Tác giả Brené Brown, nhà xã hội học lừng danh đã khơi dậy một cuộc luận đàm về giá trị của lòng can đảm, sự dám tổn thương và phẩm cách xứng đáng qua những tác phẩm nổi tiếng của cô. Chủ đề của cuốn sách tiếp theo này, Vươn lên từ thất bại, chính là gặt hái thành công sau những lần vấp ngã. Với nền tảng nghiên cứu sâu rộng – từ những nhà lãnh đạo của 500 công ty đứng đầu do Fortune bình chọn, các tướng lĩnh quân đội, họa sĩ, giáo viên, các bậc phụ huynh cho đến những cặp vợ chồng hạnh phúc sau nhiều năm chung sống Brené Brown – đã kể lại những câu chuyện về những người dũng cảm đón nhận thử thách, thất bại rồi lại can đảm vươn lên.

Chúng ta có thể rất đau lòng khi nghiệm lại những câu chuyện đau thương của chính mình. Nhưng chính quá trình tranh đấu, vật lộn với thất bại đó mới thử thách lòng can đảm và rèn giũa những phẩm chất tốt đẹp nơi ta. Bất kể hoàn cảnh có nghiệt ngã thế nào, quá trình vươn lên mạnh mẽ vẫn lặp lại trăm lần như một: nghiệm lại những gì chúng ta cảm nhận, nhìn thấu vấn đề cho đến khi hiểu được chân lý, rồi rèn luyện và tạo nên một sự thay đổi to lớn cho cuộc đời mình. Vươn lên từ thất bại chính là cách tu dưỡng sự toàn tâm toàn ý trong mọi việc, cũng như giúp chúng ta hiểu rõ bản thân mình.

Trích đoạn sách hay

Làm chủ câu chuyện của mình

Bản đồ không chỉ vạch ra, nó còn mở khóa và tạo nên ý nghĩa; nó làm nên những cây cầu nối chỗ này với chỗ kia, nối những ý tưởng tách rời mà chúng ta không hay biết rằng có liên kết với nhau.

— Reif Larsen

Tôi yêu những tấm bản đồ không phải vì chúng định ra các tuyến đường hay vạch ra đường đi lối lại, mà đơn giản là vì chúng đánh dấu những điểm dừng mà cuối cùng tôi sẽ ghé. Biết rằng những nơi đó tồn tại và có nhiều người ghé đến, dù bản thân chưa từng khám phá, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tôi.

Tôi đã vẽ bản đồ tiến trình vươn lên mạnh mẽ từ những câu chuyện và trải nghiệm của những người đã tìm được cách thức dấn thân hết mình khi tìm đường đi qua cuộc đấu tranh, cả đàn ông cũng như phụ nữ. Tiến trình này dạy cho chúng ta cách làm chủ câu chuyện vấp ngã, phạm sai lầm và đối mặt với đau thương của chính mình để có thể tích hợp chúng vào cuộc sống và viết nên những cái kết mới, liều lĩnh và can đảm hơn.

“Làm chủ câu chuyện của mình và yêu thương bản thân trong suốt tiến trình đó sẽ là điều can đảm nhất mà chúng ta thực hiện.” Tôi vẫn tin vào câu trích dẫn từ hai cuốn sách trước của mình – có lẽ tin hơn bao giờ hết. Nhưng tôi biết để làm chủ câu chuyện của mình, chỉ dũng cảm thôi là không đủ.

Chúng ta làm chủ những câu chuyện của mình để không phải sống cuộc đời bị hạn định hay chối bỏ chúng. Mặc dù hành trình này dài đằng đẵng và có lúc gian truân, song nó là con đường để ta sống hết mình hơn.

TIẾN TRÌNH VƯƠN LÊN MẠNH MẼ

Mục tiêu của tiến trình này là vươn lên sau vấp ngã, khắc phục sai lầm và đối mặt với đau thương theo cách sẽ giúp chúng ta hiểu biết hơn và sống hết mình hơn.

Phỏng định – Những người vươn lên mạnh mẽ là những người sẵn lòng và có khả năng phỏng định cảm xúc của mình. Trước hết, họ thừa nhận họ đang có một cảm giác nhất định – nút đã được bấm, họ đã bị mắc câu, có thứ gì đó đã được châm ngòi và cảm xúc của họ không còn cân bằng nữa. Sau đó, họ tò mò về những gì đã xảy ra và mối quan hệ giữa những gì họ cảm thấy với suy nghĩ và hành xử của họ. Nhập tâm vào tiến trình này là cách chúng ta bước vào câu chuyện.

Nhìn thấu – Những người vươn lên mạnh mẽ sẵn lòng và có thể nhìn thấu câu chuyện của mình. Khi dùng từ nhìn thấu, tôi muốn nói đến việc họ thành thật về những câu chuyện mà họ dựng lên về cuộc vật lộn của mình và sẵn lòng xem lại, đặt câu hỏi cũng như kiểm tra những câu chuyện này khi đào sâu vào các chủ đề như ranh giới, nỗi xấu hổ, sự trách móc, giận dỗi, đau khổ, hào phóng và tha thứ.

