Tư duy đa chiều là một trong nhiều cuốn sách về kỹ năng tư duy sáng tạo của Edward de Bono. Cuốn sách tập trung vào hai câu hỏi chính:
1.TẠI SAO cần coi tư duy đa chiều như một kĩ năng không thể thiếu?
Theo đó, tác giả đưa ra sự đối sánh giữa tư duy đa chiều và tư duy chiều dọc thông thường trên các phương diện như tính chất, đặc trưng, cách vận hành của từng loại tư duy, mục đích,…
Qua đó, de Bono đi đến khẳng định rằng:
+ “Tư duy đa chiều không thay thế cho tư duy hàng dọc. Cả hai đều cần thiết và bổ sung cho nhau.”
+ “Tư duy da chiều nâng cao hiệu quả của tư duy hàng dọc. Tư duy hàng dọc phát triển những ý tưởng được tạo ra bởi tư duy đa chiều.”
Để có thể sử dụng, người đọc phải có cái nhìn tường tận về tư duy đa chiều. Vì thế, Bono đã chỉ ra bản chất cơ bản và vai trò của tư duy đa chiều. Một số điểm nổi bật của tư duy đa chiều:
+ Tư duy đa chiều liên quan đến việc phát triển những ý tưởng mới.
+ Giải phóng khỏi các ý tưởng cũ và kích thích các ý tưởng mới là hai mặt song song của tư duy đa chiều.
2.Thực hành tư duy đa chiều NHƯ THẾ NÀO để sáng tạo và tái cấu trúc cách nhìn sự vật?
Edward de Bono đã dành từng chương để nói về từng kỹ thuật thực hành tư duy đa chiều. Các kỹ thuật cơ bản như: tạo ra những lựa chọn thay thế; thách thức các giả định; trì hoãn đánh giá; thiết kế; tái cấu trúc mô hình sử dụng các kỹ thuật như phân tách, đảo ngược,…; suy luận loại suy; lựa chọn điểm thâm nhập và vùng chú ý; kích thích ngẫu nhiên; PO;…
Không chỉ miêu tả rõ ràng các kỹ thuật, Edward de Bono còn chỉ ra cách để tổ chức một lớp học thực hành tư duy đa chiều. Ông kì công đưa ra những tư liệu phục vụ cho việc thực hành, các hình thức tổ chức buổi học để giáo viên tham khảo.
Tuy tư duy đa chiều mới mẻ và trừu tượng với nhiều người, nhưng thông qua hệ thống ví dụ sử dụng hình ảnh trực quan, tư liệu ngôn ngữ gần gũi cùng những bài tập cuốn hút, de Bono đang dần khiến tư duy đa chiều trở thành một công cụ gần gũi với chúng ta ngày nay.
Trích đoạn sách hay
THÁCH THỨC CÁC GIẢ ĐỊNH
Chương trước đã đề cập đến việc tạo ra những cách lựa chọn thông qua việc kết hợp nhiều yếu tố với nhau. Đó là vấn đề tìm ra những cách khác nhau trong việc kết hợp A, B, C và D để tạo thành những mô hình mới. Chương này đề cập đến A, B, C, D và lợi ích của chính nó. Mỗi yếu tố tự bản thân nó đã là một mô hình mẫu được chấp nhận.
Mô hình là cách nhìn nhận hoặc diễn tả rập khuôn về sự vật, sự việc. Nhưng mô hình không chỉ diễn tả cách sắp xếp các ý tưởng mà còn nói đến bản thân ý tưởng đó. Thông thường những ý tưởng căn bản được xem là đúng đắn, sau đó khi sắp xếp lại, chúng lại tạo nên những mô hình khác nhau. Nhưng bản thân các ý tưởng căn bản đã là những mô hình và cần được cấu trúc lại. Mục đích của tư duy đa chiều là thách thức bất kỳ giả thiết nào để cấu trúc lại mô hình. Sự đồng thuận chung về một giả định không đảm bảo rằng giả định đó đúng. Đó chỉ là những giả định được sử dụng từ ngày này sang ngày khác mà không đánh giá lại tính đúng đắn.
