Cuốn sách này đưa ra ba luận cứ chính: Câu chuyện cuộc sống, kiến thức và thông điệp của bạn – tất cả những gì bạn biết được nhờ kinh nghiệm và muốn chia sẻ với mọi người – quan trọng hơn và có giá trị hơn bạn từng nghĩ.

Bạn được sinh ra là để tạo nên sự khác biệt trong thế giới này, và cách tốt nhất để làm điều đó là sử dụng kiến thức và kinh nghiệm (về bất kỳ chủ đề nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào) để giúp người khác thành công.

Bạn có thể kiếm tiền từ việc chia sẻ lời khuyên và những bí quyết giúp người khác thành công, và trong quá trình đó bạn có thể phát triển một công việc kinh doanh với rất nhiều lợi nhuận và một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.Nếu ở đây có gì đó có vẻ khó tin – đặc biệt là việc bạn có thể kiếm được tiền bằng cách chia sẻ những điều về cơ bản có thể coi là thông điệp của bạn cho thế giới – thì đơn giản là vì bạn chưa nhận thức được về một ngành nghề từng là bí mật và khá ít người biết đang tồn tại quanh chúng ta, đó là cái mà tôi gọi là “lĩnh vực / thế giới chuyên gia”.

Thế giới chuyên gia gồm một nhóm người có tâm huyết chia sẻ lời khuyên, kiến thức cho mọi người xung quanh và được trả tiền từ đó. Họ là những người bạn thấy trên TV và trên mạng, những người đưa ra lời khuyên nhằm cải thiện cuộc sống và phát triển kinh doanh cho mọi người. Họ là những người bình thường đã tích lũy những bài học thành công, những nghiên cứu và những câu chuyện trong cuộc sống rồi biến chúng thành những lời khuyên cho người khác và từ đó trở thành “chuyên gia” về một chủ đề nào đó, từ việc làm sao để trở thành cha mẹ tốt, để bắt đầu công việc kinh doanh, để thành công trong công việc, để sống hứng khởi hơn hay bất kỳ một chủ đề nào khác. Họ là những người biết gắn với trí tuệ và khơi nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta từ những hiểu biết của mình. Họ là những sứ giả triệu phú, những chuyên gia có tinh thần doanh nhân trong Thời đại Thông tin.

Hiện bạn có thể không tự coi mình là chuyên gia hay “bậc thầy” nhưng thực tế là ai cũng có thể trở thành những người như vậy. Đừng lo, chúng tôi sẽ định nghĩa lại những từ này nếu bạn có định kiến với chúng vì thật ra trở thành chuyên gia hay bậc thầy chẳng qua chỉ là để giúp đỡ người khác thành công, cũng là một điều tốt.Trở thành một chuyên gia chỉ là việc bạn định vị và thể hiện mình là ai và mình biết những gì để có thể giúp được nhiều người nhất trong số những đối tượng khán giả mục tiêu của mình. Bạn có thể trở thành một chuyên gia có nhiều ảnh hưởng và được trả thù lao cao về bất cứ chủ đề nào bạn muốn và trong cuốn sách này tôi sẽ chỉ cho bạn cách thức làm được điều đó.

Brendon Burchar

Trích đoạn sách hay

9 BƯỚC ĐẾN ĐẾ CHẾ CHUYÊN GIA

Bạn đã biết rằng mình có thể trở thành chuyên gia bằng cách đạt được kết quả đạt trong lĩnh vực nào đó, nghiên cứu về nó và trở thành một hình mẫu tốt, giờ hãy đi vào vấn đề sách lược. Làm thế nào để truyền tải thông điệp, các chuyên gia đã làm thế nào để xây dựng đế chế của mình? Điều này thực ra vô cùng đơn giản.

Hóa ra hầu như mọi chuyên gia và Sứ giả Triệu phú biết kinh doanh – những người đã thực sự đến với hàng triệu người và kiếm được hàng triệu đô la – đều bắt đầu cuộc chơi theo cách giống hệt nhau. Chương này sẽ đưa ra kế hoạch đó theo 9 bước giống như một danh mục những việc phải làm và là bệ phóng của bạn.

Bước 1: Nắm bắt và Làm chủ chủ đề của bạn

Thẳng thắn như chính cái tên của chương này, tôi cũng ước gì mình có một đô la mỗi khi ai đó hỏi tôi rằng: “Brendon, tôi nên là chuyên gia về chủ đề nào đây?”

Câu hỏi này cũng hé mở về cộng đồng của chúng tôi và những con người trong đó. Vì là một ngành nên có vẻ như mọi người thường (và chính xác là) tin rằng họ có thể học hỏi và đạt được chuyên môn nhanh chóng. Họ thường hay nói Hãy bảo tôi trở thành chuyên gia trong lĩnh vực gì, tôi sẽ làm chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tâm thế này đặc biệt thường thấy ở Mỹ – nơi mà giáo dục đại học đã dạy và trao quyền cho chúng ta về bản chất là tự chọn nghề nghiệp cho mình.

Về những người hỏi câu hỏi này, có vẻ họ là những người sáng tạo thực sự, nghĩa là họ học theo nhiều chủ đề và có nhiều niềm đam mê. Hầu hết những chuyên gia mà tôi biết thực ra là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực vì tâm trí và trái tim họ bị cuốn hút bởi nhiều thứ trong thế giới này. Sự tò mò không giết chết sự sáng tạo mà chỉ làm nó sống động thêm. Có lẽ cũng có nhiều lĩnh vực mà bạn có thể trở thành chuyên gia. Cá nhân tôi đã trở thành một chuyên gia không chỉ vì sự thành thạo trong lĩnh vực chuyên gia mà còn về khả năng lãnh đạo, động lực, hiệu suất cao, giải quyết xung đột, hòa giải, đối tác quảng bá, tài trợ doanh nghiệp, gây quĩ phi lợi nhuận, diễn thuyết chuyên nghiệp, phát triển tổ chức và tiếp thị trực tuyến. Tôi đã có những thương hiệu trị giá hơn triệu đô trong những lĩnh vực này. Dù đối với một vài người, điều này có vẻ quá ôm đồm hay mệt mỏi nhưng đối với giới sáng tạo thì đó là điều tự nhiên trong cuộc sống – sự tò mò, lòng ham mê học hỏi và tiếp tục học hỏi cùng khát khao làm chủ thế giới của mình đã giúp chúng tôi có nhiều chuyên môn trong nhiều chủ đề khác nhau.

Nhưng rồi trong cuốn sách này bạn sẽ dần nhận thấy rằng cố gắng trở thành một “chuyên gia biết tuốt” ngay từ đầu luôn là một chiến lược tồi. Nếu bạn chuẩn bị xây dựng một đế chế thực sự, bạn cần chọn một chủ đề, học hỏi, làm chủ nó, chia sẻ nó, nổi lên nhờ nó và kiếm tiền thực sự từ việc giảng dạy về nó. Khi đó bạn có một nền tảng thực sự để xây dựng từ đó và chỉ khi đó bạn mới bắt đầu có thể định vị mình là một chuyên gia về các chủ đề khác. Vâng, bạn đã nghe thấy rồi – chọn một chủ đề để được biết đến, phát triển một công việc thực sự từ chính chủ đề đó rồi mở rộng chủ đề sau. Tôi có thể chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân khi làm việc với hàng ngàn học viên và hàng chục chuyên gia thành công về tài chính và có tâm huyết nhất trên thế giới rằng đây là chiến lược đúng cho người mới bắt đầu: trước hết hãy chọn một chủ đề đã.

Vậy bạn xác định mình sẽ là chuyên gia trong lĩnh vực gì? Nếu nhớ lại, bạn có thể nhanh chóng trở thành một chuyên gia về bất kỳ chủ đề cho trước nào bằng cách đạt được kết quả, nghiên cứu và đóng vai trò như một hình mẫu. Vậy nó sẽ ra sao? Chủ đề của bạn là gì?

