Sophie Amundsen sắp tròn mười lăm tuổi khi được một người lạ mặt đội mũ nồi xanh tiết lộ cô đang sống trên mình một con thỏ trắng lấy ra từ chiếc mũ chóp cao. Và thế là khởi đầu một hành trình sửng sốt ngược dòng lịch sử, thỉnh vấn những “triết gia hàng hiên”, “triết gia hoa viên”, “triết gia thùng gỗ”… hòng giải đáp một nỗi băn khoăn đã ba ngàn năm tuổi song cũng nhanh chóng quên vào điều bí ẩn về chính sự tồn tại của cô.

Chẳng ai ngờ cuốn sách triết nhập môn cho thiếu niên của một thầy giáo Nauy lại trở thành “Cuốn sách bán chạy nhất hành tinh” năm 1995, giành được vô số giải thưởng danh giá trên toàn cầu, rồi được công nhận là một trước tác kinh điển. Thế giới của Sophie đến nay vẫn tiếp tục chinh phục những người đọc trẻ cũng như không còn trẻ nữa. Hàng chục triệu độc giả đã sững sờ thú vị khi thấy mình lại có thể bị hớp hồn vì một thứ nghe khô khan và khó nhằn như “triết học”! Bởi có ai lại không bị mê hoặc khi nhận ra mình cũng dự phần nào vào câu đố ba ngàn năm?

Còn bạn?

Trích đoạn sách hay

… người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết…

Sophie mặc một chiếc váy mùa hè rồi vội vã xuống bếp. Mẹ cô đang đứng cạnh bàn bếp. Sophie quyết định không đã động gì đến chiếc khăn lụa.

“Mẹ đã mang báo vào chưa ạ?” Cô hỏi.

Mẹ cô quay lại.

“Con lấy cho mẹ nhé!”

Sophie chạy ào ra cửa, chạy đến chỗ hộp thư.

Chỉ toàn báo. Có lẽ còn quá sớm để nhận được thư trả lời. Trên trang nhất, cô đọc thấy tin về quân đội Na Uy trong lực lượng của Liên hợp quốc ở Lebanon.

Lực lượng của Liên hợp quốc… có phải đó là dấu bưu điện trên tấm bưu thiếp của bố Hilde? Nhưng tem lại là tem Na Uy. Có lẽ quân đội Na Uy đã đem theo cả bưu điện của mình.

“Bây giờ con lại quan tâm đến báo chí cơ đấy!” mẹ cô nói một cách tỉnh bơ khi cô quay vào bếp.

May mà trong bữa sáng và suốt ngày hôm đó, mẹ cô không nói gì thêm về chuyện thư từ nữa. Khi mẹ đi chợ, Sophie chui vào hốc, mang theo lá thư về Số mệnh. Cô ngạc nhiên nhìn thấy một chiếc phong bì nhỏ màu trắng bên cạnh cái hộp thiếc đựng các lá thư khác của nhà triết học. Sophie dám chắc mình không đặt nó ở đó.

Chiếc phong bì cũng bị ẩm quanh mép. Và nó có mấy lỗ nhỏ như cái cô nhận được hôm trước.

Nhà triết học đã đến đây chăng? Ông ta biết về chỗ trốn bí mật của cô sao? Tại sao chiếc phong bì bị ẩm?

Tất cả những câu hỏi đó làm cô chóng mặt. Cô bóc thư và đọc.

Sophie thân mến, tôi đã rất thích thú khi đọc lá thư của em. Rất tiếc là tôi phải làm em thất vọng vì tôi không thể nhận lời mời. một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp mặt, nhưng có lẽ sẽ còn lâu trước khi tôi có thể thân hành đến Khúc ngoặt của Thuyền trưởng.

Tôi phải nói thêm rằng từ nay tôi sẽ không thể trực tiếp mang thư đến. Về lâu dài sẽ rất rủi ro. Những lá thư sau sẽ được liên lạc viên bé nhỏ của tôi đem đến. Ngoài ra, chúng sẽ được mang thẳng đến nơi bí mật trong vườn.

Em có thể tiếp tục liên hệ với tôi khi cần. Khi đó, em đặt một chiếc phong bì hồng tại đó với một chiếc bánh quy hay một mẩu đường bên trong. Nếu liên lạc viên bé nhỏ tìm thấy, lá thư sẽ được mang thẳng đến cho tôi.

TB. Thật không hay khi từ chối lời mời uống cà phê của một cô gái trẻ. Nhưng đôi khi cần phải làm như vậy.

TTB. Nếu em tình cờ tìm thấy một cái khăn lụa đỏ ở đâu đó, nhờ em giữ gìn cẩn thận. Đôi khi đồ đạc cá nhân bị lẫn lộn, đặc biệt trong trường học và những nơi tương tự. Và đây là một trường triết học.

Thân mến, Alberto Knox.

Sophie đã sống gần trọn 15 năm và đã nhận được khá nhiều thư, ít ra là vào kỳ Giáng sinh hay trong dịp sinh nhật. Nhưng đây là lá thư kỳ cục nhất mà cô từng nhận được.

