Có bao giờ bạn tự hỏi mình, đặc biệt là sau mỗi cuộc đối thoại tuyệt vọng với bọn trẻ, “Mình không thể làm tốt hơn được sao? Mình không thể cư xử đúng mực hơn và là một người cha mẹ có sức ảnh hưởng hơn ư? Mình không thể kỷ luật chúng theo hướng làm dịu tình hình đi thay vì làm rối lên?” Bạn muốn loại bỏ những hành vi không tốt, nhưng bạn muốn phản ứng theo cách sẽ nâng giá trị và thắt chặt tình cảm với bọn trẻ chứ không phải điều ngược lại. Bạn muốn ít rắc rối đi, chứ không nhiều hơn.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn có thể kỷ luật trẻ theo hướng đề cao mối quan hệ và sự tôn trọng, bớt rắc rối và tranh cãi – và trong quá trình, bạn có thể bồi dưỡng những kỹ năng xây dựng mối quan hệ tốt và cải thiện khả năng đưa ra quyết định đúng đắn của bọn trẻ, biết suy nghĩ đến người khác, và chuẩn bị hành trang cho chúng được hạnh phúc và thành công suốt cuộc đời.
Trích đoạn sách hay
TỪ CƠN THỊNH NỘ ĐẾN SỰ THANH THẢN
Sự kết nối là chìa khóa
Michael nghe thấy tiếng nói ngày càng to trong phòng của cậu con trai nhưng anh đang xem trận bóng rổ trên ti vi và quyết định chờ cho tới quảng cáo để đi kiểm tra. Một sai lầm lớn.
Cậu con trai 8 tuổi Graham, và bạn của cậu bé, James đã dành 30 phút trước đó để cẩn thận sắp xếp và phân loại hàng trăm mảnh Lego của Graham. Graham đã dùng tiền tiêu vặt của mình để mua một hộp dụng cụ đồ câu cá, và cậu bé chỉ định từng ngăn khác nhau cho đầu, thân, mũ sắt, kiếm, gươm ánh sáng, đũa thần, rìu, và bất kỳ thứ gì khác mà những thiên tài sáng tạo từ Đan Mạch có thể nghĩ ra. Bọn trẻ đang ở trên thiên đường của trò sắp xếp.
Vấn đề là Matthias, cậu con trai 5 tuổi của Michael, cảm thấy ngày càng bị Graham và James gạt ra ngoài. Cả ba cậu bé đã bắt đầu dự án cùng nhau, nhưng hai cậu bé lớn hơn cuối cùng cũng thấy rằng Matthias không thực sự hiểu hệ thống phân loại rắc rối của chúng. Vì vậy, chúng không cho bé tham dự trò chơi nữa.
Điều này gây ra sự to tiếng.
Michael đã không đợi được đến phần quảng cáo. Tiếng hét cho biết anh cần can thiệp ngay lập tức, nhưng anh đã không đủ nhanh. Khi vẫn còn cách phòng của các cậu bé ba bước chân – chỉ ba bước ngắn! – anh đã nghe thấy tiếng không lẫn vào đâu được của hàng trăm mảnh Lego bằng nhựa nổ ra trên sàn gỗ.
Sau ba bước chân, anh chứng kiến một chiến địa lộn xộn. Đó thực sự là một cuộc tàn sát. Những cái đầu lìa cổ rải rác khắp phòng, nằm bên cạnh những cái xác không tay và vũ khí của cả thời trung cổ lẫn tương lai. Một đống hỗn độn như cầu vồng trải dài từ cửa ra vào tới tủ quần áo ở phía bên kia phòng.
Bên cạnh cái hộp đựng đồ câu lật úp là cậu con trai 5 tuổi của Michael đang thở hổn hển, mặt đỏ bừng, nhìn anh với đôi mắt dường như vừa thách thức vừa hoảng sợ. Michael quay sang cậu con trai lớn đang vừa hét lên: “Nó phá hỏng tất cả rồi!” và chạy khỏi phòng trong nước mắt, theo sau là cậu bạn James có vẻ bẽn lẽn và tỏ ra khó chịu.
Hãy thảo luận về một thời điểm kỷ luật. Cả hai cậu bé đang gào khóc, cậu bạn thì bị mắc kẹt trong cuộc hỗn chiến, và bản thân Michael cảm thấy tức phát điên. Matthias không chỉ phá hoại toàn bộ công trình của hai anh, mà còn bày ra một đống lộn xộn phải dọn dẹp trong phòng. (Nếu bạn đã từng bị đau khi giẫm phải một mảnh Lego, bạn sẽ hiểu tại sao chúng ta không có lựa chọn bỏ mặc chúng rải rác trên sàn.)
Michael quyết định sẽ đi kiểm tra hai cậu bé lớn sau một phút và tiếp cận Matthias trước. Xu hướng trước tiên của anh là đứng trước mặt cậu con trai, chỉ tay vào mặt và mắng cậu một trận vì đã ném hộp đồ câu. Trong cơn giận anh đã muốn đưa ra những hình phạt ngay lập tức. Anh muốn hét lên, “Sao mày lại làm thế?” Anh muốn nói gì đó về chuyện sẽ không bao giờ cho bé tham gia vào giờ chơi của Graham nữa, và thêm vào, “Mày đã thấy tại sao các anh không muốn mày chơi Lego cùng chưa?”
Dù vậy, thật may mắn là phần tư duy của Michael (bộ não tầng trên) đã giành quyền chỉ huy, và anh đã tiếp cận tình huống này với quan điểm Bộ não-Toàn diện. Anh nhận ra lúc đó cậu con trai bé nhỏ cần anh đến mức nào và điều đó đã khuyến khích cách tiếp cận chín chắn và đồng cảm hơn. Lẽ tất nhiên Michael sẽ phải xử lý hành vi của Matthias. Và phải, rõ ràng là anh cũng cần chủ động hơn một chút vào lần tới trong việc can thiệp tình huống trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát. Anh sẽ muốn giúp Matthias suy nghĩ về cảm nhận của Graham, và hiểu rằng hành động của ta thường tác động tới người khác một cách đáng kể. Tất cả những lời bảo ban đó, tất cả sự chuyển hướng đó, là hoàn toàn cần thiết.
Nhưng không phải ngay lúc này.
Ngay lúc này, cậu bé cần được kết nối.
Matthias đang hoàn toàn bị rối loạn cảm xúc, và bé cần bố mình xoa dịu cảm giác tổn thương, đau buồn, và giận dữ đến từ việc bị chỉ trích là quá nhỏ để hiểu và từ việc bị cho ra rìa. Đây không phải lúc để chuyển hướng, dạy dỗ, hay để nói về luật lệ gia đình và sự tôn trọng tài sản của người khác. Đây là lúc để kết nối.
Vì vậy Michael quỳ xuống với cánh tay rộng mở, và Matthias ngã vào lòng anh. Michael ôm lấy bé khi bé nức nở, xoa lưng bé, và không nói gì ngoài câu ngắt quãng “Bố biết, anh bạn nhỏ. Bố biết rồi.”
Một phút sau đó, Matthias nhìn lên anh, đôi mắt long lanh nước, và nói, “Con đã làm đổ Lego.”
Để trả lời, Michael cười một chút và bảo, “Bố có thể thấy con làm nhiều hơn thế, chàng trai!”
Matthias hơi mỉm cười, và khi đó Michael biết rằng giờ anh có thể tiến hành phần chuyển hướng trong kỷ luật và giúp Matthias hiểu một vài bài học quan trọng về sự đồng cảm và biểu cảm hợp lý. Giờ thì cậu bé có thể lắng nghe bố mình. Sự kết nối và dịu dàng của Michael đã khiến cho cậu con trai thoát khỏi trạng thái phản xạ và bước vào trạng thái tiếp thu, khi đó bé có thể lắng nghe bố và thực sự học hỏi.