Tôi biết đây là những câu hỏi khó, vì chúng gợi ra một từ mà tất cả những người sáng tạo thực sự không muốn nghe: tập trung! Hãy để tôi giúp nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc chọn chủ đề. Nếu bạn đã biết chủ đề của mình, điều này sẽ giúp bạn có được quyết định quan trọng cho bản thân mình.

Chọn một chủ đề để rao giảng cho mọi người cũng giống như chọn một niềm đam mê trong đời – nhiều khi nó chọn bạn chứ không phải bạn chọn nó. Chính vì thế mà tôi muốn đưa ra một vài tiêu chí cần cân nhắc khi hình thành và quyết định về chủ đề của mình.

Thứ nhất, chọn một chủ đề mà mình đã thấy thích thú và đã thích tìm hiểu về nó để dạy cho người khác. Nếu bạn thấy mình hay mua và đọc sách về lãnh đạo thì đó có thể là một gợi ý cho thấy lãnh đạo có thể là chủ đề của bạn. Nếu bạn luôn hỏi các bà mẹ rằng họ đã học được gì về việc nuôi dạy con cái tốt, đó cũng là một gợi ý khác. Nếu bạn đã có hàng đống sách nói về kinh doanh và tiếp thị trên giá sách, bạn đã yêu kinh doanh và tiếp thị, vậy tại sao không quyết định đi giúp đỡ người khác học hỏi điều bạn đã học hỏi được?

Thứ hai, chọn một chủ đề dựa trên điều mà bạn đã thích làm. Nếu nhìn lại năm năm qua và nhận thấy mình chỉ thích mua bán nhà bị cầm cố, vậy là bạn đã “dấn thân” vào lĩnh vực này rồi. Vậy bạn thích làm cái gì – đâu là niềm đam mê của bạn lúc này? Đây là những xuất phát điểm tuyệt vời trong quá trình chọn một chủ đề. Có lẽ giống như Lorie Merrero, bạn thích sắp xếp nhà cửa của mình và của bạn bè – vì vậy bạn có thể trở thành một “chuyên gia sắp xếp nhà cửa”. Hay giống như Roger Love, bạn có thể thích hát và giúp người khác hát để trở thành “người hướng dẫn phát âm.”

Thứ ba, hãy nghĩ về những gì bạn đã luôn muốn học hỏi. Trong mọi lĩnh vực, mọi chuyên gia đều có khởi đầu là những học viên. Chẳng hạn các bác sỹ y khoa giỏi nhất thế giới đều không có khởi đầu như những bác sỹ chuyên gia. Điều thú vị trong lĩnh vực lời khuyên hay bí quyết là bạn có thể trở thành một chuyên gia về bất kỳ lĩnh vực nào, nghĩa là bạn có thể chọn để tự tái tạo lại mình bất cứ lúc nào bạn muốn. Bạn xác định thời hạn trong nghề nghiệp của mình, bạn chọn công việc và lĩnh vực làm việc của mình. Tôi thấy điều này có tác dụng khích lệ vô cùng. Vậy bạn thích học hỏi về cái gì để bắt đầu dạy cho người khác khi bạn đã đạt được kết quả, đã nghiên cứu nó hay đã trở thành một hình mẫu về nó?

Thứ tư, hãy xem bạn đã trải qua những gì trong đời. Bạn đã từng có một bước ngoặt, một chiến thắng, hay một bi kịch khiến bạn phải nói: “Trời, tôi đã vô cùng khó khăn mới vượt qua một việc quan trọng và giờ tôi muốn truyền lại để hạn chế khó khăn cho những người khác”. Bạn đã từng trải qua điều gì trong cuộc sống và công việc giúp bạn có một câu chuyện, một nhóm kỹ năng hay một cách nhìn đặc biệt mà bạn muốn chia sẻ? Đôi khi cách tốt nhất để nhận ra những dấu hiệu về những gì chúng ta cần làm ngay trong hiện tại hay trong tương lai là nhìn lại những mốc lớn trong quá khứ. Tôi quyết định lấy việc tai nạn xe hơi và sự thay đổi sau đó trong cuộc sống là nguồn cảm hứng ban đầu cho công việc, cho mối quan tâm và chuyên môn trong lĩnh vực tiềm năng con người của mình.

Cuối cùng, hãy chọn một chủ đề mà bạn sẵn sàng nói và sống chết với nó trong ít nhất là năm năm tới. Tôi không thể nhấn mạnh hết tầm quan trọng của điều này. Trong một hội thảo của tôi, một phụ nữ đã đứng lên khóc và nói rằng chị ghét cái hố mà chị đã tự đào cho chính mình trong nghề chuyên gia. Chị chia sẻ rằng một vài “chuyên gia tiếp thị” nói rằng vì có người trong gia đình chị đã từng tự tử nên chị có trách nhiệm phải giúp đỡ người khác hiểu và tránh phải tự tử. Thế là trong nhiều năm người phụ nữ này đã đi khắp đất nước để nói về vấn đề tự tử cho những khán giả trẻ. Chị luôn phải nhớ và kể lại câu chuyện em gái mình đã tự tử thế nào. Sau một vài năm, chị đã trở thành một chuyên gia có tên tuổi nhưng giờ chị lại không thích chủ đề mà mình đã chọn dù nó có thể làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Bài học của câu chuyện này là chọn lựa chủ đề cho mình một cách khôn ngoan. Bạn sẽ nghiên cứu chủ đề, đọc sách, phỏng vấn các chuyên gia khác, viết bài và đưa lên trang nhật ký, quay phim và chia sẻ thông điệp trong nhiều năm. Vì vậy hãy chọn một chủ đề bạn hoàn toàn yêu thích.

Biển báo Chuyên gia:

1. Chủ đề tôi thường nghiên cứu và thấy cuốn hút trong cuộc sống là…

2. Những điều tôi muốn làm trong cuộc đời là…

3. Một số điều tôi luôn mong muốn bắt đầu và học hỏi hơn nữa là…

4. Những điều tôi đã trải qua trong đời có thể khích lệ mọi người và hướng dẫn họ cách sống tốt hay kinh doanh tốt gồm cả những thời điểm khi tôi trải qua…

5. Dựa trên những ý tưởng này, những chủ đề tôi thích đạt được chuyên môn và bắt đầu sự nghiệp giúp đỡ người khác bao gồm…

6. Chủ đề tôi muốn bắt đầu trước tiên và xây dựng nghề nghiệp thực sự là…

Bước 2: Chọn đối tượng khán giả

Nhiều nhà tiếp thị trong cộng đồng sẽ đọc về bước đầu tiên của tôi và nói tất cả đều sai. Họ sẽ nói: “Chọn khán giả phù hợp trước chứ không phải chủ đề trước. Tìm một lượng khách hàng và xem họ muốn gì – không phải cái bạn muốn đưa ra hay dạy cho họ – và phục vụ cái họ cần.” Tôi đồng ý phần nào với nhận định này. Nhưng tôi đã hiểu rằng đây thường là tình huống nan giải kiểu con gà hay quả trứng có trước đối với hầu hết các chuyên gia có triển vọng. Không có một cách “đúng” nào cả, vì vậy việc nên bắt đầu với Bước 1 (chọn chủ đề) hay Bước 2 (chọn khán giả) có phần không liên quan.

Điều phù hợp ở đây là cuối cùng bạn quyết định mình muốn phục vụ ai nhất trong nghề nghiệp mới của mình. Bạn có muốn giúp thanh niên, phụ huynh, phụ nữ, nam giới, người về hưu, doanh nghiệp, các nhóm phi lợi nhuận, doanh nhân – những người chính xác là đối tượng khán giả mục tiêu của mình? Khi đã có một nghiên cứu nhân khẩu học trong đầu, hãy đi sâu hơn xem độ tuổi của khán giả lý tưởng của mình, những điều họ đã trải qua trong đời, họ có loại tính cách nào và họ làm gì để sống. Cách tốt nhất là giới hạn đối tượng khán giả của mình thành một nhóm người dễ nhận biết.

