Trong những năm qua, với hàng loạt tác phẩm như Thả một bè lau, Đường xưa mây trắng, Bông hồng cài áo, Hạnh phúc mộng và thực, Nẻo về của ý…, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa người đọc đến với một thế giới mà ở đó cảm xúc thiền luôn thấm đẫm, giúp người đọc có cơ hội lắng mình lại, để hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Nối tiếp mạch cảm xúc đó, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt – First News đã cho ra mắt tác phẩm Tâm tình với Đất Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh do NXB Hồng Đức ấn hành.

Với tác phẩm lần này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang đến một góc nhìn đặc biệt về môi trường sống của con người, về trách nhiệm của con người trong mối tương quan với Trái đất mà ông gọi bằng một cái tên rất trìu mến – mẹ Đất. Trong góc nhìn này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra vũ trụ là một quần thể có mối liên hệ mật thiết với nhau, ở đó ông gọi là mẹ Đất, cha Mặt trời, dì Trăng.

Chính từ mối liên hệ mật thiết giữa các hành tinh trong vũ trụ đã tạo ra môi trường sống đầy bao dung, ấm áp cho muôn loài. Ông chỉ ra: “Sở dĩ chim chóc vẫn được cái hạnh phúc trở về với mây trời thênh thang, sở dĩ hươu nai vẫn có cái thích thú chạy nhảy ở đồng quê, đó là nhờ khả năng đùm bọc và che chở của Mẹ. Mẹ đã tiếp thu, đã gặt hái ánh sáng của Cha một cách khéo léo để nuôi dưỡng đàn con của Mẹ và làm cho Mẹ xinh đẹp hơn từ gần một tỷ năm nay”.

Trong số “đàn con” của mẹ Đất không thể không nhắc tới con người. Suốt gần một tỷ năm qua, mẹ Đất đã nuôi dưỡng con người trong tình thương bao la của mình. Và con người đã được thụ hưởng rất nhiều từ tình thương bao la ấy của Đất mẹ: cơm ăn nước uống hàng ngày; môi trường sống thanh sạch, có sự hài hòa giữa cỏ cây hoa lá; những tiện nghi sinh hoạt ngày càng hiện đại… Nhận nhiều nhưng chính con người cũng đang tự chối bỏ tình yêu thương đó khi đang tâm hủy hoại Trái đất; hệ quả là tình trạng ô nhiêm môi trường, hiện tượng biến đối khí hậu đang trở thành nguy cơ đe dọa sự sống của con người. Dù vậy, mẹ Đất vẫn luôn nhân từ và bao dung: “Khi người ta đổ và rải lên đất những thứ thơm tho và tinh sạch như hoa hương và sữa thơm, đất không thấy tự hào, mà khi người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy và hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ, hoặc khạc nhổ xuống đất, thì đất cũng không cảm thấy giận hờn, chán ghét hoặc tủi nhục. Đất có khả năng tiếp nhận ôm ấp và chuyển hóa tất cả”.

Trong cuốn sách của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra Trái đất không hẳn là vật chất ở ngoài chúng ta, mà Trái đất còn ở ngay trong chính chúng ta. Ông viết: “Bạn đang mang Mẹ Đất trong bạn. Mẹ Đất không ở bên ngoài. Mẹ Đất không chỉ là môi trường. Mẹ Đất là bạn”.

Chỉ khi ý thức được rằng, “Mẹ Đất là bạn” thì khi đó con người mới nhận thức được vai trò thực sự quan trọng của Trái đất. Nếu bạn có ý định hủy hoại Trái đất, cũng chính là bạn đang hủy hoại bản thân mình. Và vì thế, theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, để cứu lấy Đất Mẹ, “bạn hãy thở vào, ý thức về cơ thể bạn và nhìn sâu vào cơ thể để thấy rằng bạn là trái đất, và tâm thức bạn cũng là tâm thức của trái đất. Không chặt phá rừng, không làm ô nhiễm nguồn nước – chừng ấy chưa đủ”.