Bên dưới là ba hình và yêu cầu sắp xếp chúng thành một khối thống nhất mà bạn có thể miêu tả dễ dàng. Khá khó khăn để tìm ra được cách sắp xếp. Thay vì cố gắng xếp những hình đã cho lại với nhau, ta có thể xem xét lại từng hình, và sau đó nhận thấy có thể chia hình vuông làm đôi. Khi đó, ta sẽ dễ dàng sắp xếp tất cả các hình đó lại thành một hình đơn giản. Suy luận loại suy này cho thấy rằng đôi khi không thể giải quyết vấn đề bằng cách cố gắng sắp xếp những cái đang có theo cách này hoặc cách khác, nhưng thay vào đó, ta nên kiểm tra lại chính những cái sẵn có.
21
Nếu bài toán trên thật sự là một vấn đề thực tế và đáp án như đã trình bày thì ngay lập tức sẽ có ý kiến cho rằng đây là một sự lừa đảo. Sự phản đối đó xuất phát từ giả định rằng những hình hiện tại không thể thay đổi. Điều đó cho thấy một người luôn sử dụng những giả định giới hạn hay rào cản nào đó.
Khi giải quyết vấn đề, ta thường giả định một vài giới hạn nhất định. Những giới hạn này giúp ta giải quyết vấn đề dễ dàng hơn bằng cách thu hẹp phạm vi giải quyết vấn đề. Nếu một ai đó đưa cho bạn một địa chỉ ở London, bạn sẽ khó tìm ra được địa chỉ đó. Nhưng nếu người đó nói với bạn rằng nó ở phía bắc của sông Thames thì việc đó sẽ dễ dàng hơn. Nếu người đó nói rằng nó chỉ trong khu vực đi bộ của giao lộ Piccadilly Circus thì việc tìm kiếm còn dễ hơn nữa. Vì thế khi giải quyết vấn đề, chúng ta cũng thường tự mình đặt ra những giới hạn để khám phá vấn đề đó. Nếu bất kỳ ai giải quyết vấn đề bên ngoài giới hạn đặt ra thì lập tức bị cho là đang lừa đảo. Những giới hạn đó thường do ta tự đặt ra. Hơn nữa, nền tảng của các giới hạn đó cũng không hề vững chắc, nó hiện hữu để đem lại sự thuận tiện. Nếu những giới hạn hay ranh giới này sai thì ta có thể không giải quyết được vấn đề, giống như bạn cứ tìm địa chỉ ở phía bắc của sông Thames trong khi nó nằm ở phía nam.
Vì không thể kiểm tra lại hết mọi thứ, nên ta thường phải nghiễm nhiên chấp nhận mọi thứ trong mọi hoàn cảnh, không chỉ là khi gặp vấn đề. Trong một buổi sáng muộn ngày thứ Bảy, tôi đang đi mua sắm thì gặp một người bán hoa đang ôm một bó cẩm chướng lớn. Anh ta bán với giá 10 xu – có vẻ là một giá hời. Tôi đoán rằng anh ấy muốn bán hết số hoa còn lại vì trời đã gần trưa. Tôi trả tiền, rồi anh ta lấy ra một bó hoa nhỏ khoảng bốn bông từ bó hoa lớn đó và đưa cho tôi. Đó chỉ là một bó hoa nhỏ được buộc bởi một đoạn dây. Tôi đã tham lam khi giả định rằng bó hoa 10 xu mà người bán hàng nói tới là toàn bộ số hoa trên tay anh ta.
Một ngôi nhà vừa được hoàn thành. Vào ngày mừng tân gia, một người phát hiện rằng mọi thứ đều có vẻ thấp hơn bình thường một chút. Trần thấp, cửa chính thấp, khung cửa sổ thấp. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cuối cùng một người đã phát hiện ra rằng ai đó đã làm hỏng cái thước đo mà người thợ xây sử dụng bằng cách cắt ngắn đi một đoạn ở đầu. Vì thế khi sử dụng thước đo, người thợ xây đã giả định rằng nó đúng và dùng nó để làm hệ quy chiếu.