Hãy lưu ý rằng việc kết nối trước tiên không chỉ thắt chặt quan hệ và thể hiện yêu thương nhiều hơn. Đúng vậy, hành động đó cho phép bố mẹ xoa dịu con mình, như Michael đã làm, và dễ dàng phản ứng trước cảm xúc khi các bé buồn và rối loạn. Điều này khiến bé “cảm thấy được thấu hiểu,” đó là cảm giác nội tâm rằng mình đang được để ý và thấu hiểu, nó sẽ biến sự hỗn loạn thành bình tĩnh, sự cô độc thành kết nối. Việc kết nối trước tiên là một cách thức nền tảng đầy tình thương để thực hành kỷ luật. Nhưng bạn cũng cần nhận ra rằng phương pháp kỷ luật Không-Rắc rối có thể hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu phản ứng đầu tiên của Michael là dạy dỗ thì cũng chưa chắc đã là sai. Luận điểm của chúng tôi ở đây không phải là các phương pháp nuôi dạy trẻ đúng hay sai (mặc dù chúng tôi chắc chắn cho rằng phương pháp Bộ não-Toàn diện đầy tình thương và lòng trắc ẩn hơn). Vấn đề là chiến thuật kết nối-trước đã đã đạt được hai mục đích của kỷ luật – tìm kiếm sự hợp tác và phát triển bộ não – một cách vô cùng hiệu quả. Nó cho phép việc học hỏi diễn ra, việc dạy dỗ trở nên hiệu quả và sự kết nối được thiết lập và duy trì. Cách tiếp cận của Michael giúp anh thu hút sự chú ý của con trai, và làm được điều đó một cách nhanh chóng và không rắc rối, để họ có thể nói chuyện về hành vi của Matthias theo cách mà bé có thể lắng nghe. Thêm vào đó, nó có thể giúp phát triển não bộ của Matthias, bởi vì giờ thì bé có thể nghe quan điểm của Michael và hiểu những bài học quan trọng mà bố muốn dạy cho bé. Hơn thế nữa, Michael đã làm gương cho con trai về sự kết nối nhẹ nhàng và chỉ cho bé thấy có nhiều cách bình tĩnh hơn, yêu thương hơn để tương tác khi bạn buồn bực về một ai đó. Và tất cả những điều đó xảy ra là nhờ Michael đã kết nối trước khi chuyển hướng.
Nuôi dạy trẻ Chủ động
Chúng ta sẽ thảo luận chỉ trong một phút về lý do tại sao sự kết nối lại là một công cụ hữu dụng đến vậy khi con cái chúng ta buồn hoặc gặp rắc rối trong việc ra quyết định đúng đắn. Michael rõ ràng đã sử dụng nó một cách hiệu quả. Nhưng chỉ vì một chút chậm trễ trong phản ứng trước tình huống – 3 bước ngắn! – anh đã lỡ mất cơ hội tránh cho toàn bộ quá trình kỷ luật này phải xảy ra.
Điều này hoàn toàn đúng. Đôi khi chúng ta có thể tránh việc phải kỷ luật, đơn giản bằng cách nuôi dạy bé một cách chủ động, thay vì mang tính phản ứng. Khi chúng ta nuôi dạy bé chủ động, chúng ta sẽ quan sát để phát hiện ra những thời điểm mà chúng ta có thể đoán được hành vi sai quấy và/hoặc sự suy sụp sẽ xảy ra với con mình trong tương lai gần – nó có thể ở ngay đâu đó gần với hiện trạng của bé – và chúng ta sẽ can thiệp và cố gắng dẫn bé đi đường vòng để tránh bãi mìn tiềm năng đó. Michael đã muốn đợi cho tới chương trình quảng cáo tiếp theo, nên anh đã không phản ứng đủ nhanh trước những dấu hiệu rằng rắc rối đang bắt đầu diễn ra trong phòng con trai anh.
Nuôi dạy con chủ động có thể tạo nên sự khác biệt hoàn toàn. Ví dụ, khi cô con gái 8 tuổi đáng yêu và thường nghe lời của bạn đang chuẩn bị để đến lớp học bơi, bạn sẽ không để ý rằng cô bé đang cư xử thái quá một chút khi đến lúc bôi kem chống nắng: “Tại sao ngày nào con cũng phải dùng kem chống nắng?” Rồi trong khi bạn đang chuẩn bị cho em trai cô bé, cô bé ngồi xuống trước cây đàn piano một lúc để chơi một trong những bài hát của bé. Nhưng bé bị lỡ mất một vài nốt nhạc, và bé đập nắm tay lên bàn phím một cách giận dữ. Bạn có thể coi những hành động đó như là những sự cố độc lập và bỏ qua chúng. Hoặc bạn có thể nhận ra chúng rất có khả năng là những lá cờ cảnh báo. Có thể bạn nhớ ra rằng con gái bạn dễ dàng buồn bực khi đói, vì vậy bạn dừng công việc hiện tại của mình và đặt một quả táo trước mặt bé. Khi bé nhìn lên bạn, bạn có thể mỉm cười thấu hiểu để thể hiện bạn nhớ thói quen này của bé và hy vọng rằng bé sẽ gật đầu, ăn quả táo, và trở về trạng thái tự chủ.
Cũng phải thừa nhận rằng, đôi khi không có dấu hiệu rõ ràng nào lộ diện trước khi con chúng ta đưa ra quyết định tồi tệ và cư xử theo cách không phù hợp. Nhưng những lúc khác chúng ta có thể đọc những gợi ý của các bé và thực hiện các bước chủ động để vượt lên trước sự kỷ luật. Điều này nghĩa là báo trước 5 phút trước khi phải rời công viên, hoặc áp dụng một giờ ngủ cố định để các bé không quá mệt và gắt gỏng. Nó có thể nghĩa là kể một câu chuyện hồi hộp cho bé trước khi đi học và tạm dừng, giải thích rằng bạn sẽ kể diễn biến tiếp theo khi bé đã ngồi trong xe. Hoặc có nghĩa là bạn tham gia vào và bắt đầu một trò chơi mới khi bạn cảm thấy các bé đang sắp tiến tới một mâu thuẫn lớn. Nó có thể nghĩa là bảo một đứa trẻ, với một giọng đầy hấp dẫn, “Này, trước khi con ném khoai tây chiên khắp nhà hàng; mẹ muốn cho con xem một thứ trong ví của mẹ.”
a
a
Một cách khác để nuôi dạy trẻ một cách chủ động là cân nhắc HALT trước khi phản ứng lại bé. Khi bạn thấy hành vi của bé đang đi theo hướng mà bạn không thích, hãy tự hỏi bản thân, “Có phải bé đang đói (hungry), tức giận (angry), cô đơn (lonely), hoặc mệt mỏi (tired) không?” Rất có thể tất cả những gì bạn cần làm là cho bé một vài quả nho, lắng nghe bé tâm sự, chơi với bé, hoặc để bé ngủ thêm một chút. Nói cách khác, đôi khi tất cả những gì bạn cần là một chút sự suy đoán và dự định trước.
a
Nuôi dạy trẻ chủ động không hề dễ dàng, và nó đòi hỏi sự phòng bị khá nhiều từ phía bạn. Nhưng bạn càng để ý phát hiện những dấu hiệu bắt đầu của những hành vi tiêu cực và chặn đầu chúng, bạn càng có ít khả năng phải nhặt những mảnh vỡ theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng, nghĩa là bạn và các bé sẽ có nhiều thời gian để tận hưởng cùng nhau hơn.
Mặc dù vậy, như chúng ta đều biết, đôi khi hành vi sai quấy vẫn xảy ra. Đơn giản là xảy ra. Và bao nhiêu sự chủ động cũng không thể ngăn chặn nó. Đó chính là thời điểm để kết nối. Và chúng ta phải chiến thắng ham muốn ngay lập tức trừng phạt, dạy dỗ, ra luật, hay thậm chí là tích cực điều chỉnh hành vi ngay lúc đó. Thay vì thế, chúng ta cần kết nối.
Tại sao cần Kết nối Trước tiên?
Hãy cùng đi vào cụ thể và thảo luận xem tại sao sự kết nối lại hiệu quả đến vậy. Chúng ta hãy nhìn vào 3 lợi ích chính – ngắn hạn, dài hạn, và mối quan hệ – của việc dùng sự gắn kết như là phản ứng đầu tiên của chúng ta khi con chúng ta gặp khó khăn trong việc kiềm chế bản thân và ra quyết định đúng đắn.
