Trong cuộc sống chúng ta ai cũng có một uớc mơ cho một ngày mai thật đẹp, dù bình dị hay phi thường. Những ước mơ đáng quý, đáng trân trọng đó luôn là niềm hy vọng, là nguồn động lực và niềm tin lớn nhất cho mỗi người để sống, để cảm nhận và hướng đến ngày mai. Có ba điều chính yếu tạo nên một cuộc sống viên mãn, đó là niềm đam mê cháy bỏng, nỗ lực hết mình và mục đích cuối cùng. Thực tế đã chứng minh rằng không ai có thể duy trì được động lực của mình trong một thời gian dài mà không hiểu rõ ba khái niệm trên. Zig Ziglar, tác giả của cuốn sách Better Than Good – Vươn Đến Sự Hoàn Thiện cũng cho rằng không ai thụ hưởng một cuộc sống viên mãn mà không cần đến một động lực nào.
Dẫu trải qua bao đổi thay trên đường đời, Zig Ziglar vẫn luôn kiên định với điều mà ông gọi là sứ mệnh của mình: giúp đỡ người khác thực hiện ước mơ và theo đuổi mục đích sống tốt đẹp. Và Better Than Good được viết ra từ kinh nghiệm của hơn 50 năm bán hàng, làm diễn giả, tác giả và doanh nhân đẳng cấp thế giới của ông, sẽ giúp bạn biết cách chế ngự nỗi sợ hãi, quẳng đi nỗi lo âu và tâm lý thất bại để vươn đến một cuộc sống viên mãn, cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe và tâm hồn…
Cuốn sách giúp chúng ta biết cách kết nối ba yếu tố đam mê cháy bỏng, nỗ lực hết mình và mục đích tối thượng lại với nhau. Dù là trong các hoạt động thể thao, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, y học, giáo dục, phục vụ cộng đồng, thì không có người nào làm việc hết sức mình mà lại không mảy may có một chút đam mê. Trên bước đường vươn đến cuộc sống viên mãn, rất có thể bạn sẽ gặp thất bại, sẽ nản lòng thoái chí, bị lợi dụng, bị bạn bè chơi khăm, bị vắt kiệt cả tiền tài lẫn sức lực… Dường như lúc nào cũng có những nguyên nhân rất thuyết phục khiến chúng ta phải chùn bước và muốn buông bỏ. Những lúc như vậy, nếu không có niềm đam mê thực sự, có thể bạn sẽ bỏ cuộc nửa chừng. Đó chính là lý do tại sao niềm đam mê lại là điều tiên quyết cần có trong ba yếu tố kể trên.
Tiếp đến là sự nỗ lực hết mình. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào niềm đam mê, tính kiên nhẫn, lòng quyết tâm và thái độ sẵn sàng làm việc cho đến khi bạn có thể vận hành mọi cỗ máy một cách trơn tru, như ý. Nỗ lực hết mình thực sự chịu ảnh hưởng từ những yếu tố như thể chất, tinh thần, công việc và gia đình của bạn.
Yếu tố thứ ba – mục đích – chính là chìa khóa mở ra một cuộc sống viên mãn. Đây là một vấn đề không hề đơn giản chút nào. Do những rào cản từ phía gia đình, xã hội hay do khả năng tài chính hạn hẹp, có thể sẽ rất khó khăn nếu bạn muốn chuyển hướng và bắt tay vào thực hiện những điều mình hằng ấp ủ, mong muốn. Vâng, đúng là khó khăn thật đấy… nhưng đó không phải là việc bất khả thi. Và một điều chắc chắn rằng, nếu bạn thực sự đam mê một điều gì đó – và nếu bạn xem đó là sứ mệnh mà bạn phải hoàn thành – thì bạn sẽ làm được.
Với phần nội dung bàn luận sâu về mục đích – từ định nghĩa cho đến cách thức xác định mục đích. Và, mục đích có thể thay đổi cuộc đời chúng ta như thế nào? Phần III của quyển sách này – Mục đích của cuộc sống viên mãn – bạn sẽ khám phá ra những điều thú vị và độc đáo mà rất ít người quan tâm. Từ những chân giá trị và tầm quan trọng của việc xác định mục đích tối thượng của cuộc sống mà tác giả đã nhìn nhận được, ông chia sẻ với bạn đọc những ý niệm về nhân sinh, về cuộc đời. Từ đó, mỗi người có thể sống trọn vẹn với niềm đam mê, để nỗ lực hết mình và đạt được những gì mà bạn cho là mục đích của cuộc đời.
