Phải Trái Đúng Sai là quyển sách best-seller tại Mỹ của giáo sư Michael Sandel, đại học Harvard.

Sách bàn về vấn đề đạo đức dưới cái nhìn triết học. Tác giả đưa ra các vụ việc gây tranh cãi về vấn đề đạo đức để mổ xẻ dưới nhiều góc độ, theo quan điểm của các học thuyết triết học khác nhau, mỗi chương trình bày sâu về một học thuyết. Nhờ vậy, tư tưởng của Aristotle, Jeremy Bentham, Immanuel Kant, John Stuart Mill, Robert Nozick, và John Rawl được trình bày với sự rõ ràng và gần gũi, mà theo New York Times là “hiếm khi được giải thích dễ hiểu đến như vậy”.

“Michael Sandel – có lẽ là giáo sư đại học nổi tiếng nhất ở Mỹ – đã mang lại “sự minh bạch về đạo đức cho sự lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt, với tư cách là công dân trong xã hội dân chủ”. Ông đã chỉ ra rằng sự chia rẽ chính trị không phải giữa cánh tả với cánh hữu mà giữa những người nhận ra không có gì quý hơn quyền cá nhân và lựa chọn cá nhân với những người tin vào một nền chính trị phục vụ lợi ích số đông.”

(Bưu điện Washington)

“Quyết liệt, dễ hiểu, và đầy tính nhân văn, cuốn sách này thực sự là một cuốn sách làm thay đổi người đọc.”

(Publisher Weekly)

Trích đoạn sách hay

AI XỨNG ĐÁNG VỚI THỨ GÌ – ARISTOTLES

CALLIE SMARTT là người cổ vũ[35] năm thứ nhất rất nổi tiếng ở Trường trung học Andrews tại miền Tây Texas. Dù bị bại não và phải di chuyển trên xe lăn, cô vẫn nhiệt tình truyền cảm hứng cho các cầu thủ bóng bầu dục và người hâm mộ bởi sự phấn khích của mình bên đường biên khi cổ vũ cho các trận đấu. Nhưng vào cuối mùa giải, Callie bị loại khỏi đội cổ vũ.

Trước sức ép của một vài người cổ vũ khác cùng cha mẹ họ, viên chức nhà trường nói với Callie rằng để tham gia đội cổ vũ năm tới, cô phải cố gắng như những người khác, thực hiện một chế độ luyện tập nghiêm ngặt các động tác nhảy và xoạc, ông bố cô bé thủ lĩnh đội cổ vũ là người đi đầu trong việc ngăn cản Callie tham gia đội. Ông tuyên bố mình quan ngại đến sự an toàn của cô. Nhưng mẹ Callie ngờ rằng sự phản đối này xuất phát từ sự bực tức do Callie được hoan nghênh nhiệt liệt.

Câu chuyện của Callie gợi ra hai câu hỏi. Thứ nhất là về sự công bằng. Cô có buộc phải luyện tập để đủ điều kiện tham gia cổ vũ, hay đòi hỏi này không công bằng vì cô bị khuyết tật? Một cách giải đáp vấn đề này viện dẫn nguyên tắc không phân biệt đối xử miễn là thực hiện tốt vai trò của mình, Callie không nên bị loại khỏi đội cổ vũ đơn giản chỉ vì cô không có khả năng thể lực để thực hiện các động tác thể dục – đây không phải lỗi của cô.

