Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm kiếm bí mật ẩn giấu phía sau cái thế giới mà chúng ta cho là lẽ đương nhiên, tìm kiếm kẻ tội đồ khiến chúng ta đau khổ và tầm thường, tìm lại sức mạnh to lớn của bản thân mà chúng ta đã đánh mất.
Điều đáng buồn nhất của con người là không hiểu được tình trạng của bản thân có mối liên hệ gì với bản thân. Tìm lại cái tôi đã mất sẽ cùng bạn khám phá bí mật ẩn giấu đằng sau thế giới mà chúng ta nghĩ là đúng, tìm kiếm “kẻ cầm đầu” khiến chúng ta trở nên tầm thường và đau khổ, tìm lại sức mạnh to lớn từ bản thân mà chúng ta đã đánh mất.
Nếu bây giờ bạn cảm thấy rất vui vẻ, cuốn sách này sẽ giúp bạn nhận ra bạn có thật sự vui vẻ hay không.
Nếu bạn biết mình muốn gì, cuốn sách này sẽ khiến bạn nhìn rõ hơn, đó có phải là thứ mà bạn thật sự mong muốn hay không.
Nếu bạn biết mình thật sự muốn gì, cuốn sách này sẽ hướng dẫn làm thế nào để có được thứ bạn muốn.
Nếu bạn không vui vẻ, cũng không biết mình muốn gì, cuốn sách này sẽ chỉ ra con đường “huyết mạch” dẫn bạn đến với cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
Cuộc đời của chúng ta đi về đâu, dừng lại ở đâu, quyền quyết định nằm trong tay chúng ta. Hãy học cách thấu hiểu bản thân; Cùng khám phá bí quyết có được thành công và niềm vui thật sự.
Khi lật giở từng trang trong cuốn sách này, chúng ta sẽ phát hiện đằng sau những câu trả lời mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng lại ẩn chứa những sự thật không ngờ tới. Cuốn sách dành tặng cho những người đang cảm thấy mơ hồ, cùng bạn cứu vãn cuộc đời không vui vẻ!
Trích đoạn sách hay
KẺ ĂN MÀY NIỀM VUI GIẢ TẠO
| TRÒ CHƠI BẬP BÊNH
Trước khi vào chủ đề chính, trước tiên chúng ta hãy cùng đọc một tình huống thường gặp nhất trong cuộc sống. Trong tình huống này, nhu cầu sâu xa mà chúng ta biểu hiện khi trò chuyện với người khác đều giống nhau, đó chính là “tôi giỏi hơn anh”.
Qua những lời lẽ đầy ẩn ý trong cuộc trò chuyện dưới đây giữa Hùng và Lý, hãy xem khi trò chuyện với người khác, chúng ta thỏa mãn nhu cầu “tôi giỏi hơn anh” của mình như thế nào.
Hùng và Lý đã lâu không gặp nhau, gặp nhau, họ tay bắt mặt mừng, vồn vã thăm hỏi.
Hùng: “Dạo này thế nào?”
Lý: “Bận chết đi được, vì thế không có thời gian tụ tập với cậu. Cậu thế nào? Dạo này làm gì? (Tôi là một người có rất nhiều việc phải làm, thời gian của tôi rất quý giá, cuộc sống của tôi rất có ý nghĩa).
Hùng: “Mệt lắm! Gần đây vừa hoàn thành chuyến lưu diễn toàn quốc cùng một nhãn hiệu nổi tiếng.” (Tôi cũng không kém anh, có thể đi cùng nhãn hiệu nổi tiếng không phải là chuyện dễ dàng).
***
Hùng: “Mấy hôm trước đến sân vận động xem một buổi biểu diễn lớn, thật sự rất hoành tráng. Vé vào cửa vô cùng khó kiếm, vé của tôi là do một người bạn thân thông qua một kênh đặc biệt mới mua được. Lần sau cậu muốn xem biểu diễn gì thì cứ bảo tôi, tôi bảo bạn kiếm vé giúp cậu. Anh ta làm việc đâu ra đấy.” (Tôi có tầm nhìn xa hơn anh, tôi có nhiều bạn hơn anh, bạn của tôi rất lợi hại).
Lý: “À! Buổi biểu diễn ở sân vận động lần ấy á, có một đối tác làm ăn muốn mời tôi đi xem, nhưng tôi không thích ca sĩ ấy lắm. Khi nào có vé nhạc kịch hay, tôi sẽ cân nhắc” (Cảm ơn ý tốt của anh, cái này tôi cũng làm được, chỉ là không thích, hứng thú của tôi không giống anh).
***
Hùng: “Mùi vị cà phê ở quán này cũng được!” (Không phải là ngon nhất, tôi đã uống cà phê ngon hơn nhà hàng này).
Lý: “Tôi rất thích đến quán này uống cà phê. Họ có bí quyết pha chế riêng của mình, hơn nữa không gian khiến người ta cảm thấy rất ấm áp, vì thế mới hẹn cậu đến đây.” (Thế nào? Con mắt của tôi cũng được đấy chứ, tôi có đầu tư nghiên cứu về cà phê).
Hùng: “Tôi thường đến một quán cà phê của Ý, đó là quán cà phê ngon nhất thành phố, có thời gian tôi sẽ đưa cậu đến!” (Thế đã là gì, tôi đã đến quán ngon nhất rồi).
