Nhắc đến phép tu dưỡng kéo dài tuổi thọ, người ta hay nghĩ đến một nếp sống lành mạnh, hạn chế rượu bia thuốc lá, tránh đau khổ buồn phiền. Tuy nhiên, trong quyển sách này, bác sĩ Peter J. Steincrohn lại bàn về một khía cạnh khác của phép dưỡng sinh: sống theo sở thích. Sống theo sở thích ở đây không có nghĩa là tùy tiện, mà theo ông, là phải sống sao cho phù hợp với năng lực thể chất, tinh thần của bản thân. Sống thoải mái nhưng không thái quá, vui mà không trụy lạc, thì sẽ sống lâu. Xin được mạn phép trích một phần mà ông đã viết trong lời mở đầu của quyển sách: “Triết lý của tôi như vầy: chúng ta chỉ sống có một lần thôi. Hôm qua là dĩ vãng, ngày mai là hy vọng, hôm nay là đời sống. Mỗi ngày chúng ta cứ sống cho thỏa thích, nếu không thì không phải là sống. Chỉ có mỗi một quy tắc mà bạn phải theo là quy tắc của cổ nhân: Đừng thái quá”.
Trích đoạn sách hay
Tôi bẩm sinh không biếng nhác.
Nhiều người coi tôi là “con quỷ chống thể thao” và ngờ rằng bẩm sình tôi đã biếng nhác. Lầm lớn. Hồi trẻ tôi đã vô hướng đạo, cũng ham vận động, thích cắm trại, sống cực khổ, làm những việc nặng nhọc tới mệt nhoài, đạp xe đạp theo bạn hằng mấy chục cây số. Lớn lên tôi chơi môn quyền và dã cầu.
Hồi mới làm bác sĩ, tôi phải điều khiển một dưỡng đường, và sáng nào tôi cũng bắt đầu làm việc từ 8 giờ rưỡi. Mỗi tuần ba ngày tôi dậy sớm để có thể chơi xong 9 lỗ golf trước khi tới dưỡng đường. Sau bữa trưa, trên một chục bác sĩ chúng tôi họp nhau chơi một ván quần lăn nữa.
Rồi tới hồi 40 tuổi, tôi bắt đầu không ưa những vận động vô ích nữa. Không phải tôi bị con số “40” đó thôi miên đâu. Tự nhiên tôi thấy chán, thế thôi. Mới đầu bỏ môn quần lăn, rồi lần lần môn golf.
Trong mười năm gần đây, tôi chỉ chơi golf có ba lần. Dù gắng sức tôi cũng không thấy ham nữa.
Nhưng hiện nay có nhiều người hành động trái hẳn. Trẻ thì không chơi thể thao, già rồi mới ham mê câu cá và chơi golf. Có ông 40, 50 tuổi, hoặc già hơn nữa, mới bắt đầu ham những “bắp thịt vồng”.
Tôi gọi những ông đó là “lực sĩ đứng tuổi”. Hoặc là họ muốn chứng tỏ cho họ một điều gì đó, hoặc là họ muốn làm cho người khác phải “lác mắt”.
Ta nên thành thực với bản thân.
Tôi khuyên các ông đứng tuổi đó có thực yêu thể thao thì cũng nên vận động có điều độ mà thôi. Mà tôi biết chắc rằng chẳng phải ai cũng thực tâm yêu thể thao cả đâu. Nhiều ông hành động như loài cừu, nghe người ta nói: “Thể thao có lợi cho ta lắm”, ấy thế là các ông ấy “thể thao” hăng đáo để.
Đừng nên lừa gạt bản tính và xu hướng của mình.
Nếu bạn bẩm sinh không ưa vận động thì đừng lấy vậy làm xấu hổ. Cứ ngửng đầu lên, hiên ngang bước tới mặc cho bạn bè luyện tập bắp thịt cùng gân cốt. Sùng thưởng các hoạt động thể chất, đâu phải là một vinh dự gì đặc biệt. Cũng không phải là một bảo đảm cho sức khoẻ, cho sự trường thọ nữa.
Nhiều bác sĩ danh tiếng khuyên dại quần chúng:
“Ông phải vận động nhiều vào nếu không hại cho sức khoẻ đấy. Đi xe đạp, mỗi ngày leo sáu, bảy tầng lầu, mà leo cho nhanh, về nhà những ngày nghỉ, làm việc đừng hở tay, đừng ngồi không, hoạt động lên!”.
Mỗi người có một lối sống.
Bạn chỉ cần giữ sao cho đừng lên cân quá, đừng sụt cân, vậy đừng nên ăn nhiều quá, phải ngủ đi, mỗi ngày nên đánh một giấc ngủ trưa, lúc nào mệt thì đi nghi, có một môn tiêu khiến, đừng mệt nhọc quá, về nhà đừng nghĩ tới việc hãng nữa, mỗi ngày vận động để làm những việc của mình là đủ rồi, chẳng cần bày trò ra vận động thêm nữa.
Tôi thường bảo các bà rằng muốn cho chồng sống lâu thì đừng thúc họ vận động nếu họ không thích. Có ông thích làm vườn, có ông thích thể thao, được lắm, nếu đủ sức và thật tâm thích. Nhưng nếu ông chồng ưa nằm dài ra, chẳng làm gì cả thì đừng chê bai, bắt lỗi họ, đó là cách họ lấy lại sức để tuần sau đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà. Đừng khuyên họ phải làm theo mọi người. Không phải vì ông Xuân chơi thể thao mà ông Thu cũng phải bắt chước, ra sân vận động.
Đừng theo thiên hạ.
Rất nhiều người có thói “làm theo thiên hạ”. Nhưng cái gì lợi cho ta thì ta phải biết chứ. Có người mê hoặc tới cái mức nghĩ rằng phải vận động sao cho chân tay rã rượi, đau nhức thì mới có lợi. Cũng y như hạng người bảo: “Thuốc này uống đắng quá, chắc là công hiệu lắm”.
Người ta bảo tôi: “Tại sao cứ nằm hoài trên ghế xích đu vậy? Thiên hạ người ta cho anh là già nua rồi”
Tôi đáp: “Tôi đã già nua từ lâu rồi. Tôi yêu cái ghế xích đu và dùng nó từ hồi còn trẻ lận”.
Và tôi vẫn mạnh khoẻ hơn đa số các ông bạn của tôi, đứng tuổi rồi mà còn lăng xăng vận động như bọn trẻ, chính vì vậy mà họ thường đau.
Và tôi nói thêm: “Gà nào có thể là gà tơ hoài được?”
Nhưng tôi xin ngừng thôi. Chỉ có những “đồng chí” biếng nhác của tôi mới thực hiểu tôi. Tôi xin cam đoan với các bạn đó rằng cách sống của các bạn phải đấy!
Nguồn: Internet