Cuốn sách là một loạt bốn cuộc đối thoại của Socrates khi ông bị Bồi thẩm đoàn của Hội đồng Thành quốc kết tội hủ hóa thanh niên và coi thường thần linh của Thành quốc. Ông đã tự biện giải cho chính mình để chống lại những kẻ âm mưu đẩy ông vào khốn cùng, đưa ra những chân lý cũng như những lời phản biện sâu sắc. Tuy bị kết án tử hình, được bạn bè và quý nhân giúp vượt ngục nhưng với tinh thần cao quý và giữ gìn danh dự trong sạch hơn người, Socrates đã từ chốt vì theo ông “Tránh cái chết không khó, tránh đê tiện khó hơn nhiều. Vì đê tiện chạy nhanh hơn cái chết.”
Ông chủ trương khi sống thì sống sao cho phải đạo làm người, khi chết cũng chết như thế, không có gì bận lòng, thể xác cát bụi trở về với cát bụi, linh hồn bất diệt phiêu du trong cõi bao la. – Đỗ Khánh Hoan
Trích đoạn sách hay
Crito
Theo luật Athens khi tòa tuyên án tử hình án lệnh sẽ thi hành cùng ngày tức thì. Lần này do sự việc hi hữu án lệnh chưa thể thi hành. Trước ngày diễn ra phiên xử bị cáo Socrates cũng là ngày thuyền thi hành sứ mạng tôn giáo lên đường tới Delos, hải đảo thiêng liêng đối với Apollo, làm lễ tưởng niệm thắng lợi vẻ vang Theseus đã đạt do đánh bại Minotauros giải phóng thành quốc khỏi gánh nợ hàng năm phải nộp hai lần bảy sinh vật tế thần, bảy thanh niên, bảy thiếu nữ, dâng cúng ác quỷ đầu bò thân người nhốt trong mê cung ở Crete. Dân thành Athens hứa với Apollo hàng năm sẽ đến Delos dâng lễ nếu Theseus trở về an toàn. Đây là lễ hội cổ truyền và vẫn thực hiện suốt thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Peloponnesos như để tạ ơn Apollo đã chấm dứt trận dịch kinh khủng sát hại hầu như nửa dân số. Trong thời gian thuyền ra đi thành quốc phải giữ gìn trong sạch, không được ô uế. Năm nay do bão biển dữ dội, sứ mạng kéo dài, thuyền chưa về, vì thế không được phép hành hình tội phạm, và cũng vì thế Socrates phải giam thêm một tháng. Bữa nay nghe tin thuyền đã đến mũi Sunium ở Attica, ngày mai thuyền sẽ tới bến Pira eus, án lệnh sẽ thi hành, chỉ còn ngày nữa Socrates sẽ chết. Lợi dụng cơ may vô cùng hãn hữu, Crito, đồng tuế, đồng hương, bạn cao niên thân thiết hối lộ cai ngục lẻn vào nhà tù thuyết phục Socrates trốn đi lưu vong, đồng thời báo tin giây phút tang tóc sắp tới (miêu tả trong Phaedo). Hy vọng kế hoạch đạt kết quả tốt đẹp, mọi sắp xếp vật chất, tinh thần Crito và thân hữu giàu có đã chuẩn bị chu đáo, nhiều người còn sẵn sàng đóng góp thêm nữa. Họ lý luận Athens không phải thành quốc duy nhất Socrates có thể sống sung sướng. Ông sẽ có bạn bè bất kể nơi nào ông định tới. Nghe thấy thế Socrates bèn hỏi lấy xấu đáp lại xấu để bảo vệ bản thân có phải phải hay không? Kết tội ông tử hình là phi lý, song trốn tù phá luật có hữu lý hay không? Nhà nước sẽ ra sao nếu công dân gạt luật sang bên? Công dân phải tuân theo những gì quốc gia quy định trừ phi công dân có thể thay đổi quan niệm của quốc gia luật phải thế nào. Plato ghi lại trong đối thoại ngắn gọn cuộc chuyện trò giữa hai người bạn già biết nhau từ thời niên thiếu. Phòng tù nhỏ hẹp, trời còn tối, chỉ có hai lão nhân, chẳng mấy chốc sẽ chia tay vĩnh viễn, một ở lại cõi