Rượu lê sản xuất ở Thụy Sỹ có nguyên một trái lê trong bình rượu. Làm sao cho được trái lê vào trong đó? Nhiều người đoán rằng cổ bình được đóng lại sau khi đã đặt trái lê vào trong. Cũng có người cho rằng sau khi bỏ trái lê vào thì nhà sản xuất mới đóng đáy bình. Chúng ta thường giả định rằng người ta đặt nguyên một trái lê lớn như vậy vào trong bình ngay từ đầu nhưng thực tế, họ đã đặt một cành lê đang ra trái nhỏ vào trong chai qua cổ bình, và trái lê tiếp tục lớn lên trong đó tới khi trưởng thành. Nếu biết được điều này thì chắc hẳn chúng ta không thắc mắc gì về việc làm sao để đưa trái lê vào trong bình.
Khi thách thức những giả định, chúng ta thách thức tính cần thiết của giới hạn hay những ranh giới và thách thức sự chính xác của từng khái niệm. Tư duy đa chiều không đặt câu hỏi để tấn công các giả định hay đưa ra những lựa chọn tốt hơn. Nó chỉ đơn giản là tái cấu trúc các mô hình. Và chỉ ra rằng giả định là những mô hình thường trốn tránh quá trình tái cấu trúc.
Thực hành
1. Những vấn đề minh họa
Vấn đề 1
Một nhân viên trồng cây xanh được giao cho một bảng hướng dẫn cách trồng bốn cây sao cho khoảng cách giữa các cây phải bằng nhau. Bạn sẽ sắp xếp những cây này như thế nào?
Quy trình thông thường là cố gắng sắp xếp bốn chấm trên một tờ giấy sao khoảng cách mỗi chấm đến các chấm còn lại đều bằng nhau. Việc này là không thể. Vấn đề có vẻ như rơi vào bế tắc.
Sự bất khả thi đến từ giả định rằng bốn cái cây được trồng trên cùng một mặt phẳng. Nếu người trồng cây thách thức giả định này, người đó sẽ nhận ra rằng hoàn toàn có thể trồng cây theo cách đã yêu cầu. Một cây được trồng ở đỉnh đồi và ba cây còn lại trồng ở các sườn đồi. Theo cách này, các cây sẽ có khoảng cách đều nhau (trong thực tế đó là các góc của tứ diện). Một người khác cũng có thể giải quyết vấn đề bằng cách đặt một cây ở đáy của một cái hố và những cây khác trên miệng hố.
Vấn đề 2
Đây là một vấn đề không mới nhưng nó khiến cho những dấu chấm trở nên thú vị. Có chín dấu chấm được sắp xếp như ở trang sau. Hãy nối chín điểm trên bằng bốn đường thẳng liên tiếp nhau với một nét vẽ liên tục.
Thoạt đầu chúng ta có cảm giác vấn đề dễ giải quyết. Nhưng sau nhiều lần thử, chúng ta nhận thấy rằng luôn cần nhiều hơn bốn đường thẳng. Có vẻ khó lòng giải quyết được vấn đề này.
Chúng ta thường đặt giả định là các đường thẳng nối các điểm không được vượt ra ngoài phạm vi của các điểm này. Nếu loại bỏ giả định và vượt qua giới hạn đó thì việc giải quyết vấn đề sẽ dễ dàng.
22
Vấn đề 3
Một người đàn ông làm việc trong một tòa nhà cao tầng. Mỗi buổi sáng ông ta đều đi thang máy từ tầng trệt lên tầng mười, sau đó ra khỏi thang máy và đi bộ lên tầng mười lăm. Tới tối khi về, ông ta lại đón thang máy từ tầng mười lăm đi xuống tầng trệt. Vì sao người đàn ông đó lại hành động như vậy?