Đến đây, hãy để tôi bàn đến câu hỏi có thể được đưa ra: “Brendon, tôi chỉ có một thông điệp quan trọng và nó có thể giúp mọi người trên thế giới. Tôi có thật sự phải xác định và giới hạn đối tượng khán giả của mình không?” Tôi thường trả lời câu hỏi này rằng: “Vâng, có chứ. Tôi cũng mong là thông điệp của bạn có thể giúp được nhiều người và tôi tin là nó có thể giúp được hầu hết mọi người, nhưng vấn đề là bạn không có thời gian và nguồn lực để tiếp thị cho toàn thế giới, kể cả khi cả thế giới cần thông điệp của bạn. Bạn phải xác định đối tượng khán giả của mình không phải vì có thể chỉ một nhóm nhỏ khán giả thực sự cần và sẽ mua thông điệp của bạn mà vì bạn cần quảng bá một cách hiệu quả và thực tế. Bạn không thể quảng cáo hay tiếp thị cho toàn thế giới, vì vậy hãy chọn một nhóm và một tuýp người để khởi đầu công việc của mình.

Chọn một nhóm khán giả cũng giống như chọn chủ đề trong đó bạn phải tìm những người tương tự như mình. Ai sẽ say mê hứng thú về cùng chủ đề với bạn? Ai muốn học điều tương tự như bạn? Ai đã trải qua những khó khăn trong cuộc sống giống như bạn? Dưới đây là một số câu hỏi khác cần xem xét.

Biển báo Chuyên gia:

1. Khán giả có nhiều khả năng hưởng lợi nhất từ chương trình đào tạo về chủ đề giống của tôi là…

2. Khán giả có nhiều khả năng trả tiền nhất cho các chương trình đào tạo về chủ đề giống của tôi là…

3. Nhóm khán giả có vẻ chưa được cung ứng dịch vụ về chủ đề của tôi bao gồm…

4. Người cần được đào tạo về chủ đề của tôi thường thuộc về các tổ chức như…

Bước 3: Phát hiện ra vấn đề của khán giả

Tất cả các chuyên gia trước tiên cũng đều là học viên và người phục vụ, vì vậy các bạn cần tìm hiểu về khán giả của mình, khám phá nhu cầu và phục vụ họ với những lời khuyên và thông tin giải pháp có thể giải quyết vấn đề và cải thiện cuộc sống của họ.

Tại Học viện Chuyên gia, tôi thường chia sẻ hàng chục cách để biết được nhu cầu và cách mua sản phẩm dịch vụ của khán giả, nhưng ở đây tôi muốn chia sẻ với các bạn cái mà tôi gọi là Công thức Tư duy Khách hàng. Công thức này bao gồm bốn câu hỏi mà tôi thường bắt đầu khi gặp gỡ hay khảo sát khán giả lý tưởng của mình để hiểu và phục vụ họ tốt hơn. Đây là những câu hỏi bạn có thể hỏi khán giả để hiểu nhiều hơn những gì họ cần từ bạn:

1. Bạn đang muốn đạt được điều gì trong năm nay?

2. Theo bạn phải làm gì để nhân đôi công việc (hay niềm vui) trong năm nay?

3. Điều làm bạn bận tâm nhất trong công việc và cuộc sống hiện nay là gì?

4. Bạn đã làm những gì để cải thiện tình hình, điều gì đã mang lại hiệu quả và điều gì không?

Trả lời những câu hỏi này giúp tôi hiểu được mong muốn, nhu cầu, vấn đề bận tâm và xu hướng học hỏi của khách hàng.

Nói chung, càng hiểu được khán giả và những vấn đề cấp bách cũng như mong muốn của họ, bạn càng có thể tạo ra được những thông tin bí quyết giải quyết vấn đề đúng định hướng để khán giả mua và áp dụng chúng. Càng biết rõ về nhu cầu của khách hàng, bạn càng có thể đưa ra những thông tin giúp họ cải thiện cuộc sống.

Dưới đây là những câu hỏi khác giúp bạn suy nghĩ thông qua cuộc sống của khách hàng và làm sao bạn có thể phục vụ được cho họ.

Biển báo Chuyên gia:

1. Khán giả của tôi thường mơ đạt được…

2. Khán giả của tôi sợ không biết nhiều về…

3. Khán giả của tôi thường tìm kiếm trên Google những câu như…

4. Khán giả của tôi thích đi theo những tuýp người, tổ chức báo chí và qua các phương tiện truyền thông xã hội…

5. Khán giả của tôi ghét phải làm những việc như…

6. Khán giả của tôi thường trả nhiều tiền để…

7. Nếu tôi đưa cho khán giả những thông tin có thể giúp họ cải thiện cuộc sống, có thể họ sẽ cần những chiến lược làm sao để…

8. Những bước mà khán giả của tôi thường bỏ qua khi cố gắng đạt được mục tiêu của mình là…

9. Dựa trên tất cả những ý tưởng này, một số thông tin bí quyết mà tôi có thể cung cấp cho khán giả để khiến họ cảm thấy hạnh phúc sẽ bao gồm những chiến lược làm sao để…

Bước 4: Xác định câu chuyện của bạn

Tôi hỏi tất cả các khách hàng của mình một câu hỏi thẳng thắn nhưng rất có tác dụng là: “Bạn có câu chuyện về sự nỗ lực nào trong quá khứ có thể cho khán giả thấy bạn đã trải qua điều tương tự với điều mà họ đang phải nỗ lực vượt qua?” Câu chuyện đó thường mang lại sự tin cậy có khi còn cao hơn mọi bằng cấp hay câu chuyện thành công hấp dẫn nào đó về chủ đề hay lĩnh vực của bạn.

Thật lạ là chúng ta thường liên hệ đến những nỗ lực phấn đấu của người khác hơn là của chính mình. Vì vậy, để kết nối với khán giả, chúng ta phải tìm đến những điểm hỗ trợ xác định bởi trải nghiệm chung về những thách thức phải vượt qua. Nói cách khác, khán giả của bạn muốn biết có phải bạn đã trải qua những gì họ đã trải qua hay không.

Điều này thường gây lúng túng cho các chuyên gia có triển vọng ở các nước phương Tây. Ví dụ như ở Mỹ, văn hóa của chúng ta đã dạy chúng ta phải thể hiện những thành công của mình để có được sự tin cậy. Chúng ta phải liệt kê ra những bằng cấp, chứng chỉ, thành tích, việc tham gia các tổ chức và bất kỳ những thành công hay mối quan hệ nào có thể khiến chúng ta “có vẻ ổn.” Chính vì điều này mà nhiều chuyên gia thường bắt đầu chiến dịch quảng bá hay giới thiệu tiểu sử của mình bằng cách khoe khoang họ có tài năng và ảnh hưởng tuyệt vời như thế nào. Nhưng hãy để tôi hỏi bạn một câu: Bạn đã bao giờ hẹn hò với một người chỉ luôn khoe khoang họ tuyệt vời đến thế nào chưa?

Bạn có liên hệ với họ không? Bạn có muốn nói chuyện với họ không? Có lẽ là không.

Mọi người thường chỉ liên hệ với những người trong lĩnh vực chuyên gia dựa trên câu chuyện nỗ lực của chúng tôi; sau đó, sau khi họ tin chúng tôi là ai và chúng tôi đã trải qua những gì, họ mới quan tâm đến những gì chúng tôi biết và đã đạt được.