Lợi ích #1: Sự kết nối đưa trẻ từ trạng thái Phản xạ sang trạng thái Tiếp thu
Cho dù chúng ta quyết định phản ứng cụ thể như thế nào khi con mình cư xử sai quấy, có một việc mà chúng ta cần làm: chúng ta phải duy trì mối liên kết cảm xúc với chúng, ngay cả khi – và có thể là đặc biệt khi – chúng ta thực hiện kỷ luật. Sau cùng, đó là lúc bọn trẻ buồn nhất và cần chúng ta nhất. Hãy nghĩ thử xem: các bé không muốn tức giận, phẫn nộ, hay mất kiểm soát. Cảm giác đó không chỉ khó chịu, mà còn vô cùng căng thẳng. Thường thì hành vi sai quấy là kết quả của việc bé đang gặp khó khăn xử lý những việc xung quanh – và bên trong bé. Bé có tất cả những cảm xúc lớn lao mà bé chưa có đủ năng lực để quản lý chúng, và sự sai quấy đơn giản là kết quả. Những hành động của bé – nhất là khi mất tự chủ – là một thông điệp rằng bé cần giúp đỡ. Chúng là lời kêu gọi sự hỗ trợ, và sự kết nối.
Vì thế khi trẻ cảm thấy giận dữ, chán nản, hổ thẹn, ngượng ngùng, choáng ngợp, hoặc mất kiểm soát theo bất kỳ hình thức nào khác, đó chính là lúc mà chúng ta cần ở bên cạnh bé. Qua sự kết nối, chúng ta có thể xoa dịu cơn bão lòng của các bé, giúp bé trấn tĩnh, và hỗ trợ bé ra quyết định tốt hơn. Khi các bé cảm nhận được tình yêu và sự chấp nhận của chúng ta, khi bé “cảm thấy được thấu hiểu”, ngay cả khi bé biết chúng ta không thích hành động của chúng (hoặc chúng không thích hành động của chúng ta), chúng có thể bắt đầu lấy lại sự tự chủ và cho phép não bộ tầng trên trở lại làm việc. Khi điều đó xảy ra, kỷ luật hiệu quả mới có thể thực sự đi vào thực hiện. Nói cách khác, sự kết nối đã đưa các bé từ trạng thái phản xạ sang trạng thái mà chúng có thể tiếp thu tốt hơn bài học mà chúng ta muốn truyền đạt và sự tương tác lành mạnh mà chúng ta muốn chia sẻ với chúng.
a
Như vậy một câu hỏi lớn mà chúng ta có thể tự hỏi bản thân trước khi bắt đầu điều hướng và dạy dỗ một cách rõ ràng: Bé đã sẵn sàng chưa? Sẵn sàng để nghe mình, để học, để hiểu? Nếu đứa trẻ chưa sẵn sàng, thì có lẽ lúc này bạn nên dành cho bé nhiều sự kết nối hơn nữa.
Như chúng ta đã thấy với Michael và cậu con trai 5 tuổi, sự kết nối làm dịu hệ thần kinh, xoa dịu phản xạ chống đối của trẻ tại thời điểm đó và đưa chúng đến trạng thái mà chúng có thể nghe thấy chúng ta, học hỏi, và thậm chí là tự ra quyết định Bộ não-Toàn diện của chúng. Khi máy đo cảm xúc bị quá tải, sự kết nối là bộ điều biến giúp giữ cảm xúc không lên quá cao. Không có sự kết nối, cảm xúc có thể tiếp tục vượt khỏi tầm kiểm soát.
a
Tưởng tượng lần cuối cùng mà bạn cảm thấy thực sự buồn hoặc tức giận hoặc thất vọng. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu ai đó bạn yêu mến nói với bạn rằng “Hãy bình tĩnh lại đi,” hoặc “Đó đâu phải chuyện lớn đến vậy”? Hay nếu họ nói rằng “hãy ngồi một mình cho đến khi bạn bình tĩnh và sẵn sàng tỏ ra tử tế và vui vẻ”? Những lời đáp đó thật là kinh khủng phải không? Thế nhưng đó lại là những điều mà chúng ta lúc nào cũng nói với con cái mình. Khi làm vậy, thực ra chúng ta đang làm tăng nỗi phiền muộn nội tâm của chúng, dẫn đến sự quấy phá nhiều hơn, chứ không giảm đi. Những cách hồi đáp đó mang lại kết quả trái ngược với sự kết nối, khuếch đại rõ rệt tình trạng tiêu cực.
Ngược lại, sự kết nối trấn an, giúp các bé bắt đầu lấy lại sự kiểm soát cảm xúc và cơ thể. Nó cho phép chúng “cảm thấy được thấu hiểu”, và sự cảm thông này xoa dịu biểu hiện của sự cô độc hay sự hiểu nhầm xuất phát từ phản xạ của não tầng dưới và toàn bộ hệ thần kinh: tim đập mạnh, thở dốc, cơ bắp căng cứng, và ruột quặn lên. Những trạng thái phản xạ đó không dễ chịu chút nào, và chúng có thể trở nên tồi tệ hơn với những đòi hỏi cao hơn và sự xa lánh. Tuy nhiên, bằng sự gắn kết, các bé có thể lựa chọn cẩn thận hơn và tiết chế bản thân tốt hơn.
Như chúng tôi đã giải thích trong cuốn Bộ não-Toàn diện của Trẻ, một hình ảnh minh họa tốt để giúp chúng ta hiểu về sự tích hợp là một dòng sông hạnh phúc. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên ca nô, trôi dọc theo một con sông yên ả và bình dị. Bạn sẽ cảm thấy bình yên, thư thái, và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ điều gì sẽ xảy đến. Không nhất thiết là mọi thứ đều hoàn hảo hay diễn ra theo cách bạn muốn. Quan trọng là bạn đang trong trạng thái tinh thần tích hợp – bạn bình thản, tiếp thu, và cân bằng, cơ thể bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và dễ chịu. Đó chính là dòng sông hạnh phúc.
Dù vậy, đôi khi bạn không thể nằm trên dòng chảy của con sông. Bạn lạc hướng quá xa về phía bờ bên này hoặc bờ bên kia. Một bên của dòng sông đại diện cho sự hỗn mang. Gần bờ bên này là những ghềnh nước nguy hiểm khiến cho cuộc sống điên cuồng và không thể quản lý được. Khi bạn đang ở gần bờ hỗn mang này, bạn sẽ dễ dàng buồn bực, và ngay cả những trở ngại nhỏ bé nhất cũng có thể khiến bạn rơi ra khỏi tầm kiểm soát. Bạn có thể sẽ trải qua những cảm xúc choáng ngợp như bồn chồn quá mức hay tức giận một cách dữ dội, và bạn có thể nhận ra rằng cơ thể bạn cũng bị rối loạn, với cơ bắp căng cứng, nhịp tim nhanh, và trán nhăn nhó.
Bờ phía bên kia không kém khó chịu hơn, vì nó đại diện cho sự cứng nhắc. Ở đây bạn mắc kẹt trong ham muốn hoặc trông đợi thế giới sẽ vận hành theo một cách nhất định, và bạn không sẵn sàng hoặc không có khả năng thích nghi với nó khi nó không như vậy. Trong nỗ lực áp đặt tầm nhìn và khao khát của bạn lên thế giới xung quanh, bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn sẽ không, hay thậm chí là không thể, thỏa hiệp hoặc đàm phán theo bất kỳ cách thức có ý nghĩa nào.
