có lẽ sự tiến bộ đang chờ ở phía trước.

Tại sao dây chuyền sản xuất của bạn lại được thiết kế như vậy?

Tại sao cô lễ tân kia lại ngồi sau bàn làm việc? Tại sao bạn cũng vậy?

Tại sao bạn lại đi làm và tan sở vào giờ đó? Tại sao văn phòng hay công xưởng của bạn lại mở cửa và đóng cửa vào giờ đó?

Tại sao danh thiếp của bạn, những đồ văn phòng phẩm, tập thuyết trình lại có thiết kế như vậy?

Tại sao sản phẩm của bạn có mẫu mã như vậy?

Tại sao sản phẩm của bạn lại được đóng gói như thế?

Tại sao hóa đơn lại được ghi như vậy?

Tại sao quầy bếp và bồn rửa mặt lại có chiều cao như vậy?

Tại sao vòi nước nhà bếp không có cần đạp chân?

Tại sao tủ lạnh không có ngăn kéo?

Rất nhiều ngân hàng chỉ cho xếp một hàng dài để không khách hàng nào bị kẹt trong đám đông. Tại sao siêu thị và các cửa hàng lại không làm vậy?

Tại sao từ “Sữa” lại là chữ to nhất nhì trên vỏ hộp sữa? Ai cũng biết đó là sữa. Tại sao không dùng chỗ trống đó để viết thông tin hữu ích hơn?

Tại sao họ không thiết kế nắp bình xăng ở cả hai phía của ô tô để bạn có thể đỗ xe bất kỳ bên nào của cây xăng mà không cần phải kéo vòi xăng vòng qua phía bên kia?

Tất cả chúng ta đều có hình ảnh trong đầu về bản thân. Bạn thấy mình bao nhiêu tuổi trong bức hình đó? Khi tôi đặt ra câu hỏi này cho một trong những người sáng tạo nhất mà tôi quen (người minh họa cho cuốn sách này), anh ta trả lời, “Sáu tuổi.”

Chẳng trách được anh ta luôn có ý tưởng mới, giải pháp mới trong đầu. Anh ta luôn nghĩ mình là đứa trẻ sáu tuổi một cách vô thức, để có thể nhìn sự việc qua ánh mắt của đứa trẻ sáu tuổi.

Một lần khi chúng tôi đang làm việc về một video quảng cáo đồ ăn cho mèo, anh ta tự hỏi thế giới trông như thế nào dưới cái nhìn của một con mèo. Khi nó chạy thì cầu thang, bức tường, và đồ đạc trông thế nào đối với nó? Nó mơ thấy gì? Thức ăn của nó trông ra sao? Cái bao bì hộp “Salmon Dinner” (Cá hồi cho bữa tối ‒ ND) trong mắt nó có giống như trong mắt con người không? Các câu hỏi cứ nối tiếp như vậy.

Tôi quen một anh bạn cũng trẻ như vậy thực hiện một đoạn phim quảng cáo Smokey Bear. Trong khi làm, anh tự hỏi sẽ ra sao nếu lũ động vật trong rừng mò tới sân sau nhà anh mỗi mùa hè và để lại một đống lửa trại còn âm ỉ cháy khi bỏ đi hệt như cách ta đốt lửa trại trong rừng của chúng rồi ra về với đống củi còn cháy âm ỉ.

Sau nhiều giờ làm việc ở bộ phận sản xuất của một cửa hàng thực phẩm, một người bạn khác của tôi băn khoăn: Liệu những “chàng” chanh Sunkist có tán tỉnh các “nàng” súp lơ xanh rằng chúng là một cặp đẹp đôi?

Đừng e ngại, hãy để đứa trẻ trong bạn đưa ra câu trả lời.

Nhiều lĩnh vực kinh doanh luôn thưởng cho những người có ý tưởng mới, và một trong những cách để tìm ra ý tưởng là có cái nhìn của trẻ thơ.

Vì thế nếu lần sau bạn có vấn đề cần xử lý hoặc cần tìm kiếm ý tưởng thì hãy tự hỏi: “Nếu sáu tuổi thì mình sẽ làm gì?” “Nếu mình bốn tuổi thì mình nhìn vấn đề này thế nào?”

Hãy thả lỏng. Chạy dọc hành lang công sở một hôm thử xem. Ăn một cây kem ốc quế ngay tại bàn làm việc. Bỏ hết mọi thứ trong ngăn kéo ra và bày trên nền nhà trong vài hôm. Sắp xếp lại đồ đạc phòng làm việc. Ngủ một chút sau bữa trưa. Vẽ hình lên cửa sổ bằng bút đánh dấu. Ghi chép bằng bút chì. Hát nghêu ngao trong thang máy. Đấm tay xuống khi chơi dương cầm. Đứng lên và nhảy nhót trên thuyền.

Hãy vui đùa.

Hãy quên đi những gì đã làm. Hãy dẹp mọi quy tắc. Hãy biến mình thành người ngốc nghếch, phi lý. Hãy giải phóng bản thân.

Hãy biến mình thành trẻ con.

Một Nửa Của 13 Là 8

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here