Bạn thấy đấy, mọi khán giả từng nghe về bạn và về nghề nghiệp của bạn đều tự hỏi: “Người này là ai? Họ đã trải qua, vượt qua, tìm ra và thành công trong việc gì? Dựa trên tất cả những điều này, họ có thể rao giảng cho tôi cái gì để giúp tôi cải thiện cuộc sống?”

Hãy để ý đến thứ tự của câu hỏi đó vì tôi thấy nó rất có ý nghĩa và có tác động mạnh. Khán giả muốn biết, theo thứ tự thế này:

1. Bạn là ai và bạn đã trải qua những gì trong đời để tôi có thể liên hệ tới chính cuộc đời tôi?

2. Bạn đã vượt qua điều gì và như thế nào?

3. Bạn đã khám phá ra điều gì trong quá trình đó?

4. Bạn đã thành công với những gì – bạn đã đạt được những kết quả nào?

5. Bạn sẽ dạy tôi những gì để tôi có thể áp dụng ngay và cải thiện cuộc sống của mình?

Vì đây là những câu hỏi mà mọi khán giả sẽ hỏi khi gặp bất kỳ một chuyên gia nào, bạn cần tìm cách trả lời tất cả những câu hỏi này. Rồi bạn cần giải đáp những câu hỏi này trong mọi hình thức truyền thông gửi tới khách hàng tiềm năng của mình. Độ dài câu trả lời của bạn không quan trọng bằng việc để trái tim và sự chân thành của bạn toát lên trong từng lời bạn nói và từng việc bạn làm.

Biển báo Chuyên gia:

1. Một câu chuyện nỗ lực trong quá khứ của một khách hàng mà tôi có thể liên hệ là…

2. Một điều tôi đã vượt qua trong cuộc sống khiến người khác thấy đồng cảm hay khích lệ là…

3. Bài học lớn tôi rút ra trên hành trình của mình là…

4. Những thành công và mối quan hệ tôi có trong đời có thể giúp tăng thêm độ tin cậy cho tôi bao gồm…

5. Những bài học tôi có thể dạy cho mọi người để giúp họ trong lĩnh vực chủ đề của tôi và trong tình huống họ gặp phải trong cuộc sống bao gồm…

Bước 5: Tạo ra một Giải pháp

Giờ bạn đã bắt đầu nghĩ về chủ đề, khán giả và câu chuyện cá nhân để tạo độ tin cậy cho mình, giờ đã đến lúc tạo ra một sản phẩm hay chương trình – một giải pháp – mà khán giả của bạn có thể tin theo (và mua) để đạt được điều họ muốn.

Đây là điều mà hầu hết mọi người trong ngành của chúng tôi đều chưa đạt được. Mọi người muốn tạo nên sự khác biệt và kiếm được thu nhập như một bậc thầy hay chuyên gia lời khuyên nhưng rất ít người sẽ làm công việc ngồi xuống và lập ra chương trình hay hệ thống giải pháp để có thể giới thiệu và bán cho khách hàng. Họ chưa bao giờ viết sách hay dự thảo bài nói chuyện, dựng lên một cuộc hội thảo hay lập ra một chương trình huấn luyện, hay quay video để phục vụ cho chương trình đào tạo trực tuyến.

Về mặt nào đó, nhiều người chưa bao giờ tạo ra các chương trình giải pháp vì họ không biết bắt đầu từ đâu hay họ bị phân tâm bởi những lời khuyên không đúng (mà thực tế có rất nhiều) trong ngành của chúng tôi.

Dù sao thì tôi cũng sẽ giúp bạn đơn giản hóa vấn đề này. Để bắt đầu bạn chỉ cần chọn cách thức để khách hàng có thể nhận được thông tin của mình. Chỉ có năm cách hay phương thức chính mà mọi người có thể học được từ bạn. Biết được năm cách thức này sẽ giúp bạn tư duy về cách thức bạn muốn truyền tải thông tin cho khán giả của mình.

Cách thứ nhất để mọi người có thể nắm bắt thông tin của bạn là đọc nó. Nghĩa là bạn có thể tạo ra các giải pháp dưới hình thức văn bản như sách, sách điện tử, bài viết, bản tin, bài nhật ký, bài hướng dẫn và bản ghi.

Thứ hai, khán giả có thể muốn nghe thông tin của bạn, nên bạn có thể tạo ra các CD tiếng, MP3, một loạt bài nói chuyện tại hội nghị hội thảo hay nói chuyện trực tiếp với một người nào đó.

Thứ ba, mọi người có thể muốn xem thông tin của bạn trên ti vi, máy tính hay thiết bị di động. Điều này có nghĩa là bạn có thể tạo ra các chương trình tự học tại nhà qua DVD, video trực tuyến, hội thảo trực tuyến và ứng dụng video di động.

Thứ tư, những người hâm mộ và khách hàng của bạn có thể muốn trực tiếp trải nghiệm về bạn và thông tin của bạn nên bạn có thể tổ chức các sự kiện trực tiếp như hội thảo, khóa tu tập, cuộc phiêu lưu hay các triển lãm.

Cuối cùng, một bộ phận khán giả của bạn có sẽ luôn muốn nắm vững thông tin của bạn, muốn được tiếp cận và đào tạo nhiều hơn từ bạn. Để phục vụ họ, bạn có thể tạo ra các chương trình quân sư độc quyền, các dịch vụ huấn luyện và chương trình cố vấn.

Đó là các phương thức để mọi người nắm bắt thông tin của bạn – họ muốn đọc nó, nghe nó, trải nghiệm nó hay nắm vững nó một cách lâu dài. Nhiều người sẽ muốn tất cả những điều này nên công việc của bạn là quyết định xem mình muốn dạy họ theo phương thức nào và bạn muốn kết hợp những phương thức nào để tạo ra giải pháp của mình. Nói chung, bạn cũng cần biết rằng chúng ta càng đi sâu vào chuỗi phương thức này, từ đọc cho đến nắm vững nó, thì mọi người càng gắn thêm giá trị với phương thức đó và bạn càng kiếm được nhiều tiền hơn. Chẳng hạn, mọi người cho rằng một cuốn sách có thể không giá trị bằng một cuộc hội thảo ba ngày và vì vậy họ thường muốn trả ít tiền hơn.

Dù vậy thì vấn đề mấu chốt là bạn phải tạo ra một chương trình có thể bán được để phục vụ khán giả của mình và kiếm tiền trong ngành này. Hàng ngàn người sẽ muốn mua trí tuệ và lời khuyên của bạn. Vì bạn chỉ có một mình nên việc tạo ra một giải pháp mà họ có thể tiếp cận và mua là điều rất quan trọng đối với sự thành công và khả năng duy trì được thông điệp của bạn.

Vậy thì bạn muốn tạo ra loại thông điệp nào cho khán giả của mình trước nhất? Một cuốn sách? Một chương trình ghi âm? Một chương trình đào tạo dựa trên video? Một hội thảo đào tạo trực tiếp? Một chương trình huấn luyện? Không có câu trả lời đúng hay sai ở đây, nhưng điều vô cùng quan trọng là bạn phải chọn một hình thức và tạo ra thứ gì đó để bán cho mọi người nếu bạn muốn phục vụ họ.

Nếu có điều gì đó ở đây khiến bạn khó hiểu thì đừng lo lắng vội. Trong chương tiếp theo, tôi sẽ cho bạn thấy một kế hoạch triệu đô đơn giản kết hợp các phương thức này một cách hiệu quả và bạn không cần phải bán hàng chục ngàn sản phẩm mới có thu nhập đáng kể.