Vậy là một bờ là sự hỗn mang, một bờ là sự cứng nhắc. Hai cực điểm đó mang lại cả sự thiếu kiểm soát hoặc quá nhiều kiểm soát đến mức không còn sự linh hoạt hoặc thích nghi. Và cả hai cực điểm ngăn cách bạn khỏi dòng chảy yên bình của dòng sông hạnh phúc. Dù bạn đang rối loạn hay cứng nhắc, bạn đang mất đi cơ hội tận hưởng sự khỏe mạnh về tinh thần và cảm xúc, để cảm thấy thanh thản trong thế giới này.
a
Hãy nghĩ đến dòng sông hạnh phúc trong mối liên hệ với con cái mình. Khi các bé làm loạn hoặc buồn bực, các bé hầu như luôn luôn cho thấy biểu hiện của sự hỗn loạn, cứng nhắc, hoặc cả hai. Khi một đứa bé 9 tuổi rối lên vì một bài thuyết trình miệng ở trường vào ngày hôm sau và kết thúc bằng việc xé tan quyển vở trong lúc nức nở rằng bé sẽ không bao giờ có thể ghi nhớ được phần mở đầu, nghĩa là cô bé không thể chống lại được sự hỗn mang. Bé đã đâm vào bờ, rời xa dòng chảy yên ả của dòng sông hạnh phúc. Tương tự, khi cậu bé 5 tuổi ngoan cố khăng khăng đòi một câu chuyện kể trước khi đi ngủ hoặc không chịu vào bồn tắm cho tới khi bé tìm thấy chiếc vòng đeo tay đặc biệt của mình, bé đang lao về phía bờ cứng nhắc. Và bạn còn nhớ Nina trong chương trước không? Khi bé vỡ òa vì mẹ bảo bé rằng bố sẽ đưa bé tới trường vào sáng hôm đó, và từ chối cân nhắc bất kỳ quan điểm nào khác trong tình huống đó, cô bé đang đi zíc zắc từ bờ hỗn mang bên này sang bờ cứng nhắc bên kia, không thể nào tận hưởng được dòng chảy bình yên ở giữa dòng sông hạnh phúc.
Vậy đó là điều mà sự kết nối đã làm. Nó đưa bọn trẻ tránh xa hai bên bờ và quay trở về dòng chảy, nơi mà chúng có thể trải nghiệm cảm giác nội tâm cân bằng và thấy hạnh phúc hơn, ổn định hơn. Sau đó chúng có thể nghe thấy điều mà chúng ta muốn nói, và chúng có thể đưa ra quyết định tốt hơn. Khi chúng ta kết nối với một đứa trẻ đang cảm thấy choáng ngợp và rối loạn, chúng ta đã giúp bé tránh xa bờ bên đó và đi vào trung tâm dòng sông, ở nơi đó bé có thể cảm thấy cân bằng hơn và tự chủ. Khi chúng ta kết nối với một đứa trẻ đang mắc kẹt trong khuôn khổ suy nghĩ cứng nhắc, không thể đánh giá được những quan điểm khác nhau, chúng ta đã giúp bé tích hợp sao cho bé có thể nới lỏng bàn tay đang kiên trì nắm chặt trong một tình huống, trở nên linh hoạt và dễ thích nghi hơn. Trong cả hai trường hợp, sự kết nối tạo ra một trạng thái tinh thần tích hợp, và cơ hội để học hỏi.
Chúng ta sẽ đi vào cụ thể hơn trong chương tiếp theo về những cách thực tế để kết nối với các bé khi chúng buồn bực. Mặc dù vậy, cách tiếp cận cơ bản thông thường là lắng nghe và mang đến thật nhiều sự đồng cảm bằng lời hoặc không bằng lời. Đó là cách để chúng ta xoa dịu bọn trẻ, hòa nhập vào nội tâm của bé – vào cảm nhận và suy nghĩ của chúng, vào nhận thức và trí nhớ, vào điều có ý nghĩa chủ quan sâu thẳm trong cuộc sống của chúng. Đây là cách hòa nhập vào tâm hồn ẩn sau hành vi của trẻ. Ví dụ, một trong những cách thức hữu hiệu nhất để chúng ta kết nối với con mình là đơn thuần bằng cách tương tác thể xác với bé. Một sự đụng chạm dịu dàng – đơn giản như là đặt tay lên cánh tay hoặc xoa lưng hoặc một cái ôm ấm áp – sẽ sản sinh ra những hoóc môn dễ chịu (như hoóc môn tự nhiên oxytocin và opioids) vào trong não và cơ thể, và làm giảm mức độ hoóc môn căng thẳng (hoóc môn cortisol). Khi các bé cảm thấy buồn, sự đụng chạm dịu dàng có thể làm sự việc lắng xuống và giúp bạn kết nối, ngay cả trong những thời điểm căng thẳng cao độ. Đây là sự kết nối với nỗi buồn nội tâm, chứ không chỉ là phản xạ trước hành vi bên ngoài có thể nhìn thấy.
a
Hãy lưu ý rằng đây là điều đầu tiên mà Michael đã làm khi anh nhìn thấy cậu con trai bé nhỏ của mình trong bãi chiến địa Lego: anh ngồi xuống và ôm bé vào lòng.
Bằng cách đó, anh bắt đầu kéo chiếc ca nô tí hon của Matthias ra xa khỏi bờ hỗn mang và quay về dòng chảy yên bình của dòng sông. Rồi anh lắng nghe. Matthias không cần nói nhiều: “Con đã làm đổ Lego.” Với câu nói đó anh có thể bắt đầu tiếp cận xa hơn. Đôi khi các bé sẽ cần tâm sự nhiều hơn, và cần sự lắng nghe lâu hơn rất nhiều. Hoặc đôi khi chúng không muốn nói chuyện. Và cũng có lúc sự việc có thể diễn biến nhanh chóng như trường hợp này. Sự đụng chạm không cần lời, một câu nói cảm thông – “Bố biết rồi, anh bạn nhỏ” – và sự sẵn lòng lắng nghe. Đó là điều mà Matthias cần để trả về sự cân bằng cho bộ não non nớt và cơ thể mất kiểm soát của bé.
Lợi ích #2: Sự Kết nối phát triển Bộ não
Để nói một cách phù hợp với logic của hệ thần kinh hơn, sự kết nối củng cố những sợi thần kinh liên kết giữa não tầng trên và tầng dưới sao cho phần bên trên có thể tiếp xúc hiệu quả hơn và đàn áp những động lực nguyên thủy hơn của phần bên dưới. Chúng tôi đặt tên cho những sợi thần kinh liên kết vùng não trên và não dưới là “bậc thang của não”. Bậc thang này tích hợp tầng trên và tầng dưới, tiếp nhận những lợi ích từ một vùng của bộ não gọi là vỏ não trước trán. Vùng then chốt này của bộ não giúp hình thành những chức năng điều hành trong việc tự điều tiết bản thân, bao gồm việc cân bằng cảm xúc, tập trung sự chú ý, kiềm chế sự bốc đồng, và kết nối chúng ta với người khác một cách cảm thông. Khi vỏ não trước trán phát triển, bọn trẻ có khả năng tốt hơn trong việc thực hành những kỹ năng xã hội và cảm xúc mà chúng ta muốn bé phát triển và sau cùng chế ngự được khi các bé rời khỏi vòng tay gia đình và đi ra thế giới bên ngoài rộng lớn.
Nói đơn giản, sự tích hợp trong một mối quan hệ tạo ra sự tích hợp trong bộ não. Một mối quan hệ đã được tích hợp phát triển khi chúng ta trân trọng sự khác nhau giữa chúng ta và người khác, và sau đó kết nối thông qua sự giao tiếp cảm thông. Chúng ta đồng cảm với người khác, cảm nhận cảm giác của họ và hiểu quan điểm của họ. Trong mối liên hệ đó, chúng ta tôn trọng cuộc sống nội tâm của người khác nhưng không trở thành người đó. Đây là cách chúng ta duy trì các cá thể tách biệt nhưng kết nối với nhau. Sự tích hợp như vậy tạo ra sự hài hòa trong mối quan hệ. Thật đáng kinh ngạc, sự tích hợp giữa các cá nhân với nhau cũng có thể được nhìn thấy trong trung tâm cách mà mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái gieo mầm cho sự tích hợp trong bộ não của trẻ. Đó là phương thức mà những vùng tách biệt – như trái và phải, hoặc trên và dưới – duy trì sự độc nhất và chuyên môn hóa nhưng cũng trở nên liên kết với nhau. Sự điều chỉnh trong bộ não phụ thuộc vào sự hợp tác và cân đối giữa các vùng được hình thành từ tích hợp. Và sự tích hợp thần kinh như thế chính là nền tảng của các chức năng điều hành. Đây chính là bí kíp!