Vượt lên trên ý niệm về môi trường, bằng cách mượn lời tâm tình với Đất mẹ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn đưa đến cho người đọc một thông điệp thiêng liêng hơn, đó chính là trách nhiệm và sự biết ơn đối với cội nguồn, biết ơn đấng sinh thành đã sinh ra và nuôi nấng chúng ta.

Tâm tình với Đất Mẹ là tác phẩm mới nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tuy hình thức nhỏ bé, nhưng có thể đóng vai trò của một hồi trống báo hiệu hiện tượng tiếp cận và hình thành của một tuệ giác mới, có khả năng đem lại sự tổng hợp kỳ diệu giữa Phật học, khoa học, tôn giáo và triết học.

Thông tin tác giả:

Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926 tại Thừa Thiên – Huế) là một Thiền sư đã xuất bản trên 100 cuốn sách, trong đó có hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh và nhiều cuốn được xếp hạng bán chạy nhất Hoa Kỳ cùng các nước trên thế giới. Ông cũng xuất bản các bài giảng trong các tạp chí tạp chí Mindfulness Bell của Dòng tu Tiếp Hiện. Hiện ông đang sống và tu tập tại miền Nam nước Pháp.

Trích đoạn sách hay

ĐẤT MẸ

Những bài pháp thoại Thầy Thích Nhất Hạnh giảng tại Làng Mai trong khóa An Cư Kết Đông 2011-2012.

Sự thành lập của trái đất
Trái đất được thành lập

Chúng ta hay có thói quen nhân cách hóa mọi thứ. Ví dụ như tự do, chúng ta nghĩ tới tự do như một vị thần, nên ta tạc tượng Nữ thần Tự Do. Khi gió thổi mạnh, chúng ta tưởng tượng ra một vị thần đang làm ra gió gọi là thần Gió. Khi nghe tiếng sấm sét, chúng ta nghĩ ra một vị thần gọi là thần Sấm Sét. Văn hóa nào cũng có khuynh hướng đó. Tình thương cũng được nhân cách hóa thành ra một bà mẹ, Mẹ Maria hay Mẹ Quan Âm. Chúng ta có thần Tự Do, thần Công Lý, có Mẹ Maria, Mẹ Quan Âm. Trong nhiều nền văn hóa, chúng ta đã xem Mặt trời là một vị thần linh. Trong văn hóa Ấn Độ, Mặt trời là một vị thần tên Surya, ở Trung Quốc là thần Thái Dương và ở Âu châu là Suna. Chúng ta có khuynh hướng nhân cách hóa mọi thứ.

Khi nghĩ tới sự thành lập vũ trụ, chúng ta nhân cách hóa sự thành lập đó bằng hình ảnh một Thượng đế, một vị hóa công, tức người đã tạo dựng ra thế giới. Hành tinh của chúng ta, ta gọi là Đất Mẹ, ta cũng nhân cách hóa trái đất. Chúng ta nghĩ đất là Mẹ như một con người và mặt trời là một ông cha. Trong những ơn ta muốn tỏ lộ có ơn trời che và đất chở (thiên địa phú tài chi ân).

Trái đất của chúng ta đã có mặt vào khoảng 5 tỷ năm. Lúc đầu nó chỉ là một khối lửa như mặt trời bây giờ. Trong gần 4 tỷ năm trên trái đất không có sự sống, tại vì quá nóng. Nhưng từ từ, lửa phun ra tạo thành hơi nước, hơi nước làm cho vỏ ngoài của trái đất lạnh và cứng lại. Từ từ bầu khí quyển được hình thành và sự sống bắt đầu xuất hiện dưới nước. Nhờ bầu khí quyển và từ trường phóng ra từ trái đất mà có đủ sức ấm, nhờ sức nóng do mặt trời chiếu dọi mà đại dương không đóng thành băng. Bầu khí quyển ngăn cản những tia phóng xạ cực tím nên sự sống từ từ xuất hiện trên mặt đất. Trong một tỷ năm cuối, sự sống được phát hiện dưới hàng triệu chủng loại, từ cây cối đến thú vật. Con người xuất hiện rất trễ trên trái đất. Có một lần trái đất bị một thiên thể lớn bằng sao Hỏa va chạm, tạo ra một cú sốc rất lớn. Một phần của thiên thể hòa nhập với trái đất, một phần hợp với một phần nhỏ của trái đất văng ra và trở thành mặt trăng. Mặt trăng xoay chung quanh trái đất theo một quỹ đạo. Trái đất bị tai nạn – bị những thiên thể trong không gian va chạm như vậy bốn năm lần. Tới lần trái đất bị va chạm cuối cùng thì những loài khủng long đang sống trên mặt đất bị hoàn toàn tiêu diệt, loài bò sát khổng lồ cũng chết hết, chỉ còn lại những loài động vật có vú sống được và tiếp tục phát triển.

