Pascal nói: “Con người là một cọng sậy yếu đuối hơn hết trong mọi tạo vật. nhưng là một cọng sậy có tư tưởng. Có cần gì tất cả hoàn vũ hợp sức lại để tiêu diệt nó: Một hơi khí, một giọt nước cũng đủ giết chết nó rồi. Nhưng, nếu hoàn vũ nghiền nát nó đi, con người vẫn cao trọng hơn kẻ giết nó, bởi nó biết nó chết, còn thế lực của hoàn vũ đàn áp nó, hoàn vũ không biết gì hết… Tất cả phẩm giá của ta là nơi tư tưởng… Và nhất là tư tưởng cho đúng”.

Thật quả như thế. Con người sở dĩ khác vạn vật là nhờ nơi tư tưởng. Đừng nói chi đến chỗ phân biệt giữa người và vật làm gì, ngay giữa người và người, kẻ văn minh bản khai, kẻ trí thức người chậm hiểu cũng do nơi tư tưởng mà phân cao thấp.

Tập tư tưởng cho đúng, là điều cần thiết hơn nữa, là một phận sự khẩn cấp của tất cả những người hữu tâm đến danh dự làm người của mình, đến trách nhiệm của mình trong gia đình, trong quê hương, trong nhân loại. Làm cha mẹ mà tư tưởng sai, là hại cho cả một gia đình. Làm thầy mà tư tưởng sai, là hại cho cả nhóm học sinh. Làm chủ một nước mà tư tưởng sai, là hại cho cả một nước ấy.

Kẻ thiếu quan năng của tư tưởng là kẻ sống dưới quyền chỉ huy của dục vọng, của thói quen… sống như một con vật. Cho nên, đối với mình, tư tưởng là phương pháp duy nhất để tự giải thoát vậy.

Người ta thường bảo: Chân lý phải có một giá trị cụ thể và thực dụng. Đành thế, nhưng sự thực dụng của nó cũng không nên làm mục đích duy nhất đến thu hút tất cả tâm tư tình cảm của ta vào đó. Thường những thứ chân lý không có tính cách thực dụng lại càng thực dụng gấp đôi: khi người ta tìm nó với một tấm lòng thản nhiên vô tư lợi thì chân lý lại hiện ra một cách rõ ràng đúng đắn hơn. Con người thường bị tình cảm quyến rũ, lôi cuốn nên hay lẫn lộn sự thật với sự thật theo ý ta muốn. Sự ao ước thấy “chân lý của mình” được thực tiễn hóa, thường hay khiến cho nó bị thiên lệch đi. Một nhà tư tưởng có nói: “cần thiết là thấy được sự vật y như nó đã xảy ra, chớ không nên thấy nó theo như ý ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào”. Tình cảm mà để chen vào óc phán đoán, thì nhất định nó làm cho sự phán đoán của ta phải sai đi. Tình, nó có những lý lẽ riêng của nó mà lý không thể nào hiểu được. Bởi vậy, chân lý mà muốn cho nó được chân gần lý[1], cần phải được nhiều người chứng nhận để cho nó pha bớt cái “mùi” chủ quan đi. Tuy nhiên, đây cũng không phải là một nguyên tắc tuyệt đối, vì nếu phần đông suy nghĩ phán đoán theo dục vọng thì dẫu là của cả thiên hạ đều tán dương phụ họa vẫn là sai lầm. Trái lại, một chân lý mà cả thiên hạ đều khinh khi, chế nhạo vẫn là chân lý. Dầu sao, sự dò hỏi ý kiến kẻ khác, nhất là những ý kiến của những kẻ đối lập của ta, giúp cho ta rất nhiều trong khi tìm chân lý. Tư tưởng mà đi có một chiều, thật là nguy hiểm…