Sự tích hợp giữa các cá nhân đã vun trồng cho sự tích hợp thần kinh bên trong!
Vậy đó là lợi ích dài hạn của kết nối: thông qua các mối quan hệ, nó hình thành các mối nối thần kinh và phát triển các sợi thần kinh tích hợp có tác dụng thay đổi bộ não theo nghĩa đen và khiến các bé khéo léo hơn trong việc ra quyết định đúng đắn, tham gia vào các mối quan hệ, và tương tác thành công với thế giới.
Lợi ích #3: Sự kết nối củng cố mối quan hệ với trẻ
Vậy là sự kết nối mang lại lợi ích ngắn hạn là đưa trẻ từ trạng thái phản xạ sang trạng thái tiếp thu, và lợi ích dài hạn là phát triển não bộ. Lợi ích thứ ba mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là lợi ích cho mối quan hệ: kết nối củng cố sự gắn bó giữa bạn và con mình.
Những lúc mâu thuẫn có thể là thời điểm khó khăn và bấp bênh nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào. Chúng cũng có thể là một trong những thời điểm quan trọng nhất. Dĩ nhiên con cái chúng ta biết chúng ta sẽ ở bên bé khi nằm đọc sách cùng nhau, hoặc khi chúng ta hiện diện và cổ vũ cho các buổi biểu diễn của bé. Vậy còn những khi sự căng thẳng và mâu thuẫn phát sinh? Khi chúng ta có những mong muốn hoặc ý kiến không tương đồng? Những thời điểm đó là bài kiểm tra thực sự. Việc chúng ta phản ứng trước con mình như thế nào khi chúng không hài lòng với sự lựa chọn của chúng – bằng sự hướng dẫn đầy tình thương? Bằng sự cáu gắt và chỉ trích? Bằng sự bùng nổ giận dữ và đáng hổ thẹn? – sẽ tác động tới sự phát triển của mối quan hệ với các bé, và thậm chí cả cảm nhận về bản thân của chúng.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với chúng ta để thậm chí muốn kết nối khi con mình quấy rối, hay khi chúng đang thể hiện sự mất kiểm soát tồi tệ nhất và cao điểm nhất. Kết nối có thể là việc cuối cùng trên đời bạn muốn làm khi một trận cãi vã nổ ra giữa các con của bạn trên một chuyến bay yên tĩnh, hoặc là khi chúng rên rỉ và phàn nàn vì không được đối xử tốt hơn sau khi bạn vừa mới đưa chúng đi xem phim.
Tuy nhiên kết nối nên là phản ứng đầu tiên của chúng ta trong hầu hết bất kỳ tình huống kỷ luật nào. Không chỉ vì nó có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề ngay lập tức. Không chỉ vì nó sẽ khiến con chúng ta trở thành người tốt hơn về lâu dài. Mà quan trọng nhất là nó còn giúp chúng ta thể hiện chúng ta trân trọng mối quan hệ nhiều đến mức nào. Chúng ta biết rằng con cái chúng ta có bộ não liên tục thay đổi, có thể thay đổi được, và phức tạp, và rằng các bé cần chúng ta khi chúng đang phải đấu tranh. Chúng ta càng phản ứng với sự đồng cảm, cổ vũ, và lắng nghe, mối quan hệ với bé càng tiến triển hơn.
Mới đây Tina tham dự một bữa tiệc sinh nhật với cậu con trai 6 tuổi của mình ở nhà cô bạn Sabrina của cậu bé. Bố mẹ cô bé, Bassil và Kimberly, đi cùng khách mời ra về vào cuối bữa tiệc. Khi họ quay lại phòng khách trong nhà, họ bắt gặp một sự việc đáng kinh ngạc. Đây là cách mà Kimberly kể lại trong email gửi cho Tina:
Sau bữa tiệc, Sabrina đi vào nhà và mở tất cả các gói quà mà không có sự giám sát. Vì thế tôi không thể ghi chú lại ai tặng bé cái gì. Thật là một đống lộn xộn! Tôi thành công trong việc xác định hầu hết các món quà vì con gái tôi Sierra đã ở đó khi bé mở hộp. Trước khi Sabrina viết thiệp cảm ơn, tôi muốn làm rõ chuyện này. Có phải JP đã tặng bé hộp phấn kính vạn hoa? Chắc hẳn Hoa hậu Ứng xử sẽ không đồng tình với cách này của tôi, nhưng tôi muốn chính xác hơn là chung chung!
Trong tình huống này, chúng ta đương nhiên có thể thông cảm cho một phụ huynh mệt mỏi nếu không thể tự chủ được tốt khi cô quay vào phòng khách và nhìn thấy những món đồ chơi vừa được mở khắp nơi và giấy gói bị xé rách rải rác khắp sàn. Sau cùng thì Kimberly vừa mới tổ chức một bữa tiệc sinh nhật vui vẻ nhưng ầm ĩ, giải trí nhưng hỗn loạn cho 15 đứa trẻ 6 tuổi cùng bố mẹ và anh em chúng. Các yếu tố hoàn cảnh chín muồi cho một sự khủng hoảng của phụ huynh, cao điểm là rất nhiều tiếng rầy la về một đứa trẻ hư hỏng thậm chí không thể đợi đến khi bữa tiệc kết thúc mà xé tung những gói quà như một con thú hoang xé tan miếng thịt.
Dù vậy, bằng cách duy trì sự tự chủ, Kimberly đã có thể xử lý tình huống bằng tư duy Không-Rắc rối và Bộ não-Toàn diện, điều này giúp cô bắt đầu bằng cách mà bạn hẳn đã đoán ra – kết nối. Thay vì sa đà vào khiển trách hoặc chỉ trích, cô kết nối với con gái mình. Đầu tiên cô cho bé biết thật là vui vì có một bữa tiệc, và giờ thì được mở tất cả những món quà. Cô thậm chí còn kiên nhẫn ngồi khi Sabrina khoe với cô bộ ria mép giả mà cô bé đang vô cùng thích thú. (Bạn phải biết Sabrina thì mới hiểu được.) Và rồi, khi Kimberly đã kết nối, cô nói với con gái mình, dạy bé điều cô muốn bé hiểu về những món quà, sự chờ đợi và những bức thiệp cảm ơn. Đó là cách mà sự kết nối tạo ra cơ hội tích hợp, xây dựng một bộ não mạnh mẽ hơn và củng cố một mối quan hệ.
a
Liệu bạn có thể thực hiện kết nối trước tiên mỗi khi con bạn quấy phá hoặc mất kiểm soát hay không? Tất nhiên là không. Chúng tôi cũng đương nhiên không thể làm được với chính con cái của mình. Nhưng bạn càng phản ứng trước tiên bằng sự kết nối một cách thường xuyên hơn, bất kể con bạn đã làm gì, hoặc bất kể chính chúng ta có đang trên dòng sông hạnh phúc hay không, chúng ta sẽ cho các bé thấy rõ hơn rằng chúng có thể tin tưởng chúng ta sẽ mang lại sự an ủi, tình yêu vô điều kiện, và sự ủng hộ, ngay cả khi chúng vừa làm những hành động chúng ta không thích. Hãy bàn luận về việc tăng cường và củng cố một mối quan hệ! Xa hơn nữa trong việc củng cố mối quan hệ của chính bạn với các bé, bạn sẽ cho bé hành trang để trở thành người anh chị em, người bạn, người cộng sự tốt, trong suốt quá trình trưởng thành. Bạn sẽ dạy bé bằng cách làm gương, hướng dẫn bằng những gì bạn làm chứ không chỉ bằng những gì bạn nói. Đó chính là lợi ích mối quan hệ của sự kết nối: nó dạy cho trẻ ý nghĩa của việc ở trong một mối quan hệ và yêu thương, ngay cả khi chúng ta không hài lòng với lựa chọn của người chúng ta yêu.
Vậy còn những cơn thịnh nộ?
Liệu chúng ta có nên phớt lờ chúng?