Sự xuất hiện của con người

Con người xuất hiện rất trễ trong lịch sử của sự sống. Lúc đầu có một loài vượn ở Phi châu đứng thẳng lên và hai tay của nó được tự do. Nó bắt đầu biết sử dụng những khí cụ nên trí óc phát triển rất nhanh. Loài vượn đứng thẳng xuất hiện và từ từ trở thành nhiều chủng loại của con người. Nhờ khối óc nên con người trở nên thông minh, sáng tạo ra nông nghiệp, kỹ thuật và ảnh hưởng tới trái đất một cách rất hiệu quả. Trong lịch sử của sự sống, chưa có loài nào trên thế giới có thể ảnh hưởng lên trái đất một cách lớn lao như vậy. Và con người bắt đầu nhân cách hóa, con người nghĩ rằng: Thượng đế, tức lực lượng tạo ra trời đất, phải có hình dáng của một con người.

Trong kinh điển nói: Thượng đế tạo ra con người dưới hình ảnh của Ngài. Nhưng trên thực tế thì chính con người đã tạo ra Thượng đế. Đó gọi là nhân cách hóa. Trong đạo Bụt, chúng ta nói tới Phật tánh, tức khả năng hiểu, thương và tỉnh thức. Chúng ta nói tới Phật tánh, không những của con người mà còn của những loài khác, vì vậy trong Thiền tông có công án: Con chó có Phật tánh hay không? Chúng ta có tụng một bài kinh, trong đó có câu: Tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo – tất cả các loài, dù hữu tình hay vô tình, đều có thể thành Phật. Không những con chó, con nai, con thiên nga, con cá, con chim có thể thành Phật, mà cây trúc đào, cây xoài, cây chanh cũng có thể thành Phật. Cỏ cây, đất đá đều có thể thành Phật, đó là tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo.

Nhưng con người có khuynh hướng muốn coi mình cao hơn hết mọi loài. Con người nhìn mọi loài bằng con mắt phân biệt, nghĩ rằng Phật, Thánh hay Thượng đế chỉ có thể là con người mà thôi.

Mặt trời là một vị Bồ tát lớn

Nếu quán chiếu sâu sắc, chúng ta thấy trước khi con người xuất hiện trên trái đất, đã có sự hiện diện của các vị Bụt và Bồ tát. Các vị Bụt và Bồ tát không hẳn phải mang hình thức một con người. Ví dụ như mặt trời mà mỗi ngày chúng ta thấy là một ngôi sao rất lớn trong dải ngân hà có triệu triệu ngôi sao. Mặt trời là một trong những ngôi sao lớn nhất của tinh hà này. Mỗi ngày mặt trời hiến tặng bản thân của mình dưới hình thái ánh sáng. Hành tinh của chúng ta là trái đất mỗi ngày tiếp thu một ít ánh sáng mặt trời để có thể chế tác được sự sống.

