Cuốn sách do dịch giả Trần Trọng Sâm sưu tầm và biên soạn, là tập hợp những câu chuyện nhỏ tưởng chừng như rất giản dị của các nhân vật nổi tiếng, cũng như của cả những người bình thường… nhưng hàm chứa nhiều bài học cho cuộc sống.Ngay tựa đề của cuốn sách đã bộc lộ ý nghĩa, nội dung của những gì mà tác giả muốn truyền tải. Nếu ngày mai không bao giờ đến thì hôm nay chúng ta phải làm gì? Phải chăng là nên sống hết mình với đam mê và yêu thương nhiều hơn để không phải tiếc nuối cho một ngày mai không đến nữa.
Qua cuốn sách, chúng ta sẽ nhận ra được nhiều điều trong cuộc sống, sẽ tự trả lời những câu hỏi còn băn khoăn. Chúng ta dựa vào ai để sống vui vẻ? Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình. Hay điều gì còn lại khi chúng ta không còn nữa. Đó chính là lòng tốt, sự chân thành chứ không phải giàu sang, tiền bạc…Cuốn sách dành cho những ai muốn đi tìm giá trị đích thực của cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc.
Trích đoạn sách hay
Nhà sư mù.
Vì gia cảnh nghèo túng, cha mẹ không nuôi nổi anh, người bẩm sinh bị mù hai mắt, nên đành xin cho anh đi tu ở một ngôi chùa.
Trải qua nhiều năm tu tập, anh đã tinh thông kinh Phật. Đến năm 20 tuổi, anh được sư phụ là lão phương trượng phong cho là “Hành Khước Tăng”(1), giao cho nhiệm vụ “vân du tứ hải” giải thoát khổ nạn cho nhân gian. Sau đó, lão phương trượng đưa cho anh một bọc giấy, một cây gậy dò đường, rồi dặn dò:
– Trong bọc giấy có phương thuốc gia truyền, ta đã tìm được trong dân gian, nó có thể giúp con sáng mắt. Nhưng trước khi mở bọc giấy này, con phải làm được một công việc: Đi truyền kinh Phật cho tới khi hỏng hết 10 cây gậy dò đường.
Vâng lời dạy của lão phương trượng, anh lên đường.
Năm này qua năm khác, anh luôn luôn làm đúng theo lời dạy của sư phụ. Truyền bá kinh Phật, cầu siêu cho nhiều vong linh khổ nạn, không biết đã nếm trải bao mưa gió, vượt qua bao dặm đường, trong lòng anh chỉ một hy vọng: Bao giờ dùng hết 10 cây gậy dò đường để mở bọc giấy lấy phương thuốc chữa cho sáng mắt. Nhưng gậy dò đường của sư phụ giao cho anh rất chắc, đi hết sáu năm mới phải bỏ đi.
Cứ như vậy, nhà sư này đi truyền kinh Phật cho đến khi dùng hết 10 cây gậy và trở thành một ông lão 80 tuổi, tóc đã bạc trắng. Khi nhà sư mù hết sức vui mừng đưa bọc giấy cho chủ một tiệm thuốc, chủ tiệm liền bảo rằng:
– Trong bọc giấy không hề có một vị thuốc nào.
Nhà sư mù hoảng hốt, suy nghĩ một lát ngộ ra điều mà sư phụ nhắn nhủ nên hết sức mừng rỡ thốt lên:
– Sư phụ! Xin cảm tạ sư phụ. Sư phụ đã dùng phương thức này để cho con luôn sống trong hy vọng. Con không còn cảm thấy oán trách cuộc đời này.
Nơi cao nhất của núi.