Học tư tưởng hầu như bây giờ không biết phải tìm kiếm nơi đâu. Tìm nơi sách vở báo chí chăng? Hiện thời tôi chưa thấy có sách nào nói đến một cách rõ ràng chu đáo. Phần nhiều là những sách giải trí hoặc những sách giúp ta về tài liệu để rộng thấy xa nghe, biết được nhiều chuyện xưa tích cũ, hoặc nghiên cứu tư tưởng của ông hiền này, ông thánh nọ… Tuyệt nhiên, chưa thấy có quyển nào bàn đến cái nền tảng tinh thần ấy cho vỡ vạc. Gốc có vững, sau này tha hồ muốn học gì thì học, như gấm thêu hoa, học lực của mình mới có thể tiến bộ một cách khả quan và chắc chắn được. Thiếu nó là một thiếu sót rất lớn vậy.

Sách này viết ra là để bồi bổ vào chỗ khuyết ấy. Chủ ý của tác giả là giúp cho thanh niên hiếu học một cơ sở cho tinh thần để cho các bạn còn đi xa hơn nữa. Tác giả không hề bao giờ có cao vọng là đã “nói được tiếng cuối cùng” của thuật tư tưởng. Tư tưởng là một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật, thì không thể truyền. Những điều có thể truyền được chỉ là một vài phương pháp đơn giản, nó chỉ là cái “cặn bã của cổ nhân” mà thôi, không phải tư tưởng để tìm Chân lý, cái Chân lý tuyệt đối của nhà triết học.

Đọc xong quyển này, các bạn sẽ thấy rằng, tư tưởng mà đúng đắn đâu phải chỉ là một vấn đề Trí dục mà thôi đâu; thật ra, là cả một vấn đề Thế dục và Đức dục nữa. Kẻ đau yếu, tật bệnh ít khi có được một phán đoán vững vàng; người mà tính tình bôn chôn, vụt chạc và đầy dục vọng làm gì suy nghĩ cho công minh.

Thế dục, Trí dục và Đức dục là ba cái chân vạc của người. “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người”. Được bấy nhiêu thôi, thì được gì nữa cũng là thừa. Mà thiếu một trong hai điều ấy, thì có được cái gì nữa cũng vẫn còn thiếu mãi.

Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN

Trích đoạn sách hay

1. Diễn dịch

Diễn dịch là gì? Là do một sự lý rộng mà suy cập đến các sự lý khác hẹp hơn để tìm một kết luận.

Tỷ như khi ta nói: Hễ là con người thời phải có khi lầm lẫn. Bởi vậy, các ông quan tòa cũng phải có khi lầm lẫn.

Như ta đã thấy ở chương trên, phán đoán là đem một việc hay một tư tưởng mới sắp đặt vào một khái niệm đã có biết trước. Đoán rằng: “Không khí nặng”, là đem không khí mà sắp vào loại đồ nặng mà ta biết trước. Phép luận theo diễn dịch cách thức nó cũng thế.

Diễn dịch là đem một trường hợp riêng mà loại vào một luật chung. Đó là lối sắp cái hẹp vào trong cái rộng hơn.

Như trên đây, nói rằng: “Hễ là con người thì phải có khi lầm lẫn”, đó là mình xem nó như một luật chung cho tất cả loài người. Còn nói đến “các quan tòa” đó chỉ là một trường hợp riêng trong cái luật chung ấy thôi.

Lối luận này, nếu đem nó ra sắp đặt lại cho ra vẻ của nó, thì phải phân ra làm ba chặng như sau đây:

1. Hễ là con người, thời phải có khi lầm lẫn;
2. Mà các quan tòa, là con người;
3. Bởi vậy, các ông ấy cũng phải có khi lầm lẫn.

Nhà luận lý học gọi cách dàn xếp này là “tam đoạn luận”. Cái lý của câu số hai và số ba đã nằm sẵn trong câu số một. Câu số một gọi là nguyên lý, câu số ba gọi là kết luận.