Nhìn cho kỹ thì mặt trời là một vị Bụt có hào quang vô lượng và thọ mạng vô lượng. Mặt trời lớn gấp 330.000 lần trái đất và đường kính gần 1 triệu rưỡi cây số. Mỗi ngày mặt trời lấy hình hài của mình chế thành ánh sáng hiến tặng cho thế gian. Ánh sáng vô lượng và thọ mạng vô lượng, đó là đức Bụt A Di Đà. Mỗi ngày đức Bụt A Di Đà có mặt cho trái đất và cho chúng ta trong hình hài của chúng ta. Trong chúng ta có mặt trời, cũng như trong bông hoa có Mặt trời. Lấy mặt trời ra thì chúng ta chết. Trong kinh nói Di Đà là tự tánh, chúng ta đã có được Di Đà trong thân và tâm của mình. Nếu bản chất của A Di Đà là vô lượng quang, vô lượng thọ thì mặt trời đúng là vô lượng quang, vô lượng thọ. Mặt trời là Suna, là thần Thái Dương, là Bụt A Di Đà Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ. Mỗi ngày mặt trời đi chơi từ phương Đông qua phương Tây nên người ta nghĩ rằng nhà của mặt trời hay của Bụt A Di Đà là phương Tây. Chúng ta không cần phải nhớ tưởng hay niệm đức A Di Đà. Đức A Di Đà đang có mặt trong hình hài ta, có mặt với chúng ta trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Muốn nhìn hình hài của mặt trời thì mình nhìn lên, muốn tiếp xúc với năng lượng của mặt trời thì nó có ngay trên trái đất và trong hình hài của chúng ta.

Mặt trời là một vị Bụt, một vị đại Bồ tát. Mặt trời không cần phải mang hình hài một con người. Lâu nay trong đạo Kitô người ta quan niệm Thượng đế là đấng tạo hóa có hình hài của một con người. Nhưng sau này nhiều nhà thần học đã đặt vấn đề: Có phải Thượng đế có hình hài của một con người hay không? God is a person or not? Rất nhiều nhà thần học Kitô giáo không đồng ý rằng Thượng đế có hình hài của một con người.

Lúc còn sống, Albert Einstein có đọc một bài diễn văn, trong đó ông nói ông không tin rằng Thượng đế có hình dáng của một con người. Sau đó, những nhà thần học như Paul Tillich cũng nói như vậy: God is not a person.

Trong đạo Bụt chúng ta có danh từ pháp thân (Dharmakàya). Danh từ pháp thân có ít nhất là hai nghĩa:

1. Trước nhất, pháp thân là sự thực tập của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có pháp thân, tức có sự thực tập. Sự thực tập của chúng ta có thể yếu kém hay hùng mạnh. Nếu sự thực tập của ta vững chãi thì ta có thể xử lý được những nỗi khổ niềm đau và chế tác được niềm vui. Đó là Dharmakàya, là pháp thân của chúng ta. Ta tu tập, hành trì như thế nào để pháp thân càng ngày càng vững, ta có thể chế tác niềm vui và chuyển hóa niềm đau một cách dễ dàng. Có pháp thân là ta có Phật thân, đi đâu hay ngồi đâu trong ta cũng có Bụt.

2. Sau này, nhất là trong Đại thừa, chữ pháp thân có nghĩa là nền tảng của vạn pháp. Vạn pháp có thiên hình vạn trạng, có muôn ngàn pháp, nhưng tất cả đều nương tựa trên một nền tảng gọi là pháp thân.

Bên Kitô giáo, nhiều nhà thần học cũng nói tới Thượng đế như một pháp thân. Nhà thần học người Đức, Paul Tillich, nói: “Thượng đế là nền tảng của hiện hữu”. God is the ground of being.

Đạo Phật cũng nói: Pháp thân là nền tảng của tất cả các pháp. Cho rằng Thượng đế là nền tảng của hiện hữu cũng gần giống như khi ta nói pháp thân là nền tảng của các pháp. Phật tử sẽ không khó khăn khi chấp nhận một Thượng đế như là bản thể, nền tảng của vạn pháp.

Mặt trời cũng là một vị Bồ tát lớn, là một vị Bụt. Không có mặt trời thì không có ánh sáng, sức nóng và không có sự sống. Mặt trời có tên là Đại Nhật Như Lai, Vairochana Tathagata. Không có mặt trời thì không có sự sống trên trái đất. Chúng ta có thể xướng: Nhất tâm kính lễ đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai, Bụt Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang hiến tặng sự sống cho hành tinh đại địa.