trần, một đi xuống cõi âm, Crito nói đây là cơ may cuối cùng nếu theo thì sống, không theo thì chết. Song Socrates không nghe, ông đưa ra lý do khiến ông từ chối: vấn đề quan trọng liên hệ tới thể xác và linh hồn phải tham khảo thiểu số hiểu biết không phải đa số ngu đần, chạy trốn là tạo bất công, rơi vào vòng tội lỗi và hố giả dối, chạy trốn chưa chắc cuộc đời sẽ sướng hơn đối với con cái và bản thân, luật âm phủ tương tự luật thành quốc sẽ không chấp nhận, dù sao cũng giữ tư cách công dân gương mẫu. Cuộc đàm đạo gấp rút có thể hiện vào thời điểm đặc biệt hay không, điều đó không quan trọng, vì có nhiều lý do khiến độc giả tin bạn bè của Socrates tìm đủ cách để ông vượt ngục thoát hiểm. Trì hoãn hành hình dường như ai cũng linh cảm sẽ diễn ra. Rất có thể kẻ thù hy vọng và mong muốn ông trốn tù. Bạn bè đương nhiên cũng muốn thế. Crito hầu như tuyệt vọng tìm cách thuyết phục. Plato khi kể cũng nhiều lần bóng gió cho thấy chính quyền không quan tâm nếu ông rời bỏ xứ sở. Nhưng Socrates lạnh lùng từ chối.
Cảnh đơn giản, phòng hiu quạnh, nhà tù trung ương, địa điểm không rõ nơi nào, nhưng theo The American School of Classical Studies at Athens, Princeton, 1972, họa đồ quảng trường Athens, dường như mạn tây nam thành phố. Một sáng mùa hè năm 399 TCN. Gần một tháng sau vụ xử. Thời gian áng chừng một giờ trước rạng đông, bên ngoài im phăng phắc, không khí hầu như âm u vì chỉ có ánh lửa nhỏ nhoi thoi thóp. Chiếc giường cọc cạch kê sát chân tường cuối phòng. Đầu giường là chiếc bàn ọp ẹp trên để ngọn đèn dầu lem luốc lẻ loi. Crito ngồi trên chiếc ghế thấp gần chân giường, im lặng, kiên nhẫn chờ đợi. Lão đến một mình, không có ai đi theo, lão là chủ điền chất phác, đôn hậu; hiện tại lão đang bị xúc động khôn xiết, lòng buồn da diết chẳng thể nói ra. Qua màn tối mờ mờ lão đăm đăm nhìn hình thù bất động trước mặt. Socrates nằm ngủ bình thản, vô tư như đứa trẻ trên chiếc giường mộc mạc, đơn độc. Cựa quậy, ngáp dài, mở mắt nhìn, tử tội thấy Crito, cùng tuổi, cùng quê, bạn thân từ thuở thiếu thời.
Nhân vật trong đối thoại
Socrates
Crito
Cảnh: nhà tù giam Socrates
Socrates. Sao [43a] lại tới lúc này, Crito? Còn sớm không thấy ư?
Crito. Đúng rồi, còn sớm lắm.
S. Trời thế nào?
C. Chưa tới rạng đông.
S. Ta lấy làm lạ vừa nghe gõ cửa cai ngục lại sẵn sàng để bác vào.
C. Bây giờ hắn với ta quen nhau rồi, Socrates, vì ta thường lui tới, nhất là bấy lâu ta cũng tỏ ra hào phóng và hắn cũng phần nào biết điều.
S. Bác mới tới, hay tới đã lâu?
C. Khá lâu.
S. Tại sao [b] bác không đánh thức ta dậy tức thì mà cứ lẳng lặng ngồi gần giường như thế?
C. Không, trời ơi, không, Socrates, ta không muốn làm vậy. Phần riêng ta chỉ mong trong mình mất ngủ tan hình biến dạng, lo âu cao chạy xa bay! Lâu rồi ta cứ thắc mắc, nhận thấy sao bác ngủ ngon lành, thú vị đến thế. Ta không đánh thức là có mục đích, bởi muốn để bác thưởng thức thời gian êm ả tối đa. Trước đây, trong quá khứ suốt cuộc đời, để ý quan sát, ta thấy bác sống lúc nào cung cách cũng sung sướng, đặc biệt bây giờ trực diện với bất hạnh khủng khiếp bác chấp nhận sao mà dễ dàng, nhẹ nhõm, bình thản đến thế.