Tuy nhiên, nguyên tắc không phân biệt đối xử không có ích lắm, vì đặt ra câu hỏi chính yếu trong cuộc tranh cãi: Thực hiện tốt vai trò cổ vũ có nghĩa là gì? Phe chống đối Callie cho rằng người cổ vũ tốt phải có khả năng nhảy và xoạc. Xét cho cùng, đó chính là cách truyền thống để các cổ vũ viên hoạt náo đám đông. Người ủng hộ Callie cho rằng nói vậy là nhầm lẫn giữa mục đích cổ vũ và phương pháp thực hiện. Mục đích cổ vũ là khơi dậy tinh thần của trường và truyền lửa cho người ủng hộ. Khi Callie ngồi xe lăn hò hét trên đường biên, vẫy vẫy các quả bông và nở nụ cười rạng rỡ, cô đã làm tốt những gì người cổ vũ có nghĩa vụ phải làm – thổi lửa vào đám đông, vì vậy, để quyết định phẩm chất cần có là gì, chúng ta phải quyết định điều gì thiết yếu với người cổ vũ, và điều gì chỉ mang tính ngẫu nhiên.

Câu hỏi thứ hai trong câu chuyện của Callie là về sự bực tức. Người cha của đội trưởng đội cổ vũ bực tức theo kiểu nào? Vì sao ông phiền lòng trước sự hiện diện của Callie trong đội? Hẳn không phải lo Callie sẽ lấy vị trí của con gái ông, cả hai đều ở trong đội. Cũng không phải sự ghen tị nhỏ mọn như khi ông thấy một cô gái tỏa sáng hơn con gái ông ở các động tác thể dục, mà điều này thì tất nhiên Callie không thể làm được.

Đây là linh cảm của tôi: sự bực tức của ông có thể phản ánh cảm giác Callie đang được ban cho một vinh dự cô ấy không xứng đáng nhận, theo khía cạnh chế nhạo niềm tự hào của ông về kỹ năng cổ vũ của cô con gái. Nếu việc cổ vũ giỏi là cái gì đó có thể thực hiện trên một chiếc xe lăn, thì vinh dự thường cho những người nhảy và xoạc giỏi sẽ bị giảm đi ít nhiều.

Nếu Callie nên là người cổ vũ vì thể hiện những giá trị phù hợp với vai trò này dù bị khuyết tật, Callie sẽ đe dọa vinh dự được trao cho những người cổ vũ khác. Các kỹ năng thể dục họ trình diễn không còn mang tính thiết yếu trong việc cổ vũ, chỉ là một trong nhiều cách làm đám đông phấn chấn. Dù không rộng lượng, ông bố cô đội trưởng đội cổ vũ nhận biết chính xác cái gì bị đe dọa. Một tập quán xã hội từng được coi là có mục đích và cách tôn vinh đã định hình, bây giờ do Callie mà phải được xác định lại. Cô đã chỉ ra rằng có nhiều hơn một cách làm người cổ vũ.

Chú ý mối liên hệ giữa câu hỏi đầu tiên (sự công bằng) và câu hỏi thứ hai (vinh dự và sự bực tức). Muốn xác định một cách thức công bằng để định rõ vị trí người cỗ vũ, chúng ta cần phải xác định tính chất và mục đích của hành động cổ vũ. Nếu không, chúng ta không có cách nói cổ vũ cần những phẩm chất gì. Tuy nhiên, việc xác định tính chất của cổ vũ có thể gây tranh cãi, bởi vì nó làm chúng ta vướng vào mớ lý lẽ về phẩm chất xứng đáng được vinh danh. Điều gì được coi là mục đích của cổ vũ phụ thuộc một phần vào việc bạn nghĩ giá trị nào đáng được công nhận và tưởng thưởng.

Vụ việc cho thấy các tập quán xã hội như cổ vũ không chỉ có mục đích phương tiện (cổ vũ đội thi đấu) mà còn có mục đích tôn vinh hay làm gương (ca tụng một số giá trị và đức tính). Trong việc lựa chọn người cổ vũ, các trường không chỉ thúc đẩy tinh thần của trường mà còn bày tỏ những phẩm chất mà mình hy vọng học sinh sẽ coi trọng và noi theo. Điều này giải thích tại sao cuộc tranh luận căng thẳng đến vậy. Nó cũng giải thích điều lẽ ra đã gây khó xử – các thành viên đội cổ vũ (và cha mẹ họ) cảm thấy có quyền lợi thế nào trong cuộc tranh luận về tư cách của Callie. Các bậc phụ huynh này muốn việc cổ vũ tôn vinh những đức tính truyền thống của người cổ vũ mà con họ có được.