Khi chúng tôi hướng dẫn các bậc phụ huynh về việc kết nối và điều hướng, một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà chúng tôi được nghe là về những cơn thịnh nộ. Thông thường ai đó trong số thính giả sẽ hỏi điều gì đó như là, “Tôi tưởng là chúng ta nên né tránh những cơn thịnh nộ. Chẳng phải việc kết nối với một đứa trẻ khi bé đang nổi loạn chỉ mang lại sự chú ý? Chẳng phải điều đó sẽ chỉ khiến hành vi tiêu cực mạnh mẽ hơn?”
Đáp án của chúng tôi cho câu hỏi này đã hé lộ một phạm trù khác mà tại đó triết lý Không-Rắc rối và Bộ não-Toàn diện đi một hướng khác so với những phương pháp truyền thống. Đúng vậy, có những lúc mà đứa trẻ biểu hiện trạng thái mà chúng ta có thể gọi là một cơn thịnh nộ có chủ đích, khi đó bé hoàn toàn tự chủ và cố ý tỏ ra khốn khổ để đạt một kết quả mong muốn: có được món đồ chơi bé muốn, ở lại công viên lâu hơn, và nhiều hơn thế nữa. Nhưng với hầu hết bọn trẻ, và gần như là luôn luôn đối với các bé nhỏ tuổi, cơn thịnh nộ có chủ đích là ngoại lệ nhiều hơn rất nhiều so với nguyên lý đó.
Trong phần lớn trường hợp, một cơn thịnh nộ là bằng chứng của việc não tầng dưới của bé đã cướp quyền chỉ đạo của não tầng trên và khiến cho bé thực sự bị mất kiểm soát. Hoặc, ngay cả khi đứa trẻ không hoàn toàn bị rối loạn, hệ thần kinh của bé đủ nóng nảy đến mức bé rên rỉ hoặc không có khả năng để thả lỏng và quản lý cảm xúc vào thời điểm đó. Và nếu bé không thể điều tiết cảm xúc và hành động, phản ứng của chúng ta nên là giúp đỡ và tập trung an ủi. Chúng ta nên nâng niu và đồng cảm, và tập trung vào sự kết nối.
Vì thế khi các bậc phụ huynh hỏi ý kiến chúng tôi về những cơn thịnh nộ, câu trả lời của chúng tôi là cần thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của chúng ta về những thời điểm và con mình đang phiền muộn và mất kiểm soát nhất. Chúng tôi đề xuất rằng bố mẹ nên nhìn nhận cơn thịnh nộ không chỉ là một trải nghiệm không dễ chịu mà họ cần phải học cách vượt qua, kiểm soát vì chính lợi ích của họ, hoặc ngăn chặn càng nhanh càng tốt bằng bất cứ giá nào, mà thay vào đó là một lời van xin sự giúp đỡ – một cơ hội khác để giúp đứa trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương.
Như vậy, cách phản ứng Không-Rắc rối trước một cơn thịnh nộ bắt đầu với sự đồng cảm của phụ huynh. Khi chúng ta hiểu được tại sao trẻ lại có những cơn thịnh nộ – vì bộ não non trẻ, vẫn đang phát triển của chúng có thể bị mất sự tích hợp khi những cảm xúc mạnh mẽ của chúng lấn át – thì lúc đó chúng ta có thể mang lại sự phản ứng cảm thông hơn rất nhiều khi mà sự la hét, mắng mỏ, và đấm đá bắt đầu. Điều này không có nghĩa chúng ta thích thú trước cơn thịnh nộ của bé – nếu vậy thì bạn nên cân nhắc tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp – mà nghĩa là việc nhìn nhận nó với sự đồng cảm và lòng trắc ẩn sẽ dẫn tới trấn an và kết nối tốt hơn rất nhiều so với việc coi nó là dấu hiệu của việc trẻ đơn thuần khó chịu hoặc gian manh hoặc hư hỏng.
Đó là nguyên nhân chúng tôi không phải người ủng hộ phương pháp truyền thống kêu gọi phụ huynh hoàn toàn phớt lờ cơn thịnh nộ của trẻ. Chúng tôi đồng ý với quan điểm rằng thịnh nộ không phải là thời điểm để giải thích với bé rằng bé đang cư xử không thích đáng. Một đứa trẻ đang trong cơn thịnh nộ không trải qua giai đoạn mà thường được gọi là “thời điểm có thể giáo dục được.” Nhưng thời điểm đó có thể thay đổi thông qua sự kết nối để trở thành một cơ hội tích hợp. Nhìn chung các bậc phụ huynh có xu hướng nói quá nhiều khi các bé buồn bực, và việc đặt ra những câu hỏi và cố gắng giáo dục vào giữa chừng cơn thịnh nộ có thể kích động hơn nữa cảm xúc của bé. Hệ thần kinh của bé đã vốn đang quá tải, và chúng ta càng nói nhiều thì chúng ta càng nhồi nhét thêm cảm xúc vào hệ thần kinh của bé.
Tuy nhiên thực tế đó hoàn toàn không dẫn đến một cách logic kết luận rằng chúng ta nên phớt lờ bọn trẻ khi chúng đang rối trí. Trên thực tế, như thế chúng ta đang ủng hộ phản ứng trái ngược. Việc né tránh một đứa trẻ đang trong cơn thịnh nộ là một trong những điều tồi tệ nhất mà chúng ta có thể làm, bởi vì khi bé buồn đến mức đó, bé thật sự đang đau đớn. Bé đang khổ sở. Hoóc môn căng thẳng cortisol đang tiết ra khắp cơ thể và quét sạch bộ não của bé, và bé hoàn toàn mất kiểm soát cảm xúc và cơn bốc đồng, mất khả năng tự trấn tĩnh hoặc thể hiệu nhu cầu của bé. Đó là sự đau đớn. Và cũng giống như khi con chúng ta cần chúng ta bên cạnh và mang lại sự đảm bảo và an ủi khi thể xác bị tổn thương, chúng cũng cần điều tương tự khi chúng phải chịu đựng về tinh thần. Chúng cần chúng ta dỗ dành, yêu thương và nâng niu.
Chúng cần chúng ta kết nối.
Chúng tôi biết cơn thịnh nộ có thể khó chịu tới mức nào. Tin chúng tôi đi, chúng tôi biết điều đó. Nhưng đây là kết quả thực sự. Bạn muốn gửi đến con mình thông điệp nào?
a
a
Khi bạn đưa ra thông điệp thứ hai này, không phải bạn đang nhượng bộ. Không phải bạn dễ dãi. Điều này không có nghĩa là bạn phải để cho bé làm tổn thương chính mình, phá hoại đồ đạc, hoặc đe dọa người khác. Bạn vẫn có thể, và nên, vạch ra những ranh giới. Bạn thậm chí có thể phải giúp bé kiểm soát cơ thể hoặc ngăn chặn một cơn bốc đồng nào đó trong khi đang thịnh nộ. (Chúng tôi sẽ có những gợi ý cụ thể cho việc này ở các chương tiếp theo.) Nhưng bạn tạo ra những giới hạn này song song với thể hiện tình yêu và đồng hành qua thời điểm khó khăn với bé, hãy luôn luôn thể hiện rằng: “Bố ở đây.”
Lẽ tất nhiên chúng ta muốn cơn thịnh nộ được giải quyết càng nhanh càng tốt, cũng giống như chúng ta muốn thoát khỏi ghế ngồi ở phòng khám nha khoa sớm nhất có thể. Điều này đơn giản là không dễ chịu chút nào. Nhưng nếu bạn hành động trên quan điểm Bộ não- Toàn diện, kết thúc cơn thịnh nộ một cách nhanh nhất không phải là mục tiêu chính. Thay vào đó, mục đích trước hết của bạn là đáp ứng về mặt cảm xúc và hiện diện vì con mình. Mục tiêu chính của bạn là kết nối – điều đó sẽ mang lại tất cả lợi ích ngắn hạn, dài hạn và củng cố mối quan hệ mà chúng ta vừa mới thảo luận.
Làm thế nào để bạn kết nối mà không dạy hư trẻ?
Chúng tôi vừa nói rằng sự kết nối sẽ xoa dịu mâu thuẫn, phát triển bộ não của trẻ, và củng cố mối quan hệ phụ huynh – con cái. Mặc dù vậy một câu hỏi mà các bậc bố mẹ thường thắc mắc liên quan tới một nhược điểm tiềm tàng của việc kết nối trước khi điều hướng: “Nếu tôi luôn kết nối khi các bé làm sai điều gì đó, có phải tôi đang dạy hư chúng không? Nói cách khác, điều đó có cổ vũ cho hành vi mà tôi đang cố thay đổi?”
