NLP Căn Bản

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao cùng đối mặt với một vấn đề mà kết quả mọi người thu được lại rất khác nhau? Tại sao một số người lại thành công ở mọi mặt, tràn đầy nhiệt huyết và luôn tìm thấy những niềm vui bất tận, còn những người khác thì không?

NLP Căn Bản sẽ trả lời cho bạn những câu hỏi này. Bằng cách khám phá suy nghĩ và hành động của những người thành công, bạn có thể học được những kỹ năng và công cụ để biến đổi cuộc sống của chính mình.

Đọc NLP Căn Bản, bạn sẽ:

– Học được cách điều khiển trạng thái cảm xúc của bản thân

– Phát triển kỹ năng thuyết phục trong giao tiếp

– Vượt qua những trở ngại trong công việc và cuộc sống

– Giúp những người khác thành công

– Và làm được nhiều điều thú vị khác trong cuộc sống

Trích đoạn sách hay

THỜI GIAN BÊN NGOÀI VÀ THỜI GIAN BÊN TRONG

Cho tới giờ chúng ta đã tập trung vào sự quan trọng của sự sắc sảo cảm nhận, luôn để mở các giác quan và chú ý đến phản ứng của những người xung quanh. Trong NLP, trạng thái điều chỉnh các giác quan này để phù hợp với thế giới bên ngoài được biết đến với tên gọi Thời gian bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có những trạng thái khi chúng ta chìm sâu vào suy nghĩ bên trong thực tại của chúng ta.

 

Hãy rời mắt khỏi cuốn sách trong giây lát và nhớ lại một khoảng thời gian khi bạn chìm sâu trong suy nghĩ…

 

Chắc hẳn bạn phải lục lọi rất kỹ trong đầu để nhớ ra. Bạn sẽ phải tập trung hướng nội, cảm giác, quan sát và lắng nghe nội tâm mình. Đây là trạng thái mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. Càng dấn sâu vào trạng thái này, bạn càng ít nhận thức được những kích thích bên ngoài; trong NLP, chìm sâu trong suy nghĩ là một cách mô tả hay về trạng thái này, được biết đến với tên gọi thời gian bên trong. Bất cứ khi nào bạn yêu cầu ai đó nghĩ về hình ảnh, nghe âm thanh và cảm nhận ở bên trong, tức là bạn đang yêu cầu người này đi vào trạng thái thời gian bên trong. Thời gian bên trong là nơi bạn nằm mơ giữa ban ngày, để lên kế hoạch, mơ mộng viển vông và sáng tạo ra các khả năng.

 

Trên thực tế, chúng ta ít khi hoàn toàn ở trạng thái thời gian bên ngoài hay thời gian bên trong; ý thức thường nhật của chúng ta là sự kết hợp giữa một phần nhận thức bên ngoài và một phần nhận thức bên trong. Chúng ta sử dụng các giác quan bên ngoài hay bên trong tùy vào hoàn cảnh.

 

Xem các trạng thái tâm trí như những công cụ để làm được nhiều việc khác nhau là rất hữu ích. Chơi một ván cờ đòi hỏi trạng thái tâm trí rất khác so với việc ăn gì đó. Không có trạng thái tâm trí nào đúng hay sai cả, nhưng tồn tại những hệ quả. Có những hệ quả bi thảm, chẳng hạn nếu bạn cố băng qua một con đường đông đúc với trạng thái tâm trí như khi bạn chuẩn bị đi ngủ, thì thời gian bên ngoài chắc chắn là trạng thái tốt nhất để sử dụng khi băng qua đường; hay những hệ quả buồn cười như khi bạn cố nói một từ khó phát âm trong trạng thái đã uống quá nhiều bia rượu. Thường thì bạn làm gì đó không tốt vì bạn không ở đúng trạng thái. Bạn không thể chơi một trận tennis tốt nếu bạn đang ở trạng thái tâm trí khi đấu cờ.

 

Bạn có thể tiếp cận những nguồn lực vô thức trực tiếp bằng cách tìm kiếm và sử dụng một dạng thời gian bên trong được biết đến với tên gọi “trạng thái thôi miên”. Trong trạng thái thôi miên, bạn cực kỳ tập trung vào thứ gì đó trong một giới hạn. Nó là một trạng thái thay thế cho trạng thái ý thức thông thường. Trải nghiệm của mỗi người về trạng thái thôi miên là khác nhau vì ai cũng bắt đầu từ một trạng thái bình thường khác nhau được chi phối bởi những hệ thống hình dung ưa chuộng.

Hầu hết những hoạt động trong trạng thái thôi miên và những trạng thái thay thế khác được sử dụng trong môi trường trị liệu tâm lý vì tất cả các liệu pháp đều sử dụng trạng thái thôi miên ở những mức độ khác nhau. Tất cả đều tiếp cận những nguồn lực vô thức theo những cách khác. Bất cứ ai đang tự do liên tưởng trên chiếc ghế dài của chuyên gia phân tích đều đang ở trạng thái bên trong và người đang nhập vai trong liệu pháp Gestalt cũng vậy. Liệu pháp thôi miên hiển nhiên là sử dụng trạng thái thôi miên.