Nhìn thấu những chủ đề này và chuyển từ những phản ứng ban đầu sang những hiểu biết sâu hơn về suy nghĩ, cảm nhận và hành vi đưa đến những bài học chính yếu về con người đích thực của chúng ta và cách chúng ta ứng xử với người khác. Nhìn thấu là nơi sự hết mình được vun đắp và sự thay đổi bắt đầu.

Cách mạng – Không giống như thay đổi tiến triển vốn được tích lũy dần dà, thay đổi cách mạng làm biến đổi hoàn toàn suy nghĩ và niềm tin của chúng ta. Nhìn thấu câu chuyện và chấp nhận sự thật của mình để viết nên cái kết mới, can đảm hơn làm biến đổi con người chúng ta và cách chúng ta hành xử trong đời. Những người vươn lên mạnh mẽ, bất kể là đàn ông hay phụ nữ, đều tích hợp những bài học quan trọng nổi lên từ tiến trình vươn lên mạnh mẽ vào cách họ sống, yêu thương, dẫn dắt – lãnh đạo, nuôi dạy con cái và tham gia vào xã hội với tư cách một công dân. Điều này có ý nghĩa lớn lao không chỉ với cuộc sống của chính họ, mà còn với gia đình, tổ chức và cộng đồng mà họ thuộc về.

TÍCH HỢP

Nguyên gốc tiếng Latin của từ integrate (tích hợp) là integrare, có nghĩa là “làm thành thể trọn vẹn”. Tích hợp là cơ chế đưa chúng ta đi qua quá trình phỏng định, nhìn thấu và làm cách mạng, những quá trình nhằm mục đích làm cho chúng ta trở thành một thể trọn vẹn hơn. Những người tham dự đã nói về tầm quan trọng của việc cảm nhận được sự chân chính, đích thực và trọn vẹn, thay vì luôn phân tách cuộc sống hay che giấu những phần nhất định trong con người hay chỉnh sửa lại câu chuyện của mình. Những công cụ mà họ sử dụng để tích hợp câu chuyện vấp ngã cũng sẵn dùng với tất cả chúng ta vì chúng vốn dĩ thuộc về bản tính con người và là một phần trong tổng thể trọn vẹn của chúng ta: Kể chuyện và sáng tạo (chủ yếu là viết hoặc ghi chép về trải nghiệm cá nhân).

Tích hợp thông qua sáng tạo

Steve Jobs tin rằng “sáng tạo đơn giản là kết nối các chi tiết”. Ông tin rằng sự sáng tạo kết nối các trải nghiệm mà chúng ta có, tổng hợp chúng thành những điều mới mẻ. Ông cũng cho rằng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có thêm trải nghiệm hoặc dành thêm thời gian suy nghĩ về những trải nghiệm của mình. Tôi đồng ý với quan điểm này – đây chính là lý do tại sao sự sáng tạo lại là công cụ tích hợp có uy lực mạnh đến vậy. Sáng tạo là hành động tập trung chú ý đến trải nghiệm và kết nối chúng để hiểu thêm về bản thân và thế giới xung quanh. Ngoài việc dạy những khóa học sáng tạo và học hỏi từ quá trình đó, tôi còn may mắn được phỏng vấn hơn 100 cá nhân làm công việc sáng tạo trong nghiên cứu này. Không ai cho tôi biết về đoạn giữa khó khăn của các tiến trình và uy lực của công cụ tích hợp nhiều hơn họ.

Để phục vụ cho mục đích của mình, chúng ta cần viết một chút – không phải là kiểu viết trang trọng mà chỉ là ghi lại những lưu ý về trải nghiệm của bản thân. Tất nhiên, tôi rất hoan nghênh nếu bạn viết trau chuốt hơn, nhưng việc đó không cần thiết. Điều cốt yếu ở đây là bạn dành thời gian và sự chú ý cho các trải nghiệm của mình.

Trong những người kể chuyện chuyên nghiệp mà tôi phỏng vấn cho cuốn sách này, có Shonda Rhimes, người lập ra và điều hành ê-kíp sản xuất hai bộ phim truyền hình Grey’s Anatomy (tạm dịch: Ca phẫu thuật của Grey) và Scandal (tạm dịch: Bê bối), đồng thời là một trong những người kể chuyện tôi vô cùng mến mộ. Khi tôi hỏi chị về vai trò của đấu tranh khi kể chuyện, chị nói: “Tôi thậm chí còn không biết nhân vật là người thế nào cho đến khi thấy họ đối mặt với nghịch cảnh. Bất kể trên màn ảnh hay ngoài đời thực, đó là cách chúng ta biết một người là ai.”

Nếu tích hợp có nghĩa là “làm thành thể trọn vẹn” thì trái ngược với nó sẽ là làm đứt đoạn, chối bỏ, chia tách, tách rời, tháo rời hoặc phân tách. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta khi sống trong đời đã cảm thấy điều này. Điều trớ trêu là chúng ta nỗ lực gạt bỏ câu chuyện khó khăn của mình để tạo vẻ trọn vẹn hơn hoặc để dễ được chấp nhận hơn. Thế nhưng, sự trọn vẹn của chúng ta – thậm chí cả sự toàn tâm của chúng ta – thực ra lại phụ thuộc vào việc tích hợp tất cả các trải nghiệm, bao gồm cả những cú vấp ngã.

Vươn Lên Từ Thất Bại

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here