Những câu hỏi có vẻ hợp lý này dựa trên một sự hiểu nhầm, vì vậy hãy cùng dành chút thời gian để thảo luận xem như thế nào là dạy hư, và như thế nào là không phải. Sau đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn tại sao kết nối trong kỷ luật lại khác biệt với việc dạy hư một đứa trẻ.
Hãy bắt đầu với việc như thế nào không phải là dạy hư. Dạy hư không phải là việc chúng ta dành cho trẻ nhiều tình yêu, thời gian, và sự quan tâm đến mức nào. Bạn không thể dạy hư con mình bằng cách dành quá nhiều bản thân cho bé. Cũng theo cách đó, bạn không thể làm hư một đứa bé bằng cách bế bé quá nhiều hoặc chiều chuộng nhu cầu của bé mỗi khi bé đòi hỏi. Những chuyên gia về nuôi dạy trẻ đã từng nói các bậc phụ huynh rằng đừng bế các bé quá nhiều vì sợ dạy hư chúng. Giờ thì hiểu biết của chúng ta đã tốt hơn. Việc đáp ứng và xoa dịu một đứa trẻ không dạy hư bé – nhưng không đáp ứng hoặc xoa dịu bé sẽ tạo ra một đứa trẻ cảm thấy không an toàn và lo lắng. Nuôi dưỡng mối quan hệ với bé và cho bé những trải nghiệm nhất định sẽ tạo nên nền tảng của niềm tin kiên định rằng bé có được tình yêu và tình thương của bạn, đó chính xác là điều mà chúng ta nên làm. Nói cách khác, chúng ta muốn cho các bé biết bé có thể tin tưởng rằng nhu cầu của bé sẽ được đáp ứng.
Định nghĩa theo từ điển của từ “dạy hư” là “hủy hoại hoặc làm tổn hại tính cách hoặc thái độ bằng sự nuông chiều thái quá hoặc khen ngợi quá đà.” Sự dạy hư tất nhiên có thể diễn ra khi chúng ta cho con cái mình quá nhiều thứ, dành quá nhiều tiền cho chúng, hoặc lúc nào cũng đồng ý. Nhưng nó cũng xảy ra khi chúng ta cho trẻ ý niệm rằng thế giới và con người xung quanh chúng sẽ phục vụ ý thích nhất thời của chúng.
Các bậc phụ huynh thường lẫn lộn một bên là sự nuông chiều bằng tình thương và một bên là sự kết nối. Nếu bản thân ông bố bà mẹ được nuôi lớn bởi những phụ huynh không đáp ứng tình cảm và yêu thương, họ thường có một khao khát với thiện chí là làm điều khác đi với con cái mình. Vấn đề nảy sinh khi họ nuông chiều con mình bằng cách cho các bé nhiều vật chất hơn, che chở cho các bé khỏi sự vật lộn và buồn phiền, thay vì đáp ứng một cách hào phóng những gì chúng thực sự cần, và những gì thực sự có ý nghĩa – tình yêu, sự kết nối, sự quan tâm, và thời gian – trong khi chúng phải đấu tranh và đối mặt với những trắc trở mà cuộc sống không tránh khỏi sẽ mang lại.
Một hậu quả rắc rối khác của việc dạy hư là nó lựa chọn sự hài lòng trước mắt – cho cả bé và phụ huynh – thay vì điều gì tốt nhất cho đứa trẻ. Đôi khi chúng ta quá nuông chiều hoặc quyết định không đặt ra giới hạn vì đó là chuyện dễ dàng hơn vào thời điểm đó. Đồng ý với cuộc vui lần thứ 2 hoặc thứ 3 trong ngày có thể sẽ tốt hơn ngay lúc đó vì nó ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng. Nhưng còn ngày mai thì sao? Có phải lúc đó bé cũng trông đợi những cuộc vui nữa không? Hãy nhớ, bộ não tạo sự liên kết từ tất cả những trải nghiệm của chúng ta. Việc dạy hư trẻ sau cùng sẽ khiến cuộc sống khó khăn hơn cho chúng ta với tư cách là phụ huynh vì chúng ta thường xuyên phải đối phó những đòi hỏi hoặc sự khủng hoảng bắt nguồn từ việc con cái chúng ta không có được những gì chúng trông đợi: rằng lúc nào mọi việc cũng theo ý chúng.
Điều chúng tôi đang nói là các bậc phụ huynh hoàn toàn đúng khi lo lắng về việc dạy hư trẻ. Sự nuông chiều thái quá không giúp ích gì cho các bé, cho các phụ huynh, và cho cả mối quan hệ. Nhưng việc dạy hư bé không liên quan gì đến việc kết nối với con mình khi bé phiền muộn hoặc lựa chọn sai lầm. Hãy nhớ, bạn không thể làm hư một đứa trẻ bằng cách mang đến cho bé quá nhiều sự liên kết cảm xúc, sự quan tâm, đụng chạm dịu dàng, hoặc tình yêu. Khi các bé cần đến chúng ta, chúng ta cần phải ở bên chúng.
Nói cách khác, sự kết nối không phải là dạy hư, chiều chuộng các bé, hoặc ngăn cản sự độc lập của chúng. Khi chúng tôi nhắc đến sự kết nối, không phải chúng tôi đang ủng hộ khái niệm được biết đến như là phụ huynh trực thăng, tức là bố mẹ lượn lờ quanh cuộc sống của con cái họ, che chắn chúng khỏi mọi đấu tranh và nỗi buồn. Sự kết nối không phải là giải cứu các bé khỏi nghịch cảnh.
Kết nối nghĩa đồng hành với các bé qua những thời kỳ khó khăn và ở bên cạnh chúng khi chúng đau đớn về cảm xúc, cũng giống như điều chúng ta làm khi chúng làm trầy đầu gối và đau đớn về thể xác. Bằng cách đó, chúng ta thực chất đang xây dựng sự tự lập, vì khi các bé cảm thấy an toàn và được kết nối, và khi chúng ta giúp các bé xây dựng những kỹ năng cảm xúc và quan hệ thông qua kỷ luật trên quan điểm Bộ não-Toàn diện, chúng sẽ cảm thấy ngày càng sẵn sàng để đối phó với bất kỳ trở ngại trên con đường đời.
Bạn có thể kết nối cùng lúc với việc đặt ra giới hạn
Đúng, vậy là trong khi chúng ta kỷ luật các bé, chúng ta muốn kết nối với chúng về mặt cảm xúc và đảm bảo rằng chúng biết chúng ta luôn ở bên cạnh chúng khi chúng trải qua thời kỳ khó khăn. Nhưng không, điều này hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta nên nuông chiều mọi ý thích của chúng. Trên thực tế, nếu con bạn đang khóc lóc và nổi giận trong cửa hàng đồ chơi vì bé không muốn rời đi, và bạn cho phép bé tiếp tục gào thét và ném bất cứ thứ gì bé có thể chạm tới, thì điều đó không chỉ là nuông chiều mà còn là vô trách nhiệm.
Bạn không hề ban ơn cho một đứa trẻ khi bạn xóa bỏ ranh giới trong cuộc sống của bé. Điều này không tốt cho bé (hoặc cho bạn hoặc những người khác trong cửa hàng đồ chơi) khi bạn để cho cơn bùng nổ cảm xúc của bé được giải phóng. Khi chúng tôi nói về việc kết nối với một đứa trẻ đang phải vật lộn để kiểm soát bản thân, chúng tôi không có ý rằng bạn nên cho phép bé cư xử theo bất kỳ cách nào mà bé chọn. Bạn sẽ không đơn giản chỉ nói “Con có vẻ không vui” với một đứa trẻ khi bé quăng một hình nộm Bart Simpson về phía đồng hồ Hello Kitty dễ vỡ. Một phản ứng thích hợp hơn có thể là điều gì đó như, “Mẹ có thể thấy con đang không vui và con đang gặp khó khăn với việc kiểm soát cơ thể. Mẹ sẽ giúp con.” Có thể bạn sẽ cần nhẹ nhàng bế bé lên hoặc đưa bé ra ngoài khi bạn tiếp tục kết nối – sử dụng sự đồng cảm và đụng chạm thân thể, nhớ là bé đang cần bạn – cho tới khi bé bình tĩnh. Một khi bé đã kiểm soát bản thân tốt hơn và đang trong trạng thái tinh thần sẵn sàng tiếp thu để học hỏi, lúc đó bạn có thể thảo luận về điều vừa xảy ra với bé.