Công lý, telos, và danh dự

Theo khía cạnh này, cuộc xung đột về người cổ vũ ở Tây Texas ứng với một phần học thuyết của Aristotle về công lý. Trọng tâm trong triết lý-chính trị của Aristotle là hai ý tưởng, cả hai đều hiện diện trong cuộc tranh luận liên quan đến Callie:

  1. Công lý có tính mục đích luận. Việc xác định các quyền đòi hỏi chúng ta tìm ra telos của tập quán xã hội đang bàn tới.
  2. Công lý có tính tôn vinh. Suy luận hay tranh luận về telos của một tập quán là suy luận hay tranh luận (ít nhất là phần nào đó) về những giá trị tập quán này tôn vinh và khen thưởng.

Chìa khóa để hiểu lý thuyết về đạo đức và chính trị của Aristotle là xem ảnh hưởng của hai ý tưởng trên và mối quan hệ giữa chúng.

Các thuyết hiện đại về công lý cố gắng tách những câu hỏi về công bằng và quyền khỏi lý lẽ về danh dự, giá trị, sự xứng đáng về mặt đạo đức. Họ tìm kiếm các nguyên tắc công lý trung lập giữa các mục tiêu và cho phép mọi người lựa chọn theo đuổi mục tiêu của chính mình. Aristotle (384-322 trước Công nguyên) không nghĩ Công lý có thể có vị trí trung lập như thế. Ông tin tranh luận về công lý không tránh khỏi là tranh luận về sự vinh danh, giá trị, và bản chất của lối sống tốt đẹp.

Việc tìm hiểu tại sao Aristotle cho rằng công lý phải được kết nối với lối sống tốt đẹp sẽ giúp chúng ta nhìn thấy những gì bị đe dọa trong nỗ lực tách chúng ra.

Đối với Aristotle, công lý có nghĩa là cho mọi người những gì họ xứng đáng, trao cho mỗi người cái họ đáng hưởng. Nhưng cái một người đáng hưởng là gì? Giá trị đáng tưởng thưởng hay sự xứng đáng căn cứ vào đâu? Điều đó phụ thuộc vào thứ đang được phân phối. Công lý liên quan đến hai yếu tố: “Điều gì, và những người được giao điều đó”. Và nói chung, chúng ta nói rằng “những người bình đẳng cần phải được nhận những thứ bình đẳng”.

Nhưng ở đây phát sinh một câu hỏi khó: bình đẳng theo khía cạnh nào? Điều đó phụ thuộc vào những gì chúng ta phân phối và về các giá trị liên quan đến những thứ đó.

Giả sử chúng ta phân phối sáo. Ai sẽ nhận được cây sáo tốt nhất? Câu trả lời của Aristotle: sáo tốt nhất dành cho người thổi hay nhất.

Công lý phân biệt đối xử theo giá trị, theo sở trường có liên quan. Và trong trường hợp cây sáo, giá trị liên quan là khả năng thổi hay. Hẳn sẽ bất công nếu phân biệt đối xử trên bất kỳ cơ sở nào khác như sự giàu có, dòng dõi quý tộc, vẻ đẹp thể chất, hoặc ngẫu nhiên (bốc thăm).

Dòng dõi và sắc đẹp có thể có giá trị lớn hơn khả năng thổi sáo, và nếu đem lên bàn cân thì ở lĩnh vực này, họ có thể vượt trội người thổi sáo còn hơn anh ta vượt họ ở lĩnh vực thổi sáo, nhưng sự thật vẫn là người thổi sáo nên được nhận cây sáo tốt nhất.