Phàm câu nguyên lý mà đúng với sự thật, thì câu kết luận cũng đúng với sự thật. Nếu đó mà định sai, thì câu kết cũng trật luôn. Tỷ như, nếu ta định cái nguyên lý sai như vầy:

1. Hễ là con người, thời không bao giờ chết;
2. Ông Xoài là người;
3. Bởi vậy, ông Xoài không bao giờ chết.[12]

Câu số một đã sai với sự thật rồi, thì câu kết cũng nhân đó mà sai mất.

Theo “tam đoạn luận” của phép diễn dịch, người ta không phải đi kiếm cái lý, vì lý đã có sẵn. Người ta chỉ “tháo” cái lý đó ra, bày nó ra cho rõ ràng mà thôi. Ăn thua cái nguyên lý của mình định kia trúng hay không mà thôi, chớ câu kết luận bao giờ cũng phải nằm ở trong nguyên lý đó, không thể thoát ra khỏi nó mà thay đổi bản chất được.

Theo phép của “tam đoạn luận”, thì nếu đã nhận đại tiền đề, tất nhiên cũng phải nhận kết luận, nghĩa là không được mâu thuẫn. Đã nhận cái lý này: “Hễ là con người đều phải có khi lầm lẫn”, thì không được phép không nhận câu kết luận, “các quan tòa cũng phải có khi lầm lẫn”. Vì câu kết luận phải nằm trong câu đại tiền đề. Muốn luận cho đúng theo phép “tam đoạn luận” thì phải cho “nhất khí quán hạ” mới được. Cho nên có sai, là tại nguyên lý của nó đã định sai, chớ không phải luận sai. Bởi vậy, muốn tránh sự lạc lầm, phải xem xét lại cho kỹ cái mối đầu của nó (đại tiền đề).

Diễn dịch dùng để mà chứng minh, hoặc để mà cắt nghĩa một việc gì.
a) Tỉ như một ông thầy kiện muốn chứng tỏ ra rằng thân chủ của mình vô tội trong vụ sát nhân. Ông vin vào cái nguyên lý này mà luật pháp công nhận là đúng: Giết người vì tự vệ là vô tội. Đặt ra một đại tiền đề như thế mà ai ai cũng phải nhận là phải. Bấy giờ ông chỉ còn tìm những bằng cớ để tỏ rằng thân chủ của ông chỉ vì tự vệ mà giết người chớ không phải là cố sát, để làm tiểu tiền đề. Thế là xong: Ông cứ ung dung mà kết luận: “Thân chủ tôi vô tội” thì không còn ai bắt bẻ được ông nữa.
b) Cắt nghĩa một việc gì thì trước tìm một cái luật chung mà ai ai cũng nhận là đúng, rồi chỉ cho thấy việc ấy ở trong cái luật đó. Tỷ như, muốn cắt nghĩa tại sao người kia uống thuốc độc chết, ông thầy thuốc tìm ra một cái luật chung, và luận như thế này:
Dầu nóng là một chất độc, uống vào thì chết ngay;
Mà người này, uống phải dầu nóng;
Thế nên, người ấy phải chết.

Trong đời sống hàng ngày trong khi bàn cãi hay bút chiến, người ta hay dùng những phép diễn dịch làm khí giới để chiến đấu rất đắc lực. Miễn là mình làm sao cho người ta nhận cái “đại tiền đề” (nguyên lý) của mình trước đi, thì người ấy đã ở trong tay mình rồi vậy. Thường những nguyên lý mình đưa ra đó, toàn là những chân lý thông thường, ai ai cũng dễ nhận. Đã là nhận rồi, thì họ không thoát khỏi kết luận mình, vì họ phải nhận luôn nó nữa, không thế thì họ tự mâu thuẫn với họ còn gì!