Hãy lưu ý sự khác nhau giữa hai cách phản ứng. Một cách (“Con có vẻ không vui”) thể hiện sự bốc đồng của bé khiến cho tất cả mọi người e sợ, bé sẽ không ý thực được giới hạn là gì, và không dạy cho bé trải nghiệm phanh hãm khi mong muốn của bé đang nhấn vào chân ga. Cách còn lại giúp bé nhận thức rằng có giới hạn về những việc mà bé được làm và không được làm. Bọn trẻ cần cảm nhận được rằng chúng ta quan tâm đến những gì chúng đang trải qua, nhưng các bé cũng cần chúng ta đưa ra luật lệ và ranh giới để chúng biết rằng trong một hoàn cảnh nhất định thì nên làm gì.
a
a
Khi các con của Dan còn nhỏ, anh đưa chúng tới một công viên gần nhà nơi anh nhìn thấy một cậu bé 4 hoặc 5 tuổi tỏ ra hống hách và quá thô lỗ với những đứa trẻ quanh cậu, một vài bé còn khá nhỏ. Người mẹ của cậu bé quyết định không can thiệp, lấy cớ rằng cô “không muốn giải quyết vấn đề hộ bé”. Cuối cùng thì một người mẹ khác cho cô biết rằng cậu bé đang tỏ ra thô lỗ và ngăn cản các bé khác chơi cầu trượt, vào lúc đó mẹ của cậu bé gay gắt khiển trách cậu từ phía bên kia đường: “Brian! Để cho mấy đứa nhỏ chơi cầu trượt không thì chúng ta sẽ về nhà!” Để đáp trả, cậu nói với mẹ rằng mẹ thật ngu ngốc và bắt đầu ném cát. Người mẹ nói: “OK, chúng ta đi thôi” và bắt đầu thu dọn đồ đạc, nhưng cậu bé không chịu rời đi. Người mẹ ra sức đe dọa nhưng không hành động. Khi Dan ra về cùng các con 10 phút sau đó, hai mẹ con kia vẫn còn ở lại.
Tình huống này đưa ra một câu hỏi về ý nghĩa của sự kết nối khi chúng ta nói về nó. Trong trường hợp này, vấn đề trước mắt không phải là cậu bé đang bực mình và khóc lóc. Cậu vẫn đang gặp khó khăn trong việc điều tiết sự bốc đồng và xử lý tình huống, nhưng nó được biểu hiện nhiều hơn trong cách hành xử ngoan cố và chống đối. Đến lượt sự kết nối trước khi mẹ cậu bé cố gắng điều hướng cho bé. Khi một đứa trẻ tuy không bị choáng ngợp bởi cảm xúc nhưng đang đưa ra những quyết định không-tối-ưu, sự kết nối có thể nghĩa là tìm hiểu cảm nghĩ của bé vào thời điểm đó. Người mẹ lẽ ra có thể đi qua bên đó và nói: “Có vẻ con đang thích thú với việc quyết định xem ai sẽ được chơi cầu trượt. Hãy nói mẹ nghe xem con và các bạn đang làm gì nào.”
Một câu nói đơn giản như thế, với giọng điệu thể hiện sự quan tâm và tò mò thay vì đánh giá và tức giận, sẽ hình thành một kết nối về cảm xúc giữa hai người. Sau đó mẹ của cậu bé có thể tự tin hơn trong khi đi tiếp đến việc điều hướng, thể hiện hàm ý tương tự như cô đã đề cập trước đó, nhưng với một giọng điệu hoàn toàn khác. Tùy thuộc vào tính cách của cô và bản tính của con trai, cô có thể nói điều gì đó như là: “Ừm. Mẹ vừa nghe các cô nói rằng có một vài bé muốn chơi cầu trượt, và các bé không thích việc con đang chặn nó. Cầu trượt là dành cho tất cả trẻ em ở công viên. Con có ý tưởng nào trong việc chia sẻ nó không?”
Trong những thời điểm thuận lợi, cậu có thể sẽ nói: “Con biết rồi! Con sẽ xuống dưới và đi đường vòng và bọn nhóc có thể trượt trong lúc con trèo lên.” Trong thời điểm không-mấy-hào-hiệp, cậu bé có thể từ chối, và lúc đó người mẹ cần nói: “Nếu quá khó khăn trong việc để cả con và bạn con có thể chơi cầu trượt, vậy thì chúng ta cần chơi thứ gì đó khác, chẳng hạn như ném đĩa Frisbee.”
Với cách nói đó, người mẹ đang hòa nhập với trạng thái cảm xúc của cậu bé, trong khi vẫn áp đặt ranh giới dạy bé rằng chúng ta cần cân nhắc đến người khác. Cô thậm chí có thể cho bé cơ hội thứ hai nếu cần. Nhưng nếu bé vẫn từ chối nghe lời và bắt đầu ném nhiều câu xúc phạm hơn và nhiều cát hơn, cô sẽ phải tiếp tục sự điều hướng mà cô đã hứa hẹn: “Mẹ có thể thấy con thực sự tức giận và thất vọng về việc rời khỏi công viên. Nhưng chúng ta không thể ở lại vì hiện giờ con đang gặp khó khăn với những lựa chọn đúng đắn. Con có muốn đi bộ ra xe không? Hoặc mẹ có thể bế con ra đó. Tùy con lựa chọn.” Sau đó cô ấy cần thực sự thực hiện điều ấy.
Đúng vậy, chúng ta muốn luôn luôn kết nối với con mình về mặt cảm xúc.
a
a
Nhưng cùng với sự kết nối, chúng ta phải giúp bọn trẻ lựa chọn đúng đắn và tôn trọng những ranh giới, trong khi chúng ta truyền đạt một cách rõ ràng mà giữ vững giới hạn. Đó chính là những gì mà các bé cần, và thậm chí là những gì mà sau cùng chúng muốn.
Sau cùng thì các bé cần chúng ta đặt ra ranh giới và truyền tải sự trông đợi của chúng ta. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là mọi cách thức kỷ luật đều nên bắt đầu bằng việc dỗ dành bọn trẻ và hòa nhập vào thế giới nội tâm của chúng, cho phép chúng biết rằng chúng đang được chú ý, lắng nghe, và yêu thương bởi bố mẹ mình
– ngay cả khi chúng làm sai chuyện gì đó. Khi các bé cảm thấy mình được để ý, an toàn, và xoa dịu, chúng sẽ thấy an toàn và chúng sẽ trưởng thành. Đây là cách để chúng ta trân trọng tâm tư của trẻ cùng lúc đó giúp hình thành và uốn nắn hành vi của chúng. Chúng ta có thể giúp định hướng cho một sự thay đổi hành vi, giáo dục một kỹ năng mới, và truyền đạt một cách thức quan trọng để tiếp cận một vấn đề, tất cả điều đó trong khi trân trọng tâm tư của bé đằng sau hành vi. Đây là cách:
a
a
a
Lần tới khi một trong những đứa con của bạn mất kiểm soát hoặc làm điều gì đó khiến bạn hoàn toàn phát điên, hãy nhắc bản thân nhớ rằng nhu cầu kết nối của bé là lớn nhất trong những thời điểm cảm xúc dâng cao. Phải, bạn sẽ cần xử lý hành vi, điều hướng và giáo dục những bài học. Nhưng trước tiên, hãy nhìn nhận lại những cảm xúc đó và nhận ra bản chất của chúng: một lời đòi hỏi sự kết nối. Khi con bạn đang trong tình trạng tệ nhất, đó chính là lúc bé cần bạn nhất.
Nguồn: Internet