S. A, sở dĩ vậy ấy là vì, Crito ơi, xem ra chẳng hợp lý chút nào đối với người ở tuổi như ta mà tỏ ra ưu tư, buồn phiền nếu phải chấp nhận chấm dứt cuộc đời.
C. Socrates, [c] người khác cỡ tuổi bác cũng có thể rơi vào bất hạnh tương tự, song họ không để tuổi tác ngăn cản họ than vãn những gì xảy ra với bản thân.
S. Đúng vậy. Nhưng cho hay vì sao bác đến đây sớm thế?
C. Vì mang tin buồn, Socrates, không buồn đối với bác, mà buồn đối với ta cùng bạn bè của bác, buồn ghê gớm, buồn không sao chịu nổi, riêng ta cảm thấy não nề vô cùng.
S. Ừ, tin gì thế hở? Thuyền từ Delos trở về đã tới bến cảng, triển hoãn chấm dứt, ta phải chết chứ gì? [d]
C. Thực ra chưa tới, song ta thấy dường như sẽ tới hôm nay, căn cứ theo lời mấy người từ Sunium vì họ rời bến lên bờ ở đó. Họ kể rõ ràng thuyền sẽ tới bữa nay, bởi thế ngày mai, Socrates, bác sẽ phải… chấm dứt cuộc đời.
S. Ô, Crito, như vậy là may mắn hết sức chứ sao! Nếu thần linh muốn thế cứ để sự thể diễn ra. Song dù sao ta nghĩ thuyền sẽ không tới hôm nay.
C. Căn cứ [44a] vào đâu cố nhân nghĩ thế?
S. Ta sẽ giải thích cố tri hay. Ta biết ta phải vĩnh biệt cõi đời vào hôm sau khi thuyền tới bến.
C. Đám người có trách nhiệm về chuyện này nói thế.
S. Bởi vậy ta nghĩ thuyền sẽ không tới ngày vừa bắt đầu, mà tới ngày sau đó. Sở dĩ nói thế ấy là vì ta sực nhớ giấc mơ vừa nằm đêm nay, vừa mới lúc nãy. Xem ra dường như đó là điềm may vì cố tri không đánh thức ta trở dậy.
C. A, giấc mơ thế nào, nhìn thấy gì trong khi ngủ?
S. Ta thấy [b] hình như có người đàn bà bước tới mỗi lúc một gần, diện mạo kiều diễm, tư dung yểu điệu, phục sức trắng tinh, tấm rốp thùng thình, gọi ta đích danh mà nói: “Socrates, ngày thứ ba ngươi sẽ tới Phthia đất ruộng phì nhiêu”.
C. Giấc mơ kỳ lạ, Socrates.
S. Không, rất rõ rệt, ít nhất đối với ta, Crito.
C. Quá ư rõ rệt, chắc vậy. Nhưng Socrates quý mến ơi, dẫu thế vẫn chưa muộn, hãy làm như ta nói bây giờ, trốn tù cứu mạng. Vì đối với ta, nếu cố nhân chết, sự thể sẽ không chỉ là bất hạnh đơn thuần mà là hoạn nạn lưỡng diện. Ngoài chuyện mất người bạn sẽ chẳng bao giờ thấy nữa còn mang tiếng nhiều người không hiểu ta và cố nhân tường tận [c] thế nào cũng nghĩ đáng lẽ có thể cứu sống nếu sẵn lòng bỏ tiền lo việc ta lại phớt lờ. Thử hỏi có tiếng tăm nào ê chề, hổ nhục hơn đối với người bị cho là coi tiền của quý trọng hơn bạn bè? Đa số người đời sẽ không bao giờ tin chính cố nhân từ chối rời nơi này lẩn đi trong khi chúng tôi cố gắng hết sức thuyết phục.
S. Nhưng Crito chí thiết ơi, tại sao chúng ta lại quá ư bận tâm đa số người đời sẽ nghĩ thế nào? Người thực sự biết suy nghĩ, người xứng đáng chú ý quan tâm, sẽ nghĩ sự việc xảy ra đúng như sự việc thực sự xảy ra.
C. Tuy thế, Socrates ơi, [d] tự lòng cố nhân thấy dù sao chúng ta cũng cần để ý đa số người đời nghĩ gì. Tình huống hiện thời của cố nhân cho thấy khả năng của đa số người đời có thể tác hại không những cái xấu xa nhỏ nhất mà hầu như cả cái xấu xa lớn nhất, song không có giới hạn nếu ai đó bị họ vu oan giá họa.