Mạnh Tử dường như rất sành cái lối luận này lắm. Trong chương Lương Huệ Vương sách Mạnh Tử có thuật câu chuyện như sau này:
Mạnh Tử hỏi Tề Tuyên Vương: “Giả sử có người bầy tôi của nhà vua đem y phục của vợ con ký thác cho người bạn thân, nhờ trông nom giúp, để sang chơi nước Sở có việc, mà kịp đến khi về mới biết bạn mình để cho vợ con đói rách, thì người ấy nên xử với bạn thế nào?”.
Vua nói: “Phải tuyệt giao”.
Mạnh Tử lại hỏi: “Giả sử có người làm quan sĩ sư không hay trông nom được thuộc viên, để cho hình ngục sai lầm, công việc phế khoáng, thì nhà vua nên xử như thế nào với viên quan ấy?”.
Vua nói: “Nên cách chức”.
Mạnh Tử nói: “Thế thời, làm vua một nước mà không lo sửa sang việc chính trị, giáo dục, để đến nỗi trong nước không được bình trị, thì trách nhiệm tại ai và nên xử trí như thế nào?”
Vua nghe nói, ngoảnh bên tả, bên hữu, nói lãng sang chuyện khác.
Tề Tuyên Vương đã vô tình thừa nhận cái đại tiền đề của Mạnh Tử đưa ra rồi, thì không thể nào thoát khỏi kết luận của ông. Bởi vậy, Tề Tuyên Vương phải bị “câm” miệng, không một lời biện bác gì nữa được.

Socrate, với cái tài hùng biện của ông, rất ưa dùng lối luận này để bài bác những ngụy luận của kẻ khác và làm cho họ phải “cụt lối”.
Thường thường, ông làm như vô tình đưa ra những đại tiền đề mà địch thủ phải nhận với một nụ cười khinh thị, vì nó rất tầm thường, hết sức tầm thường. Nhưng mà phải coi chừng. Đã một khi nhận nó rồi, thì số phận mất còn ở trong tay của ông rồi vậy.
Ngày kia Antiphon, bắt bẻ Socrate, gọi ông là người khùng vì ông không chịu nhận tiền dạy học của các đệ tử. Antiphon bảo: “Trí huệ không thể lấy tiền bạc mà trả được. Đành như vậy. Nhưng theo tôi, tôi buộc các đệ tử tôi phải trả tiền công cho tôi. Và nếu họ công bình biết rằng tiền bạc không đủ trả được công tôi, thì họ phải hoài niệm ân tôi hằng buổi nơi lòng mới phải. Ông là người có danh là Công Bình cớ sao ông lại để có sự bất công như thế?” Socrate không trả lời. Ông chỉ đem một đại đề rất đơn giản và dễ nhận, để nhử Antiphon vào rọ.
Ông hỏi: “Nếu có một người đàn bà kia, đem tình âu yếm mình mà bán cho kẻ khác, bắt người phải trả tiền. Người đàn bà ấy, Antiphon gọi là người gì?”
Antiphon: “Người ấy gọi là người gái đĩ, chớ còn gọi là người gì nữa. Nhưng mà ăn thua gì đến câu hỏi này với vấn đề kia tôi đã hỏi ông?”.
Socrate nói: “Có chứ! Có chứ! Này ông Antiphon, tình yêu và trí huệ là những bảo vật vô giá. Tôi nghĩ rằng, cái điều mà cô gái đĩ kia bán được, e không phải là tình yêu thật, mà là cái tình yêu giả. Một tay biện luận mà đem bán lời nói của mình được, tôi cũng e lời nói ấy là lời dối trá, không phải là trí huệ chân thật, kẻ thi thố ra cũng được sung sướng như người thụ hưởng có khi còn gấp bội phần là khác nữa”.
Antiphon giận đỏ mặt, nói: “Socrate, ông lại mắng tôi sao? Tôi đi đây, là vì tôi phải giữ mình cao thượng hơn ông, không thì tôi mắng ông lại mới đã giận của tôi cho”.

Lối dùng tam đoạn luận như thế, thật là khôn khéo. Kẻ nào vô ý bơ thờ, hay sa vào cái bẫy của kẻ nghịch, không phương gì ra khỏi.
Người ta nhân cái luận này, mà tạo ra một thể luận khác thay vì đem ra một, họ đưa hai đại tiền đề đối địch để nhử địch vào chỗ không thể trốn tránh được nữa. Nhà luận lý học gọi là Song Quan Luận.