Bước tiếp theo trong việc tạo ra giải pháp tất nhiên là sáng tạo nội dung để đưa vào sản phẩm chương trình của bạn. Đây là một trong những chủ đề thường gặp nhất ở Học viện Chuyên gia của tôi – cách tạo ra những thông tin và giải pháp tuyệt vời. Điều cơ bản trong phương pháp của tôi là xác định xem khán giả cần biết gì để tiến từ Điểm A trong cuộc đời sang Điểm B. Họ sẽ phải đi theo tiến trình hay cách tiếp cận từng bước nào để đạt được mục tiêu của mình? Hãy bắt đầu nghĩ về điều đó và bạn sẽ khám phá ra rất nhiều nội dung thực sự cho mình và cách thức sắp xếp chúng. Từ đó, bạn sẽ đào sâu vào từng bước và chia sẻ những ví dụ, những trở ngại thường gặp, những bí quyết thành công, v.v… Quan trọng là bạn tạo ra một giải pháp để họ có thể làm theo và thành công. Đó là quá trình thiết lập nội dung chuyên môn ở trình độ cao.

Biển báo Chuyên gia:

1. Khi khán giả biết những thông tin của tôi, có lẽ họ sẽ muốn học chúng qua những phương thức [lựa chọn: đọc, nghe, xem, trải nghiệm, nắm vững] nhất…

2. Phương thức mà tôi muốn giảng dạy nhất liên quan đến việc tôi [lựa chọn: viết, nói và ghi âm, trình bày qua video, đào tạo tại một sự kiện trực tiếp, huấn luyện trong một thời gian]…

3. Dựa trên những ý tưởng này, tôi nghĩ sản phẩm hay chương trình giải pháp đầu tiên mà tôi sẽ tạo ra cho khán giả sẽ là một điều gì đó giống như…

4. Để đạt được kết quả, khách hàng của tôi sẽ cần những thông tin giải pháp giúp họ bắt đầu đi từ Điểm A và đến đích là Điểm B. Những bước mà họ sẽ phải thực hiện là…

5. Khi khách hàng thực hiện những bước này, họ sẽ phải ghi nhớ rằng…

6. Những lỗi mà mọi người thường mắc khi thực hiện những bước này bao gồm…

7. Đề cương giải pháp mới của tôi cho khách hàng có thể như thế này… [Đúng vậy, giờ hãy vạch ra đề cương cho sản phẩm hay chương trình mới của bạn ngay!]

Bước 6: Tạo ra một trang web

Giờ bạn đã có một thông điệp, khán giả, câu chuyện và giải pháp, giờ là lúc lên mạng và bắt đầu vun đắp cho công việc quảng bá chương trình tư vấn và giải pháp của bạn.

Nhờ có công nghệ hiện đại, việc tạo ra một trang web phù hợp không còn là một rào cản đối với bất kỳ ai có máy tính cá nhân nữa. Tôi ở đây không phải là bảo rằng bạn cần có một trang web; bạn đã biết điều này rồi. Tôi cũng không bảo bạn cách xây dựng một trang web. Giờ có rất nhiều công cụ làm web miễn phí cũng như nhiều nhà thiết kế web với chi phí siêu rẻ qua Elance.com.

Thay vào đó, hãy để tôi chia sẻ với bạn ba việc mà trang web của bạn phải làm để bắt đầu xây dựng đế chế chuyên gia.

Trước tiên, trang web của bạn phải làm gia tăng giá trị. Đây lẽ ra phải là điều quá đơn giản không cần phải suy nghĩ trong xã hội ngày nay, nhưng thật ra không phải. Mục đích của việc có một trang web chuyên gia là để cung cấp những thông tin có giá trị cho những người cần chúng. Nhưng nếu mọi người vào thăm trang web của bạn và thấy chẳng có gì ngoài những chiêm nghiệm bất chợt về cuộc sống, mấy bài đăng trên Twitter của bạn về việc dắt chó đi dạo hay một bản tóm tắt hoàn chỉnh về các dịch vụ và giá cả của bạn, vậy thì không phải là bạn đang làm gia tăng giá trị và bạn sẽ nhanh chóng gặp vấn đề về tài chính.

Những gì khách hàng mong đợi từ một chuyên gia và một trang web đã thay đổi rất nhiều trong vòng năm năm qua. Giờ đây những người vào thăm trang web của bạn muốn xem những bài viết và những video làm gia tăng giá trị cho cuộc sống của họ. Họ không muốn xem bạn khoe khoang mình là ai, bạn đòi bao nhiêu tiền hay giải thích bạn đang làm gì với cuộc đời của mình. Họ muốn có nội dung, muốn được đào tạo và công việc của bạn là cung cấp cho họ, miễn phí, trên trang web của bạn để nhận được sự ủng hộ của họ và mang lại giá trị cho họ. Đây là nguyên tắc đầu tiên của mọi công việc kinh doanh: Gia tăng giá trị.

Thứ hai, trang web của bạn phải nắm bắt được những thông tin liên hệ. Nếu trang web của bạn đang gia tăng giá trị cho mọi người thì danh tiếng bắt đầu truyền đi và trang web của bạn sẽ nhanh chóng có đông người vào xem. Lúc đó bạn phải làm một việc sau: nắm bắt được tên tuổi và địa chỉ e-mail của những người vào thăm. Bạn có thể làm được điều này bằng cách chào mời dịch vụ đào tạo hay các nguồn lực miễn phí để đổi lấy tên tuổi và địa chỉ e-mail của họ. Bạn hẳn đã từng thấy dòng chữ này rồi: Đăng ký để nhận bản tin của chúng tôi, bạn sẽ được nhận ngay…

Nắm bắt thông tin liên hệ là cách làm tốt nhất và cực kỳ quan trọng do độ dài của danh sách nhận bản tin trong ngành này luôn liên quan trực tiếp đến thu nhập và ảnh hưởng của bạn. Rõ ràng là khi đã có thông tin liên hệ của một khách hàng, bạn có thể tiếp tục gửi cho họ miễn phí những giá trị, tăng cường quan hệ và đúng vậy, chào mời họ mua những sản phẩm và chương trình của bạn. Bạn càng có nhiều người ưa chuộng, tin theo và đăng ký dịch vụ, bạn càng kiếm được nhiều tiền và đi đến điểm tiếp theo.

Thứ ba, trang web của bạn phải ra tiền! Một điều đơn giản không phải suy nghĩ nữa, nhưng bản thân tôi thường bị sốc khi có quá ít chuyên gia có được một trang web quảng bá hiệu quả và bán được những chương trình giải pháp. Trên trang chủ của mình, bạn cần làm nổi bật những sản phẩm chào bán mới nhất và khi một khách hàng kích vào đường dẫn để tìm hiểu kỹ hơn, bạn nên có một chiến lược tiếp thị hiệu quả để lôi kéo họ mua sản phẩm. Quá cơ bản đúng không? Nhưng hiện giờ trang web của bạn đã thật sự kiếm được tiền và mang lại hiệu quả đối với việc kinh doanh của bạn hay chưa?

Hầu hết mọi người đều nói rằng trang web của họ không thể làm được ba điều này. Chính vì vậy tôi đã lập ra công cụ thiết kế web “ATM trang chủ” cho các chuyên gia giới thiệu về các nhà thiết kế web của họ. Một trong ba video mà bạn sẽ nhận khi đăng ký vào ExpertAcademy.com, bạn và nhà thiết kế web của mình sẽ biết cách tạo một trang web hiệu quả có thể kiếm ra tiền kể cả khi bạn đang ngủ. Điều cơ bản là đi theo những chiến lược ở bước tiếp theo.

Biển báo Chuyên gia:

1. Nếu phải thiết kế một trang web lý tưởng, những giá trị và thông tin tôi muốn cung cấp cho khách hàng sẽ là những thứ như…

2. Điều chủ yếu mà mọi người muốn tìm hiểu khi ghé thăm trang của tôi là…

3. Phần quà miễn phí tôi sẽ đưa cho khách hàng để đổi lại việc họ cung cấp thông tin liên hệ là…

4. Những sản phẩm và chương trình tôi muốn khách hàng của mình biết và mua sẽ là…

Bước 7: Vận động cho sản phẩm và chương trình của bạn

Khi đã có một trang web và mọi người có thể bắt đầu nhận được giá trị từ bạn và mua sản phẩm của bạn, đã đến lúc thu hút mọi người với những giá trị được cung cấp miễn phí và cuối cùng là chào bán thứ gì đó.