Trái đất là một vị Bồ tát

Mặt trời là một pháp, hành tinh trái đất cũng là một pháp. Nếu mặt trời là một vị Bồ tát thì hành tinh của chúng ta cũng là một vị Bồ tát, Đất Mẹ là một vị Bồ tát. Là những người hành trì, chúng ta phải bắt đầu nhìn trái đất như một vị Bồ tát, một vị Bồ tát rất xinh đẹp. Các nhà khoa học đã dùng kính viễn vọng để tìm kiếm, nhưng cho tới nay họ chưa tìm được một hành tinh nào xinh đẹp như trái đất. Chiếc áo khoác lên người của Đất Mẹ là một chiếc áo rất xinh đẹp, chiếc áo có màu xanh của đại dương, màu xanh của cây cỏ. Nhìn cho kỹ, ta thấy có biết bao nhiêu mầu nhiệm biểu hiện trên mặt đất, trong đó có con người. Con người tự hào mình giỏi về toán học, nhưng khi nhìn một cánh hoa anh đào hay nhìn một vỏ ốc thì con người phải cúi đầu khâm phục. Phải rất giỏi toán mình mới làm ra được một cánh hoa anh đào hay một vỏ ốc như vậy. Muốn xây một ngôi nhà hay một cây cầu vững chãi, chúng ta phải nhờ kiến thức của toán học. Đất Mẹ cũng là một nhà toán học tài tình, đã tạo ra những cái rất mầu nhiệm.

Những nhạc sĩ đã tạo ra những bản nhạc rất hào hùng. Nhưng nếu lắng nghe tiếng hải triều, tiếng gió, tiếng chim, tiếng thông reo thì chúng ta sẽ thấy rằng Bồ tát Thanh Lương Địa của chúng ta là một nhạc sĩ rất tài tình. Không bản nhạc nào hào hùng hơn bản nhạc của đất trời, của mưa, của gió, của hải triều sớm tối. Các họa sĩ đã sáng tạo ra những bức tranh thật tuyệt vời, nhưng không họa sĩ nào có thể sáng tạo ra những bức tranh tuyệt vời như Đất Mẹ. Buổi sáng khi mặt trời lên, đứng trên núi nhìn xuống, chúng ta thấy bức tranh mà trái đất thực hiện đẹp hơn những bức tranh của con người rất nhiều.

Không hẳn chỉ con người mới được gọi là Mẹ. Ta có thể nhìn trái đất như một vị Bồ tát, gọi là Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Ta có thể chắp tay lại niệm: Nam mô Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Vị Bồ tát này là Mẹ của muôn loài, có khả năng chuyên chở, nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi khi đau ốm, ta đánh mất mình thì ta phải trở lại với bà Mẹ này để được nuôi dưỡng, trị liệu. Vì vậy, thiền hành là một phương pháp thực tập rất hay để chúng ta có thể trở về tìm sự nuôi dưỡng và trị liệu từ Đất Mẹ. Tuy không mang hình thức của một con người, nhưng Đất Mẹ đích thực là một vị Bồ tát, tại vì Đất Mẹ có những đức tính rất lớn như vững chãi và kiên nhẫn. Trong kinh Địa Tạng có câu: Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng (có nghĩa là đất kiên cố, dày dặnvà cất chứa được rất nhiều). Đất có khả năng nuôi dưỡng, che chở, trị liệu và có khả năng cho ra đời biết bao nhiêu là mầu nhiệm. Nhiều vị Bụt và Bồ tát đã được đất sinh ra. Chính Chúa Kitô cũng do đất sinh ra. Ta không biết Chúa Kitô có phải do Thượng đế sinh ra thật hay không, nhưng ta biết chắc Chúa Kitô do trái đất sinh ra. Có những lúc ta lao đao, cô đơn, lạc hướng hay ốm đau thì ta phải trở lại Đất Mẹ để được nuôi dưỡng.

Trong khóa tu mùa Đông này, chúng ta nên đưa vị Bồ tát Đất Mẹ vào trong danh sách để lạy: Nhất tâm kính lễ Bồ tát Thanh Lương Đại Địa, mẹ của muôn loài luôn luôn chở che, nuôi dưỡng và trị liệu cho chúng con.