Protagoras, nhà suy luận đại danh ở Abdere có dạy một anh học trò về khoa khẩu biện với một số bạc nhất định là bao nhiêu đó, nhưng hẹn rằng phân nửa số bạc trả trước, còn phân nửa kia thì sẽ trả sau khi anh học trò thắng được vụ kiện đầu tiên.
Anh đệ tử sau khi học thành tài, không gặp cơ hội nào để bào chữa cả, nên không chịu trả tiền cho thầy. Protagoras, tức mình đưa anh ta ra cửa công, và đòi phân nửa số tiền còn thiếu ấy. Ông viện lẽ như vầy: “Hoặc tòa xử tôi thắng hoặc tòa xử tôi thất trong vụ kiện này. Nhưng thế nào, tên học trò của tôi cũng phải trả số bạc nó còn thiếu. Nếu nó được kiện, thì theo lời giao ước, nó thắng vụ kiện đầu tiên, nó cũng phải trả cho tôi. Còn nếu nó thất, thì chiếu theo luật, tôi được kiện, nó cũng phải trả cho tôi”.
Anh đệ tử, cũng không vừa gì, cãi lại: “Nếu quan tòa xử tôi đặng, thì theo luật tòa, tôi không trả cho thầy đồng nào. Trái lại nếu tòa xử tôi thất, thì theo điều giao ước của chúng ta, tôi cũng không phải trả cho thầy đồng nào nữa”.
Dường như các quan tòa không biết phải xử lý cách nào nên đình lại cái án ấy một trăm năm sau sẽ xử.[13]
Câu chuyện trên đây là cái mẫu của lối Song Quan Luận.

Có một tên lính kia, gác đồn, để binh giặc vào cướp thành mà không cho binh lính trong thành hay, bị khép vào tội xử tử.
Quan toàn luận án như thế này:
Hoặc anh có mặt tại cửa thành;
Hoặc anh không có mặt tại cửa thành.
Nếu anh có mặt tại cửa thành, sao quân giặc vào thành mà không cho hay? Đó là làm phản. Anh phải bị xử tử.
Nhược bằng trong lúc đó anh không có mặt tại cửa thành, đó là anh bỏ phận sự tối trọng người ta đã giao phó cho anh. Anh cũng phải bị xử tử.
Hai cái đại tiền đề đưa ra đây, đều là để kết án anh lính. Anh không thể thoát tội xử tử.

Lắm khi lối luận này, người ta không đem ra để bắt kẻ nghịch, mà lại đưa ra để tự bắt mình.
Một nhà hiền triết khuyên ta:
“Khi nghe tiếng đồn xấu kẻ khác, ta nên tự hỏi như vầy: Ta không nên nghe những lời đồn đãi xấu xa của kẻ khác. Vì hai lẽ: Hoặc người bị nói xấu đây là ưng, hoặc người ấy bị oan. Nếu ưng, thì với sự phê bình của mình đây là thêm cho họ một sự đau đớn nữa, đó là ta thiếu lòng nhân. Nếu người ấy bị oan, thì lời phê bình của ta đây là lời phê bình bất công và phạm vào tội gièm pha. Bởi vậy, nghe lời nói xấu kẻ khác mà nghe theo và phê bình, thế nào ta cũng phạm một điều: Bất nhân hoặc bất công. Bất nhược ta đừng phê bình tới là xong”.

Đại tiền đề của phép luận song quan, có hai đối đích để chận địch thủ không cho thoát ra, cũng như nhà có cửa trước cửa sau; hễ chận hai cửa ấy, thì địch thủ phải chịu bó tay. Nhưng, cái nguy của song quan luận, là vì chỉ lo chận lại hai đầu, mà quên chỗ kẽ giữa. Cho nên lối luận này ít khi khả cứ được.

Thuật Tư Tưởng

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here