Trong bước này, tôi thích dùng từ “vận động” hơn là “quảng bá” vì một chiến dịch vận động gia tăng giá trị khác hoàn toàn với việc quảng bá.

Quảng bá là một hoạt động tiếp thị đơn lẻ hoặc một loạt các giao dịch với một khách hàng. Đó là một tờ quảng cáo hay bưu thiếp nói đại ý rằng: “Này, hãy mua sản phẩm của tôi đi!”. Nếu nó không có tác dụng thì nó sẽ vẫn được gửi đi lần nữa và lần nữa cho đến khi khách hàng phát điên.

Còn một chiến dịch gia tăng giá trị khác và là cách làm tốt nhất trong ngành của chúng tôi. Về mặt thuật ngữ, một chiến dịch là một chuỗi chiến lược các hoạt động quảng bá nhằm mang đến hành vi mong muốn từ phía khách hàng. Trong một chiến dịch gia tăng giá trị điển hình trong lĩnh vực chuyên gia, chúng tôi đưa ra một loạt giao dịch với khách hàng có nội dung thực sự tốt cho họ. Chúng tôi đưa ra những thông tin miễn phí và cuối cùng thì có thể nói ra một cách hiệu quả: “Này, nếu bạn muốn có những tài liệu học tập miễn phí mà tôi vừa gửi thì hẳn bạn sẽ thích chương trình mới của tôi có tên [chèn tên sản phẩm của bạn vào đây].”

Phương pháp tiếp thị này đã được thử thách qua thời gian. Bằng cách mang lại giá trị thật sự cho khách hàng trước khi đề nghị bán hàng, chúng ta sẽ tạo ra sự tin tưởng, giá trị và sự tương trợ để giúp khách hàng cảm thấy thoải mái và cuối cùng sẽ mua các sản phẩm và chương trình của chúng ta.

Chẳng hạn, trong lần tiếp thị trực tuyến mới đây nhất với doanh thu hơn 2 triệu đô chỉ trong 10 ngày, tôi đã đưa ra ba video hướng dẫn có giá trị và trong video thứ tư tôi nói: “Nếu bạn thích, đây là những thông tin chi tiết về chương trình mới của tôi có thể giúp bạn…” Hãy ghé thăm trang web của tôi, đăng ký theo dõi thường xuyên và bạn sẽ biết cách tôi làm tất cả những việc này. Chuyện đó đơn giản hơn hầu hết mọi người vẫn nghĩ.

Dù tất cả những điều này có vẻ mang tính kỹ thuật và thường có vẻ khó hiểu đối với những người mới vào nghề, hãy mạnh dạn lên; công việc tiếp thị ngày nay thực sự chỉ đơn giản vậy thôi. Đưa ra những thông tin tốt để cải thiện cuộc sống của mọi người rồi nói: “Này nếu bạn thích nó hẳn bạn sẽ thích cái này.” Tóm lại là chỉ có thế. Nhân tố quyết định thành công là đảm bảo thông tin miễn phí của bạn thực sự có giá trị và mang tính hành động. Không cần thiết phải nghĩ rằng nếu thông tin miễn phí của bạn hay ho thì khách hàng sẽ không muốn mua các sản phẩm mà bạn mang bán.

Tất nhiên là trong chiến dịch của mình, bạn vẫn phải truyền tải một cách hiệu quả lý do tại sao khách hàng nên tin tưởng vào bạn và mua sản phẩm của bạn. Bạn vẫn phải đi theo tất cả những điều cơ bản về tiếp thị như tạo dựng mối quan hệ, khéo léo chỉ ra vấn đề khách hàng đang gặp phải và giải pháp của bạn có thể giúp họ vượt qua như thế nào, chia sẻ lòng tin, cho khách hàng biết về lợi ích của giải pháp đó, đưa ra ví dụ cụ thể về những người đã thành công khi làm theo lời khuyên của bạn và đưa ra một mức giá hợp lý cũng như một sự đảm bảo nào đó. Tôi thấy hầu hết mọi người đều không làm được những điều này và vì vậy, tôi đã cơ cấu nội dung hội thảo của tôi theo cách tôi đã làm. Trong khuôn khổ cuốn sách này, tôi không thể đưa ra một khóa đầy đủ những điều cơ bản về tiếp thị nhưng để giúp bạn khởi đầu trong bước này, tôi đã tập trung những Biển báo Chuyên gia về cách tư duy để triển khai một chiến dịch vận động và cách giải thích về giá trị của thông tin cũng như các chương trình của bạn.

Một điểm nữa về chiến dịch vận động: Bạn không ngừng vận động. Là một sứ giả đang thực hiện sứ mệnh của mình, bạn hiểu rằng mục tiêu của mình là truyền tải thông điệp càng xa và càng rộng càng tốt. Nếu đúng như thế, bạn cần lập ra những chiến dịch vận động luôn chạy tự động từ (các) trang web của bạn. Bạn hãy làm mọi điều có thể dựa trên một nền tảng chiến lược, tích cực và thống nhất để truyền tải thông điệp.

Biển báo Chuyên gia:

1. Để gia tăng giá trị trước khi bán hàng cho cho mọi người, tôi có thể gửi cho họ một vài thông tin miễn phí như…

2. Sản phẩm đầu tiên tôi muốn tiếp thị cho khách hàng là…

3. Lí do mọi người nên mua sản phẩm này là vì nó giúp họ…

4. Sản phẩm này cuối cùng sẽ mang lại cho khách hàng những lợi ích sau trong cuộc sống…

5. Lí do sản phẩm này khác biệt so với các sản phẩm thường thấy là…

6. Lí do tôi biết sản phẩm này mang lại tác dụng cho mọi người là…

7. Lí do sản phẩm này được đưa ra với giá bán lẻ đặc biệt là…

8. Để trả cho sản phẩm này với giá bán lẻ đưa ra, mọi người phải tin là…

9. Lí do mọi người cần mua sản phẩm này bây giờ là…

Bước 8: Tìm đối tác quảng bá

Cho đến giờ, bạn vẫn chỉ có thể tự truyền tải thông điệp. Đó là lí do tại sao cần bắt đầu tìm kiếm các chuyên gia khác trong cộng đồng – những người đã có nhiều khán giả có thể quan tâm đến các chủ đề và nội dung huấn luyện của bạn. Nếu những chuyên gia này giúp quảng cáo thông điệp của bạn cho những người hâm mộ, tin theo và đăng ký sản phẩm dịch vụ của họ thì bạn có thể nhanh chóng mở rộng thông điệp cũng như thu nhập của mình.

Tôi vẫn luôn ngạc nhiên tại sao lại có ít người làm điều này một cách có ý thức và chiến lược đến vậy. Tôi đã gặp hàng ngàn người với những thông điệp, câu chuyện và thông tin giải pháp quan trọng nhưng lại chưa từng nghĩ đến việc để cho một đồng nghiệp hoặc lãnh đạo cùng ngành quảng bá chúng. Tôi đoán là mọi người vẫn cứ đang hy vọng một ngày nào đó Oprah sẽ dùng một cây đũa thần hóa phép cho họ.

Còn tôi, tôi luôn đến dự các hội nghị, các buổi kết giao, nghiên cứu và tìm kiếm các đối tác mới – những người có thể giúp tôi tiếp cận được với nhiều người hơn nữa bằng thông điệp của mình. Tôi thường vô tình gọi và vô tình gửi e-mail cho các “bậc thầy” trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đề nghị phỏng vấn họ cho khán giả của mình, giúp họ tiếp thị trực tuyến hay hỏi xem tôi có thể hỗ trợ họ thế nào. Tôi sống theo phương châm: Cứ cho đi rồi bạn sẽ được nhận lại. Tôi tin rằng nếu tôi làm gia tăng giá trị cho người khác trong ngành của mình thì đến lúc nào đó và bằng cách nào đó họ sẽ đáp lại.