Rất nhiều năm về trước, ở một nơi rất xa xôi, một vị tù trưởng mắc bệnh nguy kịch. Để chọn tù trưởng thay thế mình, ông cho người gọi ba thanh niên ưu tú nhất trong bộ tộc, nói với họ:
– Ta sắp sửa rời trần thế, các con hãy vì ta làm một việc cuối cùng. Các con biết cả đời ta đều một lòng thờ cúng ngọn núi cao thần thánh trước mặt các con đó. Bây giờ ta yêu cầu các con cố hết sức leo lên đỉnh núi, leo đến nơi cao nhất. Sau khi trở về, nói cho ta rõ các con đã thấy những gì?
Ba thanh nhiên nghe rõ ý nguyện của tù trưởng rồi lập tức lên đường.
Đi được nửa đường, một thanh niên nghĩ bụng: “Nói về sức lực, sức ta không bằng họ. Đợi leo lên đỉnh núi rồi mới trở về, sợ tù trưởng đã trở thành người thiên cổ. Mình thông minh lanh lợi như thế này, sao lại có thể để cho người khác chiếm mất ngôi vị?”. Nghĩ đến đây, thanh niên này quyết định quay trở về.
Để có thể nói với tù trưởng những gì mình thấy, anh cố gắng đi tiếp đến chân núi, ngắm nhìn quang cảnh một lúc, cố ghi nhớ những hình ảnh ấn tượng. Trở về bên cạnh tù trưởng, anh kể lại như sau:
– Con đã trèo lên tận đỉnh núi. Con nhìn thấy nhiều khe suối trong veo chảy róc rách. Cây xanh rậm rạp, hoa cỏ tốt tươi, chim hót líu lo, phong cảnh thật tuyệt vời.
Tù trưởng nghe xong, lắc đầu nói:
– Con ạ! Nơi có nhiều chim hót, hoa cỏ tốt tươi không thể là đỉnh núi được, chỉ có thể là chân núi mà thôi.
Người thanh niên thứ hai lên đến lưng chừng núi, tim đã đập thình thịch, liền bắt đầu than thở: “Núi này cao hơn 2000 mét, lên đến đỉnh núi phải mất nửa ngày. Nếu mình về muộn, hẳn là không đến phần mình. Không gì bằng trở về ngay. Tù trưởng có hỏi, mình nói phong cảnh ở đây cũng đủ rồi, chắc cũng chẳng khác gì đỉnh núi”.
Nghĩ vậy, anh liền quay về nói với tù trưởng:
– Con đã leo lên đến đỉnh núi, con nhìn thấy không biết bao nhiêu cây tùng, cây bách thân cây lớn đến mức mấy người ôm không xuể. Chung quanh núi có rất nhiều chim chóc bay lượn…
Tù trưởng vừa nghe đến đây đã xua tay, lắc đầu nói:
– Đó không phải là đỉnh núi, là sườn núi mà thôi.
Bây giờ chỉ còn người thanh niên thứ ba. Trời tối vẫn chưa thấy anh ta trở về. Một giờ, hai giờ, ba giờ sau đó cũng không thấy anh trở về. Trong lúc mọi người đang rất lo lắng cho an nguy của anh thì anh đột ngột xuất hiện, quần áo nhem nhuốc, dáng vẻ mệt mỏi bước vào nhà.
Nói đến phong cảnh đỉnh núi, vẻ mệt nhọc của anh hầu như biến mất, mắt như long lanh hơn. Anh nói:
– Trên đỉnh núi thực tế là không có gì cả, chỉ có gió thổi vù vù, nhìn lên chỉ có bầu trời xanh thăm thẳm. Con nhìn thấy duy nhất chính mình. Con có cảm giác như một mình trơ trọi giữa trời đất. Trong thời khắc này, con như quên hết kiêu ngạo và thỏa mãn, hơn nữa tự nhận thấy xấu hổ và hối hận về những gì con đã làm trước đây.
Tù trưởng nghe đến đây, mỉm cười nói:
– Con ngoan của ta! Đúng là con đã leo lên đến đỉnh núi. Theo truyền thống của bộ tộc, ta lập con làm tù trưởng mới. Chúc phúc cho con.
A! Hóa ra nơi cao nhất của ngọn núi không hề có gì.
Nguồn: Internet