Có rất nhiều giải thích như sau:
1. Người đàn ông muốn tập thể dục.
2. Người đàn ông muốn nói chuyện với ai đó trên đường đi từ tầng mười đến tầng mười lăm.
3. Người đàn ông muốn ngắm cảnh khi anh ta đi bộ lên.
4. Người đàn ông muốn ai đó nghĩ rằng anh ta làm việc ở tầng mười. (Chắc hẳn nơi đó danh giá hơn.)
Trong thực tế anh ta làm vậy vì không có sự lựa chọn nào khác. Anh ta là một người lùn và không thể với cao hơn nút tầng 10 trong thang máy.
Chúng ta thường giả định rằng người đàn ông này là một người hoàn toàn bình thường và hành vi của anh ta không bình thường.
Chúng ta cũng có thể thu thập thêm những vấn đề khác tương tự về hành vi kỳ lạ, và tìm hiểu nguyên nhân thật sự phía sau hành vi đó. Mục tiêu của những câu đố loại này là nhằm chỉ ra rằng việc chấp nhận những giả định có thể dẫn đến những khó khăn hoặc bế tắc khi giải quyết vấn đề.
2. Những vấn đề hình hộp
Vấn đề
Lấy bốn đồ vật hình khối (có thể là hộp diêm, hộp ngũ cốc, sách, hoặc hộp bột giặt). Yêu cầu: Sắp xếp các hình hộp sao cho các hộp này tiếp xúc nhau. Hai hộp được gọi là tiếp xúc khi bất kỳ phần nào trên bề mặt chúng tiếp xúc nhau – không tính tiếp xúc ở cạnh và góc.
Những cách sắp xếp được nêu ra như sau:
1. Sắp xếp các hộp sao cho mỗi hộp tiếp chạm vào hai hộp khác.
2. Sắp xếp các hộp sao cho một hộp chạm một hộp khác, một hộp chạm hai hộp khác, và hộp còn lại chạm ba hộp kia.
3. Sắp xếp các hộp sao cho mỗi hộp tiếp xúc với ba hộp còn lại.
4. Sắp xếp các hộp sao cho mỗi hộp tiếp xúc với một hộp khác.
Các giải pháp
1. Có nhiều cách để làm việc này. Một số cách được trình bày ở trang 133. Đây là cách sắp xếp vòng tròn, khi đó mỗi hộp sẽ tiếp xúc với hai hộp khác bên cạnh – một đằng trước và một đằng sau.
2. Có một vài khó khăn khi giải quyết vấn đề này vì chúng ta giả định rằng các khối hộp phải được sắp xếp theo chuỗi như yêu cầu. Ví dụ hộp này tiếp xúc với một hộp khác, một hộp tiếp xúc hai hộp khác, một hộp tiếp xúc ba hộp khác. Tuy nhiên, nếu bắt đầu bằng cách làm một hộp tiếp xúc với ba hộp khác thì sau đó ta thay đổi dần để có được cách sắp xếp như được trình bày.
3. Một vài người cảm thấy khó khăn vì họ giả định rằng tất cả các khối hộp phải được đặt trên cùng một mặt phẳng. Ngay khi không mắc phải giả định đó và xếp các khối chồng lên nhau thì ta có được giải pháp thỏa mãn yêu cầu đặt ra.
4. Nhiều người cảm thấy khó khăn khi giải quyết vấn đề này. Chúng ta thường sắp xếp các khối hộp theo một đường thẳng. Cách này không đúng vì hộp cuối cùng chỉ tiếp xúc với một hộp khác, trong khi hộp ở giữa tiếp xúc tới hai hộp khác. Nhiều người nghĩ rằng không giải quyết được vấn đề này nhưng thực ra cách sắp xếp đúng rất đơn giản.