S. Cầu mong đa số người đời có khả năng bất tận thể hiện cái xấu xa, Crito, như vậy họ cũng có khả năng vô biên thực hiện cái tốt đẹp! Được vậy mọi chuyện sẽ ngoạn mục. Nhưng hiện tại cho thấy họ không thể làm cả hai. Họ không thể làm ai đó khôn ngoan hoặc đần độn, mà chỉ có thể làm bất kể cái gì do ngẫu nhiên, tình cờ.
C. Có lẽ thế thật, chẳng cần bàn cãi. [e] Nhưng thôi, Socrates, cho ta biết điều này. Bác có thực sự băn khoăn vì ta và bạn bè của bác sẽ bị liên lụy, nếu bác rời nơi này, bọn mật vụ sẽ gây khó khăn, cáo buộc anh em đã đánh cắp bác mang đi, anh em sẽ mất toàn bộ tài sản, nộp phạt nặng nề, hoặc ngay cả chịu nhiều hình phạt khác nữa? Nếu lo sợ như thế, xin bác gạt chuyện đó sang bên. [45a] Bởi rõ ràng do muốn cứu bác, bổn phận thúc đẩy, anh em không ngại hy sinh, và sẵn sàng làm việc nguy hơn nếu cần. Hãy làm theo điều ta nói, đừng chần chừ bác ạ.
S. Crito, trong thâm tâm ta thực tình lo ngại về rủi ro cố tri kể cùng nhiều nguy nan nữa.
C. Đừng lo sợ chuyện đó. Vì thực ra về tiền bạc chẳng mất bao nhiêu có người sẵn sàng đảm nhận để cứu mạng, dẫn đưa cố nhân ra khỏi nơi này. Hơn thế, cố nhân không thấy mua chuộc bọn mật vụ dễ như trở bàn tay, chẳng cần trả nhiều cũng có món hàng, vả lại bọn này không ham tiền hám của hay sao? Ta dành tiền để cứu cố nhân, [b] và như ta nói lúc nào cũng đủ. Nếu vì thương yêu ta, lo lắng an toàn cho ta, cố nhân cảm thấy không muốn tiêu tiền của ta dù ít ỏi, số người xa lạ hiện diện ở đây sẵn sàng bỏ tiền của họ. Trong số có người mang đủ tiền để chi dùng vào việc thực hiện kế hoạch: Simmias từ thành phố Thebes. Cebes cũng sẵn sàng và chưa kể rất nhiều người nữa.
Bởi thế như ta nói đừng để lo sợ nào vì lý do vừa kể khiến cố nhân ngần ngại cố gắng vượt ngục, cứu sống bản thân, đừng để những gì nói trước phiên tòa gây khó khăn cho cố nhân, vì cố nhân sẽ không biết làm gì với bản thân nếu rời bỏ xứ sở lưu vong. Bởi có nhiều nơi [c] khi cố nhân tới người ta sẽ tiếp đón thân tình, nhất là Thessaly. Nếu cố nhân muốn đi, ta có bạn ở đó. Vốn là khách họ sẽ quý hóa, coi trọng cố nhân khôn xiết. Họ sẽ bảo đảm an ninh để không người nào khắp vùng có thể làm phiền kiếm chuyện với cố nhân.
Hơn nữa, Socrates ơi, ta lại nghĩ điều cố nhân làm là không phải, bỏ mặc cuộc đời gục chết trong khi có thể cứu sống, hối hả tiễn đưa số phận y hệt kẻ thù hối hả thúc đẩy, và đang tâm giục giã số phận hủy hoại cố nhân. Ngoài ra ta còn nghĩ con cái cố nhân cũng bỏ rơi, để mặc [d] trong khi phải vận dụng khả năng nuôi nấng, giáo dục chúng đến nơi đến chốn. Như vậy là cố nhân không quan tâm số phận chúng sẽ ra sao. Số phận chúng sẽ đương nhiên như số phận xảy ra với trẻ mồ côi mất cha mất mẹ. Nếu vậy một là chẳng nên có con, ngược lại hai là phải cực nhọc nuôi nấng, dạy bảo chúng nên người. Ta thấy hình như cố nhân chọn đường đi dễ nhất, ít đề kháng, ít cam go trong khi phải chọn đường đi người can trường, quả cảm sẽ chọn, nhất là khi cứ da dả khẳng định mục đích cuộc đời là sống đức độ.