***
Khi chúng ta chú tâm cảm nhận cuộc sống, sẽ phát hiện, thì ra không phải chúng ta đang hưởng thụ cuộc sống của mình mà đang hưởng thụ cảm giác cuộc sống của mình tốt hơn người khác.Cho dù lời nói của chúng ta có biểu hiện như vậy không, thì đó vẫn là nhu cầu thật sự trong lòng mỗi chúng ta.
Cái tốt của chúng ta xây dựng trên cơ sở người khác không bằng mình, cái tốt của chúng ta dùng cái không tốt của người khác làm nền để thể hiện. Giống như khi Lý chứng minh trình độ thưởng thức của mình cao hơn Hùng, Lý có được cảm giác vượt trội khi so sánh với Hùng, còn Hùng thì tự cảm thấy kém hơn. Cảm giác vượt trội Lý tự thổi phồng lên khiến cảm thân có cảm giác đang đứng ở trên, còn cảm giác thấp kém của Hùng khiến bản thân tự thấy mình ở dưới người khác. Trong tình thế này, Hùng muốn đảo ngược tình thế trong lần gặp gỡ sau. Hùng thông qua chứng minh khẩu của mình về cà phê cao hơn Lý, từ đó đảo ngược lại cục diện ban đầu, khiến cái tôi thấp kém của mình lại được thổi phồng.
Cuộc sống hỗn độn của chúng ta giống như mọi người cùng nhau chơi trò bập bênh, lên lên xuống xuống, cả hai đều dùng đối phương để tìm kiếm giá trị của bản thân. Lúc nào chúng ta cũng muốn chứng minh mình mạnh hơn người khác, giỏi hơn người khác, tạo nên cảm giác vượt trội của bản thân trên cơ sở đối phương không bằng mình.
“Anh biết không? Anh hiểu không? Để tôi nói cho mà nghe…” Trong khi trò chuyện với người khác, nếu chúng ta hay nói những câu như thế này, hành động đó có nghĩa là tạo ra sự không cân xứng về thông tin, sản sinh trạng thái không cân bằng giữa cho và nhận. Chúng ta chứng minh bản thân biết nhiều hơn người khác, chính là muốn qua đó ám chỉ bản thân cao minh hơn người khác, ưu việt hơn người khác.
Về việc chứng minh bản thân giỏi hơn người khác, có thể nói chúng ta có rất nhiều mánh lới.
Khi người khác biết nhiều hơn chúng ta, lúc nào chúng ta cũng muốn bao biện đó chẳng qua chỉ là lý thuyết suông mà thôi, xa rời hiện thực, không thực tế, còn mình mặc dù không biết nhiều bằng đối phương nhưng vừa thực tế lại vừa chắc chắn.
Khi đối phương có nhiều hơn chúng ta, chúng ta sẽ giải thích điều đó là vì anh ta có ông bố tốt, anh ta chỉ nhất thời may mắn mà thôi, anh ta làm việc không từ một thủ đoạn nào, bên trong chưa chắc đã giàu có giống như bề ngoài.
Khi người khác khoe khoang có quan hệ với nhân vật quan trọng nào đó, chúng ta sẽ lại nói: “Thế thì có gì to tát, đó đâu phải là bố ruột anh ta, chẳng qua là ăn bữa cơm, chụp chung tấm ảnh, có gì to tát cơ chứ? Giả tạo.”
Khi người khác giỏi hơn chúng ta, chúng ta sẽ đánh giá người đó một cách tiêu cực, nhằm xua đi cảm giác bản thân kém hơn họ, nhanh chóng gạt bỏ xung đột nảy sinh trong lòng.
Khi chúng ta dựa dẫm vào việc thông qua việc phủ định, hạ thấp, đánh giá tiêu cực về người khác để có được cảm giác vượt trội thì bản thân sẽ bước vào sai lầm: phải để người khác không bằng mình thì chúng ta mới có thể sống vui vẻ và có ý nghĩa. Điều đó sẽ khiến chúng ta cảm thấy cái không tốt của bản thân là do người khác giỏi hơn mình gây ra. Như thế chúng ta sẽ rất dễ bị lời nói, hành vi của người khác khống chế. Chỉ cần chúng ta phát hiện trong lời nói, hành vi của người khác có một chút gì đó uy hiếp tới cảm giác vượt trội của chúng ta, chúng ta sẽ cố hết sức để đè bẹp họ, nếu không cảm giác vượt trội của chúng ta sẽ theo đó mà tàn lụi.
Lúc nào chúng ta cũng tìm cách để mình là kẻ chiếm thế thượng phong trong trò chơi bập bênh. Nhưng ai cũng muốn ở trên cao, vậy thì ai sẽ ở dưới đây? Trò chơi bập bênh mãi mãi là như thế, có một người lên cao thì chắc chắn phải có một người xuống thấp. Nhưng cuộc sống của chúng ta, cuộc đời của chúng ta là trò chơi bập bênh không bao giờ dừng lại.
Niềm vui giả tạo mà chúng ta có được trong trò chơi bập bênh với người khác là: Tôi giỏi hơn anh, tôi ưu việt hơn anh.
Nguồn: Internet