Bồ tát là tên gọi tắt của chữ bồ đề tát đỏa. Bodhisattva, đọc phiên âm ra là bồ đề tát đỏa. Bodhi là bồ đề, sattva là tát đỏa. Sattva nghĩa là một sinh vật, một hữu tình (being), bodhi nghĩa là giác ngộ (enlightened). Bồ đề tát đỏa là giác hữu tình (enlightened being).

Bồ tát là một sinh vật có hạnh phúc, có giác ngộ, có chánh niệm, có hiểu và có thương. Bất cứ sinh vật nào có sự tỉnh thức, có bình an, có hiểu và thương thì được gọi là một vị Bồ tát. Không phải chỉ có con người mới làm được Bồ tát. Trong những câu chuyện tiền thân, có khi Bồ tát là một con nai, một con khỉ, một tảng đá hay một cây xoài, tại vì nhìn vào cây xoài đó ta thấy có hạnh phúc, có sự tươi mát. Cây hiến tặng cho đời vẻ đẹp của nó và nuôi dưỡng sự sống, làm chỗ nương tựa cho bao nhiêu chim muông. Ta có thể thấy cây là một vị Bồ tát, vì vậy Bồ tát không hẳn phải là con người. Bồ tát không phải là cái gì xa xôi ở trên mây, mà là những cái ở ngay chung quanh mình. Một người trẻ hơn ta nhưng có tình thương, có sự hiểu biết, có sự tươi mát và hiến tặng cho ta nhiều niềm vui thì người đó là một vị Bồ tát. Cây thông ngoài vườn có thể tạo cho ta nhiều niềm vui, hiến tặng cho ta dưỡng khí và làm đẹp cho cuộc đời. Cây thông đó là một vị Bồ tát.

Vì vậy, chúng ta có thể nói trái đất của chúng ta là một vị Bồ tát. Đích thực địa cầu là một vị Bồ tát rất lớn. Địa cầu có nhiều đức tính rất tốt. Trước hết là sự vững chãi. Đất chuyên chở ta, đất có sức chịu đựng rất lớn, rất kiên nhẫn. Đất không kỳ thị. Ta có đổ nước thơm, hương hoa hay đổ phân, nước tiểu xuống, đất cũng chấp nhận được. Đất hiến tặng cho ta không biết bao nhiêu là phẩm vật. Đất đưa ta ra đời, nuôi nấng ta, cho ta không khí để thở, cho ta nước để uống. Như vậy rõ ràng đất là một vị Bồ tát. Khi bước trên mặt đất là ta tiếp xúc với một vị Bồ tát.

Ta đừng nên cho đất là vật chất, tại vì vật chất làm sao giỏi như vậy được? Đất là một vị Bồ tát lớn đã đưa ra đời nhiều vị Bụt và nhiều vị Bồ tát khác. Đất là Mẹ của nhiều vị Bụt và nhiều vị Bồ tát. Đức Thích Ca, thầy của ta, cũng là con của đất. Cha ta, mẹ ta cũng là con của đất. Nhờ mẹ ta, ta nhận diện ra đất cũng là một bà Mẹ, một bà Mẹ lớn. Đất đưa mẹ ta ra đời, đưa ta ra đời qua mẹ ta; vì vậy đi trên mặt đất là ta tiếp xúc được với bà Mẹ đó và ta phải có hạnh phúc. Bà Mẹ này rất xinh đẹp. Trong Thái Dương hệ, đất là hành tinh đẹp nhất. Trái đất là vị Bồ tát xinh đẹp nhất trong các vị Bồ tát mà ta thấy, gọi là Bồ tát Thanh Lương Địa, một vịBồ tát vừa trong, vừa mát, vừa xinh đẹp. Vì vậy được bước đi trên địa cầu này là một hạnh phúc rất lớn.

Có những người dại dột xúi ta phải phát tâm nhàm chán trái đất này để cầu sinh sang một cõi nào đó không biết có thực hay không. Ta đừng nên nghe họ, ta phải quay về nương tựa nơi đất, ta phải quy y đất. Ta phải thương Đất Mẹ, mỗi bước chân ta biểu lộ tình thương đối với Đất Mẹ, và bước đi như vậy ta không thể không có hạnh phúc. Hạnh phúc là chuyện có thể có được.