Nhận xét
Để giải quyết vấn đề chúng ta thường thử nhiều cách sắp xếp các khối hộp khác nhau. Nhưng điều đó không có lợi ích gì nếu ta không nghĩ đến việc cho hộp này tiếp xúc với hộp khác. Vì thế để thuận tiện, chúng ta giả định rằng các khối hộp tiếp xúc với nhau theo một cách nào đó (nghĩa là chỉ có một cách sắp xếp duy nhất). Giả định đó là giới hạn do người đó tự đặt ra, chính giả thiết này làm vấn đề trở nên khó giải quyết trong khi nó rất đơn giản.
Kỹ thuật “Tại sao?”
Đây là một trò chơi giúp chúng ta thực hành thách thức giả định. Chúng ta sử dụng kỹ thuật này một cách chủ ý. Kỹ thuật hỏi “Tại sao?” này rất giống với thói quen thường xuyên hỏi tại sao của trẻ nhỏ. Cái khác là chúng ta hỏi tại sao khi không biết câu trả lời, nhưng với kỹ thuật “Tại sao?”, ta đã biết câu trả lời. Phản ứng thông thường trước câu hỏi này là giải thích điều gì đó không quen thuộc theo cách khiến chúng trở nên quen thuộc để lý giải được chấp nhận. Trong kỹ thuật tại sao, các thuật ngữ quen thuộc này cũng bị đặt nghi vấn, không bỏ qua bất cứ điều gì.
Quá trình thực hiện tương đối khó. Theo khuynh hướng tự nhiên, chúng ta thường không đủ khả năng giải thích hoặc đi lòng vòng và lặp lại lời giải thích đã sử dụng trước đó. Một khuynh hướng rất tự nhiên nữa là trả lời “bởi vì” nếu gặp câu hỏi về một điều rất hiển nhiên. Bài tập này nhằm mục đích giúp ta tránh được cảm giác quá hiển nhiên với bất cứ vấn đề gì.
Giáo viên đưa ra những câu khẳng định và học viên hỏi “Tại sao?”. Giáo viên đưa ra một lời giải thích, sau đó học viên lại tiếp tục hỏi “Tại sao?”. Nếu quá trình chỉ lặp đi lặp lại tự động câu hỏi “Tại sao?” thì không cần đến bên thứ hai để đặt câu hỏi, vì học viên thường có thói quen không đặt giả định gì. Trong thực tế, câu hỏi “Tại sao?” không bao giờ lặp lại tự động mà thường liên quan đến một vài khía cạnh nào đó của lời giải thích trước đó. Câu hỏi “Tại sao?” có thể giúp điều chỉnh sự tập trung.
Các ví dụ
Tại sao những cái bảng màu đen?
Bởi vì nếu không như vậy con người sẽ không gọi nó là bảng đen.
Tại sao phải gọi nó như vậy?
Nó không có lý do.
Tại sao?
Bởi vì con người dùng nó để viết hoặc vẽ lên đó.
Tại sao?
Vì khi cần cho cả lớp nhìn thấy thì viết lên bảng sẽ dễ nhìn hơn.
Những câu hỏi phía trên có thể được đặt theo cách khác.
Tại sao những cái bảng màu đen?
Để viết phấn trắng lên đó cho dễ nhìn.
Vì sao bạn muốn xem những nét phấn trắng?
Hoặc
Tại sao phấn màu trắng?
Hoặc
Tại sao chúng ta sử dụng phấn trắng?
Hoặc
Tại sao không sử dụng phấn đen?
Trong những trường hợp này câu hỏi “Tại sao?” liên quan trực tiếp đến một khía cạnh nào đó của vật thể được nhắc đến trước đó và nó quyết định sự phát triển của câu hỏi. Giáo viên tất nhiên cũng có thể định hướng cho việc phát triển những câu hỏi thông qua cách trả lời câu hỏi.
Giáo viên trả lời hết khả năng của mình. Thỉnh thoảng giáo viên có thể nói: “Tôi không biết. Tại sao bạn nghĩ vậy?” Nếu học viên có thể trả lời câu hỏi thì sau đó vai trò sẽ đổi ngược lại: học viên trả lời câu hỏi tại sao và giáo viên sẽ đặt câu hỏi ngược lại với họ.