Thật buồn cười khi so sánh các kiểu sở trường hoàn toàn khác nhau. Thậm chí thật vô nghĩa khi hỏi, “Tôi có đẹp trai hớn việc cô ấy chơi bóng tốt không?” hoặc “Liệu Babe Ruth là cầu thủ bóng chày vĩ đại hơn nhà viết kịch Shakespeare không?”. Câu hỏi như thế chỉ có ý nghĩa tại các trò chơi phòng khách. Ý của Aristotle là khi phân phối sáo, chúng ta không nên nhìn ai giàu nhất hay ai đẹp nhất hay ai tổng thể tốt nhất. Chúng ta phải tìm người chơi sáo tốt nhất. Ý tưởng này rất quen thuộc. Nhiều dàn nhạc tiến hành tuyển nhạc công sau màn che để đánh giá chất lượng âm nhạc trong điều kiện loại bỏ thiên kiến hay phân tâm. Lý giải của Aristotle mới không quen thuộc. Lý do dễ thấy nhất để đưa cây sáo tốt nhất cho ngươi thổi hay nhất là vì làm vậy sẽ tạo ra thứ âm nhạc hay nhất, có lợi cho thính giả. Nhưng đây không phải là nguyên nhân Aristotle đưa ra. Ông cho rằng sáo tốt nhất nên được đưa cho người thổi sáo tốt nhất vì đó là mục đích người ta làm ra cây sáo – để thổi được hay.

Mục đích của cây sáo là tạo ra thứ âm nhạc tuyệt hảo. Những người có thể làm tốt nhất việc này nên có được cây sáo tốt nhất.

Bây giờ cũng đúng là đưa nhạc cụ tốt nhất cho nhạc công xuất sắc nhất sẽ tạo ra thứ âm nhạc hay nhất, điều mà tất cả mọi người được hưởng thụ – hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất. Nhưng điều quan trọng là hiểu được lý lẽ của Aristotle vượt ra ngoài suy xét như thế của thuyết vị lơi.

Cách lý luận của ông từ mục đích của một điều tốt đẹp đến cách phân phối hợp lý điều tốt đẹp đó là một ví dụ của lý lẽ mục đích luận. Aristotle cho rằng để xác định cách phân phối công bằng một điều tốt, chúng ta phải tìm hiểu telos, hay mục đích, của điều tốt cần được phân phối.

Tư duy mục đích luận: Sân quần vợt và Winnie-the-Pooh

Có vẻ kỳ lạ, nhưng suy nghĩ về công lý theo kiểu tư duy mục đích luận có một mức độ hợp lý nào đó. Giả sử bọn phải quyết định cách phân phối việc sử dụng những sân quần vợt tốt nhất trong khuôn viên trường đại học. Bạn có thể ưu tiên những người trả tiền nhiều nhất bằng cách thu phí cao. Hoặc bạn có thể ưu tiên các nhân vật lớn trong trường – chẳng hạn hiệu trưởng hoặc nhà khoa học được giải Nobel. Nhưng giả sử hai nhà khoa học nổi tiếng chơi rất tệ, ít khi nào đánh bóng được qua lưới, và đội tuyển quần vợt đến và muốn sử dụng sân. Bạn sẽ không nói hai nhà khoa học nên chuyển sang một sân kém hơn để các cầu thủ đội tuyển có thể sử dụng sân tốt nhất chứ? Và bạn sẽ không lý giải rằng người chơi quần vợt tuyệt vời nhất mới có thể tận dụng tối đa sân quần vợt tốt nhất, và thật phí phạm nếu để cho những người chơi xoàng sử dụng?

Hoặc giả sử cây đàn violin Stradivarius[37] được đem bán đấu giá, và một nhà sưu tập giàu có đã chiến thắng Itzhak Perlman[38] để mua được. Nhà sưu tập này muốn bày cây đàn violon trong phòng khách của mình. Phải chăng chúng ta cảm thấy mất mát thứ gì đó, có lẽ có cả sự bất công – không phải vì chúng ta nghĩ cuộc đấu giá không công bằng, mà vì kết quả không phù hợp? Nằm phía sau phản ứng này có thể là suy nghĩ (kiểu mục đích luận) rằng cây đàn violon Stradivarius được làm ra để chơi, không phải để trưng bày.