Chúng ta phải tập nhìn địa cầu của ta không như một vật vô tri vô giác, địa cầu của ta là một sinh vật (living-being). Nhiều nhà khoa học, nhất là các nhà sinh vật học như Thomas Lewis, thấy rằng trái đất là một sinh vật. Ông viết một cuốn sách với tựa đề “The Lives of a Cell“ (Sự sống của một tế bào), ông xem trái đất như một tế bào của vũ trụ, một tế bào rất xinh đẹp trong đó có rất nhiều sự sống, rất nhiều mầu nhiệm.

Khi nhìn trái đất, chúng ta thấy trái đất là một hành (formation), tại vì trái đất được làm bằng những yếu tố trong vũ trụ trong đó có Mặt trời và các vì sao. Các vì sao đã gửi tới trái đất rất nhiều yếu tố. Nhìn vào bông hoa ta thấy bông hoa được làm bằng nhiều yếu tố, bông hoa là một hành. Ta thấy cả vũ trụ trong một bông hoa, trong đó có mặt trời, có trái đất. Trái đất cũng là một bông hoa rất xinh đẹp, ta thấy trong trái đất sự có mặt của toàn vũ trụ (the whole cosmos in the Earth).

Nhìn vào ta, ta thấy Đất Mẹ ở trong ta. Ta đừng tưởng Đất Mẹ ở ngoài ta. Ta mang Đất Mẹ trong ta. Mẹ sinh ra ta ở trong ta và trái đất, mẹ của mẹ ta cũng ở trong ta. Ta đừng tưởng trái đất ở ngoài ta, trái đất cũng ở trong ta. Những người có gốc Cơ Đốc giáo biết rằng trong Thánh Kinh cũng có những câu như vậy. Chính Chúa Jésus đã nói: I am my father, my father is in me. (Tôi là cha tôi, cha tôi có trong tôi). Đó là giáo lý tương tức rất gầnvới đạo Bụt.

Trong trái đất có cả vũ trụ. Nhìn vào trong hình hài của mình, ta thấy Đất Mẹ, nghĩa là có đủ cả vũ trụ trong ta. Đó là tuệ giác. Trong khóa tu cho người Việt ở Washington, có người hỏi:

– Chúng con tu theo Tịnh độ. Khi niệm Bụt A Di Đà chúng con biết khi chết chúng con sẽ về đâu. Tăng thân Làng Mai tu chỉ biết thở ra thở vô, không biết mai mốt chết rồi sẽ đi về đâu? Các thầy, các sư cô trả lời như thế nào?

Có một điều rất rõ ràng là: ta được biểu hiện ra từ trái đất thì ta sẽ về với trái đất. Đất Mẹ đưa ta ra một lần thì Đất Mẹ đón ta trở về, rồi ta sẽ đi-về hàng nghìn lần như vậy, ta có chỗ về rõ ràng. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta chối bỏ giáo lý Tịnh độ. Tịnh độ không phải là cái gì mơ hồ, chỉ có ở nơi khác hay trong tương lai. Tịnh độ có mặt trong giây phút hiện tại. Trong mỗi hơi thở vào và hơi thở ra, ta trở về tiếp xúc với giây phút hiện tại ngay bây giờ, tại vì Đất Mẹ là một Tịnh độ. Đức Thích Ca là con của Đất Mẹ, Đức Thích Ca nhận đây là quê hương, “xin nhận nơi này là quê hương”. Là học trò của Đức Thích Ca, không lý chúng ta lại đi tìm một chỗ nào khác? Tại sao ta không nhận quê hương của thầy mình là quê hương của mình mà lại đi tìm một chỗ nào khác chưa chắc đã có thật? Chỗ này đang có thật, đang là một hiện thực rất mầu nhiệm. Đi vào thiền đường, chúng ta đi bằng những bước chân có cái thấy đó, có hạnh phúc và có tình thương đó.

Tâm Tình Với Đất Mẹ

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here