Một vài đề tài gợi ý cho phần này như sau:
– Tại sao bánh xe hình tròn?
– Tại sao ghế có bốn chân?
– Tại sao phần lớn các căn phòng đều hình vuông hoặc hình chữ nhật?
– Tại sao con gái mặc đồ khác với con trai?
– Tại sao chúng ta đi học?
– Tại sao con người có hai chân?
Mục đích của câu hỏi “Tại sao?” là để khơi gợi thông tin. Chúng ta thường cảm thấy dễ chịu khi tìm ra lời giải thích khiến ta thỏa mãn và có thể chấp nhận. Tư duy đa chiều sử dụng kỹ thuật đặt câu hỏi tại sao với mục đích ngược lại. Mục đích của nó là tạo ra sự khó chịu với bất kỳ lời giải thích nào. Bằng cách phủ nhận cảm giác dễ chịu với một lời giải thích, chúng ta sẽ cố gắng nhìn nhận sự việc theo một cách khác, và vì thế tạo ra những cơ hội để sắp xếp lại các mô hình.
Khi trả lời các câu hỏi, giáo viên không cần phải cố gắng đưa ra một lời giải thích duy nhất. Giáo viên có đưa ra những lựa chọn khi trả lời câu hỏi. Câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao bảng phải màu đen?” có thể là “Nó không nhất thiết là màu đen, nó có thể là màu xanh lá cây, xanh dương miễn sao là có thể sử dụng phấn trắng trên đó.” Quan điểm cho rằng cần có một lý do duy nhất và cần thiết đằng sau mọi vấn đề cần phải được loại bỏ. Trái ngược với những câu trả lời như:
– “Bảng màu đen vì màu đen là màu dễ nhìn thấy phấn trắng.”
– “Bảng đen vì nếu không ta sẽ không thấy gì viết trên đó.”
Ngay cả khi nó có một lý do thật sự mang tính lịch sử đằng sau sự việc nào đó thì giáo viên cũng không được suy nghĩ rằng lý do đó là đầy đủ. Giả sử rằng cái bảng màu đen vì trước khi có nó, con người đã sử dụng phấn trắng để viết. Về phương diện lịch sử, đây là một lý do chính xác để tấm bảng màu đen, nhưng lý do này không đủ. Cuối cùng, nó chỉ giải thích được lý do vì sao con người đã sử dụng bảng màu đen nhưng không giải thích được vì sao con người vẫn tiếp tục sử dụng nó. Một người có thể nói rằng: “Bảng có màu nguyên thủy là màu đen bởi vì chúng ta cần sử dụng một mặt phẳng để nhìn rõ nét phấn trắng. Chúng ta tiếp tục sử dụng màu đen vì ta hài lòng với nó.”
Tổng kết
Khi giải quyết các tình huống hoặc vấn đề, có nhiều thứ chúng ta phải chấp nhận như một sự tất yếu. Để tồn tại, con người liên tục đặt ra các giả định. Nhưng mỗi giả định này là một mô hình, chúng ta có thể sắp xếp lại chúng để sử dụng thông tin hiện có tốt hơn. Thêm vào đó, chúng ta không thể tái cấu trúc những mô hình phức tạp nếu không phá vỡ những giả định đã đặt ra. Ý tưởng ở đây là chúng ta có thể thách thức bất kỳ giả định nào. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta có thời gian để thách thức từng giả định trong mọi hoàn cảnh, không có gì là bất khả xâm phạm.
Ý tưởng này không khiến chúng ta cảm thấy đắn đo khi chấp nhận điều gì một cách nghiễm nhiên. Ngược lại, ta sẽ hiểu rõ hơn sự hữu dụng lớn lao của giả định và mô hình. Thực tế, ta có thể sử dụng các giả định và các mô hình một cách tự do hơn nếu ta biết rằng mình sẽ không bị phụ thuộc vào nó.
Nguồn: Internet