Nó không có tem bưu điện, không được đặt vào hộp thư mà được đem thẳng đến nơi tối mật của Sophie trong bờ giậu cũ. Chuyện nó bị ẩm giữa thời tiết mùa xuân khô ráo cũng bí ẩn chẳng kém.

Điều kỳ lạ nhất tất nhiên là chiếc khăn lụa. Chắc hẳn nhà triết học còn có một học trò khác. Học trò đó đã đánh mất một chiếc khăn lụa đỏ. Đúng. Nhưng làm thế nào mà cô ta lại để mất nó dưới gầm giường của Sophie?

Còn Alberto Knox… tên gì nghe kỳ cục!

Có một điều đã được khẳng định: mối liên hệ giữa nhà triết học và Hilde Møller Knag. Nhưng còn chuyện chính bố của Hilde mà lại nhầm lẫn địa chỉ hai người thì hoàn toàn không thể hiểu được.

Sophie ngồi suy nghĩ hồi lâu về chuyện Hilder có thể liên quan đến cô như thế nào. Cuối cùng, cô bỏ cuộc. Nhà triết học đã viết rằng một ngày nào đó cô sẽ gặp ông. Có thể cô cũng sẽ gặp cả Hilde.

Cô lật lá thư và thấy mặt sau cũng có chữ:

Có sự thẹn thùng tự nhiên hay không?

Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết.

Sự thấu hiểu đến từ bên trong.

Người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng.

Sophie hiểu những câu ngắn trong chiếc phong bì trắng có dụng ý để cô chuẩn bị cho chiếc phong bì to sẽ đến sau đó. Cô bỗng này ra một ý tưởng. Nếu “liên lạc viên” đến cái hốc để giao bức thư màu nâu, Sophie chỉ cần ngồi đợi anh ta. Hay đó là con gái? Cô nhất định sẽ giữ lấy người đó cho đến khi cậu ta chịu kể cho cô nghe về nhà triết học! Lá thư viết: “liên lạc viên nhỏ bé”. Đó là một đứa bé chăng?

“Có sự thẹn thùng tự nhiên không?”

Sophie hiểu “thẹn thùng” có nghĩa là sự xấu hổ, chẳng hạn vì bị người khác nhìn thấy trong tình trạng không quần áo. Nhưng xấu hổ về chuyện đó có phải là cảm giác tự nhiên không? Nếu cái gì đó là tự nhiên thì nó phải giống nhau đối với tất cả mọi người, Sophie nghĩ. Ở nhiều vùng trên thế giới, khỏa thân là một điều hoàn toàn tự nhiên. Do vậy, chắc hẳn xã hội là cái quyết định ta có thể làm gì và không thể làm gì. Khi bà còn trẻ, chắn chắn người ta không thể để ngực trần tắm nắng. Nhưng ngày nay, đo số mọi người cho rằng như thế là “tự nhiên”, tuy điều đó vẫn bị cấm ngặt ở nhiều nước. đây có phải là triết học không nhỉ? Sophie tự hỏi.

Câu tiếp theo là: “Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết”.

Uyên bác hơn ai? Nếu nhà triết học muốn nói rằng người hiểu rằng mình không biết tất cả mọi thứ trên đời uyên bác hơn người nào chỉ biết chút ít nhưng lại tưởng rằng mình biết rất nhiều – à thì chẳng khó gì mà không đồng ý. Trước kia, Sophie chưa bao giờ suy nghĩ đến điều này. Nhưng càng nghĩ, cô càng thấy rõ ràng rằng biết rằng mình không biết cũng chỉ là một loại kiến thức. điều ngu ngốc nhất mà cô từng biết đó là khi người ta làm như thể mình biết tất cả về những điều mà họ hoàn toàn chẳng biết tí gì.

Câu tiếp theo nói rằng sự thấu hiểu đến từ bên trong. Nhưng chẳng phải mọi kiến thức đều đi vào đầu ta từ bên ngoài sao? Mặt khác, Sophie có thể nhớ những khi mẹ cô hoặc các thầy cô giáo ở trường cố gắng dạy cô điều gì đó mà cô không thấm được. Và mỗi khi cô thực sự học được điều gì khi chính cô đã tham gia vào nó theo một nghĩa nào đó. Thậm chí, thỉnh thoảng cô bất chợt hiểu ra một điều mà trước đó cô hoàn toàn mờ tịt. có thể đó là cái mà người ta gọi là “sự thấu hiểu” từ bên trong.

Từ đầu đến giờ đều ổn cả. Sophie cho rằng cô đã hoàn thành khá tốt ba câu hỏi đầu tiên. Nhưng câu còn lại thì kỳ cục đến mức cô không nhịn được cười: “người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng.”

Có phải như thế có nghĩa rằng khi một tên cướp vào cướp nhà băng thì đó là do hiểu biết của hắn chỉ được đến thế? Sophie không cho là vậy.