Trích đoạn sách hay
BIẾT NHÌN VÀO ƯU ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC
Nhiều năm về trước, một cuộc khảo sát được tiến hành trên 100 nhà triệu phú từ 21 đến 70 tuổi gồm mọi trình độ, từ tiểu học đến tiến sĩ, với đủ loại tính cách. Tất cả họ đều xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Phần lớn họ xuất thân từ các vùng, miền ít dân cư, điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên điểm giống nhau duy nhất ở họ là tất cả đều là những người luôn nhìn thấy ưu điểm của người khác dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Có một cậu bé, trong lúc tức giận, đã hét vào mặt mẹ mình rằng: “Con ghét mẹ!”. Sau đó có lẽ vì sợ bị đánh đòn nên cậu trốn ra đồng và hét thật to: “Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu!”. Ngay lập tức có tiếng vọng lại: “Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu!” . Nghe thấy thế cậu bé hoảng sợ co giò chạy một mạch về nhà mách mẹ rằng ngoài đồng có một đứa bé “dám” ghét cậu. Người mẹ không nói câu nào, cầm tay con ra đồng và bảo cậu hãy nói to: “Tớ yêu mến cậu, tớ yêu mến cậu”. Cậu bé làm theo lời mẹ và tức thì có tiếng vọng về: “Tớ yêu mến cậu, tớ yêu mến cậu”.
Cuộc đời cũng như một tiếng vọng. Bạn cho đi điều gì thì sẽ nhận lại điều ấy. Dù bạn là ai hay làm việc gì, nếu mong muốn hướng đến một thành công trọn vẹn thì hãy không ngừng tìm kiếm những điều tốt đẹp ở những người mà bạn gặp gỡ. Bạn hãy xem đó là một trong những nguyên tắc sống của mình. Việc nhìn nhận một người có giá trị một mặt tác động tích cực đến cách chúng ta đối xử với họ, mặt khác giúp họ tự tin và nỗ lực nhiều hơn trong việc thể hiện mình.
SỨC MẠNH CỦA LỜI KHEN NGỢI CHÂN THÀNH
Bạn nên tuyên dương, khen ngợi những điều tốt của những người xung quanh, bởi khi đó sức mạnh của lời nói mới phát huy tối đa tác dụng. Được sự hỗ trợ của thầy hiệu trưởng trường trung học Bay City bang Texas, Barry Tacker phát động một chương trình đánh giá những điểm tốt của học sinh trong trường, một điều mà các thầy cô ít khi để ý đến dù các em học sinh có rất nhiều hành vi và thái độ tích cực.
Sau khi năm học kết thúc, có đến hơn 500 em được đánh giá là tốt. Thầy Tacker cho biết việc đánh giá đó mang lại kết quả như sau:
HẸN BẠN TRÊN ĐỈNH THÀNH CÔNG
1- Các học sinh tốt được công nhận.
2- Học sinh biết rằng thầy cô cũng quan tâm đến những điều mình đã làm tốt, chứ không chỉ để ý đến những hành vi sai phạm.
3- Ban giám hiệu biết tên nhiều học sinh chứ không chỉ biết mặt.
4- Học sinh sẽ ngoan hơn vì các em thích được biểu dương, khen ngợi.
5- Thúc đẩy giáo viên quan tâm đến học sinh hơn.
Khi được mời lên văn phòng để nhận bằng khen, các em tỏ ra bối rối lo sợ không biết mình đã vi phạm điều gì chăng? Tuy nhiên, lần này chỉ có những tiếng cười và vỗ tay sau khi thầy Tacker biểu dương những thành tích của các em. Sự công nhận và lời khen chân thành, đúng lúc là biểu hiện của sự quan tâm và tạo ra động lực lớn để người khác tiến về phía trước.
Có lần, tôi tình cờ đọc được một câu chuyện về một cô bé năm tuổi có giọng hát mượt mà trong ca đoàn của một nhà thờ. Càng lớn cô hát càng hay và được nhiều nơi mời biểu diễn. Gia đình gởi cô đến một nhà luyện giọng bậc thầy để rèn luyện thêm. Sau một thời gian ngắn, cả hai đều tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của nhau và quyết định đi đến hôn nhân dù tuổi tác hai người khá chênh lệch. Sau đó, người chồng – người thầy vẫn tiếp tục luyện giọng cho người vợ học trò của mình nhưng mọi người bắt đầu nhận thấy giọng hát của cô không còn hay như trước nữa. Rồi chồng cô qua đời và cô từ bỏ nghiệp ca hát. Giọng hát ru hồn ngày nào của cô dần bị lãng quên. Cho đến một ngày, một chàng bán hàng trẻ tuổi tràn đầy sinh lực tỏ tình với cô. Cô cảm thấy yêu đời hơn, đôi lúc còn buột miệng ngân nga hát. Giọng hát tuy không hay như xưa nhưng đủ để làm anh chàng trẻ tuổi ngạc nhiên đến thán phục, chàng nói với nàng: “Tuyệt vời quá! Hát nữa đi em. Thật không có gì sánh được với giọng hát của em!”. Có lẽ lời khen ấy, và cả tình yêu của chàng, đã giúp nàng vượt qua đau buồn để tìm lại giọng hát làm say đắm lòng người của mình. Không biết về sau chàng và nàng có lấy nhau hay không nhưng kể từ đó nàng được vô số nơi mời biểu diễn trở lại và trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Và điều tôi muốn nói đến là lời khen của người bán hàng kia xuất phát từ sự chân thành và nó đã đánh thức một tài năng bị lãng quên.
Nguồn: Internet