Ta thực sự cảm thấy [e] hổ thẹn vừa cho cố nhân vừa cho anh em, bạn bè cố nhân, sự việc có vẻ như thể những gì xảy ra với cố nhân là do anh em hèn nhát. Trước hết cố nhân xuất hiện trước tòa khi hoàn toàn không cần thiết, đó là xử sự đầu tiên; thứ đến cố nhân biện giải tội trạng, đó là xử sự thứ hai; và sau cùng cố nhân chấm dứt trò hề, anh em rơi vào tình huống chới với, kết liễu đó khiến người đời sẽ nghĩ do nhút nhát, ươn hèn, thiếu can đảm, thiếu mưu trí anh em để cố nhân tuột khỏi tầm tay, [46a] vì anh em không cứu cố nhân, vì cố nhân không cứu bản thân khi có thể và có thể hoàn thành nếu chúng ta chỉ cố gắng chút xíu. Socrates, nếu không khinh suất thử nghĩ mà xem như vậy có phải không những xấu xa mà còn hổ thẹn cả cho cố nhân lẫn anh em không. Vậy quyết định. Chấp nhận ý kiến, nếu không không còn thời gian để chấp nhận, đáng lẽ phải chấp nhận rồi. Không còn lựa chọn hoặc cơ may nữa, vì việc phải thực hiện và chấm dứt đêm nay. Nếu chúng ta chần chừ, sự thể sẽ bất khả, việc sẽ không hoàn thành. Dù thế nào, ta kêu gọi cố nhân, Socrates, làm theo ý ta, đừng làm theo ý khác!
S. Crito quý mến, cảm nghĩ tha thiết của cố tri đáng giá vô cùng nếu nhằm mục đích chính đáng ta ghi nhận. [b] Nếu không, cố tri càng tỏ ra hăm hở bao nhiêu ta càng cảm thấy khó khăn đề cập bấy nhiêu. Bởi thế chúng ta cần xem xét có nên xử sự theo cách cố tri nói hay không. Cố tri biết không những lúc này mà lúc nào cũng vậy ta là thứ người không tuân theo bất kể cái gì, bất kể người nào, dù thân thiết đến đâu, mà chỉ lắng nghe lý luận, bất luận thế nào, xem ra thích hợp với mình hơn hết. Bởi thế bây giờ không thể chỉ vì chẳng may rơi vào tình huống hiên tại ta gạt bỏ nguyên tắc từng đưa ra trong quá khứ. Nguyên tắc đó đối với ta vẫn y hệt không hề thay đổi. Ta trân trọng, ta đề cao bây giờ tương tự ta đề cao, ta trân trọng trước kia. [c] Nếu dịp này chúng ta không thể đưa ra nguyên tắc khả quan, cố tri nên hiểu chắc chắn ta sẽ không đồng ý với cố tri, nhất định cho dù đa số sử dụng quyền hành nạt nộ chúng ta với ngáo ộp, ba bị, ác quỷ gấp bội làm như chúng ta là trẻ con, đe dọa bỏ tù, xử tử, tịch biên tài sản.
Chúng ta sẽ xem xét vấn đề thế nào cho phải hơn hết? Thứ nhất có nên đề cập nhận định cố tri đưa ra về người đời nghĩ thế nào không? [d] Phải hay không phải khi nói, như trong quá khứ chúng ta thường nói, nên quan tâm tới ý kiến này hơn ý kiến kia? Hoặc nói thế luôn luôn là sai? Có lẽ nói thế là đúng trước khi câu hỏi về cái chết của ta xuất hiện, trong khi bây giờ chúng ta thấy rõ ràng nói thế là nói vớ vẩn, nói để mà nói, thực sự là nhận xét bông đùa, vô nghĩa. Crito, ta muốn, muốn hết sức, đi sâu vào vấn đề nếu có cố tri giúp đỡ để xem ý kiến đưa ra có sẽ xuất hiện dưới ánh sáng nào khác đối với ta bây giờ khiến ta rơi vào tình huống hiện tại hay ý kiến vẫn như cũ, đồng thời xem chúng ta sẽ bác bỏ hay chấp nhận…
Nguồn: Internet