Không gì có tác dụng sâu rộng hơn bằng cách để người khác quảng bá thông điệp của bạn thay vì bạn tự quảng bá. Vì vậy hãy bắt đầu tìm kiếm đối tác quảng bá cho mình. Thường thì khi bạn sẵn sàng gia tăng giá trị và quảng bá thông điệp cho người khác thì nhiều người cũng sẽ sẵn sàng làm điều tương tự cho bạn.

Hãy bắt đầu với việc nghiên cứu cơ bản về trực tuyến. Các chuyên gia khác cùng lĩnh vực chủ đề với bạn là những ai? Có một cách giúp bạn nhanh chóng tìm hiểu về điều này là hãy google những từ khóa cụ thể liên quan đến chủ đề của bạn. Một cách làm thông minh khác là ghé thăm trang web văn phòng của diễn giả. Chỉ cần google “văn phòng diễn giả” (speaker bureau) và xem có những ai khác đang nói về chủ đề của bạn. Cách tốt nhất để học hỏi và gặp gỡ người khác là dự các hội nghị trong lĩnh vực chuyên gia. Khi đã hiểu rõ những ai đang cùng dạy chủ đề giống với mình là lúc bạn cần đào sâu nghiên cứu xem họ đang cung cấp cho khán giả những gì, họ có nhiều khán giả thế nào, họ bán sản phẩm gì, giá trị và ưu tiên của họ là gì,v.v… Hầu hết những điều này đều hiện rõ trên trang web của họ. Từ đó, bạn cần tiếp cận với họ. Tôi sẽ bàn về tất cả những điều này kỹ hơn trong phần sau của cuốn sách.

Mục tiêu của bạn khi làm việc với các đối tác quảng bá luôn là để có cơ hội chia sẻ thông tin với khán giả của họ. Bạn muốn họ phỏng vấn bạn trong một cuộc hội thảo từ xa hay cùng tiến hành hội thảo web, giới thiệu một báo cáo trực tuyến hay video mà bạn mới đưa lên mạng hay dẫn dắt để khách hàng của họ đến xem bài viết trên mạng của bạn. Bạn muốn họ cho bạn được tiếp xúc. Mục tiêu thứ hai của bạn là biến sự tiếp xúc đó thành thu nhập bằng cách chào mời khách hàng mua thứ gì đó. Đây gọi là liên kết tiếp thị và tôi cũng sẽ trao đổi tiếp về vấn đề này trong phần sau của cuốn sách.

Cuối cùng, có một lý do tại sao bước này tiếp nối các bước khác trong quá trình 10 bước. Đừng thử tiếp cận mọi người và quảng bá thông điệp của bạn trừ khi bạn đã thực hiện thành công tám bước trước đó. Thật điên khùng nếu bảo ai đó quảng bá trong khi bạn chưa biết rõ chủ đề, khán giả và câu chuyện hay chưa có sản phẩm, trang web hay các bước vận động còn chưa có và được thử nghiệm. Thật ra bạn cũng sẽ không muốn người khác quảng bá nếu chưa làm những công việc này kể cả khi họ đề nghị trước. Thực tế là tôi cũng có nhiều khách hàng đã từng có mặt trong chương trình của Oprah và đúng là đã phá sản theo nghĩa đen. Họ có 15 phút huy hoàng bên đối tác tiếp thị tốt nhất trong lịch sử nhưng họ không có hạ tầng tiếp theo hoạt động để thu hút đầu tư. Điều này vẫn luôn xảy ra. Hãy coi như bạn được cảnh báo và đừng để điều này xảy ra với bạn. Trước tiên hãy thực sự tạo dựng thứ gì đó rồi nhờ người khác hỗ trợ để xây dựng nó lớn hơn. Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về sự hợp tác trong các chương tiếp theo. Giờ hãy nhận thức rằng điều quan trọng là bắt đầu tìm kiếm các đối tác quảng bá, vì vậy hãy đảm bảo hoàn thành các biển báo dưới đây:

Biển báo Chuyên gia:

1. Các chuyên gia khác đào tạo về chủ đề của tôi bao gồm… [tôi đặc biệt gợi ý các bạn tạo nên một bảng tính với tất cả những thông tin này].

2. Số lượng khán giả họ có trên Twitter và Facebook là…

3. Sản phẩm họ chào bán trên trang web gồm có…

4. Mức giá bán lẻ mà họ thường chào bán cho khán giả là…

5. Người này dựa trên những giá trị như…

6. Câu nói thường thấy của người này là…

7. Ưu tiên của người này dường như bao gồm…

8. Thông tin tôi có mà khán giả có thể trân trọng là…

Bước 9: Nhắc lại và tạo dựng sự nghiệp dựa trên Sự khác biệt, Sự ưu việt và Sự phục vụ

Tất cả các bước nói trên đều không phải là công việc một lần là xong. Bạn sẽ phải đào sâu suy nghĩ về chủ đề và khán giả, tạo ra sản phẩm mới, cập nhật trang web, xây dựng chiến lược và tìm kiếm đối tác quảng bá mới. Đó là công việc phải làm của một Sứ giả Triệu phú.

Trong tất cả các bước đó, tôi muốn các bạn luôn ghi nhớ ba giá trị từng giúp ích cho tôi rất nhiều trong ngành này và giúp tôi chia sẻ thông điệp với hàng triệu người.

Giá trị thứ nhất: Sự khác biệt

Giá trị thứ nhất là sự khác biệt, là sự độc nhất. Nếu bạn luôn nghĩ mình như một cá thể duy nhất, mang lại giá trị và nội dung duy nhất cho khách hàng của mình, bạn sẽ đạt được những thành công mà những người khác phải mơ ước. Cuộc đời cũng như chính lĩnh vực của chúng tôi không đánh giá cao những kẻ bắt chước hay ăn theo. Bạn càng là chính mình và thể hiện sự khác biệt cho những người hâm mộ và tin theo thì bạn càng trở nên có ảnh hưởng.

Về mặt nội dung, tôi tin rằng khác biệt là tài sản tuyệt vời nhất của mình. Có lẽ là vì trong gần như bất kỳ chủ đề nào tôi đều luôn nhớ đến lời khuyên của cha mình “Hãy là chính mình”. Tôi đã áp dụng lời khuyên này để đạt được đỉnh cao trong kinh doanh và rất có chiến lược cũng như chủ định về việc này. Vì tôi đã nghiên cứu về tất cả những đồng nghiệp của mình và về những thông tin, chương trình hiện có dành cho khách hàng của mình, tôi biết rõ tôi và nội dung thông tin của tôi khác biệt ra sao. Điều này cho phép tôi trở nên vô cùng thuyết phục trong tất cả các hoạt động quảng bá tiếp thị – “Này anh, hãy chọn chương trình của tôi vì nó khác cái này, không giống cái kia và nhất là nó sẽ giúp anh…” Tôi chia sẻ điều này với bạn vì tôi tin rằng điều vô cùng quan trọng đối với thành công lâu dài của bạn là phải luôn để ý đến lĩnh vực này, cũng như những cách làm hay để biết nội dung thông tin của mình có thể đạt đến mức độ nào so với những thứ đang được chào mời khác trên thị trường.

Giá trị thứ hai: Sự ưu việt

Giá trị thứ hai mà tôi khuyến khích các bạn phát triển cho đế chế chuyên gia của mình đó là sự ưu việt. Nổi bật trong bất kỳ vai trò nào, nghề nghiệp nào hay lĩnh vực nào đơn giản có nghĩa là bạn được thúc đẩy bởi sự ưu việt hơn các đối tác của mình. Với tôi, ưu việt là nỗ lực ở mức cao nhất và chăm chút đến nghề nghiệp cũng như khách hàng để đảm bảo giá trị bạn mang lại bằng hoặc lớn hơn bất kỳ thứ gì khác. Đó là sự nỗ lực để trở thành một bậc thầy và lãnh đạo trong lĩnh vực bạn đang làm.