Trong thế giới cổ đại, tư duy mục đích luận phổ biến hơn bây giờ. Plato và Aristotle nghĩ ngọn lửa bùng lên bởi vì muốn hướng lên bầu trời – ngôi nhà tự nhiên của nó; hòn đá rơi xuống vì chúng cố gắng để về với mặt đất, quê hương chúng. Tự nhiên được coi là có một trật tự có ý nghĩa. Để hiểu được tự nhiên và vị trí của chúng ta ở đó thì phải nắm bắt được mục đích, ý nghĩa then chốt của tự nhiên.

Với sự ra đời của khoa học hiện đại, tự nhiên không còn được xem như một trật tự có ý nghĩa. Thay vào đó, tự nhiên được hiểu một cách cơ học, bị các quy luật vật lý chi phối. Giải thích hiện tượng tự nhiên bằng ngôn ngữ mục đích, ý nghĩa, và mục tiêu được coi là đơn giản và trẻ con.

Mặc dù đã thay đổi, nhưng cám dỗ để nhìn thế giới theo trật tự mục đích luận, như một toàn thể có mục đích vẫn không biến mất hoàn toàn. Nó vẫn tồn tại, đặc biệt ở trẻ em, chúng được dạy nhìn thế giới theo cách này. Tôi nhận thấy điều này khi các con tôi còn rất nhỏ, và tôi đọc cho chúng cuốn sách Winnie-the-Pooh của A.A. Milne[39]. Câu chuyện gợi lên một cái nhìn thơ ngây về tự nhiên, thật mê hoặc, sống động qua ý nghĩa và mục đích. Đầu cuốn sách, Winnie-the-Pooh thả bộ trong rừng và đến một cây sồi lớn. Từ ngọn cây, “phát ra một tiếng ù ù to dần”.

Winnie-the-Pooh ngồi xuống dưới gốc cây, đầu chống lên hai tay và bắt đầu suy nghĩ. Đầu tiên gấu con nói với chính mình: “Tiếng ù đó có ý nghĩa nào đó. Không thể có tiếng ù ù như thế, chỉ ù ù mà không có ý nghĩa gì. Nếu có tiếng ù ù, hẳn phải có cái gì tạo ra tiếng ù ù, và lý do duy nhất mà mình biết để tạo ra tiếng ù ù kiểu đó là ong”.

Sau đó, gấu con nghĩ ngợi hồi lâu, và nói: “Và lý do tồn tại duy nhất của một chú ong là để làm ra mật ong”. Và sau đó cậu nghĩ tiếp: “Và lý do duy nhất ong làm ra mật là để mình có thể chén”. Vì vậy gấu con bắt đầu leo lên cây.

Dòng tư duy rất thơ ngây của Pooh về con ong là ví dụ điển hình về suy nghĩ kiểu mục đích luận. Khi trưởng thành, hầu hết chúng ta mất đi cách nhìn thế giới tự nhiên như thế, một thế giới duyên dáng nhưng kỳ lạ. Và đã bác bỏ tư duy mục đích luận trong khoa học, chúng ta cũng dần loại bỏ nó trong chính trị và đạo đức. Nhưng thật không dễ dàng để bỏ qua lý lẽ mục đích luận trong tư duy về các thiết chế xã hội và tập quán chính trị. Ngày nay, không nhà khoa học nào đọc một cách nghiêm túc các tác phẩm của Aristotle về sinh học, vật lý. Nhưng sinh viên chuyên ngành đạo đức và chính trị vẫn tiếp tục đọc và suy ngẫm các triết lý của Aristotle về đạo đức và chính trị.

Phải Trái Đúng Sai

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here