Ngược lại, cô nghĩ rằng cả trẻ con lẫn người lớn đều làm những việc ngu ngốc mà sau đó họ có thể sẽ hối hận chính là vì họ đã làm dù biết như vậy là không đúng.

Trong khi ngồi suy nghĩ, cô nghe thấy tiếng sột soạt trong bụi cây khô ở phía bờ giậu gần rừng. Đó là người đưa tin chăng? Tim cô bắt đầu đập rộn lên. Nghe như có một con thú đang đến gần, nó đang thở hổn hển.

Lát sau, một con chó to nòi Labrador sục vào hốc. nó thả chiếc phong bì to màu nâu đang ngậm trong mõm xuống chân Sophie. Tất cả xảy ra nhanh đến nỗi Sophie không kịp phản ứng. Một giây sau, cô ngồi với chiếc phong bì trên tay, còn con Labrador màu vàng đã phong về phía khu rừng.

Khi tất cả đã qua, cô òa khóc.

Cô ngồi như vậy một lúc lâu, mất hết khái niệm về thời gian.

Rồi cô chợt ngẩng lên.

Vậy ra đó là liên lạc viên quý hóa của ông ta! Sophie thở phào nhẹ nhõm. Tất nhiên, vì vậy mà phong bì bị ẩm quanh mép và có những cái lỗ nhỏ. Tại sao cô lại không nghĩ ra nhỉ? Bây giờ, thật dễ hiểu về chuyện bỏ một chiếc bánh quy hay một mẩu đường vào phong bì khi cô muốn gửi thư cho nhà triết học.

Không phải lúc nào cô cũng có thể thông minh được như cô muốn, nhưng ai mà đoán được liên lạc viên lại là một chú chó cơ chứ! Nói một cách nhẹ nhàng thì chuyện này hơi khác thường. Cô từ bỏ ý định ép liên lạc viên tiết lộ thông tin về chỗ ở của Alberto.

Sophie bóc chiếc phong bì to và bắt đầu đọc.

Triết học thành Athens

Sophie thân mến! Khi đọc bức thư này, có lẽ em đã gặp Hermes. Nếu chưa, tôi xin nói thêm rằng đó là một chú chó. Đừng lo, nó rất hiền và hơn nữa còn thông minh hơn khá nhiều người. Trong bất cứ trường hợp nào, nó không bao giờ ra vẻ khôn ngoan hơn là nó vốn có.

Có lẽ em cũng thấy rằng tên của nó không phải không có ý nghĩa.

Trong thần thoại Hy Lạp, Hermes là người đưa tin của các vị thần. Đây còn là vị thần của những người đi biển, nhưng ta không quan tâm đến chuyện đó, ít nhất là bây giờ. Điều quan trọng hơn là tên của Hermes được dùng trong từ “hermetic”, nghĩa là bị che giấu hay không tới được. Không phải là không thích hợp với cách Hermes giữ cho chúng ta giấu mặt đối với nhau.

Vậy là liên lạc viên đã được giới thiệu. Tất nhiên, chú ta hiểu khi nghe gọi tên và tóm lại là rất ngoan.

Nào, ta quay lại với triết học. Chúng ta đã hoàn thành phần đầu của khóa học. Ý tôi muốn nói đến các nhà triết học tự nhiên và sự đoạn tuyệt có tính chất quyết định của họ đối với bức tranh thần thoại về thế giới. Bây giờ ta sẽ gặp ba nhà triết học cổ điển vĩ đại: Socrates, Plato và Aristotle. Các triết gia này, mỗi người đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn minh châu Âu theo cách của mình.

Các nhà triết học tự nhiên còn được gọi là các triết gia tiền Socrates, vì họ sống trước thời của Socrates. Mặc dù Democritus chết sau Socrates vài năm, nhưng tất cả các tư tưởng của ông vẫn thuộc về triết học tự nhiên tiền Socrates. Socrates đại diện cho một thời kỳ mới về cả địa lý lẫn thời gian. Ông là người đầu tiên trong các nhà triết học vĩ đại sinh ra ở Athens, cả ông và hai người kế tục đều sống và làm việc ở đây. Em có lẽ còn nhớ là Anaxagonas cũng sống ở Athens một thời gian nhưng đã bị đuổi đi vì ông cho rằng Mặt Trời là một khối đá nóng đỏ. (Socrates cũng phải chịu số phận không hơn gì).

Từ thời của Socrates, Athens là trung tâm của văn hóa Hy Lạp. Cần lưu ý sự thay đổi về đặc điểm của chính các nghiên cứu triết học khi nó tiến triển từ triết học tự nhiên đến Socrates. Nhưng trước khi gặp Socrates, ta hãy nghe một chút về các Học giả – những người ngự trị trên sân khấu Athens thời Socrates.

Kéo màn, Sophie! Lịch sử của các tư tưởng cũng giống như một vở kịch nhiều màn.

Thế Giới Của Sophie

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here