Tôi thường hướng dẫn khách hàng của mình thử xem xét sự ưu việt theo 360 độ – chúng ta phải đòi hỏi chính mình, nhân viên của mình và thậm chí cả khách hàng của mình trở nên ưu việt.

Chúng ta phải luôn tự buộc mình hoàn thiện trong chính công việc của mình. Không dễ làm được điều này vì các sứ giả thường thấy mình bị vây quanh bởi những người ái mộ nhiệt tình. Vì vậy chúng ta rất dễ có tâm lý thỏa mãn, ngừng nỗ lực thúc đẩy mọi giới hạn và không còn mang lại mọi thứ với mức độ hoàn thiện ngày một cao nữa. Nhưng các bậc thầy trong cộng đồng này luôn tự ép mình cố gắng trở thành tác giả, diễn giả, điều giải viên, hướng dẫn viên, nhà tiếp thị, kinh doanh, lãnh đạo và cả người phục vụ giỏi hơn. Họ được thôi thúc bởi khát khao phát triển, đóng góp và trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Và họ biết điều này sẽ có lợi cho danh tiếng và công việc của họ. Như Paula Abdul đã nói khi cô đến dự và làm các khán giả của tôi tại Học viện Chuyên gia phải ngạc nhiên khi nói: “Khi đi đủ xa thì bạn không còn phải gặp xe cộ nữa”.

Với nhân viên và đối tác, chúng ta phải là đại sứ của sự ưu việt. Chúng ta phải dẫn dắt họ theo cách để họ hình thành sự tập trung tối đa vào việc trở thành người tốt nhất trong công việc. Điều này có vẻ quá rõ nhưng hầu hết các chuyên gia và doanh nhân đều không coi công việc của họ là một công việc thực sự nên họ thường bỏ qua khía cạnh quan trọng để trở nên thành công này.

Chúng ta cũng phải đòi hỏi khách hàng trở thành người giỏi nhất trong những lĩnh vực chúng ta huấn luyện họ. Thực tế đáng buồn là hầu hết mọi người đều không có ai bên cạnh để thôi thúc họ phải tiến bộ và hoàn thiện hơn trong mọi việc mình làm. Vì vậy hãy trở thành chính con người đó cho khách hàng của mình. Buộc họ phải cố gắng hết sức và luôn hành động xuất sắc. Khi bạn làm được điều này thì kết quả sẽ làm bạn ngạc nhiên. Từ đó mọi người sẽ bắt đầu coi bạn như người hướng dẫn của họ và họ sẽ có thể trở thành người ái mộ và khách hàng suốt đời của bạn. Họ tự nói: “Ồ, những chuyên gia này đang đòi hỏi tôi phải ở mức cao nhất, họ đang cho tôi thấy con đường phát triển và hoàn thiện. Tôi thích rồi đấy.” Bạn càng cho mọi người thấy sự tin cậy và tiêu chuẩn hoàn thiện, họ càng quan tâm đến công việc của bạn và những giá trị bạn mang lại – vì chưa có ai khác làm cho họ điều đó.

Giá trị thứ ba: Sự phục vụ

Nền tảng trong lĩnh vực chuyên gia là phục vụ người khác. Điều làm tôi thích thú trong công việc này là chúng tôi giúp đỡ người khác bằng cách cung cấp thông tin có giá trị giúp họ cải thiện cuộc sống của mình. Từ giờ trở đi, đây thực sự là công việc của bạn.

Tôi nghĩ đến giá trị của sự phục vụ theo hai cách. Thứ nhất, nó có nghĩa là tiếp cận công việc này ở góc độ phục vụ từ trái tim và khối óc. Những chuyên gia biết kinh doanh đã vươn lên kiếm hàng triệu đô và đến với hàng triệu người, những người đã trở thành Sứ giả Triệu phú, bước vào và trụ lại với công việc này vì những lý do chính đáng. Họ quan tâm đến việc giúp đỡ người khác. Họ có sự gắn kết sâu sắc với những người mình phục vụ. Họ thực sự muốn giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề và đánh thức tiềm năng trong mình. Họ tạo ra những sản phẩm và thông tin tuyệt vời không phải để trở thành triệu phú mà để giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

Mọi Sứ giả Triệu phú tôi từng gặp đều được thôi thúc bởi sự thấu hiểu, lòng thương cảm và sự vị tha. Bạn bè và gia đình nói họ có trái tim bao la và nhiều người trong cộng đồng gọi họ là “con người lý tưởng”. Có vẻ như họ quá tin vào việc giúp đỡ người khác bằng những gì mình biết đến mức nếu bạn không cho họ làm vậy, họ sẽ thấy thực sự mất mát. Các sứ giải nhìn công việc của mình như hầu hết mọi người vẫn nhìn nhận về công việc tình nguyện – một cơ hội cho đi từ trái tim. Họ là những nhà lãnh đạo tận tâm.

Giá trị phục vụ này không chỉ có nghĩa là làm việc vì lý do chính đáng mà còn có nghĩa là làm việc đúng lúc khi cần dịch vụ khách hàng. Lĩnh vực của chúng tôi cần quan tâm tốt hơn đến khách hàng và coi trọng dịch vụ khách hàng hơn cả các công ty trong danh sách 500 công ty được Fortune bình chọn. Chúng ta cần làm đúng những gì đã hứa, có người để sẵn sàng trả lời email và các cuộc gọi ngay trong ngày, luôn bên khách hàng và mong muốn mang lại cho khách hàng những giá trị tuyệt vời. Điều này có ý nghĩa trong bất kỳ công việc nào nhưng bản chất công việc này buộc chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ khách hàng. Trong ngành này, tiếng tăm thường cũng chính là công việc làm ăn – Tony Robbins đã nói như thế đấy. Nếu bạn không chăm sóc tốt khách hàng, tai tiếng sẽ bị truyền đi. Tên tuổi, thương hiệu và toàn bộ công việc của bạn có thể nhanh chóng bị hủy hoại nếu bạn không chăm sóc tốt khách hàng. Và dù vì lý do gì, khách hàng không được chăm sóc tốt sẽ lên mạng bày tỏ sự thất vọng hơn bất kỳ ngành nào khác trong nền kinh tế. “Đập lại thầy” là câu nói thường thấy và chỉ riêng ngôn ngữ thôi cũng cho thấy mọi người thích theo dõi các chuyên gia và bậc thầy trong mọi lĩnh vực. Đó chính là một lý do nữa cho thấy tại sao bạn luôn phải chăm sóc khách hàng.

Biển báo Chuyên gia:

1. Điều làm tôi khác biệt trong ngành này là tôi…

2. Lí do tôi luôn hướng đến sự hoàn thiện trong mọi việc mình làm là…

3. Lí do tôi làm việc này trước tiên là…

Mục đích của chương này là đưa ra cho bạn một bức tranh toàn cảnh về nghề nghiệp mới của mình. Hãy thường xuyên làm theo 9 bước là bạn có thể bắt đầu xây dựng một đế chế chuyên gia tuyệt vời. Trong chương tiếp theo, bạn sẽ thấy nơi bắt đầu lăn bóng và nơi bắt đầu kiếm tiền trong ngành này. Bạn sẽ biết làm sao các chuyên gia biết kinh doanh thường trở thành Sứ giả Triệu phú thông qua năm chương trình đơn giản. Trước khi đi tiếp, hãy nhớ làm bài tập về nhà và hoàn thiện hết các câu trong phần Biển báo Chuyên gia.

Nghề Chia Sẻ

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here