Một người tham gia trị liệu vì đã sử dụng hết những nguồn lực trong ý thức của mình. Anh ta bị bế tắc. Anh ta không biết mình cần gì và tìm chúng ở đâu. Trạng thái thôi miên mang đến một cơ hội giải quyết vấn đề vì nó giúp vượt qua tâm trí ý thức và biến những nguồn lực vô thức trở nên khả dụng. Hầu hết những thay đổi đều xuất hiện ở cấp độ vô thức và từ đó chuyển lên cấp độ ý thức. Tâm trí ý thức không nhất thiết phải khởi xướng những thay đổi và dù gì thì nó cũng thường không nhận biết được những thay đổi này. Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ liệu pháp nào cũng đều là giúp bệnh nhân có lại khả năng xoay sở trong thực trạng riêng của mình. Ai cũng có một lịch sử cá nhân phong phú chứa đầy những trải nghiệm và khả năng xoay sở tốt có thể được trích xuất ra. Nó chứa đựng tất cả những nguyên liệu cần thiết cho những thay đổi nhưng chỉ khi bạn có thể chạm vào nó.

Một trong những lý do mà chúng ta chỉ sử dụng rất ít năng lực khả dĩ của bộ não là do hệ thống giáo dục của chúng ta quá tập trung vào hệ thống đánh giá bên ngoài thông qua những thành tựu được chuẩn hóa và theo đuổi mục tiêu của những người khác. Chúng ta được rèn luyện rất ít để tối đa hóa năng lực nội tại độc nhất vô nhị của bản thân. Hầu hết các đặc tính cá nhân của chúng ta tồn tại trong vô thức. Trạng thái thôi miên là trạng thái lý tưởng để khám phá và khôi phục những nguồn lực nội tại độc đáo này.

HÌNH MẪU MILTON

“Làm như vậy là gán quá nhiều nghĩa cho một từ”, Alice nói bằng giọng trầm tư suy nghĩ.

“Khi ta bắt một từ phải làm nhiều việc như thế”, Humpty Dumpty nói, “Ta cũng luôn trả công nhiều hơn.”

— Alice qua tấm gương soi, LEWIS CARROL —

Gregory Bateson rất hào hứng với cuốn Cấu trúc ma thuật 1, cuốn sách nói về Siêu mô hình. Ông nhận ra tiềm năng to lớn trong các ý tưởng Siêu mô hình. Ông nói với John và Richard, “Có một gã trung tuổi kỳ lạ ở Phoenix, Arizona. Một chuyên gia trị liệu xuất sắc nhưng không ai biết ông ta đang làm gì hay đang làm bằng cách nào. Sao các anh không thử tới đó tìm hiểu xem!” Bateson biết “gã trung tuổi kỳ lạ” Milton Erickson này được 15 năm và ông sắp xếp một cuộc hẹn cho họ gặp người đàn ông này.

John và Richard làm việc với Erickson vào năm 1974 khi ông được đánh giá là một trong những chuyên gia trị liệu thôi miên lỗi lạc nhất. Ông là chủ tịch sáng lập Hiệp hội Thôi miên Lâm sàng Mỹ, đã thuyết trình trước rất nhiều hội thảo, giảng dạy cũng như hoạt động trị liệu. Ông nổi tiếng thế giới với tư cách là một chuyên gia trị liệu nhạy cảm cũng như thành công và nổi tiếng với khả năng quan sát tinh nhạy trước những hành vi phi ngôn từ. Nghiên cứu của John và Richard cho ra đời hai cuốn sách. Những mô hình kỹ thuật thôi miên của Milton H. Erickson Bộ 1 năm 1975. Bộ 2 viết chung với Judith DeLozier xuất bản năm 1977. Hai cuốn sách chủ yếu nói về những phễu lọc nhận thức tương tự như phương pháp của Erickson dù Erickson nhận xét rằng các cuốn sách này lý giải phương pháp của ông tốt hơn rất nhiều so với tự bản thân ông có thể diễn đạt. Và đó là một lời khen chính xác.

NLP cũng liên quan đến việc tái cân bằng. Siêu mô hình giúp tìm ra những ý nghĩa chính xác. Erickson sử dụng ngôn ngữ theo một cách mơ hồ đầy nghệ thuật để bệnh nhân của ông có thể hiểu ý nghĩa theo cách phù hợp nhất với họ. Ông gợi lên và tận dụng các trạng thái thôi miên giúp các cá nhân vượt qua được vấn đề và khám phá những nguồn lực bản thân. Cách sử dụng ngôn ngữ này được biết đến với tên gọi hình mẫu Milton, một mô hình vừa bổ sung vừa tương phản với sự chính xác của Siêu mô hình.

Hình mẫu Milton là một phương pháp sử dụng ngôn ngữ để gợi lên và duy trì trạng thái thôi miên nhằm tiếp cận những nguồn lực ẩn giấu trong nhân cách của chúng ta. Phương pháp này đi theo cách hoạt động tự nhiên của não bộ. Trạng thái thôi miên là trạng thái trong đó bạn có rất nhiều động lực thúc đẩy để học hỏi từ tâm trí vô thức của mình theo hướng đi vào bên trong nội tâm. Nó không phải là trạng thái bị động hay bạn đang bị ảnh hưởng từ người khác. Có một sự hợp tác giữa bệnh nhân và chuyên gia trị liệu, những phản ứng của bệnh nhân giúp chuyên gia trị liệu biết phải làm gì tiếp theo.

Phương pháp của Erickson dựa trên nhiều ý tưởng được các chuyên gia trị liệu nhạy cảm và thành công chia sẻ. Giờ đây chúng đã trở thành những phỏng định trong NLP. Ông tôn trọng tâm trí vô thức của bệnh nhân. Ông cho rằng có một mục đích tích cực đằng sau dù là ở hành vi kỳ quái nhất và các cá nhân đưa ra những chọn lựa tốt nhất có thể đối với họ tại thời điểm đó. Ông cũng cho rằng ở một cấp độ nào đó, các cá nhân đã có tất cả những nguồn lực cần thiết để thay đổi.

NLP Căn Bản

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here